Các yếu tố quy định, chi phối đội ngũ trí thức Việt Nam trong lịch sử
Có bệ đỡ là nông nghiệp - nông thôn - nông dân
Trí thức Việt Nam, dù là trí thức Phật học, trí thức Nho học hay sau này là trí thức Tây học đều sinh ra và phát triển trong lòng một quốc gia - dân tộc mà nền tảng, bệ đỡ là nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Trong thời tiền cận đại, tất cả các quốc gia và các xã hội trên thế giới đều là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là nền nông nghiệp Việt Nam (và nông nghiệp ở các khu vực Đông Á và Đông Nam Á) cơ bản là nền nông nghiệp lúa nước, tương ứng với nó chính là xã hội và mô hình tổ chức nhà nước “thủy tính” (hydrolic states) như Karl August Wittfogel đã từng khái quát [1]. Xã hội, quốc gia dựa trên nền tảng nông nghiệp lúa nước như vậy luôn hướng tới sự ổn định, hài hòa, không khuyến khích, không có nhu cầu đối với sự thay đổi, nhất là những thay đổi lớn, có tính cấu trúc và thực tế cũng không có những sự thay đổi như vậy. Hai nhà trí thức Việt Nam thời cận đại đã nhận xét khá xác đáng như sau: “Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi, về hình thức cũng như về tinh thần (…). Từ đời này sang đời khác, đại khái chỉ có bấy nhiêu tập tục, ghét, vui, buồn, cơ hồ cũng nằm yên trong những khuôn khổ nhất định. Thời gian ở đây đã ngừng lại và người ta chỉ sống trong không gian” [2].
Một nền kinh tế “dĩ nông vi bản” và nền nông nghiệp lúa nước lại được tổ chức theo kiểu công xã, được bảo hộ bởi nhà nước quân chủ, thì khả năng tạo ra của cải thặng dư và tích lũy của cải thặng dư rất thấp. Không có của cải thặng dư thì không thể có một đội ngũ trí thức chuyên nghiệp, chỉ chuyên tâm vào lao động trí óc - lao động sáng tạo. Và do đó, mức độ sáng tạo, tầm vóc sáng tạo của đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam truyền thống là rất thấp - thấp vì xã hội không đặt ra nhu cầu cao, cấp bách đối với sự sáng tạo, vì xã hội không cần thay đổi. Vì xã hội không thay đổi, suốt cả nghìn năm tự giam hãm trong khuôn khổ của nền nông nghiệp lúa nước nên không thể tạo điều kiện cho sự thay đổi đáng kể nào về khoa học, kỹ thuật. Đây là yếu tố nền tảng nhất, quy định sự phát triển cũng như những đặc trưng khác của đội ngũ trí thức Việt Nam trong xã hội truyền thống và cả trong thời kỳ cận đại.
Nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền theo mô hình trọng dụng nhân tài
Trên thế giới, thường thì dưới các chế độ chuyên chế, nhân tài, trí thức rất hiếm khi được trọng dụng, bởi ở đó người cầm quyền có xu hướng cai trị bằng bạo lực, dùng vũ lực để áp đặt ý chí của mình cho toàn xã hội, bất chấp luật pháp và sự đồng thuận của dân chúng. Trái lại, ở phương Đông, nhất là ở Việt Nam, nhà nước quân chủ chuyên chế luôn phải dựa vào sự đồng thuận và ủng hộ của dân chúng để cai trị giang sơn.
Văn miếu Quốc tử giám - Biểu tượng của truyền thống trọng dụng nhân tài của các bậc minh quân thời phong kiến.
Trong mỗi triều đại quân chủ, để tập trung quyền lực vào tay nhà vua và hoàng tộc, nhà vua một mặt không chia sẻ thực quyền với các thành viên khác trong hoàng tộc (để tránh bị tranh giành ngôi báu), nhưng mặt khác lại muốn tạo ra một đội ngũ quan cai trị chuyên nghiệp, thế tục mà không thế tập, giúp vua cai trị, lãnh đạo đất nước. Đó chính là đội ngũ nhân tài, trí thức được đào tạo và tuyển chọn một cách rất bài bản, kỹ lưỡng. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là vì vậy, vừa giúp vua trị nước, vừa giúp vua an dân, tức là mang lại cuộc sống bình an, no ấm cho dân, để dân ủng hộ và đồng thuận với triều đình. Cho nên, sứ mệnh hàng đầu của đội ngũ trí thức Việt Nam là phò vua, giúp nước. Do đó, đối tượng của hoạt động “lao động trí óc” của họ là nghiên cứu mối quan hệ xã hội, giữa người với người, để “tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ”, chứ không phải là nghiên cứu để phát triển khoa học, kỹ thuật để phục vụ sản xuất và tạo ra những biến đổi lớn lao về kinh tế, xã hội.
Cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Bất kỳ ai nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều thừa nhận rằng, chống giặc ngoại xâm là một trong những nội dung chính của đời sống dân tộc Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, một trong những yêu cầu thường trực, to lớn luôn đặt ra cấp bách đối với toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, nhưng trước hết là đối với đội ngũ trí thức, nhân tài là tìm tòi, sáng tạo và thực thi tất cả những phương sách để bảo vệ sự tồn tại độc lập, tự chủ của quốc gia - dân tộc. Trước hết là phương thức cầm quân, chỉ huy chiến trận trong các cuộc kháng chiến hoặc khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó là những phương sách quy tụ nhân tâm, “mưu phạt công tâm” để đoàn kết dân tộc, đồng thời để làm nhụt chí, làm thất bại các âm mưu của kẻ thù. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, cũng là nguyên nhân chính khiến cho phần lớn những nhân tài, trí thức xuất sắc nhất trong lịch sử Việt Nam truyền thống đều là các nhân tài xuất hiện trong các lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao.
Chỉ số cao của di động xã hội theo chiều dọc
Có một sự khác biệt rất căn bản giữa lịch sử xã hội Việt Nam trong so sánh với lịch sử xã hội các nước phương Tây, Ấn Độ và một số nước khác là: trong xã hội Việt Nam, sự phân tầng, phân chia giai cấp là rất tương đối, không triệt để, tuy rằng sự phân hóa giàu nghèo, phân chia đẳng cấp và phân biệt thân phận (sang/hèn; tôn chủ/thần thuộc) là có tồn tại. Trí thức trong xã hội Việt Nam truyền thống cũng như trong xã hội hiện đại, vì vậy, có thể xuất thân từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, cho dù đó là trí thức Phật học, Nho học hay Tây học sau này. Vì vậy, họ không gắn bó riêng với một giai cấp hay giai tầng nào, trái lại họ tiêu biểu cho cơ hội thăng tiến xã hội, cho “di động xã hội theo chiều dọc” của toàn thể xã hội Việt Nam truyền thống.
Một số đặc tính của đội ngũ trí thức Việt Nam trong lịch sử
Bốn yếu tố nói trên quy định nên những đặc điểm chính (cả ưu điểm và nhược điểm) của đội ngũ trí thức Việt Nam và định vị vai trò, vị thế lịch sử của đội ngũ này.
Yêu nước
Yêu nước chính là đặc điểm bao trùm của các thế hệ trí thức Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tuy nhiên, yêu nước lại là một phạm trù rất không chặt chẽ về nội hàm. Yêu nước trong quan niệm của Phật giáo gắn liền với quan niệm từ bi, hỉ xả, vị tha, nhân ái, khoan hòa, khuyến thiện, trừng ác. Còn khi gắn với Nho giáo, thì yêu nước lại gắn bó với các phạm trù “trung quân” (trung quân ái quốc) và nhân nghĩa (việc nhân nghĩa cốt ở yên dân). Đến thời cận đại, yêu nước lại gắn với chủ nghĩa dân tộc (dân tộc độc lập), với tinh thần quốc gia, với yêu tự do, dân chủ. Nhưng dù khác biệt đến đâu thì yêu nước cũng gắn với ý chí, tinh thần tự tôn dân tộc, với ý thức về độc lập dân tộc, đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các nhân sỹ, trí thức yêu nước năm 1946.
Yêu nước, đối với dân tộc Việt Nam và trí thức Việt Nam luôn luôn được nhận thức là giá trị gốc, cốt lõi, tích cực của con người, quốc gia, dân tộc Việt Nam, nhưng không phải không có những mặt trái, hạn chế, khi nó gắn với những tôn giáo, học thuyết và ở trong những thời đại lịch sử cụ thể. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam và ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng vậy, bao giờ cũng tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa địa phương cục bộ và những kỳ thị tôn giáo hoặc kỳ thị xã hội. Người ta có thể yêu nước theo những quan niệm và cách thức khác nhau, nhưng điều căn cốt nhất là không được làm tổn hại đến chủ quyền, danh dự, sự thống nhất dân tộc và không được trái với lợi ích của quốc gia.
Có tinh thần trách nhiệm cao đối với nước, với dân
Người trí thức xưa thường tự dặn dò nhau “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, nghĩa là đối với sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước thì ngay cả những kẻ “thất phu” cũng có phần trách nhiệm, huống hồ là những bậc trượng phu, quân tử. Trí thức Phật giáo thì tự dặn mình: tu luyện là để cứu đời, giúp người, phổ độ chúng sinh, chứ đâu phải chỉ để cầu mong sự giải thoát cho riêng mình. Cho nên, Phật giáo và trí thức Phật giáo Việt Nam, dù theo tông phái nào, cũng đều là Phật giáo nhập thế. Trí thức Nho học phần lớn cũng là trí thức dấn thân, “dùi mài kinh sử” không phải chỉ mong “sáng đạo Thánh hiền” mà “tu thân, tề gia”, là để “trị quốc, bình thiên hạ”, phò vua, giúp nước, an dân. Những kẻ sỹ “giá áo, túi cơm”, “mũ ni che tai” hay “sinh đồ ba quan”, “dài lưng tốn vải” không phải không có, nhưng là những kẻ đời nào cũng bị lên án. Đến thời cận đại, các lớp trí thức Tây học cũng đều là những lớp trí thức dấn thân. Họ chính là những người dấn thân tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo những cách khác nhau. Họ cũng dấn thân để tìm tòi, khám phá những tư tưởng mới, văn chương, nghệ thuật mới, dấn thân vào vận động người dân học chữ quốc ngữ, bài trừ hủ tục, hướng từng bước tới cuộc vận động giải phóng con người, giải phóng xã hội. Những kẻ rắp tâm làm tay sai cho giặc, vong bản, lạc loài cũng bị phê phán, đả kích bằng nhiều hình thức khác nhau.
Không có “trí thức chuyên nghiệp”
Trí thức chuyên nghiệp là những cá nhân hay nhóm trí thức dành toàn bộ thời gian, trí tuệ, sức lực vào “lao động trí óc”, tìm tòi, sáng tạo, không làm hay không theo đuổi bất cứ nghề nghiệp nào khác. Xét trong lịch sử Việt Nam, phần lớn trí thức kiêm nhiệm thêm vai trò của tu sĩ, quan lại hoặc đồng thời phải làm những nghề nghiệp khác để kiếm sống hoặc làm giàu. Chỉ có rất ít người hoặc làm “môn hạ” của những nhà giàu, nhà quyền quý, hoặc là những Nho sinh, những ông đồ dạy Nho học, hoặc những hưu quan khi đã trí sĩ về quê. Những người này có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, sáng tác, dạy học, nhưng cũng chỉ trong một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời, hoặc cũng chỉ nhằm hướng tới giải thoát chính họ khỏi vai trò “trí thức chuyên nghiệp” đó, để rồi lại được tham chính hoặc kiêm giữ những vai trò khác.
Thành tựu sáng tạo tri thức còn khiêm tốn, hầu như không có thành tựu to lớn nào được ghi nhận
Ngoài một vài bộ sử kí, địa chí của Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi, Ngô Sỹ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú..., thì sản phẩm “sáng tạo” của đội ngũ trí thức Việt Nam chủ yếu và đồ sộ nhất là hàng vạn bài thơ, chủ yếu là thơ thế sự và thơ ngâm vịnh. Đến thời cận đại đã bắt đầu xuất hiện một số công trình khoa học có giá trị, nhưng cũng chỉ ở tầm mức ảnh hưởng học thuật khá hạn hẹp, như các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Huyên, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn... Đáng chú ý là trong thời kỳ này đã xuất hiện những sản phẩm hội họa ghi được dấu ấn trên trường quốc tế, như các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn... Họ chính là những “trí thức chuyên nghiệp” hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mất cân đối nghiêm trọng về cấu trúc
Tuyệt đại đa số trí thức đều tập trung vào các lĩnh vực thuộc đạo học và một số ngành có thể gọi là “khoa học xã hội và nhân văn”, như sử kí, văn chương, địa dư, tư tưởng, trong khi hầu như không có trí thức khoa học tự nhiên và công nghệ. Mối quan tâm lớn nhất của đội ngũ trí thức Việt Nam thời tiền cận đại là mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thần linh chứ không phải là mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên. Mọi sự tập trung tìm tòi của họ là làm sao xây dựng được xã hội hài hòa, ổn định chứ không phải là làm sao để thay đổi nó, làm cho nó vận động và phát triển. Vì vậy, đội ngũ trí thức Việt Nam đã tự cầm tù mình trong sự lạc hậu nghiêm trọng trong nhận thức về thế giới, về giới tự nhiên. Do vậy mà họ tự hài lòng với sự giải thích một cách thần bí về các mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên và các quan hệ của giới tự nhiên.
Sang đến thời cận đại, với sự xuất hiện của đội ngũ trí thức Tây học, tình hình trên đã được cải thiện ít nhiều. Bên cạnh đội ngũ trí thức thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các trí thức thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, kỹ nghệ và cả nghệ thuật, mỹ thuật... Tuy nhiên, nền giáo dục và khoa học - kỹ thuật còn lạc hậu lại bị nô dịch bởi chế độ thực dân cũng không cho phép đội ngũ trí thức Việt Nam vươn lên, phát triển lành mạnh như ở các nước phương Tây.
Nặng tính hướng thượng, thiếu tinh thần phê phán, phản biện xã hội
Trở thành trí thức, tham gia khoa cử là con đường thăng tiến xã hội chủ đạo nhất trong xã hội Việt Nam truyền thống. Đấy cũng là con đường thuận lợi nhất để đội ngũ trí thức Việt Nam trong truyền thống tham dự vào quá trình chính trị và đem tài năng, đức hạnh của mình đóng góp cho nước, cho dân. “Tiến vi quan, thoái vi sư” - đó chính là phương châm “xuất xử” (tiến - lui) của đội ngũ trí thức Nho học, cũng là lựa chọn chung cho các thế hệ trí thức trong xã hội Việt Nam truyền thống. “Chúa thánh - tôi hiền” là lý tưởng chung của nhà nước quân chủ cũng như của đội ngũ trí thức Việt Nam. Cho nên, xu hướng “hướng thượng”, “phò chính thống” luôn luôn là xu hướng chính.
Chỉ trong những tình huống cụ thể, gặp phải vua chúa bạo ngược, hoặc khi triều đình bị gian thần lộng hành, khống chế thì những trí thức, kẻ sỹ can trường, trung thực, sau khi khẳng khái can vua, nếu không thành thì đành “treo ấn, treo mũ từ quan” lui về ở ẩn. Đó là trường hợp như Chu An, Trương Đỗ thời Trần hay Nguyễn Trãi triều Lê Sơ.
Tuy nhiên, những trường hợp khẳng khái, can trường dám can ngăn vua, thể hiện bản lĩnh ở chốn quan trường thực là rất hiếm hoi. Sử gia Ngô Sỹ Liên đã bình luận về thực tế này như sau: “Những nhà Nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn” [3] Lời bàn của Ngô Sỹ Liên được ghi trong chính sử của triều Lê Sơ hẳn phải là lời nghiêm cẩn. Dẫu ông chỉ nói đến giới trí thức Nho quan, nhưng chắc cũng nghiệm đúng cho toàn bộ quan giới Việt Nam ta thuở trước. Trong thời cận đại, trong khi chúng ta ghi nhận có hàng trăm, hàng nghìn trí thức Tây học, tiêu biểu như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Trần Huy Liệu, Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… dũng cảm dấn thân cứu nước, giải phóng dân tộc thì cũng phải thừa nhận rằng bộ phận lớn hơn trong đội ngũ đó là những phần tử hợp tác với chính quyền thuộc địa, hoặc là những kẻ “mũ ni che tai”, “để tâm hồn treo ngược ở cành cây” cho tới trước khi họ được thức tỉnh và gia nhập vào dòng thác tranh đấu của nhân dân.
Thái độ thụ động, tinh thần phản biện yếu cũng thể hiện năng lực phê phán, phản biện của đội ngũ trí thức Việt Nam truyền thống không cao. Điều này là do tảng nền trí thức thiếu hụt, thiếu tính khoa học và thiếu tính thực tiễn. Dẫu sao, đội ngũ trí thức vẫn được coi là bộ phận tinh túy, ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, “sĩ” là những người đứng đầu tứ dân (sĩ, nông, công, thương), họ tiêu biểu cho những gì là tinh hoa, cốt cách của dân tộc và ngay cả những hạn chế, yếu kém của đội ngũ này cũng phản ánh tập trung nhất những khiếm khuyết, hạn chế của dân tộc Việt Nam.
*
* *
Có thể khẳng định, nhận diện những yếu tố quy định, chi phối và đặc biệt là hiểu rõ những đặc điểm của đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam truyền thống chính là rút ra những bài học cho chính sách phát triển đội ngũ trí thức hiện nay, bởi lẽ những yếu tố nói trên và những đặc điểm đó vẫn còn tác động, chi phối đối với đội ngũ trí thức Việt Nam hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Wittfogel, Karl August (1957), Oriental Despotism: a Comparative Study of Total Power, Yale University Press.
[2] Hoài Thanh, Hoài Chân (2015), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, tr10.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập II, NXB Khoa học Xã hội, tr.152.