Thứ bảy, 30/07/2022 09:22

Tiêu thụ năng lượng bền vững hướng tới tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Phạm Thành Công

Viện Kinh tế Việt Nam

Tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời, nó ảnh hưởng đến tình hình phát triển về mọi mặt của quốc gia. Việc điều phối tốt mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở năng lượng được sử dụng một cách tối ưu, tránh tình trạng tiêu thụ quá mức, dẫn tới cạn kiệt năng lượng... Trên cơ sở nghiên cứu mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng (sản xuất, tiêu thụ năng lượng bền vững) hiệu quả phục vụ tăng trưởng xanh trong tương lai.

Ở Việt Nam, trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhận định: sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra. Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế... Trong đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1,0 đến 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15-20%. Điều này đòi hỏi việc tiêu thụ năng lượng một cách tiết kiệm, mang tính bền vững nhằm đảm bảo phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh là rất cần thiết.

Một số nghiên cứu trên thế giới [1-4] đã khẳng định rằng, tiêu thụ năng lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế phát triển bền vững. Ngoài ra, các nghiên cứu trong nước cũng đưa ra nhận định: tiêu thụ năng lượng điện hợp lý (cả trong ngắn hạn và dài hạn) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế [5]; trong dài hạn, toàn cầu hoá và gia tăng dân số có tác động thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo; tăng trưởng và phát thải CO2 có tác động ngược chiều đến tiêu thụ năng lượng tái tạo; phát triển tài chính không có tác động trực tiếp đến tiêu thụ năng lượng tái tạo [6]. Trong ngắn hạn, toàn cầu hoá và gia tăng dân số làm tăng tiêu thụ năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, gia tăng phát thải CO2 và phát triển tài chính làm giảm tiêu thụ năng lượng tái tạo.

Mục tiêu phát triển của ngành năng lượng Việt Nam là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tuy vậy quy mô và hiệu quả của ngành năng lượng vẫn còn thấp như thiếu điện trong giờ cao điểm; dự trữ dầu quốc gia không đủ để bình ổn giá khi có khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế (đơn cử như chiến tranh Nga và Ucraina). Việc sử dụng năng lượng sơ cấp, đặc biệt là điện và dầu khí ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh ở Việt Nam, biến đổi khí hậu ngày càng có tác động rõ nét đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, điện là một trong những ngành công nghiệp cần được quan tâm đặc biệt, bởi những vấn đề sau: 

Thứ nhất, mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng điện và sản lượng điện bình quân đầu người cao, nhưng điểm khởi đầu của ngành điện tại Việt Nam lại rất thấp. Vì vậy, sản lượng điện bình quân đầu người vẫn còn thấp. 

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng điện thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ điện là rất cao vì tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng cao, thiết bị điện cũng ngày càng nhiều. Nhu cầu này tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của sản xuất điện, do đó sản xuất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Bản chất của điện không phải là sản phẩm có thể dự trữ được, do đó nhu cầu và sản xuất là rất khác nhau (giờ cao điểm/thấp điểm).

Thứ ba, thị trường điện cạnh tranh đã được hình thành và phát triển đầy hứa hẹn mặc dù mới chỉ là giai đoạn bắt đầu. 

Thứ tư, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... đã được phát triển ở Việt Nam, nhưng sự kết hợp với việc bảo vệ môi trường không phải là dễ dàng, còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nông nghiệp khi có hạn hán hoặc lũ lụt. Nhiệt điện phát triển tương đối nhanh, nhưng nguồn than và khí lại có giới hạn. Năng lượng gió, năng lượng mặt trời còn cần được nghiên cứu cẩn thận, đồng thời cần nhiều hơn về vốn đầu tư và giá mua.

Thứ năm, việc sử dụng điện cũng có nhiều vấn đề. Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng điện GDP/kWh ở Việt Nam giảm, đó là bao nhiêu đồng GDP được tạo ra bởi một kWh điện (giá so sánh). Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam đứng thứ 3 ở châu Á về sử dụng năng lượng không hiệu quả. Giai đoạn 1990-1998, Việt Nam tiêu thụ 1,5 đơn vị điện để tạo ra một đơn vị GDP. Từ năm 1998 đến nay, để tạo ra một đơn vị GDP, mức tiêu thụ năng lượng đã tăng lên 1,83 đơn vị. Để giảm sự mất cân đối cung cầu, chúng ta phải tăng nguồn cung cấp và đồng thời làm giảm nhu cầu tiêu dùng (trước tiên bắt đầu từ việc tiết kiệm điện). Nhu cầu năng lượng tăng nhanh, nguồn cung cấp có hạn mà hiệu quả sử dụng năng lượng thấp chính là một vấn đề năng lượng lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Môi trường sẽ cần phải được xét đến khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và năng lượng. Các lựa chọn cá nhân phản ánh giá trị, môi trường và lối sống sẽ ảnh hưởng và được đưa vào các mô hình tiêu thụ năng lượng [7].

Đến đây, bài toán được đặt ra là làm sao có thể thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng (sản xuất, tiêu thụ năng lượng bền vững, hiệu quả) phục vụ tăng trưởng xanh trong giai đoạn sắp tới? Các phát hiện từ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây có thể là lời giải cho bài toán trên. Theo PGS.TS Vương Quân Hoàng - Trường Đại học Phenikaa, nguyên lý bán dẫn giá trị kinh tế - môi trường gắn với thặng dư sinh thái [8], xây dựng và chuyển đổi văn hóa giá trị cao, văn hóa môi trường [8-10], đầu tư cho khoa học và công nghệ [11], thực thi sáng tạo và kỷ luật [12, 13] các cam kết chính sách sẽ dẫn đường, định hình cho các giải pháp khác. Cụ thể:

Một là, cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc, từ đó đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng phạt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu này. Cần áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, chi phí, giảm thải tác hại môi trường; quan tâm đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ…  Bên cạnh đó, Chính phủ cần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đi đôi với việc thi hành những chính sách tiết kiệm năng lượng (điện), giảm tổn thất điện năng. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật đối với lưới điện trung hạ áp, đẩy nhanh tiến độ các công trình chống quá tải lưới điện theo phân cấp. Nâng cao chất lượng việc kiểm tra, thay định kỳ đo đếm, đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống đo xa cho công tơ khách hàng lớn...

Hai là, cần phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực.

Ba là, đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo như thủy điện, năng lượng mặt trời… giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài. Phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, ngay cả với các nguồn năng lượng tái tạo, như rác thải từ điện mặt trời… hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] C.F. Tang, et al. (2016), "Energy consumption and economic growth in Vietnam", Renewable & Sustainable Energy Reviews, 54, pp.1506-1514.

[2] https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13504850903018689?cookieSet=1.

[3] Evan Lau, et al. (2011), "Energy-growth causality: Asian countries", International Journal of Energy Economics and Policy, 1, pp.140-149.

[4] Paresh Kumar Narayan, Baljeet Singh (2007), "The electricity consumption and GDP nexus for the Fiji Islands", Energy Economics, 29(6), pp.1141-1150.

[5] Nguyễn Quyết, Vũ Quốc Khánh (2014), "Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ điện năng thực tiễn tại Việt Nam", Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, 9(3), tr.66-78.

[6] Nguyễn Thị Cẩm Vân (2022), "Toàn cầu hóa, phát triển tài chính, tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Việt Nam", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 299, tr.34-43.

[7] https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tieu-dung-nang-luong-va-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam-86458.htm.

[8] Quan-Hoang Vuong (2021), "The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange", Economics and Business Letters, 10(3), pp.284-290.

[9] https://ideas.repec.org/p/osf/osfxxx/stbj4.html.

[10] https://osf.io/r5pcy.

[11] Quan-Hoang Vuong (2018), "The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies", Nature Human Behaviour, 2(1), DOI: 10.1038/s41562-017-0281-4.

[12] Quan-Hoang Vuong, et al. (2022), "Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework", Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), DOI: 10.1057/s41599-022-01034-6.

[13] Quan-Hoang Vuong, et al. (2014), "Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process", International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4), DOI: 10.1504/IJTIS.2014.068306.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)