Thứ sáu, 29/07/2022 14:04

Một số thay đổi lớn trong Báo cáo Trích dẫn tạp chí kể từ năm 2023

Dương Tú

Đại học Purdue, Hoa Kỳ

Tròn 1 tháng sau khi công bố Báo cáo Trích dẫn tạp chí (Journal Citation Reports - JCR) năm 2022 với hàng trăm tạp chí có hệ số ảnh hưởng (Journal Impact Factor - JIF) tăng mạnh nhờ các bài báo được trích dẫn nhiều liên quan đến đại dịch Covid-19, Clarivate* vừa thông báo một số thay đổi lớn trong JCR kể từ năm 2023.

Mở rộng JIF cho thêm gần 9.000 tạp chí

Thay đổi đầu tiên là việc mở rộng JIF cho tất cả các tạp chí nằm trong JCR. Cơ sở dữ liệu tạp chí của Clarivate bao gồm 4 danh mục: Science Citation Index Expanded (SCIE), Social Sciences Citation Index (SSCI), Arts & Humanities Citation Index (AHCI) và Emerging Sources Citation Index (ESCI). Hiện tại, chỉ những tạp chí nằm trong hai danh mục SCIE và SSCI mới có JIF, còn các tạp chí thuộc danh mục AHCI và ESCI thì không. Tuy nhiên, kể từ JCR 2023 dự kiến công bố vào tháng 6 sang năm, các tạp chí nằm trong 2 danh mục AHCI và ESCI cũng sẽ bắt đầu nhận được JIF.

Clarivate lựa chọn các tạp chí vào 4 danh mục SCIE, SSCI, AHCI và ESCI căn cứ vào 28 tiêu chí, trong đó có 24 tiêu chí về chất lượng (có mã số ISSN, thông tin về nhà xuất bản, địa chỉ làm việc của ban biên tập, chính sách bình duyệt, tuyên bố về đạo đức xuất bản…) và 4 tiêu chí về ảnh hưởng (số lượng và chất lượng trích dẫn, hồ sơ trích dẫn của các tác giả đăng bài, hồ sơ trích dẫn của ban biên tập, tầm quan trọng của nội dung tạp chí). Các tạp chí thỏa mãn toàn bộ 28 tiêu chí kể trên được chọn vào 1 trong 3 danh mục SCIE, SSCI, AHCI. Những tạp chí thỏa mãn 24 tiêu chí về chất lượng nhưng chưa đáp ứng được 4 tiêu chí về ảnh hưởng đều thuộc danh mục ESCI.

Sở dĩ cho đến nay Clarivate chưa cung cấp JIF cho các tạp chí thuộc danh mục AHCI là bởi đặc điểm trích dẫn của các công trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn khác xa những bài báo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các công trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn thường dài hơn nhiều, thời gian bình duyệt lâu hơn và bắt đầu được trích dẫn nhiều năm (thay vì khung thời gian 2 năm được dùng để tính JIF) sau khi công bố. Mặc dù các tạp chí trong lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn cũng được lựa chọn vào danh mục AHCI dựa trên 28 tiêu chí giống như đối với các tạp chí SCIE và SSCI, quá trình lựa chọn tạp chí AHCI ít chú trọng hơn đến trích dẫn. Vì thế, các tạp chí AHCI chưa bao giờ có JIF.

Đối với danh mục ESCI, do các tạp chí thuộc danh mục này chưa thỏa mãn 4 tiêu chí về ảnh hưởng (những tiêu chí tập trung chủ yếu vào trích dẫn), nên chưa được cung cấp JIF. Đội ngũ chuyên gia của Clarivate liên tục theo dõi đặc điểm trích dẫn của các tạp chí ESCI nhằm lựa chọn những tạp chí đáp ứng được 4 tiêu chí về ảnh hưởng để đưa vào SCIE, SSCI và/hoặc AHCI. Khoảng thời gian từ một tạp chí lọt vào ESCI cho đến khi được nâng lên một trong 3 danh mục còn lại thường kéo dài vài năm, nhưng cũng có những tạp chí đã mắc kẹt trong ESCI suốt gần một thập niên, kể từ khi ESCI ra đời vào năm 2015.

Theo thông báo của Clarivate, việc mở rộng cung cấp JIF cho cả những tạp chí AHCI và ESCI xuất phát từ quan điểm mới rằng, không chỉ các tạp chí được trích dẫn nhiều (như các tạp chí SCIE và SSCI) mà những tạp chí có chất lượng khác (thuộc danh mục ESCI) cũng nên được dùng trong đánh giá nghiên cứu. Ngoài ra, Clarivate cho rằng, động thái này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các tạp chí mới thành lập, tạp chí truy cập mở, các tạp chí có phạm vi hẹp hoặc tập trung vào một khu vực địa lý cụ thể, cũng như tạp chí từ các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, trong đó có Việt Nam. Những tạp chí này chiếm đa số trong ESCI.

Sự thay đổi này sẽ bắt đầu từ năm sau với khoảng 9.000 tạp chí, bao gồm trên 1.300 tạp chí AHCI và hơn 7.600 tạp chí ESCI của 3.000 nhà xuất bản (trong đó có nhiều nhà xuất bản nhỏ từ các nước đang phát triển) sẽ lần đầu tiên nhận được JIF. Số tạp chí từ các nước ở Nam bán cầu có JIF sẽ tăng tối thiểu 5%.

Việc mở rộng JIF cho toàn bộ tạp chí ESCI cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm ít nhất 9 tạp chí lần đầu tiên có JIF, bao gồm 5 tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Acta Mathematica Vietnamica; Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology; Vietnam Journal of Chemistry; Vietnam Journal of Earth Sciences; Vietnam Journal of Mathematics) và 4 tạp chí của các cơ sở giáo dục đại học là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Biomedical Research and Therapy), Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (Journal of Asian Business and Economic Studies), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Journal of Information and Telecommunication) và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Vietnam Journal of Computer Science).

Hai hệ thống xếp hạng tạp chí theo JIF

Khi đánh giá JIF của các tạp chí, có 2 chỉ số được quan tâm, đó là con số tuyệt đối và thứ hạng. Trong khi giá trị tuyệt đối của JIF dễ dao động theo một vài bài báo được trích dẫn nhiều, chẳng hạn các công trình liên quan đến đại dịch Covid-19 như đã phân tích trong bài viết “Một số điểm đáng lưu ý từ Báo cáo Trích dẫn tạp chí năm 2022”, chỉ số đáng tin cậy hơn để so sánh các tạp chí khi JIF của mọi tạp chí trong một ngành đều tăng hay giảm đồng loạt, đó là xếp hạng của tạp chí. 

Tuy từ năm tới, các tạp chí ESCI cũng sẽ có JIF giống như tạp chí SCIE, SSCI và AHCI nhưng Clarivate vẫn giữ nguyên 4 danh mục này chứ chưa có ý định loại bỏ ESCI. Điều này có nghĩa là các tạp chí ESCI sẽ được xếp hạng theo JIF độc lập với xếp hạng của các tạp chí SCIE, SSCI và AHCI. Sẽ có những tạp chí tuy chỉ mới lọt vào danh mục ESCI nhưng lại có JIF và xếp hạng cao hơn nhiều tạp chí cùng ngành nằm trong SCIE, SSCI và AHCI.

JIF chỉ còn một chữ số thập phân

Cho đến nay, JIF được thể hiện dưới dạng một số thập phân với 3 chữ số ở phần thập phân. Thí dụ, JIF hiện tại của Journal of Science: Advanced Materials and Devices - JSAMD, tạp chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt vào nhóm Q1 ngành khoa học vật liệu trong JCR 2022 là 7,382. Việc Clarivate công bố JIF của các tạp chí với độ chính xác tới 3 chữ số thập phân đã trở thành đề tài tranh luận nhiều năm qua bởi quá nhiều chữ số ở phần thập phân dường như không cần thiết. Tuy nhiên, từ góc độ kỹ thuật, việc này rất quan trọng trong quá trình xếp hạng các tạp chí cùng ngành. Thứ hạng của nhiều tạp chí có JIF gần bằng nhau nhiều khi chỉ có thể xác định dựa vào sự khác biệt rất nhỏ ở chữ số phần nghìn hoặc phần trăm trong phần thập phân.

Kể từ năm sau, JIF sẽ chỉ còn một chữ số thập phân mà thôi. Theo đó, JIF hiện nay của JSAMD chẳng hạn, sẽ là 7,4. Sự thay đổi này dẫn đến hệ quả tất yếu: hàng loạt tạp chí, đặc biệt là các tạp chí ở các nhóm tứ phân vị thấp (Q3 và Q4) với JIF chỉ khác nhau ở chữ số thứ ba hay thứ hai sau dấu phẩy sẽ được xếp đồng hạng. Bên cạnh đó, nếu áp dụng quy tắc mới về biểu diễn hệ số ảnh hưởng, JIF thấp hơn hoặc bằng 0,049 sẽ được làm tròn thành 0,0! Tuy nhiên, Clarivate cho biết, JIF thấp đến mức này sẽ được thể hiện là “< 0,1”.   

Theo Clarivate, thay đổi này nhằm mục đích khuyến khích người dùng JCR sử dụng thêm các chỉ số trắc lượng khác và dữ liệu dạng mô tả, thay vì chỉ dùng JIF khi so sánh các tạp chí. Một chỉ số được Clarive nhấn mạnh và tích cực quảng bá là Journal Citation Indicator (JCI). Khác với JIF phản ảnh số lượt trích dẫn tuyệt đối trung bình, JCI là chỉ số trích dẫn được chuẩn hóa theo ngành. Chẳng hạn, một tạp chí có JCI bằng 1,0 nghĩa là các bài báo của tạp chí đó có số lượt trích dẫn trung bình bằng với số lượt trích dẫn trung bình của tất cả bài báo trên các tạp chí cùng ngành. Những tạp chí có JCI > 1,0 được trích dẫn nhiều hơn trung bình và ngược lại. Do được chuẩn hóa theo ngành, JCI cho phép so sánh chỉ số trích dẫn của các tạp chí thuộc các ngành khác nhau.

Trong khi chỉ những người dùng mua quyền truy cập JCR mới xem được JIF thì JCI của mọi tạp chí đều được Clarivate cho phép xem miễn phí. JCI cũng đi trước JIF 2 năm trong việc cung cấp chỉ số cho tất cả tạp chí ESCI ngay từ khi Clarivate giới thiệu chỉ số này vào năm 2021.

JCR và liêm chính nghiên cứu

Trong thông báo liên quan tới một số thay đổi lớn về JCR từ năm tới, Clarivate còn nhấn mạnh rằng, những thay đổi đó thể hiện cam kết của tổ chức này trong việc chia sẻ trách nhiệm bảo đảm và thúc đẩy liêm chính nghiên cứu. Song song với việc cung cấp JIF cho tất cả các tạp chí AHCI và ESCI, Clarivate sẽ phải minh bạch thông tin về trích dẫn của từng bài báo công bố trên các tạp chí thuộc 2 danh mục này. Việc Clarivate khuyến khích sử dụng nhiều chỉ số và dữ liệu đa dạng để đánh giá tạp chí thay vì sùng bái và lạm dụng JIF cũng là động thái đáng ghi nhận, khi tất cả các chỉ số đều chỉ là công cụ phục vụ người dùng, đồng thời JCR cũng không phải chuẩn mực hay “khuôn vàng thước ngọc” bảo chứng cho chất lượng tạp chí mà chỉ là hàng rào kỹ thuật và mặt bằng tối thiểu về chất lượng tạp chí mà thôi.

 

*Clarivate là công ty của Mỹ sở hữu cơ sở dữ liệu về các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới; cung cấp thông tin chi tiết và phân tích dữ liệu về các bài báo, tạp chí đáng tin cậy. WoS (Web of Science) là CSDL thống kê trích dẫn của các tạp chí khoa học được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate. WoS được sáng lập năm 1956 bởi Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific Information), nên một thời gian dài được biết với tên gọi là ISI. Năm 1992, Thomson Sciencetific (sau này là Thomson Reuters) mua lại ISI (nên còn có tên là Thomson ISI) và đến năm 2016, Thomson Reuters được bán cho Clarivate.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://clarivate.com/blog/clarivate-announces-changes-to-the-2023-journal-citation-reports-release.

2. https://clarivate.com/wp-content/uploads/dlm_uploads/2021/11/ISI-Research-Integrity-Report.pdf.

3. https://scholarlykitchen.sspnet.org/2022/07/26/the-end-of-journal-impact-factor-purgatory-and-numbers-to-the-thousandths.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)