Thứ năm, 28/07/2022 10:47

Quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử: Thực trạng và một số đề xuất

Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Linh

Công ty CP Công nghiệp văn hóa Ngũ Đức Legend

Cùng với sự phát triển không ngừng của kỷ nguyên công nghệ số, hoạt động kinh doanh thương mại dần mở rộng phạm vi, quy mô, vượt ra khỏi thị trường kinh doanh truyền thống và diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ tại thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Do TMĐT là một môi trường “mở” nên tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Điều này đặt ra những thách thức đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung.

Thực trạng áp dụng pháp luật về SHTT trong môi trường TMĐT.

Tác động của đại dịch Covid-19 kéo theo xu hướng mua sắm trực tuyến đa kênh và sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường TMĐT. Theo báo cáo thống kê của Bộ Công thương năm 2021, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020), trở thành 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, việc kinh doanh thương mại không chỉ dừng lại trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo, mà còn mở rộng sang các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok. Điều này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng, xâm phạm quyền SHTT gia tăng. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT với số tiền xử phạt lên tới 20 tỷ đồng.

Hình 1. Quyền SHTT trong TMĐT tại Việt Nam.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này? Có thể thấy rằng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan về ý thức của các tổ chức, cá nhân thì thực trạng quyền SHTT bị xâm phạm nghiêm trọng trên các nền tảng TMĐT xuất phát từ việc hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý vững chắc và bắt kịp với sự thay đổi của thực tiễn.

Thứ nhất, hệ thống quy định pháp luật về SHTT trong môi trường TMĐT còn quy định rải rác tại nhiều văn bản, thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi trên thực tế. Việc quy định các điều luật thiếu tính thống nhất khiến việc áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Pháp luật Việt Nam đã xây dựng được rất nhiều văn bản quy phạm điều chỉnh hoạt động TMĐT. Đến nay, Quốc hội đã thông qua 4 văn bản luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho hoạt động TMĐT nói chung và bảo vệ quyền SHTT trong nền tảng TMĐT nói riêng, bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử. Trên thực tế, TMĐT và giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT trong lĩnh vực TMĐT phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều các luật khác như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Quảng cáo, Luật Đầu tư… Ngoài các văn bản luật, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác cũng ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể các hoạt động liên quan trong TMĐT. Nhìn chung, những văn bản pháp luật này đã giúp nhà nước định hướng phát triển ngành TMĐT tại Việt Nam, là công cụ để cơ quan quản lý điều tiết, quản lý các hoạt động TMĐT, hạn chế tình trạng vi phạm các quyền SHTT, tranh chấp trong TMĐT. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, tốc độ phát triển của TMĐT đang ngày một mạnh mẽ vượt ra khỏi phạm vi quản lý của luật pháp, nhiều quy định của pháp luật vô hình đã trở thành rào cản phát triển của các hoạt động TMĐT, các doanh nghiệp loay hoay tìm giải pháp do có quá nhiều văn bản luật điều chỉnh, nhiều quy định còn thiếu thực tế, các quy định đôi khi triệt tiêu lẫn nhau gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi áp dụng.

Thứ hai, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của mạng xã hội, các trang TMĐT ra đời và nhanh chóng nhận được sự đón nhận của đông đảo người tiêu dùng, đặt ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin trên các trang TMĐT. Đây là vấn đề đã được pháp luật quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, tại Điều 30 của Nghị định đã bổ sung quy định về các thông tin bắt buộc mà người bán phải cung cấp trên các website để người mua có thể xác định được các đặc tính của hàng hóa cùng các đặc điểm khác về nhà cung cấp nhằm xác nhận nguồn gốc xuất xứ, tránh tình trạng làm giả. Đặc biệt, từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, khiến người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiêu dùng trực tiếp tại cửa hàng, đây là cơ hội cho các trang mua sắm trực tuyến có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn. Việc mua bán trên các trang TMĐT diễn ra sôi động, mang lại nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và những người bán lẻ. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các trang mạng điện tử khiến nguy cơ vi phạm về quyền SHTT trong môi trường TMĐT gia tăng. Nhìn chung, việc mua sắm trên các trang thông tin điện tử bên khách hàng sẽ là bên yếu thế hơn vì chỉ được tìm hiểu các sản phẩm qua miêu tả của bên bán. Việc không được trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm cùng với việc pháp luật hiện nay quy định chưa chặt chẽ về các giao dịch mua bán trên các trang TMĐT, tạo ra nhiều lỗ hổng cho các gian thương trục lợi, khiến hàng giả, hàng nhái, hàng lậu tiêu thụ trên thị trường khó kiểm soát. Các chủ cửa hàng cố ý khai sai, thiếu thông tin, còn các trang mạng điện tử vẫn thể hiện nhiều sai sót trong việc xét duyệt các loại mặt hàng, những điều này gây ra nhiều bất lợi cho người mua.

Hình 2. Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường TMĐT.

Có thể lấy dẫn chứng về vụ kiện “Tranh chấp quyền SHTT liên quan đến quyền tác giả” giữa nguyên đơn là First News - Trí Việt và bị đơn là Lazada (thuộc Tập đoàn Recess - Alibaba). Cụ thể, đầu năm 2019, First News - Trí Việt nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc về sách in kém chất lượng, mực in mờ, bong gáy, nhiều lỗi sai... được bán trên các sàn TMĐT. Ngay sau đó, First News - Trí Việt đã tổ chức các buổi họp báo, đồng thời gửi công văn cảnh báo tới các sàn TMĐT lớn hiện nay là Lazada, Shopee và Sendo. Tuy nhiên, chỉ có Shopee và Sendo đưa ra cam kết chấm dứt việc tiêu thụ sách giả, trong khi phía Lazada vẫn không có bất kỳ phản hồi hay động thái nào nhằm chấm dứt vi phạm. Hành vi tiêu thụ sách giả tràn lan đã đẩy First News - Trí Việt cùng các đơn vị xuất bản sách vào tình thế ngày càng khó khăn. Đến tháng 9/2020, phía First News - Trí Việt đã chính thức khởi kiện Lazada tới Tòa án nhân dân Quận 1 TP Hồ Chí Minh về hành vi vô trách nhiệm trong việc kiểm tra, quản lý, cố tình làm ngơ hành vi kinh doanh sách giả, sách không được in ấn, phát hành hợp pháp của các gian hàng trên Lazada, tiếp tay cho việc vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả. Cũng theo đơn khởi kiện, phía First News - Trí Việt yêu cầu Lazada phải “tháo gỡ ngay toàn bộ thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả bị phát hiện; có biện pháp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn TMĐT Lazada và buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các cuốn sách đang được mua bán”.

Thứ ba, về cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về SHTT trong môi trường TMĐT. Tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT đã quy định những hành vi bị cấm trong TMĐT, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các thương nhân cung cấp các dịch vụ bán hàng trực tuyến, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT. Những quy định này trên thực tế đã tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho TMĐT, giúp nâng cao uy tín với người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của giao dịch điện tử ở Việt Nam hiện nay, những quy định trên chưa thực sự hiệu quả.

Theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong số đơn nhận được từ đầu năm 2019 đến nay, có đến 60% số đơn liên quan đến vi phạm quyền SHTT trong TMĐT. Hành vi vi phạm quyền SHTT trong TMĐT chủ yếu là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp tên miền, giao dịch mua bán hàng giả, hàng nhái… Các sàn TMĐT hiện nay chưa thực sự làm tốt vai trò kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra thường xuyên, các hành vi vi phạm quyền tác giả như: tự ý sử dụng hình ảnh mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu, hành vi tạo logo sản phẩm có tính trùng lặp với các thương hiệu nổi tiếng, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường… Điều này thể hiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về SHTT còn hạn chế, chưa kịp thời nắm bắt được tính mới của TMĐT, các biện pháp xử lý chưa triệt để khiến số lượng tranh chấp SHTT trong TMĐT ngày càng gia tăng.

Thứ tư, về chế tài xử phạt vi phạm quyền SHTT trong môi trường TMĐT. Hiện nay, biện pháp hành chính được lựa chọn áp dụng rộng rãi để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT trong TMĐT. Điều này xuất phát từ tính đơn giản, nhanh gọn và kịp thời trong công tác xử lý. Bởi lẽ, nếu trong tố tụng các chủ thể bị đặt nặng nghĩa vụ chứng minh thì trong biện pháp hành chính, nghĩa vụ chứng minh được giảm nhẹ hơn rất nhiều. Các chủ thể chỉ cần nộp đơn yêu cầu kèm theo các tài liệu, chứng cứ, sau đó, phía cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh xử lý. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc xâm phạm quyền SHTT lẽ ra phải được giải quyết bằng biện pháp dân sự thì đều bị “hành chính hóa”.

Bên cạnh đó, so với biện pháp dân sự, biện pháp hành chính cũng chưa ưu tiên bảo vệ tối đa quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền. Cụ thể, nếu biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của chủ thể quyền bằng việc yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần theo nguyên tắc “thiệt hại tới đâu bồi thường tới đó” thì biện pháp hành chính xử lý vi phạm chủ yếu theo hình thức phạt tiền. Số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, do đó phía chủ thể quyền không được bồi thường một cách thỏa đáng. Thêm nữa, hiện nay, thẩm quyền xử phạt hành chính quy định tại Điều 15 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được trao cho rất nhiều cơ quan. Điều này gây chồng chéo về mặt thẩm quyền, các cơ quan không có cơ chế phối hợp thực hiện một cách hiệu quả, còn đùn đẩy trách nhiệm khi có vướng mắc, vi phạm xảy ra.

Một số đề xuất, kiến nghị

Từ những bất cập trong quá trình thực thi pháp luật bảo vệ quyền SHTT trong môi trường TMĐT của Việt Nam, chúng tôi đề xuất 3 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền SHTT trong môi trường TMĐT. Trước hết, cần rà soát các quy phạm pháp luật tại các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về SHTT trong môi trường TMĐT và sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với sự thay đổi của thực tế và đảm bảo tính thống nhất, tránh sự xung đột giữa quy định trong luật và các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung và trong TMĐT nói riêng theo hướng nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả. Mức phạt hành chính hiện nay là chưa phù hợp với thực tế và chưa tương ứng với mức lợi nhuận mà chủ thể vi phạm thu được. Điều này dẫn đến việc áp dụng biện pháp hành chính trong thực tiễn không đem lại hiệu quả như mong đợi và việc vi phạm vẫn tái diễn gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền. Do đó, các văn bản hướng dẫn về mức xử phạt hiện hành cần sửa đổi theo hướng xác định mức phạt tiền tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm thực tế của các chủ thể. Trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì cần có chế tài mạnh hơn để xử lý. Về các biện pháp dân sự được áp dụng tại Tòa án, cần thay đổi cơ chế áp dụng theo hướng nhanh gọn, hiệu quả. Cụ thể, thời gian xử lý các vụ án về SHTT cần đặt ra mức tối đa sao cho phù hợp với nhu cầu của các chủ thể, tránh việc thụ lý giải quyết kéo dài, tốn thời gian, công sức mà không đem lại hiệu quả, gây tâm lý “ngại kiện tụng” và “hành chính hóa” mọi vụ việc. Đồng thời, cần quy định thẩm quyền xử lý vi phạm quyền SHTT trong TMĐT cho một cơ quan chuyên trách nhất định. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý, tránh trùng lặp, xung đột thẩm quyền. Cùng với đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý và cơ quan chuyên môn để việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đạt hiệu quả, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật trên thực tế. Như đã phân tích ở trên, người tiêu dùng trong các trang TMĐT luôn đứng thế yếu trong việc tiếp cận thông tin hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, khả năng phân biệt thật giả, phương thức sử dụng hàng hóa... Điều này đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức thực thi pháp luật, cần có các quy định cụ thể chế tài xử phạt cả về bên bán và cán bộ quản lý nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng luôn có được những thông tin, hướng dẫn đầy đủ và cần thiết, sao cho người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn hàng hóa, dịch vụ một cách khách quan và đúng đắn nhất. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về SHTT trong TMĐT một cách thường xuyên, liên tục. Điều này nhằm đảm bảo sớm phát hiện và ngăn chặn tận gốc vi phạm, tạo khuôn khổ hoạt động cho các tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật, công tác tổ chức, thực thi pháp luật, cần song song tiến hành các nhóm giải pháp hỗ trợ sau: (i) Đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin cho người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, bảo vệ người tiêu dùng đối với các hành vi thương mại không lành mạnh; (ii) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT; (iii) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về SHTT trong TMĐT, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ, thông tin mới phát sinh, khả năng xác định vi phạm trong các trang TMĐT; (iv) Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện quyền SHTT trong TMĐT tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2013), Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

2. Chính phủ, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Chính phủ (2013), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.

4. Chính phủ (2020), Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)