Thứ sáu, 29/07/2022 16:05

Chế định parody: một ngoại lệ của luật bản quyền - Trường hợp của EU và Hoa Kỳ

TS Lê Vũ Vân Anh

Khoa Luật, Đại học Oxford

Chế độ bản quyền (copyright) thường bị nhiều học giả chỉ trích vì đã dành sự bảo hộ mạnh mẽ cho tác giả và chủ sở hữu. Trên thực tế, đây là một trong những lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) mở rộng nhiều nhất về đối tượng từ sách báo, phim ảnh, hội họa, âm nhạc đến chương trình máy tính... Những đối tượng vốn thuộc phạm vi bảo hộ của các loại hình SHTT khác như kiểu dáng thiết kế của áo quần hay của một chiếc xe đạp, đặc biệt là khi độc quyền sáng chế đã hết hạn hay xa hơn nữa là mùi hương đều được đưa vào tầm ngắm của luật bản quyền. Vì vậy, để cân bằng lợi ích công cộng khác như quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận tri thức, luật bản quyền đã tạo ra những ngoại lệ và hạn chế đối với chủ sở hữu. Một trong số đó là chế định parody (nhại).

Bài viết thông qua hai vụ việc ở Liên minh châu Âu (EU - nghiêng về hệ thống dân luật) và Hoa Kỳ (hệ thống thông luật), sẽ phân tích cách tiếp cận khá khác biệt của hai khu vực tài phán lớn này. Nếu EU đã có sự bảo vệ mạnh mẽ đối với tác giả của tác phẩm gốc (thông qua vụ việc Deckmyn), Hoa Kỳ (thông qua vụ việc Leibovitz) sử dụng cách đánh giá khách quan hơn, không quan tâm nhiều lắm đến việc lập trường của tác giả gốc mà chủ yếu để đảm bảo quyền tự do ngôn luận - một quyền cơ bản quy định bởi Tu chính án thứ nhất. Không hẳn cách tiếp cận nào sẽ phù hợp với Việt Nam trong thời điểm hiện tại, nhưng ít nhất thực tiễn của EU và Hoa Kỳ sẽ giúp các nhà làm luật quốc gia bắt đầu suy nghĩ về parody nói riêng và trả lời một câu hỏi lớn hơn, đó là lợi ích công cộng đang nằm ở đâu trong quang phổ quyền tác giả?

 

Vụ việc Deckmyn ở EU

Điều 5(k) của Sắc lệnh 2001/09 của EU về sự hài hòa các khía cạnh nhất định của quyền tác giả và quyền liên quan trong xã hội thông tin (gọi tắt là Infosoc Directive) quy định các ngoại lệ về luật bản quyền trong trường hợp “sử dụng cho mục đích biếm họa (caricature), nhại lại hoặc chế nhạo (pastice)”. Trước vụ việc Deckmyn, khái niệm “parody” chưa bao giờ được làm rõ ở cấp độ EU.

Vụ việc này liên quan đến một cuốn lịch do ông Deckmyn chuẩn bị cho Đảng Vlaams Belang (Bỉ). Cuốn lịch có hình vẽ “nhại lại” một trong những trang bìa của cuốn truyện tranh nổi tiếng ở Bỉ là Suske en Wiske. Hình nguyên gốc là nhân vật Ambrose mặc áo dài trắng và ném tiền xu tới một đám đông (hình bên trái). Trên bìa lịch, nhân vật Ambrose được thay thế bằng thị trưởng của TP Ghent và những người nhặt tiền được thay thế bằng những người đeo mạng che mặt và người da màu (hình bên phải).

Những người thừa kế của ông Vandersteen, tác giả của Suske en Wiske đã khởi kiện thành công Deckmyn vì vi phạm bản quyền ở phiên sơ thẩm. Thẩm phán tòa sơ thẩm ở Brussels, Bỉ đã bác bỏ lời bào chữa của Deckmyn rằng đây là parody trên nhiều cơ sở bao gồm tác phẩm nhại này thiếu tính nguyên gốc (original) và nó không chỉ trích tác phẩm gốc của Vandersteen, mà nhằm vào chính sách của thị trưởng thành phố Ghent.

Ông Deckmyn kháng cáo, tuyên bố rằng hình vẽ trong lịch nằm trong phạm vi ngoại lệ parody, theo Điều 22.1 Luật bản quyền 1994 của Bỉ. Tòa phúc thẩm đã chuyển vấn đề này lên Toà án công lý liên minh châu Âu (CJEU), yêu cầu cơ quan này làm rõ hai vấn đề: (1) Liệu định nghĩa “parody” có phải là một khái niệm được áp dụng chung cho toàn lãnh thổ EU (autonomous concept) hay không; (2) Nếu có, thì một tác phẩm phải đáp ứng những điều kiện gì để được xem là parody?

Đối với câu hỏi (1) CJEU khẳng định rằng, “parody” phải được hiểu thống nhất trong khuôn khổ EU để đảm bảo mục tiêu hài hoà hoá luật bản quyền của khu vực này. Đối với câu hỏi (2), CJEU lập luận rằng, vì InfoSoc Directive không đưa ra định nghĩa cho parody nên thuật ngữ này phải được hiểu theo “nghĩa thông thường trong ngôn ngữ hàng ngày” (its usual meaning in everyday language), có tính đến ngữ cảnh mà nó được sử dụng. Dựa vào đó, CJEU định nghĩa parody là "một tác phẩm (1) gợi lại tác phẩm gốc trước đó nhưng có khác biệt đáng kể và (2) thể hiện sự hài hước hoặc chế giễu". Quan trọng hơn cả là lời khẳng định rằng một tác phẩm parody không cần phải thể hiện tính nguyên gốc.

Không dừng lại tại đó, CJEU đi xa hơn khi dựa vào lời nói đầu (đoạn 31) của InfoSoc Directive và các ngoại lệ đối với quyền tác giả để yêu cầu “sự cân bằng hợp lý” (a fair balance) trong vụ việc hiện tại. CJEU xác định được 3 quyền xung đột trong Deckmyn, gồm: quyền tự do biểu đạt dựa vào parody, quyền SHTT và đặc biệt là quyền không phân biệt đối xử hoặc quyền được bảo vệ khỏi phân biệt đối xử (đối với những chủ thể là người da màu và người đeo mạng trong tác phẩm parody). Tuy nhiên, CJEU đã giao cho toà án quốc gia (trong trường hợp này là Toà án Bỉ) đánh giá tính "cân bằng hợp lý" của tất cả các quyền và lợi ích liên quan.

Như vậy dưới góc độ CJEU, một tác phẩm được xem là parody không có nghĩa là nó không vi phạm bản quyền (điều này khác với cách tiếp cận của Hoa Kỳ mà bài viết sẽ phân tích ở phần sau). Quy định này được xem ảnh hưởng xấu đến nền công nghiệp truyện tranh (comics) của Bỉ và đồng thời là một nét văn hoá đặc trưng của nước này. Một minh hoạ rõ ràng là truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Tintin là cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nhại sau đó. Chiếu theo Deckmyn, để thoát khỏi sự vi phạm bản quyền, nhà sáng tạo (phái sinh) phải đảm bảo rằng một tác phẩm parody phải cân bằng hợp lý với các lợi ích khác, trong khi bản chất của parody là sự giễu cợt và chế nhạo. Bằng cách để ngỏ khả năng cho các chủ quyền phản đối một tác phẩm parody mà họ không thích, cách tiếp cận của CJEU ảnh hưởng trực tiếp đến tính ngoại lệ của parody: đó là việc hợp pháp hóa việc sử dụng chuyển đổi tác phẩm gốc mà không cần sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu. Nếu họ có thể phản đối việc các tác phẩm chuyển thể mà họ không thích, khoảng không gian pháp lý cho parody sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Vụ việc Leibovitz ở Hoa Kỳ

Trái ngước với cách tiếp cận mang khuynh hướng bảo vệ tác giả của EU, Hoa Kỳ áp dụng học thuyết sử dụng hợp lý (fair use) để xác định như thế nào là một tác phẩm parody. Fair use được quy định ở Mục 107 của Đạo luật Bản quyền 1976, gồm 4 yếu tố sau để đánh giá tính hợp lý (fair) việc sử dụng một tác phẩm:

(1) Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng;

(2) Bản chất của tác phẩm;

(3) Tỷ lệ và mức độ sử dụng của tác phẩm gốc trong tác phẩm đang được xem xét; và (4) Mức độ ảnh hưởng đến khả năng khai thác kinh tế của tác phẩm gốc.

Tháng 8/1991, trang bìa của Tạp chí Vanity Fair đăng một bức ảnh của nữ diễn viên Demi Moore khỏa thân khi cô đang mang thai 8 tháng do nhiếp ảnh gia Leibovitz chụp. Năm 1993, để quảng cáo cho bộ phim Naked Gun: The Final Insult 33 1/3, Hãng phim Paramount đã làm việc với Dazu, Inc., một công ty quảng cáo độc lập, để tạo ra một quảng cáo có chứa phần đầu của diễn viên chính - Leslie Nielson - chồng lên cơ thể một phụ nữ mang thai khỏa thân .

Tháng 12/1994, Leibovitz đã nộp đơn kiện Paramount lên Tòa án quận phía Nam của New York. Tại tòa, cả 2 bên đều đồng ý rằng, quảng cáo vi phạm quyền kinh tế của Leibovitz , nhưng Tòa án đã chấp nhận lập luận của Paramount rằng, họ “sử dụng hợp lý” bức ảnh gốc với tư cách là parody. Leibovitz đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm trên cơ sở quảng cáo của Paramount được sử dụng cho mục đích thương mại và sao chép bản gốc nhiều hơn mức cần thiết.

Toà Phúc thẩm đã áp dụng 4 yếu tố của mục 107 như sau:

Thứ nhất, quảng cáo của Paramount “thêm một thứ gì đó mới và đủ tiêu chuẩn là một tác phẩm “chuyển thể””, chẳng hạn như nụ cười nhếch mép của Nielson so với biểu hiện nghiêm túc của Moore và lưu ý rằng, “quảng cáo có thể được coi là bình luận về sự nghiêm túc, thậm chí là tự phụ, đối với bản gốc một cách hợp lý”. Tòa án thừa nhận rằng, quảng cáo của Paramount có mục đích thương mại trong việc quảng bá phim, nhưng Tòa chấp nhận lập luận của Paramount rằng, tấm áp phích này là một phần mở rộng của bộ phim chứ không phải hoàn toàn là một quảng cáo riêng rẽ vì bộ phim đề cập đến việc mang thai. Toà đánh giá tính chất nhại mạnh mẽ của quảng cáo khiến cán cân của yếu tố đầu tiên nghiêng về việc sử dụng hợp lý, thậm chí ngay cả khi xem xét tính thương mại của tác phẩm nhại.

Thứ hai, Tòa chấp nhận lý do thiết lập trong vụ việc Campbell trước đó rằng, bản chất sáng tạo của bản gốc của Leibovitz không giúp ích nhiều trong việc xác định xem tác phẩm parody của Paramount có phải là sử dụng hợp lý hay không. Toà nhận định mặc dù yếu tố thứ hai ủng hộ Leibovitz, nhưng trọng lượng không đáng kể.

Thứ ba, mặc dù Paramount đã tìm cách sao chép tư thế của Leibovitz và họ đã làm nhiều hơn những gì “tối thiểu cần thiết để gợi lên [hình ảnh của Demi Moore]”, tuy nhiên, yếu tố này không giúp Leibovitz được nhiều vì việc một tác phẩm parody vượt quá mức cần thiết phải được xem xét dựa trên mục đích và khả năng mà nó thay thế thị trường của tác phẩm gốc.

Cuối cùng, Leibovitz đã thừa nhận rằng, quảng cáo của Paramount không ảnh hưởng đến thị trường tiềm năng của tác phẩm gốc. Lập luận chủ yếu của Leibovitz dựa vào việc Paramount sử dụng biện pháp “sử dụng hợp lý” đã khiến cho nhiếp ảnh gia mất đi nguồn thu nhập đến từ việc cấp giấy phép sử dụng hình ảnh cho Paramount. Toà kết luận rằng yếu tố cuối cùng ủng hộ Paramount.

Dễ dàng để thấy được rằng sau khi cân nhắc cả bốn yếu tố, toà án Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết có lợi cho Paramount.

Việt Nam ở đâu trong việc bảo hộ quyền tác giả?

Qua phân tích nêu trên, Hoa Kỳ và EU đã có cách tiếp cận khác nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch trong trường hợp parody. Nếu EU yêu cầu tác phẩm parody phải cân bằng các lợi ích khác thì Hoa Kỳ không sử dụng luật bản quyền để bảo hộ quyền lợi của tác giả mà họ coi đây như là một phương tiện thúc đẩy lợi ích xã hội. Điều này có thể giải thích dựa trên truyền thống pháp luật khác nhau mà cả hai nền tài phán này theo đuổi. Luật bản quyền EU, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nước Pháp đại diện cho việc bảo hộ mạnh mẽ quyền nhân thân (moral rights) của tác giả mặc dù các quyền này chưa bao giờ được hài hòa ở cấp độ khu vực. Trong khi đó, Hoa Kỳ với Điều I, mục 8, khoản 8, Hiến pháp đã trao quyền lực cho Quốc hội “để thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật hữu ích, bằng cách giới hạn thời gian độc quyền của các tác giả và nhà sáng chế đối với các tác phẩm và khám phá của họ”.

Sự lựa chọn của các nhà lập pháp Việt Nam trong bảo hộ quyền tác giả sẽ khó khăn hơn vì thời điểm ban đầu khi luật SHTT được thông qua không hẳn vì bảo vệ quyền tác giả hay thúc đẩy sáng tạo. Luật SHTT 2005 ra đời đến từ mong muốn hội nhập sân chơi quốc tế và đáp ứng yêu cầu của các hiệp định song phương và đa phương khi đó. Tuy nhiên, trong vòng gần 20 năm (2005-2022), Việt Nam từ một quốc gia đến sau trong sân chơi SHTT đã tiến hành nhiều bước lập pháp đáng kể để tăng cường bảo hộ loại tài sản vô hình này. Việc chúng ta lựa chọn cởi mở hay khắt khe với parody nói riêng và ngoại lệ quyền tác giả nói chung phải được xem xét trong bức tranh toàn cảnh. Thêm vào đó, xu hướng chung là quyền tác giả/chủ sở hữu đã, đang và sẽ được bảo hộ mạnh mẽ do việc Việt Nam tham gia các Hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA. Vì lý do đó, tác giả đề nghị một cách tiếp cận linh hoạt đối với parody và ngoại lệ khác để đảm bảo rằng, quyền lợi của công chúng không bị cắt xén và tiếp đó cho phép thị trường sáng tạo thứ cấp được phát triển, như lời Isaac Newton đã từng nói “Tôi nhìn được xa hơn bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ”.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)