Thứ sáu, 13/05/2022 14:12

Một số lưu ý về sở hữu trí tuệ với các SME trong quan hệ thương mại với EU

Sở hữu trí tuệ được coi là một tài sản vô hình ngày càng có giá trị đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu với sự gia tăng lệ thuộc lẫn nhau trong hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế như hiện nay. Với một đối tác lớn như EU và để khai thác tốt những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cần áp dụng đúng ngay từ đầu các quy định về sở hữu trí tuệ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được những rắc rối pháp lý nảy sinh mà còn có thể phát huy tối đa lợi thế thương mại trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Không chỉ đơn thuần là một công cụ thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ đang được coi là một tài sản vô hình ngày càng có giá trị đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu với sự gia tăng lệ thuộc lẫn nhau trong hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế như hiện nay. Với một đối tác lớn như EU, việc tận dụng được những lợi thế mà sở hữu trí tuệ mang lại thông qua một FTA song phương như EVFTA cũng như hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ đối với những tài sản vô hình này, doanh nghiệp không chỉ lường trước và tránh được những rắc rối pháp lý nảy sinh mà còn có thể phát huy tối đa lợi thế thương mại trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình.

Mặc dù Chương sở hữu trí tuệ của EVFTA có tới 63 điều khoản chia làm 4 phần, kèm theo là 2 phụ lục về Danh mục chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhưng đối với các SME, cần lưu ý tới 3 vấn đề chính trong quan hệ thương mại với thị trường này, cụ thể: (i) Các CDĐL bảo hộ qua Hiệp định; (ii) Tận dụng thuận lợi trong các thủ tục sở hữu công nghiệp (SHCN); (iii) Tuân thủ quy định để tránh bị thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Tìm hiểu danh mục CDĐL bảo hộ qua EVFTA

CDĐL là một trong các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, được định nghĩa là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Trong EVFTA, điều đáng quan tâm nhất chính là danh mục các CDĐL được bảo hộ qua Hiệp định, trong đó phía EU có 169 CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam và phía Việt Nam là 39 CDĐL được bảo hộ tại EU. Có thể nói, EVFTA là FTA đầu tiên của Việt Nam tiếp cận phương thức bảo hộ CDĐL trực tiếp thông qua một hiệp định. Nhờ phương thức bảo hộ trực tiếp này, các CDĐL của Việt Nam được ghi nhận và bảo hộ tại một thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất với 28 quốc gia thành viên mà không phải tốn chi phí cũng như thời gian đăng ký của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, trà Mộc Châu, gạo Điện Biên hay thậm chí là các sản phẩm hoa qủa nhiệt đới như vải thiều Thanh Hà, thanh long Bình Thuận tiếp cận được với thế giới. Tuy nhiên, mở ra cơ hội cho nông sản không có nghĩa là chúng ta có ngay thị trường. Để thực sự bước chân vào thị trường khó tính này, các mặt hàng nông sản còn phải thỏa mãn nhiều điều kiện khác liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, mức độ an toàn, rồi các quy định liên quan đến kiểm dịch thực vật, tiếp cận thị trường… vốn không phải lúc nào cũng quen thuộc đối với doanh nghiệp, nhất là các SME.

Nhiều CDĐL của Việt Nam được bảo hộ ở EU thông qua EVFTA

Bên cạnh đó, việc một số lượng lớn CDĐL của EU được bảo hộ tại Việt Nam chủ yếu cho các sản phẩm rượu vang, pho-mát có thể sẽ trở thành rào cản cho việc nhập khẩu các sản phẩm tương tự từ thị trường ngoài EU như Mỹ, Úc, Canada… mà có nhãn hiệu hoặc dấu hiệu tương tự với các CDĐL này. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các SME chuyên nhập khẩu rượu, pho-mát cần đặc biệt lưu tâm đến các CDĐL của EU cho các sản phẩm này, nhất là các ngoại lệ được phép để tránh vướng vào các hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dù nhập khẩu đúng quy định.

Tận dụng điều kiện thuận lợi đối với sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp

Các đối tượng SHCN được đề cập trong EVFTA như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (KDCN), thông tin bí mật, giống cây trồng về cơ bản thụ hưởng tiêu chuẩn bảo hộ như đã được đề cập tại Hiệp định TRIPS và Công ước quốc tế về giống cây trồng (UPOV). Đáng chú ý là trong Hiệp định EVFTA, vấn đề tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong lĩnh vực SHCN được đặc biệt chú trọng.

Một điểm mới liên quan đến sáng chế ở Hiệp định này là việc các bên phải có cơ chế cho phép “bù đắp” cho các trường hợp mà thời gian bảo hộ sáng chế của một dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường. Mặc dù không ràng buộc về cách thức bù đắp, nhưng việc phải có cơ chế bù đắp cũng là một biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm cho thời gian và phí tổn đầu tư tài chính của mình.

Hay như về nhãn hiệu, các quy định liên quan đến công khai cơ sở dữ liệu về đơn đăng ký và nhãn hiệu được bảo hộ cho công chúng dễ dàng tiếp cận cũng là những động thái tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc theo dõi tình trạng bảo hộ quyền của mình cũng như có những hành động kịp thời trong việc ngăn chặn các nhãn hiệu có tiềm năng xâm phạm nếu được cấp hoặc được sử dụng trên thị trường.

Về KDCN, cam kết gia nhập Thỏa ước La Hay sẽ giúp các doanh nghiệp có thể đăng ký quốc tế KDCN qua một hệ thống đơn giản và nhanh chóng tương tự như hệ thống áp dụng cho nhãn hiệu (Hệ thống Madrid) hay sáng chế (Hệ thống PCT). Bên cạnh đó, Hiệp định cũng xác định rõ về việc một sản phẩm mang KDCN hoàn toàn có đủ khả năng được bảo hộ cả dưới dạng KDCN lẫn dưới dạng quyền tác giả đối với tác phẩm. Nói cách khác, một KDCN được bảo hộ theo cả hai hình thức sẽ không chỉ giới hạn ở thời hạn bảo hộ 15 năm (áp dụng đối với KDCN) mà có thể kéo dài tới hết cuộc đời tác giả cộng thêm 75 năm sau khi tác giả mất (áp dụng đối với KDCN là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng), tất nhiên là mức độ và phạm vi bảo hộ của hai hình thức sẽ có những điểm khác nhau theo pháp luật quốc gia.

Tuân thủ các quy định để tránh bị thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ sao cho có hiệu quả trong thực tế luôn là vấn đề được cả EU và Việt Nam quan tâm. Chính vì thế, các biện pháp thực thi dân sự và kiểm soát biên giới trong EVFTA được quy định khá cụ thể theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn, trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan thực thi, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể có hành vi vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ.

Ví dụ, thẩm quyền của toà án trong EVFTA được mở rộng không chỉ quyền ra lệnh cấm, thu giữ hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ đối với các chủ thể vi phạm mà còn cả đối với các chủ thể làm dịch vụ lưu giữ, vận chuyển, quản lý hàng hóa vi phạm mà không phải là chủ thể vi phạm, hay quy định chi trả án phí và phí luật sư cũng được quy định theo hướng bên thua kiện (dù là nguyên đơn hay bị đơn) chi trả, thay vì quy định bên có hành vi xâm phạm phải chi trả như pháp luật Việt Nam hiện nay.

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA được kỳ vọng trở thành một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại toàn cầu, vì vậy, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt đọng kinh doanh của mình, cần chú trọng ngay từ đầu việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, nhất là trong quan hệ làm ăn với các đối tác có truyền thống sở hữu trí tuệ lâu đời EU, có như vậy mới tạo dựng được cơ sở vững chắc về lòng tin, từ đó mở rộng thêm cơ hội hợp tác và đầu tư trong bối cảnh quan hệ thương mại vững bền không chỉ dựa trên phạm vi rộng mà còn cần thâm nhập sâu như hiện nay.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)