Thứ hai, 28/03/2022 15:54

Thái Bình: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện đại

Trịnh Quang Hiệp

Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song thời gian qua hoạt động KH&CN của tỉnh Thái Bình vẫn tạo được nhiều dấu ấn tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người dân.

Những kết quả nổi bật

Năm 2021, được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Thái Bình, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, song dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; hoạt động KH&CN đã tạo nhiều ấn tượng tích cực, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của tỉnh. Một số kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có thể kể đến như:

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: tỉnh Thái Bình đã khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây trồng mới triển vọng, có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như dưa lê (Kim bạch và Cẩm Châu), măng tây xanh, bí đá trái dài, mướp đắng xanh, đậu xanh TX05… Song song với việc đưa các giống cây trồng mới vào nghiên cứu, sản xuất, tỉnh cũng thực hiện nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trồng bản địa quý như lúa Nếp bể (Vũ Thư), Hồng xiêm nhót (Lô Giang), rau thông muối (Thụy Hải) và Mít dai vàng (Hà Giang - Đông Hưng). Đồng thời, nhờ ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp chất thải trong chăn nuôi để phòng trừ bệnh hại vùng rễ, chất lượng một số cây trồng thuộc họ cà (cà chua, ớt, khoai tây) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân đón nhận.

Sản phẩm đậu xanh TX05 được trồng tại tỉnh Thái Bình.

Trong công tác chăn nuôi, việc ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản (bò cái nền lai Zebu của địa phương với bò đực Wagyu và Red Angus) nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Thái Bình đã mang lại kết quả tích cực. Hơn 100 con bê lai đã được sinh sản và nuôi dưỡng. Các quy trình lai tạo, nuôi dưỡng bê lai đều được xây dựng và tập huấn một cách có hệ thống trước khi giao lại cho người dân vận hành. Tại huyện Quỳnh Phụ, người dân được hướng dẫn quy trình ấp nở nhân tạo trứng gà Tò thương phẩm theo hướng VietGap, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân: kết quả của các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực y tế đã có những đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế.

Điển hình là việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính bằng sử dụng năng lượng sóng có tần số Radio tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Thái Bình, giúp hạn chế tối đa tai biến trong và sau thủ thuật, rút ngắn thời gian nằm viện, vết sẹo để lại trên người bệnh nhỏ và tỷ lệ tái phát khá thấp. Triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ rệt qua các lần tái khám. Ngoài ra, kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp nút hóa chất động mạch sử dụng máy số hóa xóa nền (DSA) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Sau khi điều trị 1-3 tháng, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tốt lên, các chỉ số xét nghiệm máu (AFP, GOT, GPT) giảm so với trước khi nút động mạch gan, kích thước các khối u giảm…

Lĩnh vực bảo vệ môi trường: quá trình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường nước thải, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Đặc biệt, Công ty CP Thương mại Thành Đạt là một trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiên phong sản xuất thành công phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng từ rác thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp. Sản phẩm được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón và ban hành quyết định công nhận 3 loại phân bón: hữu cơ - TĐ.16, hữu cơ khoáng - TĐ.17 và hữu cơ vi sinh - TĐ.18, đạt tiêu chuẩn lưu hành tại Việt Nam.

Đoàn công tác Sở KH&CN Thái Bình đánh giá mô hình khoai tây sử dụng phân hữu cơ vi sinh tự ủ tại xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ.

Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ: việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã góp phần hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình phát triển công nghệ mới, áp dụng vào sản xuất và đời sống. Điển hình như ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại địa phương; xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển; ứng dụng công nghệ thông tin tạo lập cơ sở dữ liệu trồng trọt và bảo vệ thực vật nhằm theo dõi, giám sát sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Để KH&CN tiếp tục là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động KH&CN Thái Bình vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục trong giai đoạn tới, cụ thể: nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn hạn chế dẫn tới hiệu quả của đề tài/dự án chưa thực sự mang lại đột phá, thúc đẩy sự phát triển như kỳ vọng; bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN còn thiếu đồng bộ, linh hoạt. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, đưa KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình sẽ tiến hành cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN, Chủ trương này được cụ thể hóa trong Đề án “Phát triển KH&CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe của nhân dân đạt trên 60% nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đặc biệt là các chương trình lớn như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia… Để thực hiện tốt đề án, Sở KH&CN Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN:

Một là, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu cao về dinh dưỡng của người tiêu dùng, chú trọng ứng dụng khoa học trong việc sản xuất giống. Trong đó, có kế hoạch đưa ngao trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và có thương hiệu mạnh trên toàn quốc. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo tồn, nhân giống tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm tiêu biểu như: gà Tò, ổi Bo… Thành lập Hội nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thái Bình nhằm tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong định hướng phát triển. 

Hai là, trên nền tảng của công nghệ số, công nghệ 4.0, xây dựng cơ chế gắn kết các vùng nông nghiệp công nghệ cao với nhau; lấy vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vũ Thư là trung tâm để chuyển giao tiến bộ KH&CN cho các vùng nông nghiệp; tất cả các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh phải được giới thiệu trên nền tảng công nghệ số tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của tỉnh. Bên cạnh đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng chính quyền thông minh, đô thị thông minh, trong phòng chống dịch Covid-19 và các ngành, lĩnh vực khác với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.

Ba là, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực phòng, chống các căn bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, đặc biệt như Covid-19; chẩn đoán sớm và điều trị có hiệu quả các bệnh thời đại như ung thư, tim mạch, rối loạn chuyển hóa..; ứng dụng robot trong phẫu thuật, chủ động việc ghép tạng, mổ tim mở, can thiệp tĩnh mạch vi phẫu và phát triển y tế cơ sở, hướng tới hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và sinh phẩm y tế; phát triển vùng trồng, sơ chế, bảo quản, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, ứng dụng tiến bộ KH&CN tiên tiến để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phục vụ hoạt động quan trắc, thu thập, xử lý, quản lý các dữ liệu tài nguyên và môi trường. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, các đô thị và khu vực nông thôn; ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, nhân rộng các mô hình xử lý nước thải y tế, công nghiệp, chế biến nông, lâm, hải sản, sinh hoạt đô thị; xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại. Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải. Tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, vật liệu xây dựng mới trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh nhằm động viên, khuyến khích phong trào thi đua sáng tạo khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân. Việc nâng cao chất lượng cuộc thi, hội thi sẽ góp phần lựa chọn các đề tài, sáng kiến có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng hiệu quả vào đời sống thực tiễn.

Phát triển KH&CN là nhiệm vụ tất yếu vừa mang tầm chiến lược, vừa mang tính cấp thiết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng thành công KH&CN được coi là chìa khóa vàng để nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc tới người dân, hướng tới một đô thị thông minh trên cả nước.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)