
Nông dân trồng điều ở phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai.
Vùng nguyên liệu quy mô lớn - Nền tảng phát triển bền vững
Vùng đất đỏ bazan trải dài từ Tây Bắc đến Đông Nam của tỉnh mới tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các CCN lâu năm. Riêng khu vực Bình Phước (cũ) đã có gần 245.000 ha cao su và 150.000 ha điều - chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng quốc gia. Bên cạnh đó là gần 14.300 ha cà phê và hơn 11.000 ha hồ tiêu, góp phần hình thành những vùng chuyên canh tập trung có quy mô lớn và tiềm năng chế biến sâu. Tại phần đất Đồng Nai (cũ), diện tích trồng CCN cũng rất đáng kể với gần 93.200 ha. Trong đó, cây cao su đạt khoảng 40.000 ha, điều 28.000 ha, hồ tiêu 10.000 ha và cà phê hơn 6.000 ha. Nhờ vào hệ thống thủy lợi chủ động và khí hậu ôn hòa, các vùng chuyên canh tại đây duy trì được năng suất ổn định, tạo điều kiện để sản xuất hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu như GlobalGAP, hữu cơ, Rainforest Alliance…
Mặc dù quy mô diện tích các CCN dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu còn khoảng 77.000 ha tại Đồng Nai mới, song tỉnh đang tập trung vào việc tăng giá trị sản phẩm thông qua việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào mọi công đoạn sản xuất - từ giống, canh tác, thu hoạch đến chế biến và truy xuất nguồn gốc. Nhiều mô hình trồng xen canh được triển khai như cà phê - điều, ca cao - điều… nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận cho nông dân. Hệ thống cảm biến đất - nước, phần mềm quản lý mùa vụ và thiết bị bay không người lái (drone) cũng đang được tích hợp tại một số hợp tác xã và doanh nghiệp lớn để giám sát canh tác và hỗ trợ phun tưới tự động, tiết kiệm tài nguyên. Cùng với đó, dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ AI bắt đầu được áp dụng để phân tích thị trường, xu hướng giá cả và rủi ro khí hậu - tạo nền tảng cho việc ra quyết định sản xuất chính xác và phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Việc sở hữu vùng nguyên liệu quy mô lớn giúp Đồng Nai mới trở thành “thỏi nam châm” thu hút hàng loạt doanh nghiệp chế biến trong và ngoài nước. Trong số này có hàng chục nhà máy chế biến hạt điều, cao su, cà phê và hồ tiêu đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Năm 2024, Đồng Nai cũ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng CCN chủ lực đạt gần 1,6 tỷ USD, gồm: cà phê hơn 912 triệu USD, điều hơn 510 triệu USD, cao su hơn 79 triệu USD và hồ tiêu gần 73 triệu USD. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh mới nâng tổng giá trị xuất khẩu nông sản lên mức 4,5 tỷ USD vào năm 2030, trong đó 60% đến từ nhóm cây công nghiệp chế biến sâu. Bên cạnh việc đầu tư vào nhà máy, các doanh nghiệp cũng bắt đầu xây dựng chuỗi liên kết với vùng nguyên liệu bằng cách hỗ trợ nông dân tiếp cận giống mới, phân bón hữu cơ, đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững và đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra. Một số đơn vị đã áp dụng truy xuất nguồn gốc blockchain để đáp ứng các yêu cầu minh bạch trong giao dịch toàn cầu.
Thị trường xuất khẩu - Bệ phóng cho nông sản bản địa
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới và nằm trong top đầu về cà phê, cao su, hồ tiêu. Với lợi thế địa lý gần TP Hồ Chí Minh và các cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải, Cảng Phước An và sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai có điều kiện lý tưởng để trở thành trung tâm trung chuyển nông sản xuất khẩu của cả khu vực. Chính quyền tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng các cụm công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Bù Đăng, Phước Long… đồng thời xúc tiến thương mại quốc tế để đưa nông sản địa phương tiếp cận các hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP. Cùng lúc, một đề án hỗ trợ số hóa hoạt động logistics và cấp mã số vùng trồng cũng đang được triển khai để tạo hành lang xuất khẩu thuận lợi, giảm chi phí trung gian.
Một trong những đổi mới quan trọng là việc số hóa dữ liệu đất đai, cây trồng, năng suất và quản lý chuỗi cung ứng. Ứng dụng “Nông nghiệp số Đồng Nai” đang được xây dựng để tích hợp thông tin về vùng trồng, thời vụ, năng suất dự báo, giá cả thị trường và hướng dẫn kỹ thuật số. Việc triển khai hệ thống giám sát từ xa bằng camera, cảm biến môi trường và phân tích dữ liệu bằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, tối ưu hóa lịch phun thuốc, tưới tiêu và thu hoạch. Đây là bước đi quan trọng giúp ngành CCN giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, một số hợp tác xã và nông hộ tại Đồng Nai mới đã bắt đầu chuyển sang mô hình sản xuất hữu cơ, đạt chứng nhận quốc tế. Các vùng điều hữu cơ tại Trảng Bom, Bù Đăng, Bù Gia Mập hay cà phê sạch tại Tân Phú, Định Quán không chỉ tạo ra sản phẩm giá trị cao mà còn giúp giảm ô nhiễm đất, nước và không khí. Tỉnh cũng đang thử nghiệm các mô hình nông nghiệp tuần hoàn - sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc nhiên liệu sinh học. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu lãng phí, đồng thời mở rộng chuỗi giá trị cho nông sản địa phương.
Trong bối cảnh quy mô tỉnh tăng gấp đôi sau sáp nhập, việc xây dựng các liên kết vùng sản xuất - chế biến - tiêu thụ là chiến lược cốt lõi. Đồng Nai mới đặt mục tiêu hình thành ít nhất 30 chuỗi giá trị khép kín cho các CCN chủ lực vào năm 2030, trong đó có sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và tổ chức tài chính. Chính quyền cũng khuyến khích thành lập các trung tâm khởi nghiệp nông nghiệp - công nghệ, nơi ươm tạo các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị CCN, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng IoT, AI, thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc. Với chiến lược phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tỉnh Đồng Nai mới không chỉ giữ vững vị thế “thủ phủ” CNN của Việt Nam, mà còn từng bước vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp thông minh và chế biến sâu hàng đầu Đông Nam Á. Đây là con đường tất yếu để nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo nền tảng kinh tế xanh và bền vững cho tương lai.
NMK