Thứ ba, 01/07/2025 16:26

Đồng Tháp: Tháo gỡ khó khăn trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận mang địa danh khi tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp

ThS Vũ Thị Ngọc Hương

Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp

Bài viết phân tích các khó khăn trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) mang địa danh trong bối cảnh tái cơ cấu chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã, không tổ chức cấp huyện) từ ngày 01/7/2025. Dựa trên khung pháp lý hiện hành, bài viết đề xuất hai phương án giải quyết: (i) Sửa đổi văn bằng bảo hộ do sáp nhập, giải thể; (ii) Chuyển nhượng quyền sử dụng NHCN. Mỗi phương án được phân tích ưu, nhược điểm để đảm bảo tính liên tục trong quản lý tài sản trí tuệ (TSTT).

Mở đầu

Tài sản trí tuệ, đặc biệt là CDĐL và NHCN mang địa danh, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu nông sản Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến ngày 31/12/2024, Việt Nam đã cấp bảo hộ cho: 116 CDĐL, chiếm khoảng 5,5% tổng số văn bằng bảo hộ liên quan đến nguồn gốc địa lý, bao gồm các sản phẩm nổi bật như “Nước mắm Phú Quốc”, “Vải thiều Lục Ngạn”, “Thanh long Bình Thuận”, “Xoài Cao Lãnh”…; 350 NHCN, chiếm khoảng 23,8% tổng số văn bằng, đặc biệt tại Đồng Tháp một số NHCN như “Sen Tháp Mười”, “Quýt hồng Lai Vung”, “Ớt Thanh Bình”...

Một số sản phẩm của Đồng Tháp đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 01 CDĐL và 34 NHCN mang địa danh do các UBND các huyện, thành phố, các Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ sở hữu. Đối với các TSTT (chủ yếu là NHCN) có chứa dấu chỉ nguồn gốc địa danh có phạm vi hành chính cấp huyện (UBND huyện và Phòng chuyên môn) làm tổ chức sở hữu và quản lý sẽ không còn phù hợp (một số thông tin về chủ giấy chứng nhận của 34 NHCN này sẽ không còn phù hợp). Do việc giải thể UBND cấp huyện (chủ sở hữu hiện tại của nhiều NHCN) đặt ra thách thức trong việc chuyển giao hoặc kế thừa quyền quản lý nhãn hiệu.

Tác động của việc sáp nhập tổ chức lại chính quyền địa phương đến chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận mang địa danh

Tác động của việc sáp nhập tổ chức lại chính quyền địa phương đến hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Hiện nay có nhiều NHCN do UBND cấp huyện làm chủ sở hữu, do đó việc sắp xếp các đơn vị hành chính ở địa phương (cấp xã, cấp tỉnh) và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ dẫn đến những thay đổi thông tin về chủ sở hữu nhãn hiệu/tổ chức quản lý CDĐL, tên và địa chỉ chủ sở hữu… trên giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký CDĐL đã được cấp. Hiện tại và sắp tới, thông tin về chủ giấy chứng nhận của 34 NHCN đã và sẽ không còn phù hợp.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022 và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, trong đó có hướng dẫn việc tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND tỉnh) có trách nhiệm “quản lý CDĐL thuộc địa phương, kể cả địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương”, trong đó có việc cho phép sử dụng địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu tập thể, NHCN (một dạng tài sản của đơn vị).

Tác động của việc sáp nhập tổ chức lại chính quyền địa phương đến quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận mang địa danh

Theo điểm đ Khoản 3 Điều 140 của Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong nhiều trường hợp khác nhau, trong đó có trường hợp “người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại”. Vì vậy, khi UBND, cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND và các tổ chức tập thể được tổ chức theo cấp hành chính cấp huyện (là các pháp nhân phi thương mại theo Điều 76 Bộ luật Dân sự) đang là chủ đơn đăng ký nhãn hiệu/CDĐL nhưng không còn tồn tại, mọi hoạt động đại diện và quyền liên quan đến đơn đăng ký cũng chấm dứt, trừ khi có chuyển giao hợp pháp trước đó.

Mặt khác, công tác quản lý và phát triển các NHCN mang địa danh hiện nay đang được thực hiện bởi chủ sở hữu được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, việc thay đổi thông tin chủ sở hữu cần được thực hiện cập nhật kịp thời theo quy định nhằm đảm bảo tính liên tục hiệu quả, tránh lãng phí nguồn TSTT hiện có.

Do đó, cần tiến hành các thủ tục, quy trình sửa đổi thông tin văn bằng bảo hộ, sửa đổi đơn đăng ký trước khi pháp nhân cũ không còn (do chấm dứt hoạt động, sáp nhập, hợp nhất).

Đề xuất phương án xử lý

Xuất phát từ những phân tích trên và căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương (Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 28/4/2025 của HĐND tỉnh Đồng Tháp (khóa X kỳ họp đột xuất lần thứ 14) về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp (45 xã/phường mới)), tác giả đề xuất hai phương án nhằm tháo gỡ khó khăn trong quản lý và phát triển CDĐL, NHCN khi tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp, cụ thể như sau:

Phương án 1: Sửa đổi văn bằng bảo hộ do sáp nhập, giải thể

Khi UBND cấp huyện giải thể, quyền quản lý CDĐL và NHCN sẽ được chuyển giao cho tổ chức kế thừa (UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã/phường hoặc cơ quan được ủy quyền như Sở Khoa học và Công nghệ) thông qua thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ, theo Điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 30 Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

Quy trình thực hiện như sau: i) UBND tỉnh ban hành quyết định chỉ định tổ chức kế thừa (ví dụ: UBND xã/phường hoặc Sở Nông nghiệp và Môi trường); ii) Chuẩn bị hồ sơ sửa đổi văn bằng, bao gồm: Tờ khai yêu cầu sửa đổi (Mẫu 01, Phụ lục IV, Nghị định 65/2023/NĐ-CP); Bản sao công chứng văn bằng bảo hộ; Quyết định giải thể UBND cấp huyện và chỉ định tổ chức kế thừa; Quy chế sử dụng nhãn hiệu (nếu có thay đổi); iii) Nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ (trực tiếp, qua bưu điện hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia); iv) Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định (2-4 tháng), công bố và cấp văn bằng sửa đổi.

Ưu điểm của phương án này là: (i) Hợp pháp và đơn giản: Phù hợp với quy định pháp luật về kế thừa quyền do sáp nhập, giải thể (Điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 87-90 Bộ luật Dân sự); (ii) Tiết kiệm chi phí và thời gian: Không yêu cầu hợp đồng chuyển nhượng, giảm chi phí công chứng và thời gian xử lý so với chuyển nhượng quyền; (iii) Đảm bảo tính liên tục: Quyền quản lý nhãn hiệu được chuyển giao liền mạch, tránh gián đoạn pháp lý sau ngày 01/7/2025; (iv) Phù hợp với quy mô lớn: Có thể áp dụng đồng loạt cho 34 NHCN tại Đồng Tháp, đảm bảo quản lý thống nhất.

Tuy nhiên nhược điểm là: (i) Phụ thuộc vào năng lực tổ chức kế thừa: UBND xã/phường thường thiếu nhân lực và kinh nghiệm quản lý TSTT, có thể dẫn đến quản lý kém hiệu quả; (ii) Thời gian thẩm định: Quá trình xử lý hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ có thể kéo dài 2-4 tháng, nên cần nộp hồ sơ sớm; (iii) Yêu cầu quy chế rõ ràng: Nếu tổ chức kế thừa thay đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu, cần bổ sung tài liệu và phí thẩm định (230.000 đồng/nhãn hiệu).

Phương án 2: Chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Chủ sở hữu (UBND cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Phòng Kinh tế cấp huyện) chuyển nhượng quyền sử dụng NHCN cho tổ chức kế thừa (UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã/phường hoặc tổ chức tập thể như hiệp hội, hợp tác xã) thông qua hợp đồng chuyển nhượng, được công chứng và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, theo Điều 138 và 139 Luật Sở hữu trí tuệ.

Quy trình thực hiện như sau: UBND tỉnh ban hành quyết định chỉ định tổ chức nhận chuyển nhượng (ví dụ: UBND xã/phường hoặc hiệp hội ngành hàng); ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu giữa UBND cấp huyện và tổ chức kế thừa, công chứng tại cơ quan có thẩm quyền; chuẩn bị hồ sơ đăng ký chuyển nhượng, bao gồm: Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng (Mẫu 02, Phụ lục IV, Nghị định 65/2023/NĐ-CP; bản gốc hoặc bản sao công chứng hợp đồng chuyển nhượng; Bản sao văn bằng bảo hộ; Quy chế sử dụng nhãn hiệu (nếu có thay đổi); nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Ưu điểm của phương án này là: Linh hoạt trong lựa chọn tổ chức kế thừa: có thể chuyển nhượng cho tổ chức tập thể (hiệp hội, hợp tác xã), giúp tăng cường sự tham gia của cộng đồng sản xuất; khuyến khích thương mại hóa: tổ chức nhận chuyển nhượng (như hiệp hội) có thể chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu ra thị trường quốc tế; tăng cường trách nhiệm cộng đồng: các tổ chức tập thể có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ hơn, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh ưu điểm nêu trên, phương án này có nhược điểm: Thủ tục phức tạp: yêu cầu ký hợp đồng chuyển nhượng, công chứng và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, làm tăng chi phí và thời gian (3-6 tháng); chi phí cao hơn: phí thẩm định chuyển nhượng (360.000 đồng/nhãn hiệu) cao hơn phí sửa đổi văn bằng (160.000 đồng/nhãn hiệu); rủi ro năng lực tổ chức nhận chuyển nhượng, các tổ chức tập thể như hợp tác xã thường thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự để quản lý nhãn hiệu hiệu quả; khó áp dụng đồng loạt: với 34 NHCN tại Đồng Tháp, việc ký hợp đồng chuyển nhượng riêng lẻ cho từng nhãn hiệu sẽ tốn nhiều thời gian và công sức.

Đề xuất, kiến nghị lựa chọn giải pháp

Đề xuất ưu tiên phương án 1 (sửa đổi văn bằng bảo hộ)

 So với phướng án 2 thì phương án 1 phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh Đồng Tháp, cơ bản đáp ứng mục tiêu về tổ chức quản lý, đảm bảo sự kế thừa và phát triển nhãn hiệu có dấu chỉ nguồn gốc địa danh của nông sản đặc thù địa phương đã được xây dựng qua nhiều năm và phương án này cũng ít tốn kém về thời gian và chi phí hơn.

Phương án này đơn giản, hợp pháp, tiết kiệm chi phí và phù hợp với quy mô lớn (34 NHCN tại Đồng Tháp). Đồng thời đảm bảo tính liên tục trong quản lý TSTT, đặc biệt trong bối cảnh thời gian gấp rút trước ngày 01/7/2025. Phương án chuyển giao các NHCN mang địa danh khi tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp và không tổ chức cấp huyện cần được thực hiện một cách cẩn trọng, đảm bảo tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan.

Kiến nghị bổ sung

Từ thực tiễn phân tích nêu trên, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

Hoàn thiện khung pháp lý: Cục Sở hữu trí tuệ cần tham mưu sửa đổi Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, bổ sung hướng dẫn chi tiết về chuyển giao quyền quản lý TSTT trong trường hợp tái cơ cấu hành chính.

Tăng cường năng lực địa phương: Tổ chức các chương trình đào tạo cho UBND xã/phường và các tổ chức tập thể về quản lý TSTT, đặc biệt là quy trình kiểm soát chất lượng và xúc tiến thương mại.

Xây dựng cơ chế phối hợp: Thiết lập ban chỉ đạo cấp tỉnh để giám sát việc chuyển giao, quản lý và phát triển CDĐL, NHCN, đảm bảo sự tham gia của các sở ngành (Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương). 

Hỗ trợ tài chính: Phân bổ ngân sách cho phí/lệ phí sửa đổi văn bằng và các hoạt động quảng bá nhãn hiệu sau chuyển giao.

*

*          *

Cùng với cả nước, việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 01/7/2025 đặt ra thách thức lớn trong quản lý và phát triển CDĐL, NHCN mang địa danh. Phương án sửa đổi văn bằng bảo hộ là giải pháp tối ưu, đảm bảo tính pháp lý, tiết kiệm chi phí và phù hợp với quy mô lớn. Tuy nhiên, cần kết hợp với các biện pháp nâng cao năng lực tổ chức kế thừa và hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo hiệu quả quản lý lâu dài. Các địa phương khác trong cả nước có thể tham khảo mô hình này để ứng phó với những thay đổi hành chính tương tự, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)