Những kết quả nổi bật
Tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 13.193 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 206 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 71,5% doanh nghiệp đang hoạt động. 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm công nghiệp chủ chốt đều có mức tăng trưởng khá, trong đó, xe ô tô các loại tăng xấp xỉ 11%; doanh thu từ dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,7%.
Ngành công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng vào bức tranh kinh tế chung của tỉnh, đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với con số bình quân 1,42% của cả nước. Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%, ngành dịch vụ tăng 2,81%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn lên tới 24.680 tỷ đồng, đạt 80% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất lao động năm 2021 đạt 212 triệu đồng. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 42,7%/năm. Hiệu quả vốn đầu tư (hệ số ICOR) ở mức khá, đạt khoảng 4-4,5.
Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế có thể giải thích bằng sự đóng góp của ba thành phần chính là (1) lao động, (2) vốn và (3) những yếu tố khác (trong đó có giáo dục đào tạo, KH&CN, môi trường kinh doanh...) Những phần tăng năng suất không phải do tăng vốn và lao động này được các nhà kinh tế gọi là TFP. Có thể nói, các yếu tố lợi thế trong TFP đang đóng một vai trò quan trọng tác động tới năng suất của tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện trên các mặt sau:
Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT): những năm qua, Vĩnh Phúc đã coi CNHT là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, sớm đưa tỉnh hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy. Ðây chính là những giải pháp căn cơ để bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành CNHT. Từ đó, tạo nền tảng quan trọng giúp ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư hơn 94,7 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp CNHT mở rộng thị trường và xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm rà soát quy hoạch, tích cực dồn đổi, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi mạnh cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với từng khu vực và nhu cầu thị trường; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã đưa vào gần 969 tấn giống lúa chất lượng phục vụ cho sản xuất, giúp năng suất lúa của tỉnh tăng lên tới 60 tạ/ha/năm, nhiều khu vực trong tỉnh đã hình thành được những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng riêng như: thanh long ruột đỏ Lập Thành , dưa chuột sạch An Hòa, King su su, chuối tiêu hồng Yên Lạc và các sản phẩm khác.
Phát triển du lịch: hoạt động du lịch, khách sạn nhà hàng đã phát triển trong các năm gần đây. Hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại và tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước. Nhiều công trình văn hóa kết hợp phục vụ du lịch được đầu tư hoàn thiện. Hạ tầng du lịch đã từng bước được cải tạo, nâng cấp như hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước... ở các khu, điểm du lịch, tạo điều kiện thu hút các dự án lớn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển du lịch. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song ngành du lịch của tỉnh vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượt khách tới tham quan lưu trú tại Vĩnh Phúc là 2.020.300, ước tính doanh thu đạt 1.253 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của tỉnh Vĩnh Phúc công bố, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực doanh nghiệp trong 10 năm qua (giai đoạn 2011-2021) là 9,05%/năm, giá trị gia tăng do tiến bộ công nghệ tăng 4,75%/năm, ước tính đóng góp 52,4% vào tăng giá trị gia tăng. Qua đó có thể thấy, tiến bộ công nghệ đang có xu hướng tăng theo thời gian và đóng góp ngày càng cao hơn tới tăng năng suất.
Vĩnh Phúc đang ngày càng tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Tiếp tục đẩy mạnh sự đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế
Trong giai đoạn 2021-2025, để đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45% như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc cần thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất một cách toàn diện, trong đó chú trọng các vấn đề sau:
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế: đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, trọng tâm là tăng năng suất lao động, nâng cao hàm lượng KH&CN cao; năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Chú trọng phát triển công nghiệp để làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tiếp tục khuyến khích phát triển CNHT; duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Hai là, tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng bền vững: thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có. Tăng cường công tác quản lý, vận hành theo đúng quy hoạch. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp CNHT, tạo ra một mạng lưới các công ty vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn. Thu hút đầu tư, phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ giáo dục, logistic, tài chính - kinh doanh, du lịch, vận tải, dịch vụ KH&CN và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và bền vững; phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Ba là, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ: khuyến khích phát triển đồng đều các thành phần kinh tế; thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, bảo vệ quyền tài sản, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không phân biệt đối xử, đảm bảo tính bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và cơ hội kinh doanh. Tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ hoàn toàn khi đủ điều kiện; triển khai việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Bốn là, cải thiện môi trường kinh doanh, khai thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội: tập trung rà soát để loại bỏ những thủ tục, quy định đang gây khó khăn, cản trở các nhà đầu tư; khắc phục tình trạng ban hành những cơ chế chính sách mới không đảm bảo tính khả thi, không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Xây dựng các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, huy động, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển cho nền kinh tế.
Phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính cấp tỉnh (PAPI) hằng năm nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) hằng năm thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Năm là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung vào nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, tạo cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đổi mới công nghệ. Tăng cường kết nối, gắn kết với tiềm lực KH&CN quốc gia, huy động được lực lượng trí thức hàng đầu đất nước ở các tổ chức KH&CN để đồng hành, sáng tạo và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo giá trị gia tăng cao vào phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất trên địa bàn.
Sáu là, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân: quá trình công nghiệp hóa của tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút hàng trăm ngàn lao động trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận về làm việc tại các doanh nghiệp. Nhiều nét văn hóa và phong tục tập quán vùng miền khác nhau cũng phát triển rất đa dạng. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, thì việc chăm lo nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân cũng cần được quan tâm. Muốn vậy cần đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình văn hóa, thể thao phục vụ người lao động; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Qua đó giúp giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của người lao động, là cơ sở để tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất trong lao động, sản xuất.
* *
*
Có thể khẳng định, thúc đẩy TFP vào tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp cho người lao động. Nhờ đó, nâng cao quỹ phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để khắc phục những hạn chế về kinh tế so với các tỉnh/thành phố khác trên cả nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.