Thứ sáu, 11/02/2022 11:19

Thừa Thiên Huế: Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm KH&CN lớn của đất nước

Hồ Thắng

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với mục tiêu trở thành trung tâm KH&CN lớn của đất nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định được những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới.

Thành tựu nổi bật

Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn chế, song được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai hoạt động KH&CN đúng kế hoạch, bám sát thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2020-2021, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ các năm trước, tỉnh đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt 10 dự án cấp quốc gia thuộc các chương trình: Nông thôn miền núi (7) và nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (3); đề xuất Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 1 nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác; đăng ký dự án “Đầu tư vùng trồng dược liệu quý” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thông qua các nhiệm vụ, đề tài KH&CN, nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình mới đã được chuyển giao cho nông dân, giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Về trồng trọt, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng tập trung tăng diện tích lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp: diện tích lúa chất lượng cao năm 2020 đạt trên 17.125 ha (chiếm 31,5% diện tích lúa toàn tỉnh, tăng 6.780 ha so với năm 2015); năng suất đạt 59,8 tạ/ha; sản lượng đạt 102,8 nghìn tấn. Về thủy sản, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để tập trung phát triển theo hướng bền vững, gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Chuyển đổi ngành nuôi trồng thuỷ sản theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, tăng cường ứng dụng các quy trình nuôi công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kết hợp đa dạng phương thức nuôi và đối tượng nuôi nhờ đó năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 7.300 ha (tăng 5,3% so với năm 2015); sản lượng đạt 17.630 tấn (tăng 14,6% so với năm 2015). Về lâm nghiệp, tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, tăng tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống mới đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 9.926 ha rừng (trong đó, đạt chứng nhận FSC1: 9.074 ha; đạt chứng chỉ VFCS/PEFC2: 852 ha).

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần giúp một số doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Với phương châm “Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường để đưa ứng dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới vào thực tiễn”, tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 trong 3 địa phương trên cả nước (cùng Thái Nguyên và Cần Thơ) được đón nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021”. Hoạt động bảo hộ, sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh đã có 382 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nổi bật như Bún bò Huế, Thanh trà Huế, Nón lá Huế, Tinh dầu tràm Huế....

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử sau khi khung Chính phủ điện tử được ban hành. Năm 2017, tỉnh đã đưa Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế vào hoạt động, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được đặc biệt chú trọng và đạt được kết quả tích cực. Những kết quả này đã từng bước khẳng định, ngành KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm KH&CN của khu vực và cả nước.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đến thăm Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (4/6/2020).

Đẩy mạnh KH&CN trên địa bàn tỉnh

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN và các đơn vị thuộc Bộ đã quan tâm tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động KH&CN đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, lãnh đạo tỉnh đã xác định được những vấn đề trọng tâm của ngành KH&CN:

Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phát triển ngành KH&CN

Trong năm 2022 và các năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và ban hành một số chính sách đặc thù, thiết thực hỗ trợ ngành KH&CN của tỉnh; tập trung xây dựng kế hoạch hằng năm và 5 năm thực hiện các chương trình: phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ gắn với triển khai thực hiện Đề án Cố đô khởi nghiệp…; gắn các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng KH&CN vào các kế hoạch dài hạn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phát triển tiềm lực và nhân lực KH&CN

Tập trung xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN lớn của cả nước như: hoàn thành Đề án Khu Công nghệ cao (quốc gia) tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia tại miền Trung; xây dựng Đề án Phát triển Bảo tàng thiên nhiên duyên hải Miền Trung đến năm 2030; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia ở khu vực miền Trung; đầu tư, nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN thông qua 2 dự án: “Xây dựng tổ chức chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN”, và “Xây dựng tổ chức chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000, HACCP) và nâng cao năng lực thử nghiệm, đo lường tại Trung tâm Đo lường, Thử nghiệm và Thông tin khoa học”.

Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Tập trung đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và các chương trình của quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì nhằm tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bám sát định hướng trong quy hoạch phát triển các lĩnh vực KH&CN; ưu tiên hỗ trợ các dự án KH&CN cho các lĩnh vực như công nghệ thông tin - gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Huế. Nghiên cứu bảo tồn di sản và phát huy văn hóa Huế, ứng dụng KH&CN trong phát huy truyền thống văn hóa Huế trong bảo tồn, trùng tu di tích…

Tăng cường quản lý nhà nước về công nghệ và an toàn bức xạ

Tăng cường công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ, hoàn thành việc ban hành chính sách và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy đổi mới, cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các ngành có lợi thế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ; nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm thông qua việc cải thiện kiểu dáng công nghiệp, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận phát triển thị trường...

Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trong mối quan hệ gắn kết với Đề án Cố đô khởi nghiệp. Gắn hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với những ý tưởng khởi sự kinh doanh có tiềm năng để áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp. Tập trung các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ những chính sách hỗ trợ mặt bằng, tín dụng thông qua tín chấp, tiếp cận vốn vay, lãi suất cho vay; hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường... 

Phát triển tài sản trí tuệ gắn với thị trường công nghệ

Tiếp tục thực hiện Khung giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Tập trung hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu; hỗ trợ xây dựng, tạo lập và phát triển các nhãn hiệu (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý) của các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ. 

Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Tiếp tục tham mưu xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tạo tiền đề cho việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tỉnh. Thực hiện đề án hiện đại hóa phương tiện đo lường, đầu tư trang bị hệ thống chuẩn đo lường, thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Mở rộng liên kết và tăng cường hợp tác về KH&CN

Tăng cường thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan thuộc Bộ KH&CN để triển khai các nhiệm vụ lớn có tính chiến lược trong định hướng xây dựng Huế thành trung tâm KH&CN của cả nước. Tăng cường phối kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN địa phương và trung ương trên địa bàn trong việc tham mưu, hiến kế các chính sách, các định hướng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết, quan trọng của địa phương.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp về KH&CN giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)