
Phát triển du lịch nông thôn trở thành điểm sáng cho TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập.
Tận dụng lợi thế tự nhiên và nông nghiệp công nghệ cao sẵn có, các địa phương như Phước Thành (trước là Phước Sang), An Long, An Thái, Thường Tân… đã và đang triển khai nhiều mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp sinh thái trải nghiệm. Những vườn cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh, dưa lưới, chuối… không chỉ là nguồn cung nông sản sạch mà còn trở thành điểm đến hút khách, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia thu hoạch, thưởng thức đặc sản tại vườn và tìm hiểu quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Những trải nghiệm này không chỉ góp phần lan tỏa nhận thức tiêu dùng xanh mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương. Bên cạnh yếu tố sản xuất nông nghiệp, vùng đất này còn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa đáng chú ý. Các điểm đến như Đập thủy lợi Phước Hòa với lòng hồ hơn 2.000 ha, Suối Rạc, Hang Cọp, cùng hệ thống di tích như: Dinh tỉnh trưởng Phước Thành, Chùa Bửu Phước, cầu Sông Bé hay miếu Bà Đất Cuốc đã và đang được cải tạo để trở thành các điểm dừng chân hấp dẫn. Từ đó, hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch kết hợp giữa khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng và tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Một trong những mô hình tiêu biểu hiện nay là SOL Retreat Farm tại xã Thường Tân (trước là Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên). Trên khu đất rộng khoảng 10-11 ha, nơi đây đã phát triển thành Farmstay đa năng với các hoạt động nghỉ dưỡng, tham quan vườn rau - trái cây sạch, Workshop làm bánh, vẽ tranh, thiền, ngâm chân thảo dược và các góc chụp ảnh nghệ thuật. SOL Retreat Farm không chỉ phục vụ du khách nội địa mà còn từng bước thu hút khách quốc tế yêu thích loại hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, SOL Retreat Farm còn tiên phong trong việc triển khai Chương trình OCOP, kết hợp giữa nông nghiệp - du lịch - sản phẩm địa phương như dược liệu, trái cây hữu cơ, góp phần làm tăng giá trị kinh tế lẫn nhận diện bản sắc địa phương.
Nhờ hướng đi du lịch nông thôn, đời sống của người dân địa phương đang có những thay đổi rõ nét. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào canh tác, nhiều hộ gia đình đã mở rộng sinh kế sang các lĩnh vực như lưu trú, ăn uống, bán hàng thủ công, làm hướng dẫn viên trải nghiệm… Nguồn thu nhập từ các dịch vụ này không chỉ ổn định mà còn khuyến khích người dân giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa - sinh thái truyền thống, từ đó hình thành hệ sinh thái du lịch cộng đồng vững chắc. Một điểm đáng ghi nhận khác là các làng nghề truyền thống tại khu vực như: gốm sứ Tân Uyên, sơn mài Tương Bình Hiệp hay sản phẩm thủ công tre mây tại các xã ven sông cũng đã bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị du lịch thông qua các chương trình tham quan, trải nghiệm sản xuất tại chỗ. Đây là cơ hội để bảo tồn nghề thủ công truyền thống đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, khác biệt. Tuy nhiên, để phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản, khu vực phía Bắc TP Hồ Chí Minh vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Nhiều mô hình còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết vùng và sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu. Hạ tầng phục vụ du lịch - như đường giao thông, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn - vẫn chưa đồng bộ. Đặc biệt, thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phục vụ du lịch vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho các hộ dân và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh hiện đang phối hợp xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù. Trong đó, trọng tâm là lồng ghép mục tiêu phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận vốn và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, quảng bá điểm đến. Việc khuyến khích triển khai OCOP cũng được xác định là giải pháp then chốt nhằm tạo ra các sản phẩm “có tên, có tuổi” mang thương hiệu vùng miền, dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và đóng vai trò là đại sứ văn hóa cho từng địa phương. Trong bối cảnh các thành phố lớn đang đối mặt với áp lực đô thị hóa và biến đổi khí hậu, du lịch nông thôn với định hướng sinh thái - bản sắc - cộng đồng được xem là giải pháp dài hạn giúp cân bằng phát triển, bảo vệ môi trường và tăng cường gắn kết xã hội. Với những gì đã làm được tại Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Phước Thành…, phía Bắc TP Hồ Chí Minh đang dần định vị mình là điểm sáng của nông thôn mới kiểu mẫu trong thời kỳ hậu sáp nhập.
Nếu tiếp tục tháo gỡ được các rào cản về thể chế, hạ tầng và nhân lực, khu vực này hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu du lịch nông thôn bền vững, đáng học hỏi cho cả nước. Và xa hơn, chính các giá trị văn hóa - thiên nhiên - con người nơi đây sẽ là chất liệu quan trọng góp phần kiến tạo một TP Hồ Chí Minh kết nối vùng - sáng tạo - thân thiện và đáng sống.
NMK