Thứ hai, 28/03/2022 15:33

Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn

ThS Phạm Thị Thanh Luyến

Trường Đại học Tài chính - Kế toán

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) có vai trò quan trọng, góp phần tăng cường lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm được bảo hộ nói chung, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng và chống lạm dụng, gian lận thương mại, thúc đẩy sự quan tâm của người tiêu dùng. CDĐL đã trở thành định hướng xây dựng thương hiệu, di sản của địa phương. Để phát huy được vai trò của CDĐL thì cần quản lý phù hợp và hiệu quả. Nhà nước và tổ chức tập thể là hai chủ thể trong quản lý CDĐL, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khung thể chế đồng nhất và ổn định, thực hiện hệ thống kiểm tra, giám sát; quảng bá và phát triển thị trường, bảo vệ và xử lý xâm phạm quyền sử dụng CDĐL.

Thực trạng quản lý

Tỏi là cây trồng chính của huyện đảo Lý Sơn với diện tích canh tác hàng năm khoảng 300 ha. Năm 2017, đặc sản tỏi Lý Sơn lọt vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam”. Nhờ cây tỏi, người dân Lý Sơn có cuộc sống no ấm, ổn định hơn, chính vì thế người dân Lý Sơn trân trọng, ví cây tỏi là “vàng trắng”. Tỏi có màu trắng vôi, thịt củ màu trắng ngà có sắc xanh đặc trưng, mùi thơm dịu, đặc trưng dễ chịu, vị cay dịu nhẹ, có vị ngọt. Sản phẩm tỏi được trồng ở đây có hai dạng về hình thái củ, đó là tỏi nhiều tép và tỏi ít tép (tỏi nhiều tép có trên 3 tép, tỏi ít tép có 1-3 tép được gọi “tỏi cô đơn” Lý Sơn, đây là sản phẩm hiếm gặp).

Hình dạng tỏi Lý Sơn

Địa hình, khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng đặc thù của tỏi Lý Sơn. Cụ thể, địa hình chủ yếu của Lý Sơn là núi thấp kiến tạo trên nền núi lửa cổ, bề mặt khá bằng phẳng, thoải dần từ giữa đảo ra bờ rìa đảo, độ cao trung bình 20-25 m so với mực nước biển. Khu vực địa lý chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng đồng bằng ven biển, khô hạn về mùa nắng, giông bão và gió lớn về mùa mưa... Bên cạnh yếu tố tự nhiên tạo nên chất lượng của tỏi Lý Sơn, kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm. Người dân Lý Sơn đã đúc kết kinh nghiệm lựa chọn mùa vụ và tiến hành che phủ mặt ruộng tỏi bằng cát san hô để giảm bốc hơi nước, ổn định độ ẩm đất phù hợp, bảo vệ bộ rễ của cây tỏi. Làm hàng rào bảo vệ, chắn gió cho ruộng tỏi, giúp tránh các tác hại của gió đến ruộng, che chắn tác động trực tiếp của hơi muối biển đến cây tỏi, chống xói mòn và hạn chế bay lớp cát phủ bề mặt. Người nông dân Lý Sơn ví những hàng rào bao bọc xung quanh những ruộng tỏi như những “tấm áo” bảo vệ cho cây tỏi trước những điều kiện khí hậu trên đảo.

Nhờ những đặc thù nêu trên, ngày 29/6/2020, tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2421/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00081. Mặc dù đã công bố rộng rãi sản phẩm tỏi Lý Sơn được bảo hộ CDĐL, nhưng vẫn chưa quản lý và phát huy giá trị của CDĐL, tình trạng trà trộn giả danh tỏi Lý Sơn vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hướng xấu đến uy tín của thương hiệu. Đặc biệt, giá tỏi tại Lý Sơn trong thời gian gần đây đã giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các nhà buôn “chính hiệu” mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của huyện đảo Lý Sơn. Nguyên nhân của thực trạng này là do chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra sự đồng đều cho sản phẩm và chưa sản xuất với quy mô lớn, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP còn ít.

Giải pháp phát triển

Để quản lý và phát triển CDĐL tỏi Lý Sơn, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các nhà sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ về CDĐL; phương thức quản lý và sử dụng CDĐL.

Thứ hai, tổ chức trao quyền sử dụng nhãn hiệu: UBND huyện Lý Sơn xem xét, đánh giá và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng CDĐL phải gửi yêu cầu tới chủ sở hữu - UBND huyện Lý Sơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng theo quy định tại quy chế sử dụng CDĐL. UBND huyện Lý Sơn chủ trì tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân yêu cầu từ đó ra quyết định trao quyền hoặc từ chối trao quyền. Để có thể vận hành hiệu quả hệ thống quản lý việc sử dụng các nhãn hiệu, bên cạnh quy chế sử dụng CDĐL, cần xây dựng và ban hành các văn bản khác quy định cụ thể về công tác quản lý như: quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL; quy trình kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, thu hoạch, bảo quản, kinh doanh sản phẩm được cấp quyền sử dụng CDĐL; quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; quy chế sử dụng mẫu nhãn hiệu trên hàng hoá, dịch vụ, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung cho tỏi Lý Sơn; quy trình trao và thu hồi quyền sử dụng CDĐL…

Thứ ba, phát triển sản phẩm tỏi Lý Sơn. Cụ thể cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, để phát triển giá trị sản phẩm tỏi theo chuỗi giá trị, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng vẫn giữ được những giá trị đặc trưng, truyền thống của sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại để thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư phát triển sản phẩm; tổ chức giám sát việc tuân thủ quy chế sử dụng CDĐL, kiểm tra quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm tra hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường để đảm bảo sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.

Thứ tư, xây dựng hệ thống phương tiện quảng bá và khai thác giá trị CDĐL. Tổ chức việc thiết kế và phát hành các tài liệu giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, biểu tượng, hệ thống tem nhãn sử dụng cho nhãn hiệu (tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hoá, tờ rơi, poster, biển hiệu quảng cáo...). Hệ thống tem, nhãn và các tài liệu giới thiệu hàng hoá, dịch vụ được thiết kế với các nội dung theo yêu cầu của UBND huyện Lý Sơn, người dân trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm và các tổ chức khác liên quan nhằm quảng bá, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ đến đông đảo người tiêu dùng. Triển khai các hoạt động quảng bá nhãn hiệu thông qua việc tham gia giới thiệu hàng hoá, dịch vụ mang CDĐL tại các hội chợ, triển lãm; xây dựng các chuyên mục phóng sự, chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông (đài phát thanh, đài truyền hình, internet...) để giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ mang CDĐL; thiết kế và vận hành website giới thiệu và xúc tiến thương mại cho hàng hoá, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án thương mại hoá cho hàng hoá, dịch vụ, thiết lập các kênh, mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở tính chất và tiềm năng tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ, chúng ta tiến hành các kênh tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ phù hợp. Bước đầu thí điểm tiêu thụ tại các siêu thị thuộc các thành phố lớn, các điểm du khách đến tham quan, mua sắm.

Thứ năm, kết hợp phát triển sản phẩm tỏi Lý Sơn với việc phát triển du lịch. Xây dựng các câu chuyện về hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, những câu chuyện mang tính huyền thoại lịch sử hình thành và phát triển của sản phẩm tỏi Lý Sơn; tổ chức các khu trình diễn về sản phẩm tỏi để thu hút khách du lịch; tổ chức các tua du lịch sinh thái, tự du khách thao tác các công đoạn để  tạo ra sản phẩm.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)