Luôn xác định vai trò quan trọng của KH&CN
Ngày 17/3/2022, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bắc Giang về tình hình hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021, định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN. Về phía tỉnh Bắc Giang có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Dương Văn Thái; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; Phó Chủ tịchh HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Bước sang năm 2022, cùng với cả nước, tỉnh triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, Bắc Giang luôn xác định vai trò quan trọng của KH&CN, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cần đẩy nhanh, mạnh chuyển đổi số cũng như ứng dụng KH&CN và đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, cơ chế chính sách cụ thể. Vai trò của KH&CN trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp có những đóng góp rất lớn, điển hình là góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: Vải thiều, gà đồi Yên Thế... Hiện, Bắc Giang có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm tươi, phần đưa vào chế biến rất ít. Sản lượng vải tươi lớn lại thu hoạch trong thời gian ngắn nên việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo cụ thể về kết quả hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thanh Bình cho biết, 5 năm qua, tỉnh đã có 14 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; 79 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh; 189 đề tài, dự án KHCN cấp cơ sở được triển khai thực hiện. Thông qua các nhiệm vụ, Bắc Giang đã tiếp nhận và chuyển giao nhiều bộ giống, kỹ thuật mới trong nông nghiệp; kết quả của các đề tài, dự án đã đóng góp tích cực nâng cao giá trị, chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong và ngoài nước. Nhiều đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, bảo quản, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học được khẳng định và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công nghệ và thị trường công nghệ; an toàn bức xạ hạt nhân; sở hữu trí tuệ, sáng kiến; công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; thanh tra cũng được cũng được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: Hoạt động nghiên cứu - ứng dụng KH&CN chưa thực sự đều khắp trong tất cả các lĩnh vực; kết quả phát triển doanh nghiệp KH&CN, thị trường KH&CN, dịch vụ KH&CN, thẩm định công nghệ dự án đầu tư còn khiêm tốn; hạ tầng đo lường của tỉnh còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đo lường của các doanh nghiệp…
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất, kiến nghị Bộ KH&CN xem xét, hỗ trợ địa phương triển khai một số nhiệm vụ như: giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tham mưu UBND tỉnh, Bộ KH&CN tổ chức các sự kiện “trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô vùng hoặc quốc gia; đầu tư xây dựng, phát triển Trung tâm Ứng dụng KH&CN Bắc Giang trở thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có quy mô lớn trong vùng trung du miền núi phía Bắc; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào quy trình trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giai đoạn 2022-2025, đề nghị Bộ KH&CN lựa chọn tỉnh Bắc Giang để triển khai mô hình điểm, dự án điểm; ưu tiên lựa chọn tỉnh Bắc Giang tham gia các chương trình, nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, vật liệu mới; tham gia các chương trình của Bộ.
Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả mà Bắc Giang đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, KH&CN nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp trên địa bàn, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Từ chỗ là tâm dịch lớn nhất cả nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương, sự đồng thuận, quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Bắc Giang đã sớm vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại được đà tăng trưởng; đời sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường mới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng khẳng định, trong năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN; thi đua lao động sáng tạo, khuyến khích đổi mới công nghệ ở các ngành, lĩnh vực. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng KH&CN đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàm lượng KH&CN đóng góp vào giá trị sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng. Thị trường KH&CN, quản lý nhà nước về KH&CN có nhiều đổi mới. Năm 2021, với quyết tâm cao về chuyển đổi số, tỉnh Bắc Giang đã đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống, dịch Covid-19. Chuyển đổi số của tỉnh được đánh giá tích cực ở cả 3 trụ cột, trong đó chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25 cả nước.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đối với hoạt dộng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao tiềm lực. Chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ KH&CN - như là những giải pháp trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của đất nước, tiếp cận tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: “Phấn đấu Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP; thu nhập bình quân đầu người (GRDP/người/năm) cao hơn bình quân cả nước. Vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Giang tiếp tục được khẳng định ở tầm cao mới”, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ngành KH&CN, trước tiên tập trung một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phấn đấu tăng dần tỷ lệ đầu tư tiệm cận dần đến mức 2% ngân sách nhà nước chi cho KH&CN trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực và củng cố tổ chức bộ máy cho ngành KH&CN, góp phần để KH&CN trở thành một trong các giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho các ngành, lĩnh vực. Trong đó cần ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, giao thông, đô thị thông minh, du lịch sinh thái gắn với văn hóa tâm linh, sản xuất thông minh, công nghệ vật liệu mới, thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN, tăng cường nguồn lực cho KH&CN; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từng bước lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bốn là, Bắc Giang đang dần trở thành một trung tâm về sản xuất công nghiệp ở phía Bắc, do vậy tỉnh cần quan tâm đến trình độ công nghệ, mức độ tiên tiến hiện đại của thiết bị, công nghệ của các dự án khi được cấp phép đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ và các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá gắn với công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo hộ xác lập quyền và khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, cơ bản đồng thuận và nhận thấy đây là những vấn đề thực tiễn, có tính cấp thiết để giải quyết những vấn đề KH&CN phục vụ cho phát triển của địa phương. Bộ KH&CN trên tinh thần chung là ủng hộ các kiến nghị, đề xuất của Bắc Giang và giao cho các đơn vị có liên quan của Bộ rà soát, tham mưu để có thể xem xét phối hợp triển khai trong thời gian tới.
Vũ Hưng