Thứ năm, 03/07/2025 17:07

Đồng Nai: Trung tâm thương mại và dịch vụ chiến lược của vùng kinh tế phía Nam

Sau khi chính thức sáp nhập với tỉnh Bình Phước từ tháng 07/2025, tỉnh Đồng Nai mới nổi lên như một địa phương có quy mô lớn, tiềm lực mạnh và vị trí chiến lược tại miền Đông Nam Bộ. Không chỉ là một trong những trung tâm công nghiệp chủ lực, Đồng Nai đang từng bước xác lập vai trò là trung tâm thương mại - dịch vụ năng động, kết nối khu vực với quốc tế, đóng vai trò đầu tàu trong mạng lưới logistics và thương mại hiện đại của cả nước.

Cửa ngõ giao thương toàn cầu

Nằm tại huyện Nhơn Trạch, Cảng Phước An là cảng biển nước sâu lớn nhất tỉnh Đồng Nai hiện nay, với diện tích hơn 160 ha, chiều dài cầu cảng khoảng 2.830 mét và khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT. Cảng đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2024, nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều hãng tàu quốc tế, trong đó có hãng MSC - một trong những hãng vận tải container lớn nhất thế giới. Với mục tiêu phát triển bền vững, Cảng Phước An được định hướng trở thành “cảng xanh” theo chuẩn quốc tế. Hệ thống thiết bị vận hành được chuyển đổi sang điện khí hóa, tích hợp năng lượng sạch, vận hành tự động và giảm thiểu phát thải. Cảng cũng đang chủ động hợp tác với các đối tác logistics và hãng tàu lớn để hình thành hành lang vận tải xanh, kết nối từ Cái Mép - Thị Vải đến sân bay Long Thành và các khu công nghiệp trong vùng. Sự hiện diện của cảng không chỉ giải tỏa áp lực cho các cảng hiện hữu tại TP Hồ Chí Minh mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho Đồng Nai trong vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Cảng biển Phước An - cảng biển nước sâu lớn nhất tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Cùng với Phước An, Cảng hàng không quốc tế Long Thành - dự kiến khai thác giai đoạn đầu từ năm 2026 - là cú hích chiến lược để Đồng Nai trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, hành khách và dữ liệu quan trọng của cả nước. Với công suất giai đoạn đầu lên tới 25 triệu lượt khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, Long Thành mở ra triển vọng lớn cho phát triển thương mại điện tử, logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng để kết nối sân bay với cảng biển, khu thương mại, trung tâm logistics và các khu công nghiệp trọng điểm.

Nhằm đón đầu xu thế toàn cầu hóa và tạo lợi thế cạnh tranh, Đồng Nai đang xúc tiến đề án thành lập Khu thương mại tự do với tổng diện tích khoảng 8.200 ha, liên kết chặt chẽ giữa cảng Phước An và sân bay Long Thành. Dự kiến, khu vực này sẽ được quy hoạch thành 4 phân khu chức năng chính: khu công nghiệp công nghệ cao; khu logistics; khu dịch vụ tài chính - thương mại; và khu đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là vùng kinh tế đặc biệt, có thể áp dụng cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực chất lượng cao từ các tập đoàn toàn cầu, đưa Đồng Nai trở thành một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Tương lai của nền kinh tế mở

Thương mại nội địa của Đồng Nai mới đang phát triển mạnh mẽ, với hệ thống phân phối đa tầng phủ rộng toàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 9 trung tâm thương mại, 19 siêu thị lớn và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu như Bách hóa Xanh, Winmart, Co.opFood, GS25, FamilyMart… Các chuỗi này đã vươn tới cả vùng sâu, vùng xa, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Song song đó, hơn 194 chợ truyền thống vẫn giữ vai trò trục xương sống trong phân phối tại các xã, phường. Mô hình kết hợp giữa chợ truyền thống và bán lẻ hiện đại đang phát huy hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của cư dân đô thị lẫn nông thôn.

Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI), liên tục nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu suốt 9 năm liền theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Các nền tảng giao dịch trực tuyến, sàn thương mại điện tử và ứng dụng giao hàng phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tiếp cận thị trường rộng lớn trong và ngoài tỉnh. Tỉnh cũng đang đầu tư mạnh vào hạ tầng số, trung tâm dữ liệu và dịch vụ thanh toán điện tử để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Một trong những ưu thế nổi bật của Đồng Nai mới là mạng lưới hạ tầng giao thông đa phương thức: từ đường bộ, đường thủy đến hàng không. Các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, quốc lộ 20 và các tuyến tỉnh lộ được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện lý tưởng để vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và liên kết vùng hiệu quả. Chính quyền tỉnh cũng cam kết tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa cấp phép đầu tư, đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng logistics, trung tâm thương mại và khu công nghệ cao.

Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng vào mục tiêu kết nối sản xuất với tiêu dùng. Sau sáp nhập, các sản phẩm OCOP từ vùng Bình Phước như hạt điều, cà phê, gỗ mỹ nghệ và các nông sản công nghệ cao từ Đồng Nai như bưởi Tân Triều, dưa lưới sạch… được chú trọng đưa lên kệ tại các hệ thống phân phối hiện đại. Hệ thống Co.opmart Đồng Xoài, Winmart và siêu thị mini đang từng bước trở thành “cánh tay nối dài” kết nối người tiêu dùng với sản phẩm địa phương chất lượng. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cam kết sẽ hợp tác sâu hơn với các hợp tác xã và hộ sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và bền vững cho nông sản bản địa.

Đồng Nai mới sau sáp nhập không chỉ mở rộng về địa giới hành chính mà còn mở rộng tầm nhìn phát triển. Từ một tỉnh công nghiệp trọng điểm, Đồng Nai đang từng bước chuyển mình thành trung tâm thương mại - dịch vụ hiện đại, năng động và bền vững - không chỉ của Đông Nam Bộ mà còn của cả nước. Với sự quyết liệt trong quy hoạch, đầu tư và cải cách, địa phương này được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu phát triển đô thị - thương mại - logistics gắn với kinh tế xanh và chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

NMK

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)