Hiện trạng các bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng
Bãi bồi cửa sông ven biển là một trong những kiểu hệ sinh thái đặc sắc của vùng ven biển ven bờ Việt Nam, đây là vùng đất mới được tạo ra trong quá trình bồi tụ, xói lở xen kẽ ở các vùng cửa sông. Vùng ven biển Hải Phòng tồn tại cả các bãi bồi ở vùng cửa sông hình phễu (Bắc Đồ Sơn) và cửa sông châu thổ (Nam Đồ Sơn). Các bãi bồi khu vực cửa sông ven biển của Hải Phòng có vai trò to lớn với kinh tế biển trong hơn một thế kỷ qua, mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng của đô thị Hải Phòng.
Bãi bồi cửa sông ven biển là một trong những hệ sinh thái rất nhạy cảm, chúng chịu sự chi phối, biến động của các quá trình động lực tự nhiên, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội tác động trực tiếp/gián tiếp đến hệ sinh thái. Sự tồn tại và chuyển đổi liên tục theo không gian và thời gian giữa các kiểu sinh cảnh ở khu vực bãi bồi cửa sông phản ánh quá trình cân bằng động của hệ sinh thái kém bền vững. Những tác động từ thiên tai hoặc con người có thể phá vỡ trạng thái cân bằng của hệ sinh thái, dẫn đến những thay đổi lớn về cấu trúc hình thái, đặc điểm môi trường và những thay đổi về cấu trúc quần xã, quần thể sinh vật và nguồn lợi thủy sản kèm theo.
Để sử dụng bền vững các giá trị từ hệ sinh thái, con người cần phải hiểu rõ và cân nhắc kỹ trước khi tác động lên một thành phần nào đó của chúng, để không gây suy thoái, mất cân bằng. Việc nghiên cứu xác định những thay đổi về cấu trúc của hệ, từ đó đánh giá và xác định các nguyên nhân gây ra những biến động có vai trò vô cùng quan trọng. Qua đó, sẽ giúp chúng ta dự báo xu hướng biến động, đồng thời đưa ra định hướng sử dụng những giá trị của hệ sinh thái một cách hợp lý mà không gây ra hoặc hạn chế những biến động lớn có thể làm suy thoái hệ sinh thái. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề, các nhà khoa học đã bắt tay tiến hành xác định nguyên nhân dẫn đến quá trình biến động hệ sinh thái bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng.
Hệ sinh thái bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng biến động mạnh mẽ về hình thái và vị trí phân bố theo không gian và thời gian trong giai đoạn 1981-2020. Xu thế biến động theo chiều hướng giảm dần về tổng diện tích tại tất cả các vùng, tuy nhiên diện tích bãi bồi có thực vật ngập mặn (TVNM) tăng tại khu vực Tiên Lãng, Bàng La và Dương Kinh, ngược lại khu vực Phù Long liên tục giảm xuống theo thời gian. Môi trường nước và trầm tích có biến động không rõ ràng, tuy nhiên có sự gia tăng cục bộ nồng độ chất ô nhiễm. Về nguồn lợi thủy sản có xu hướng suy giảm cả về thành phần, mật độ nguồn lợi và nguồn giống quan trọng, đặc trưng cho hệ sinh thái bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng.
Hình 1. Sơ đồ tổng hợp nguyên nhân tác động và biểu hiện biến động các hệ sinh thái bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng.
Qua hình 1, nhóm nghiên cứu sắp xếp những tác động dẫn đến biến động hệ sinh thái bãi bồi, cụ thể: 1) Tác động trực tiếp từ các hoạt động kinh tế - xã hội dẫn đến quá trình xói lở, bồi tụ tự nhiên, mất diện tích đới gian triều; 2) Tác động do việc xây dựng các con đập thủy điện trên thượng nguồn các sông trong hệ thống sông Hồng; 3) Áp lực gia tăng dân số, phát triển kinh tế đã dẫn đến gia tăng nguồn thải gây ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ; 4) Tác động của các yếu tố động lực tự nhiên, biến đổi khí hậu và tai biến thiên nhiên. Trên cơ sở phân tích quá trình biến động trong quá khứ kết hợp khả năng tác động của các yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội dựa trên những quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cầu cảng, sân bay. Nhóm nghiên cứu dự báo xu thế biến động sẽ tiếp tục thay đổi tại các khu vực cửa sông như Văn Úc, Lạch Tray, Cát Hải vào năm 2030. Đây được coi là những khu vực có ảnh hưởng chiến lược đối với sự phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường của TP Hải Phòng trong giai đoạn sắp tới.
Bảng 1. Bảng tổng hợp dự báo xu hướng biến động diện tích các bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng đến năm 2030.
TT
|
Khu vực
|
Bãi bồi
|
Diện tích hiện trạng 2020 (ha)
|
Dự báo diện tích ước tính
|
2025 (ha)
|
2030 (ha)
|
1
|
Từ cửa Văn Úc đến cửa Thái Bình
|
Bãi bồi có TVNM
|
934
|
995
|
981
|
Bãi bồi không có TVNM
|
2.149
|
2.180
|
2.221
|
Tổng bãi bồi
|
3.083
|
3.139
|
3.202
|
2
|
Từ cửa Văn Úc đến bán đảo Đồ Sơn
|
Bãi bồi có TVNM
|
904
|
915
|
959
|
Bãi bồi không có TVNM
|
2.835
|
2.874
|
2.889
|
Tổng bãi bồi
|
3.739
|
3.790
|
3.848
|
3
|
Từ phía bắc bán đảo Đồ Sơn đến cửa Lạch Tray
|
Bãi bồi có TVNM
|
214
|
225
|
238
|
Bãi bồi không có TVNM
|
429
|
453
|
464
|
Tổng bãi bồi
|
643
|
679
|
702
|
4
|
Khu vực ven bờ huyện Cát Hải
|
Bãi bồi có TVNM
|
840
|
719
|
696
|
Bãi bồi không có TVNM
|
1.781
|
1.758
|
1.707
|
Tổng bãi bồi
|
2.612
|
2.477
|
2.404
|
Đề xuất giải pháp
Qua bảng tổng hợp 1, dự báo xu hướng biến động tại khu vực cửa sông Văn Úc, Lạch Tray sẽ gia tăng diện tích bãi bồi, trong khi đó khu vực Cát Hải có chiều hướng giảm xuống. Sự phát triển năng động về kinh tế làm gia tăng những mâu thuẫn lợi ích khai thác, sử dụng vùng biển ven bờ Hải Phòng, nhiều khi lên tới mức gay gắt. Ở ven biển Hải Phòng, xuất hiện 4 nhóm mâu thuẫn lợi ích cơ bản, cụ thể: mẫu thuẫn lợi ích giữa các ngành (giao thông - cảng, thủy sản, nông nghiệp…), trong đó thủy sản là ngành có nhiều mối quan hệ mẫu thuẫn với các ngành khác, đồng thời cũng là ngành có mẫu thuẫn trong nội bộ ngành, tiêu biểu giữa đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng; giữa bảo tồn và phát triển.
Hình 2. Sơ đồ định hướng quy hoạch sử dụng hợp lý các vùng bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng
Để bảo vệ và khai thác tốt có hiệu quả vùng biển ven bờ, việc giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích của các ngành nghề, giữa các địa phương và hộ dân là việc làm rất quan trọng song khó thực hiện. Trên cơ sở tiếp cận dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học nội vi, giá trị của thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá và xây dựng biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM). Đây là giải pháp khoa học phù hợp nhất với thực tiễn hiện nay trên hệ sinh thái bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng. Các khu vực OECM được hiểu là “Một khu vực địa lý không phải khu bảo tồn, quản trị và quản lý theo những cách thức giúp phát triển tích cực và bền vững về mặt bảo tồn nội vi đa dạng sinh học, cùng với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đi cùng. Bên cạnh đó giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế xã hội và các giá trị địa phương” (hình 2). Việc định hướng quy hoạch thành lập các khu OECM sẽ góp phần bảo vệ và phát triển những giá trị sinh thái quan trọng trong nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững của các bãi bồi cửa sông ven biển. Hơn tất cả, hiệu quả của việc áp dụng OECM sẽ đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phù hợp đa mục đích sử dụng, tránh gây xung đột lợi ích, phù hợp hợp với quy định pháp lý về bảo tồn thiên nhiên cũng như phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố biển Hải Phòng theo chủ trương của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể nói, kết quả của đề tài đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, cụ thể.
Về hiệu quả kinh tế: kết quả của đề tài là nguồn dữ liệu đầu vào có giá trị tham khảo cao trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thành phố. Do đó, việc ứng dụng các kết quả của đề tài vào việc xây dựng Quy hoạch TP Hải Phòng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đáp ứng được mục tiêu xây dựng TP Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư lớn từ Trung ương.
Về hiệu quả xã hội: đề xuất định hướng quy hoạch sử dụng hợp lý các vùng bãi bồi cửa sông ven biển Hải Phòng góp phần giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành kinh tế có sử dụng tài nguyên đất và mặt nước ven biển. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên đất ngập nước ven biển của Hải Phòng, bố trí lại nguồn vốn tự nhiên cũng như nhân lực, vật lực cho phát triển bền vững kinh tế biển.
Về hiệu quả môi trường: dung hòa giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề rất khó giải quyết trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển về kinh tế - xã hội cùa thành phố. Thông qua cách tiếp cận khá hiện đại dựa vào hệ sinh thái cũng như phân loại các kiểu loại đất bồi nhằm sử dụng có hiệu quả cho các mục đích khác nhau. Điều này giúp giảm thiểu những tác động có hại cho môi trường thông qua việc ưu tiên đầu tư các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch hơn, ít gây ô nhiễm tới môi trường ven biển. Xây dựng các khu bảo tồn ở các vùng đất bồi ven biển, giúp gia tăng quá trình phục hồi tự nhiên về đa dạng sinh học cũng như nguồn lợi thủy sản của các ngư trường truyền thống của thành phố.