Thứ sáu, 25/03/2022 13:27

Nhiều tiềm năng trong phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo quốc tế: “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 16/03/2022 tại Hà Nội.

Mô hình mới trong bối cảnh hội nhập

Ngân hàng mở (Open Banking) là hoạt động trong đó ngân hàng cho phép bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính quyền được truy cập mở vào các dữ liệu cá nhân và tài chính của khách hàng mà ngân hàng lưu giữ thông qua việc sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng (API). Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Open Banking là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng. Để phát triển lĩnh vực này, các ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác. Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết, những năm gần đây, ngành tài chính, ngân hàng đang bắt kịp với xu hướng phát triển tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, yêu cầu rất cao là chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển công nghệ, nhờ vậy có nhiều dịch vụ tài chính mới nổi đã và đang phát triển. Trong đó bao gồm ngân hàng mở trên nền tảng giao diện lập trình ứng dụng, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng… Hiện tại, hoạt động của ngân hàng mở có 3 mô hình phổ biến, đó là: 1) Mô hình thực cộng, tức là ngân hàng ngoài dịch vụ cốt lõi còn tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba trong hệ sinh thái và bán hàng cho khách hàng. Đây cũng là mô hình được nhiều ngân hàng tại Việt Nam lựa chọn; 2) Mô hình bị động, với mô hình này, ngân hàng sẽ là đại lý, kênh phân phối cho bên thứ ba có quy mô lớn. Một vài ngân hàng nhỏ hay quỹ tín dụng có thể phát triển theo mô hình này; 3) Mô hình tích hợp, mô hình này tương đối tối ưu và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Theo đó, ngân hàng sẽ ở thế chủ động, làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối đóng hoặc mở, tùy theo cách thức tiếp cận rủi ro của mỗi ngân hàng. Đồng quan điểm trên, ông Trần Phương - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là dịch chuyển mô hình kinh doanh sang hệ sinh thái mở, ngân hàng mở là xu hướng tất yếu hiện nay.

Chia sẻ thêm về xu hướng ngân hàng mở và thực tiễn triển khai tại các ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng mở sẽ giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm giao dịch tài chính, tiết kiệm chi phí qua trung gian và quản lý tài chính tốt hơn. Đối với ngân hàng, sẽ thiết lập được hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, đồng thời mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác được tệp khách hàng mới. Tại VietinBank đã xác định hướng đi và lộ trình triển khai ngân hàng mở từ rất sớm từ năm 2017, nhiều dịch vụ của đối tác đã được cung cấp trên ứng dụng VietinBank iConnect và trung bình mỗi tháng có hơn 12 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này. Bên cạnh đó, ngân hàng mở giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng. Điển hình, các ngân hàng thương mại đã hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code… cho phép kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống như thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…

Cần sớm xây dựng khung chính sách để phát triển

Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn riêng và đầy đủ về lĩnh vực ngân hàng mở, mà hiện mới chỉ có những chính sách chung về chuyển đổi số và một số quy định riêng lẻ liên quan tới một số khía cạnh của ngân hàng mở. Ngày 10/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 1977/QĐ-NHNN thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đây được xem là một cú hích đối với quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng, triển khai ngân hàng mở, về khung pháp lý các ngân hàng đang chủ yếu dựa vào Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có các điều khoản cho phép ngân hàng được hợp tác với bên thứ 3 cung cấp dịch vụ tài chính; ngoài ra còn có các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ/ngành quy định về ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo mật thông tin khách hàng… Những nội dung này đã ít nhiều quy định các khía cạnh khác nhau liên quan tới ngân hàng mở. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý riêng, đầy đủ, cụ thể để hỗ trợ thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai ngân hàng mở.

Hội thảo: “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” được tổ chức ngày 16/3/2022 tại Hà Nội.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, Open Banking là lĩnh vực hoàn toàn mới, trong đó khâu then chốt là Open API. Với tư cách là phương thức kỹ thuật để các bên giao tiếp thì API cần có các quy định hướng dẫn, không có Open API thì sẽ không có Open Banking. Theo Phó Thống đốc, hiện trạng khuôn khổ pháp lý về ngân hàng mở tại Việt Nam đã có nhưng chưa đầy đủ, được quy định rời rạc tại một số điều trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số Nghị định quy định xử lý vi phạm về thông tin cá nhân. Để triển khai Open Banking cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan, đặc biệt là từ phía các các ngân hàng thương mại Việt Nam, các ngân hàng cần chủ động, tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Nguyễn Trọng Tài

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)