Thứ hai, 14/03/2022 11:10

Liêm chính học thuật và những nguyên tắc cơ bản đối với Việt Nam

Nguyễn Kiều Dung

Trường Đại học Duy Tân

Liêm chính, đạo đức, hay phải - trái - đúng - sai là các khái niệm trong Triết học đạo đức. Xây dựng chuẩn mực liêm chính học thuật là công việc của các ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) chứ không phải của các ngành khác. Bởi lẽ, hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực KHXH&NV đều được đào tạo tốt về triết học, công việc của họ thường phải đối mặt với các nan đề đạo đức nên họ hiểu và biết cách xây dựng các công cụ chính sách để bảo vệ liêm chính. Ngoài ra, một số lãnh đạo các trường đại học có thâm niên quản lý, đặc biệt là đại học đa ngành cũng tích lũy được những kiến thức đó.

 


Bảo vệ liêm chính học thuật ở những nước có nền khoa học phát triển

Ở những nước phát triển, khi bắt đầu năm học mới, các trường đại học thường tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu về liêm chính học thuật cho sinh viên đại học và cao học. Ở đó, sinh viên được học cách tránh đạo văn, tự đạo văn, đạo dịch1, ngụy tạo số liệu, mua bán tài liệu học thuật2. Ba bộ quy tắc trích dẫn tài liệu nổi tiếng thế giới của Hiệp hội Tâm lý Hoa kỳ (APA), Đại học Harvard và Đại học Chicago được hầu hết các cơ sở học thuật và các tạp chí khoa học uy tín sử dụng. Mỗi trường đại học thường chọn một trong các bộ quy tắc này để giới thiệu cho toàn trường. Ngoài ra, sinh viên, cán bộ và nhân viên của các trường cũng được cung cấp tài khoản phần mềm rà soát sự trùng lặp Turnitin, iThenticate... Mỗi trường đại học cũng thường phổ biến những tài liệu hướng dẫn liêm chính riêng, trong đó có thể bao gồm những khuyến cáo về bản quyền, đạo đức chia sẻ thông tin, các vi phạm liêm chính kinh điển, gian lận thi cử, sử dụng bất hợp pháp các tài liệu, phần mềm, và hình thức xử phạt.

iThenticate là một trong những phần mềm rà soát sự trùng lặp được dùng khá phổ biến trong các trường đại học của các nước phát triển.

Mỗi ngành nghiên cứu thường có các diễn đàn để người trong ngành trao đổi về học thuật và mọi vấn đề khác trong cuộc sống. Các diễn đàn này gần giống như các diễn đàn VietPhD, IVANET, nhưng chỉ phục vụ riêng từng ngành. Ở đó thỉnh thoảng cũng đăng các vi phạm liêm chính nổi tiếng với mục đích chủ yếu là để trao đổi kinh nghiệm phòng chống. Gần đây, nhiều tạp chí khoa học khuyến khích các nhà nghiên cứu thực nghiệm cung cấp bộ dữ liệu sử dụng trong công bố khoa học để những người khác dễ dàng kiểm tra. Trong quá trình nghiên cứu, các giáo sư hướng dẫn cũng có nhiều cách kiểm tra để đảm bảo sinh viên của họ tự làm nghiên cứu chứ không dựa vào sự giúp đỡ của một nguồn nào khác.

Liêm chính học thuật và một số nguyên tắc đối với Việt Nam

Ở Việt Nam, lâu nay đạo đức học thuật vẫn là chủ đề nhức nhối nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Những “lò ấp tiến sỹ”, “chợ luận văn”, “chợ tiểu luận”, “chợ giáo án”, “trung tâm giải bài tập thuê”, “trung tâm mua bán chứng chỉ/bằng cấp” và hiện tượng đạo văn tràn lan trong giới sinh viên, thậm chí cả một số giảng viên đang là nỗi hổ thẹn của nền giáo dục nước nhà. Hiện trạng này có căn nguyên là ở nước ta, học sinh lớp 12 vẫn còn phải học văn mẫu. Ở nhiều cơ sở giáo dục, cả giảng viên và sinh viên đều chưa được hướng dẫn về liêm chính học thuật. Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu trung bình của giảng viên còn khá thấp. Năm 2018, số nhà giáo được phong phó giáo sư (PGS) và giáo sư (GS) nhưng không có bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS) chiếm tới 53 và 34%. Số ngành có GS được phong nhưng không có bài báo quốc tế nào chiếm tới 11 trên tổng số 28 ngành)3.

Đa số giảng viên không được đào tạo bài bản về xuất bản quốc tế, dẫn đến ngại tìm hiểu về các vấn đề xuất bản. Nhiều trường đại học/viện nghiên cứu lớn cũng không có các phần mềm kiểm tra đạo văn. Quy định về xuất bản quốc tế dành cho các chương trình đào tạo tiến sỹ và phục vụ việc phong PGS/GS của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể vẫn cao so với thực lực của nhiều ngành và nhiều trường đại học. Thế nên một số giảng viên đã bằng “cách này, cách khác” để đảm bảo quyền lợi của mình.

Để tăng cường liêm chính, trước tiên cần tập trung giải quyết các sai phạm kinh điển (ví dụ như đạo văn, đạo dịch, ngụy tạo số liệu, mua bán tài liệu, bằng cấp…). Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản để bảo vệ liêm chính học thuật, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Tập trung vào phòng ngừa thay vì tố cáo

Bảo vệ liêm chính phải tập trung vào phòng ngừa, nghĩa là nâng cao hiểu biết của cộng đồng học thuật về liêm chính và thiết kế các công cụ giám sát. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiểu biết về đạo đức khoa học còn rất kém ở Việt Nam. Ngay cả với những vấn đề kinh điển như đạo văn, cần phải đảm bảo rằng các trường đã tổ chức seminar hướng dẫn sinh viên, giảng viên. Sau đó mới có thể tính chuyện trừng phạt. Đối với những vấn đề rất mới, chưa được phổ biến hoặc những vấn đề còn gây tranh cãi thì trước tiên cần phải cân nhắc xem có cần thiết phải ra quy định hay không. Hăng hái tố cáo khi chưa phòng ngừa tốt sẽ chỉ khuyến khích thói đố kỵ, đấu đá, trả thù để bảo vệ lợi ích nhóm.

Liêm chính không phải là khái niệm đồng nhất trên toàn thế giới mà là khái niệm có tính đặc thù địa phương, ngành nghề, loại hình tổ chức

Trừ một số sai phạm kinh điển, có sự đồng thuận cao trên thế giới như đạo văn, đạo dịch, ngụy tạo số liệu…, quan niệm về liêm chính giữa các quốc gia có thể khác nhau. Ở Hoa Kỳ, sử dụng trang Sci-hub để tải các bài báo khoa học là sai trái, nhưng ở Việt Nam thì không sai, bởi lẽ các cơ sở học thuật ở Việt Nam đều không có khả năng cung cấp tài khoản truy cập đa số kho tài liệu khoa học quốc tế cho giảng viên và sinh viên như ở Hoa Kỳ. Một số trường công lớn và một số ngành như toán có tỷ lệ người có khả năng xuất bản quốc tế gần như 100% cho nên kỳ thị với MDPI4, nhưng các trường tư nhỏ, trường ở tỉnh lẻ, hoặc nhiều ngành KHXH&NV - nơi mà số người có khả năng xuất bản quốc tế chỉ chiếm 10-30% thì việc có một bài báo trên MDPI vẫn là niềm mơ ước. Chính vì vậy, chuẩn mực liêm chính có thể khác nhau.

Không được tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức về những vấn đề chưa có quy định hoặc không có đủ bằng chứng

Nguyên tắc này khẳng định, chỉ có thể tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức về những vấn đề có sự đồng thuận cao trên thế giới và những vấn đề đã có quy định ở Việt Nam. Thật ra, ngay cả những trường hợp này, chỉ những vụ việc lớn, ví dụ đạo văn/đạo dịch cả một chương, hay ngụy tạo số liệu cả một công trình lớn, kiểu như ngụy tạo tế bào mầm của Hàn Quốc, thì mới tố cáo đích danh. Đối với những sai sót vụn vặt thường chỉ cần email nhắc nhở tác giả. Người tố cáo có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ bằng chứng. Cá nhân/tổ chức bị tố cáo không có nghĩa vụ phải thanh minh với những người không có thẩm quyền. Đối với các vấn đề chưa có quy định hoặc còn đang tranh cãi thì chỉ được phép nêu vấn đề chung chung để thảo luận, không được tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức. Có thể yêu sách cấp có thẩm quyền ra quy định cấm một hiện tượng, nhưng không được phép nêu đích danh các tổ chức và cá nhân kèm theo yêu sách, bởi như vậy là cố tình nói xấu họ khi chưa có quy định.

Ý kiến của những người ngoại đạo5 chỉ để tham khảo

Đối với tất cả các hệ thống, người trong hệ thống mới giữ vai trò quyết định luật lệ cần phải như thế nào. Những người ngoại đạo rất giỏi chuyên môn hoặc giỏi về luật pháp có thể được mời làm cố vấn. Tuy nhiên người làm cố vấn cũng phải lịch sự, cần hiểu rằng mình chưa thể hiểu đầy đủ về hệ thống. Ý kiến của cố vấn cũng chỉ để tham khảo. Những người trong hệ thống được giữ vai trò quyết định về luật lệ, bởi vai trò đó luôn luôn bao gồm quyền và trách nhiệm. Họ có quyền quyết định luật lệ bởi vì họ có trách nhiệm phải nỗ lực để phát triển hệ thống, bởi công danh, sự nghiệp của họ gắn chặt với sự phát triển của hệ thống. Họ có trách nhiệm phải ứng xử đúng mực. Ví dụ, họ không thể tùy tiện vu khống cá nhân/tổ chức bởi làm như vậy họ sẽ bị trừng phạt, không ai muốn hợp tác với họ nữa, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp. Những người ngoại đạo không có những trách nhiệm đó, không sợ bị trừng phạt nếu ứng xử không đúng mực, không phải chịu đựng những phức tạp, khó khăn, áp lực của môi trường nghiên cứu cho nên cũng không có quyền quyết định đối với hệ thống. Ngay cả những người ngoại đạo rất có thiện chí muốn hệ thống phát triển vẫn có thể ứng xử không đúng mực do thiếu hiểu biết. Ví dụ, các học giả hải ngoại với mức lương đủ sống có thể thiếu thông cảm, thậm chí bức xúc khi các nhà nghiên cứu trong nước tìm đủ cách kiếm thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau để nuôi gia đình, chỉ vì mức lương quá thấp. Hoặc những người nghỉ hưu, bỏ nghề rất ác cảm với hệ thống khoa học Việt Nam về một số vấn đề mà hiện nay đã giải quyết xong và có nhiều tiến bộ khác. Thế nên ý kiến của họ không chính xác và chỉ có giá trị tham khảo.

Chỉ đăng báo phổ thông những vi phạm rất lớn

Trong mọi lĩnh vực xã hội, việc tuyên truyền, quảng bá cho cá nhân, tổ chức trên các báo phổ thông khá phổ biến. Tuy nhiên, việc tố cáo đích danh trên báo phổ thông chỉ áp dụng đối với sai phạm rất lớn. Mọi ngành nghề trong xã hội đều có nhiều sai phạm với quy mô khác nhau. Những vụ việc nhỏ thì giải quyết trong nội bộ doanh nghiệp/tổ chức. Vụ việc trung bình và lớn thì đăng tin trên các website ngành. Vụ việc rất lớn mới nên đăng trên báo phổ thông. Văn hóa của giới khoa học thậm chí khuyến khích sự cẩn trọng, tử tế hơn các ngành nghề khác.

Văn hóa khoa học khuyến khích sự tử tế và tôn trọng khác biệt

Giới khoa học khuyến khích sự say mê nghiên cứu, tư duy logic, nhưng cũng rất khuyến khích sự độ lượng, khoan dung. Giới khoa học có năng lực tư duy tương đối tốt, tương đối thành đạt, hơn mức trung bình của xã hội, cho nên mặc dù cũng có đố kị, kèn cựa, nhưng đỡ hơn ngoài xã hội rất nhiều. Văn hóa khoa học khuyến khích sự tử tế. Các nhà khoa học chân chính rất bận rộn, không có thời gian để đi soi người khác. Không có khái niệm “anh hùng liêm chính” trong khoa học. Các ngành nghiên cứu đều không có website riêng để tố cáo vi phạm liêm chính, mà chỉ có những website chung để thảo luận về mọi vấn đề. Thảo luận trên các website của các ngành KHXH&NV thường ẩn danh để các nhà nghiên cứu không mất thì giờ cho những thảo luận vô bổ nhằm bảo vệ “cái tôi”. Các website do các giáo sư quản lý thì rất lịch sự, chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ chứ hầu như không bàn những chuyện tiêu cực. Các nhà khoa học chân chính rất “tôn trọng khác biệt”, lịch sự và cẩn trọng khi đánh giá ngành nghề khác và khi bàn về các vấn đề ở Việt Nam.

Các nhà báo không có bằng cấp về khoa học không nên tùy tiện phê phán về các vấn đề nghiên cứu

Nhà báo giáo dục chỉ nên bàn luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục như tài liệu giảng dạy, bài viết của sinh viên và các vi phạm kinh điển như đạo văn, ngụy tạo số liệu, nghĩa là những vấn đề ai cũng hiểu. Họ không nên tùy tiện phê phán, quấy rầy các cá nhân và tổ chức về những vấn đề khoa học chuyên sâu quá tầm hiểu biết của mình. Nguyên tắc này cũng nhằm ngăn chặn các nhóm lợi ích lợi dụng sự kém hiểu biết của các nhà báo để tấn công các đối thủ. Văn hóa “giật tít, câu view”, say mê “bóc phốt”, tùy tiện vu khống của một số nhà báo rất xa lạ với văn hóa khoa học. Ở phương tây, chỉ các nhà báo khoa học, thường xuất thân là nhà khoa học, mới đủ trình độ điều tra các vi phạm liêm chính khoa học và am hiểu về văn hóa khoa học để có những phát ngôn đúng mực.

Không thể áp đặt đủ thứ chuẩn mực lên một nền khoa học còn non yếu

Một nền khoa học tiên tiến phải mời được nhiều nhà khoa học giỏi ngoại quốc đến nhập tịch/cấp thẻ xanh để làm việc lâu dài. Nền khoa học Việt Nam rõ ràng còn non yếu, giống như bonsai ở giai đoạn đầu. Không thể thoải mái bứt rễ, bẻ tán giống như đối xử với cây trưởng thành, bởi sẽ làm thui chột mầm mống phát triển. Mức độ liêm chính luôn luôn tỷ lệ thuận với trình độ khoa học của một quốc gia. Không thể đòi hỏi một nền khoa học còn non yếu nhưng mức độ liêm chính lại cao vọt lên như ở các nước phát triển. Thời kỳ tăng tốc phát triển 1985-2012, Trung Quốc không quan tâm nhiều đến vấn đề đạo đức nghiên cứu vụn vặt. Chỉ mới cách đây khoảng 10 năm, khi đã trở thành một cường quốc khoa học, họ mới bắt đầu siết chặt hơn vấn đề liêm chính theo tiêu chuẩn ngày càng giống phương tây.

Soi mói, tọc mạch, đấu đá, chia rẽ mất đoàn kết còn đáng sợ hơn vi phạm liêm chính

Trên thực tế, tất cả các viện nghiên cứu/trường đại học đều ngán ngẩm những kẻ thích soi mói, tọc mạch, đấu đá, chia rẽ mất đoàn kết, mặc dù, những thói xấu đó vẫn tồn tại lặng lẽ trong giới khoa học. Tuy nhiên, hơn một năm nay, khi được khoác chiếc áo liêm chính, những thói xấu đó có cơ hội thả sức tung hoành. Đây chính là “lấy mục đích để biện minh cho phương tiện”.

*

*       *

Liêm chính học thuật ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Tuy nhiên, bảo vệ liêm chính cần tập trung trước tiên vào các sai phạm kinh điển, dựa trên nguyên tắc “phòng ngừa thay vì tố cáo”, nghĩa là nâng cao nhận thức cho cộng đồng khoa học và phát triển các công cụ giám sát. Chỉ tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức đối với những vi phạm tương đối lớn, đã có quy định và đầy đủ bằng chứng. Nếu không thận trọng thì rất dễ mắc bẫy đấu đá của các nhóm lợi ích. Những người trẻ, ít kinh nghiệm nên tập trung học hành, nghiên cứu, thay vì soi mói người khác.

Ghi chú:

1 Lấy bài viết của người khác dịch sang ngôn ngữ khác rồi tự nhận mình là tác giả.

2 Trả tiền để người khác viết bài hộ mình.

3 https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-pgs-nam-2017-tang-ky-luc-hang-loat-gs-pgs-khong-co-bai-bao-isi-scopus-428738.html

4 MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute - Viện Xuất bản số đa ngành) là nhà xuất bản khoa học mới nổi được lập bởi Shu-Kun Lin - một nhà khoa học ít tên tuổi, người Hoa. Nắm bắt được xu thế xuất bản khoa học mở từ những năm 2010, MDPI của Lin nhanh chóng đăng ký thành lập hàng loạt tạp chí hoàn toàn mở, có nghĩa là bất kỳ ai cũng được đọc bài miễn phí. Điều đáng chú ý, nhà xuất bản này đăng ký địa chỉ hoạt động tại Bassel, Thụy Sỹ. Một địa chỉ nhà riêng nhưng toàn bộ nhân sự đều ở nước ngoài, hầu hết ở Trung Quốc và thường khiến nhiều người nhầm lẫn rằng đây là một nhà xuất bản của Thụy Sỹ.

5 Những người sống ở hải ngoại, nghỉ hưu, bỏ nghề, không kiếm sống bằng nghiên cứu, không biết nghiên cứu.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)