Khu vực học - thế lưỡng nan
Trải qua nhiều thập kỷ phát triển với những bước thăng trầm, nhưng dường như Khu vực học vẫn còn đang loay hoay với nhiều thế lưỡng nan:
Nan đề 1: vấn đề định nghĩa “Khu vực học là gì?”
Cho đến nay đã có nhiều cách trả lời khác nhau, do đó cách hiểu về Khu vực học cũng khác nhau. Trong khi nhiều người hiểu Khu vực học là “một khoa học liên ngành” thì nhiều người khác lại hiểu đó là những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary fields of research) và chỉ ra rằng, “Khu vực học không phải là một lĩnh vực nghiên cứu thống nhất” [1]. Hiện nay, nhiều chuyên gia Khu vực học ở phương Tây đang tỏ ra đồng thuận khá cao với quan điểm của David L. Szanton, rằng: “Khu vực học tốt nhất nên được hiểu là một khái niệm bao quát dùng để chỉ một tổ hợp các lĩnh vực học thuật (a family of academic fields) và các hoạt động phối hợp dựa trên những cam kết chung sau đây: 1) nghiên cứu sâu về ngôn ngữ; 2) khảo sát sâu sắc thực tế bằng ngôn ngữ địa phương; 3) đặc biệt chú trọng lịch sử địa phương, những quan điểm, tư liệu và cách phân tích; 4) kiểm chứng, tìm hiểu kỹ càng, phê phán và phát triển những lý thuyết phản đối sự quan sát cụ thể; tiến hành những trao đổi, đối thoại đa ngành vượt qua những giới hạn vốn có của các khoa học xã hội và nhân văn” [2].
Những điều khái lược của Szanton ở trên là xác đáng, phản ánh rõ thực tế tồn tại và phát triển của những xu hướng phổ quát của Khu vực học trong thời gian Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, cách khái lược này khiến cho việc xây dựng một định nghĩa chung cho Khu vực học càng trở nên khó khăn, rắc rối hơn. Có lẽ, người ta đã quá quen với cách định nghĩa trước đây đối với các khoa học chuyên ngành, rằng một ngành khoa học thì nhất thiết phải có đối tượng riêng, hệ thống phương pháp nghiên cứu và hệ thống lý thuyết riêng. Với cách tiếp cận như vậy, người ta sẽ không bao giờ định nghĩa được Khu vực học và nhiều khoa học liên ngành khác, bởi lẽ phần lớn các khoa học liên ngành là các định hướng học thuật mở, linh hoạt và liên tục phát triển.
Nhìn lại lịch sử của Khu vực học trên thế giới trong hơn 7 thập kỷ qua, có thể thấy một số điểm chung, cốt yếu sau đây:
Thứ nhất, Khu vực học trước sau đều là các phương thức tổ chức nghiên cứu khoa học liên ngành. Dù phát triển trong thời gian nào, theo trường phái nào thì tính chất “liên ngành” vẫn luôn luôn là một thuộc tính cố hữu, một nguyên tắc.
“Liên ngành” hiểu theo nghĩa là “sự kết hợp nhuần nhuyễn về phương pháp và cách tiếp cận” của nhiều khoa học chuyên ngành [3] cũng là một vấn đề được bàn luận nhiều. Kết hợp như thế nào? Theo nguyên tắc bình đẳng giữa các hướng tiếp cận hay trên cơ bản của một cách tiếp cận nào đó, rồi mở rộng, “lấn sân” sang các cách tiếp cận chuyên ngành khác, tùy theo yêu cầu của mục đích nghiên cứu. Trên thực tế, không có một nguyên tắc hay một công thức cố định hay tối ưu nào đó được đưa ra để chế định tính “liên ngành” trong nghiên cứu.
Thứ hai, trong khi tính chất “liên ngành” nhận được sự đồng thuận rất cao trong giới Khu vực học toàn cầu thì đối tượng nghiên cứu của nó lại không nhận được sự đồng thuận cao. Đơn giản nhất và căn bản nhất là cách phát biểu: đối tượng nghiên cứu của Khu vực học chính là các “khu vực”. Nhưng khu vực cần được xác định như thế nào?
Khu trước hết và bao giờ cũng là một phạm vi - một không gian địa lý. Nhưng không phải bất kỳ không gian địa lý nào cũng có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của Khu vực học. Không gian địa lý đó phải luôn đặt trong mối liên hệ với chủ thể - những cộng đồng người nào đó sinh sống tương đối ổn định trong một không gian nhất định. Tức là, nó phải là “một không gian địa lý nhân văn”.
Không gian địa lý nhân văn đó phải là một chỉnh thể, tức là phải có một bản thể riêng của nó, để phân biệt hay khu biệt nó với các không gian địa lý nhân văn khác. Chẳng hạn Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Nghệ, Châu thổ sông Hồng, Châu thổ sông Cửu Long… là những không gian địa lý nhân văn có xác định và khu biệt tương đối với các không gian kề cận.
Vậy, những gì làm nên cái “bản thể” dường như khá “ổn định” của các không gian đó? Câu trả lời là các yếu tố, các chiều cạnh lịch sử và văn hóa. Chính vì vậy, đối tượng nghiên cứu của Khu vực học trong suốt nhiều thập kỷ, cho đến trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính là các không gian lịch sử - văn hóa. Sự phát triển của Khu vực học trong thời gian đó luôn gắn chặt với chiến lược toàn cầu và chiến lược chính trị của Mỹ cũng như một số quốc gia khác. Vì thế, không phải tất cả các không gian lịch sử - văn hóa đều được quan tâm nghiên cứu, mà chủ yếu là những không gian lịch sử - văn hóa có tầm quan trọng địa - chính trị và địa - chiến lược thì mới được ưu tiên lựa chọn để nghiên cứu.
Vì vậy, có thể nêu định nghĩa, rằng: Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là khoa học liên ngành nghiên cứu về các không gian lịch sử - văn hóa - xã hội trên thế giới, trong những địa bàn địa - chính trị xác định, nhằm đưa lại những hiểu biết tổng hợp và những đặc trưng của không gian đó với tính chất là một chỉnh thể.
Ngay trong giai đoạn phát triển này, có hai khuynh hướng Khu vực học chủ yếu: Một là, “Khu vực học truyền thống” hay “Khu vực học cổ điển” - ở đó các nhà nghiên cứu “coi khu vực như một tổng thể và là đối tượng nghiên cứu căn bản của họ. Họ “tìm mọi cách để biết được tất cả những gì cần biết về một khu vực của thế giới - các ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, chính trị và các tôn giáo” [1, 4]. Hai là, xu hướng cũng khởi đầu bằng việc tìm hiểu về một khu vực, nhưng sau đó sử dụng tri thức về khu vực đó để phán đoán, phân tích về những hiện tượng và xu hướng đang xuất hiện ở các khu vực khác [1]. Đây là xu hướng mới hơn của Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bước đầu mở rộng định hướng liên ngành, tiếp nhận mô hình nghiên cứu so sánh, nghiên cứu trường hợp của khoa học chính trị và xã hội học, nhân học hiện đại.
Nan đề 2: làm thế nào để xác lập một hệ thống lý thuyết và phương pháp, cách tiếp cận riêng, mang đặc trưng của Khu vực học
Đối với các khoa học chuyên ngành “truyền thống” thì đây là yêu cầu bắt buộc, sống còn, bởi nếu thiếu nền tảng lý thuyết và phương pháp đặc thù thì có thể coi như ngành khoa học đó không tồn tại. Nhưng đối với các khoa học liên ngành, trong đó có Khu vực học, thì vấn đề này dường như không mấy quan trọng hay bất khả thi?
Nhìn lại quá trình phát triển của Khu vực học trên thế giới trong thời gian 7 thập kỷ qua, có thể thấy rất nhiều lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận đã được vận dụng thành công, hiệu quả, đồng thời, nhiều lý thuyết, phương pháp và các tiếp cận mới cũng được sáng tạo ra và được cộng đồng khoa học tiếp nhận. Tuy nhiên, không ai có thể trả lời câu hỏi: lý thuyết nào, hệ phương pháp nào, những cách tiếp cận nào là phù hợp nhất hay của riêng Khu vực học!
Với tính chất là một khoa học liên ngành, mở, linh hoạt và rất giàu tính thực tiễn, Khu vực học có thể và luôn cần phải phối hợp vận dụng nhiều lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận và cả kỹ thuật nghiên cứu của nhiều môn khoa học chuyên ngành. Trên cơ sở đó, trong thực tiễn, những sáng tạo riêng của giới khu vực học cũng mang tính thực tiễn cao, chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ nghiên cứu. Vì vậy, có thể chúng phù hợp với nhiệm vụ này, đối tượng nghiên cứu này, nhưng lại không hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu khác. Dẫu sao, một số đặc tính phổ quát của Khu vực học về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu đều được ghi nhận, có 3 nguyên tắc là: 1) Tiếp cận liên ngành; 2) Coi trọng khảo sát thực tế liên ngành; 3) Nhìn nhận và phân tích đa chiều.
Định hướng, tương lai nào cho Khu vực học?
Sau cuộc khủng hoảng trầm trọng hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có dấu hiệu Khu vực học đã hồi sinh và bước đầu phát triển khá mạnh mẽ. Sự xuất hiện của Khu vực học hiện đại với 3 khuynh hướng chính như đã trình bày ở trên có thể xem như một “kiếp lai sinh” của môn khoa học liên ngành này. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học thế giới vẫn tiếp tục thảo luận sôi nổi về tương lai của khu vực học. Một số định hướng chung đã nhận được sự đồng thuận cao là:
Một là, sứ mệnh của Khu vực học là phải góp phần cung cấp đầu vào cho quá trình chính sách của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, sở dĩ Khu vực học phát triển được là nhờ nó cung cấp đầu vào cho quá trình chính sách của Mỹ và các nước khác. Đây chính là cách thức để Khu vực học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tham gia giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Ngày nay, thực tiễn phát triển bền vững ở các khu vực, các quốc gia và trên toàn cầu đang đặt ra những hệ vấn đề hoàn toàn mới. Với lợi thế của mình, nếu Khu vực học không tự thay đổi, không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề đó, thì không những nó không khẳng định được mình mà còn tự loại bỏ mình trong đời sống nhân loại. Vì vậy, Khu vực học phải trở thành một khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng.
Hai là, đối tượng của Khu vực học hiện đại chính là các không gian phát triển bền vững, và những vấn đề được quan tâm hàng đầu phải là các vấn đề đương đại. Theo đó, không gian phát triển bền vững và các vấn đề đương đại cần phải được tiếp cận từ nhiều chiều cạnh, nhiều phương diện, trong đó các chiều cạnh “truyền thống” như lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... vẫn tiếp tục được coi trọng. Trong đó, các chiều cạnh giàu tính thực tiễn hơn, cấp bách hơn liên quan tới địa - chiến lược, chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh (truyền thống và phi truyền thống).
Ba là, với tính chất là khoa học liên ngành, Khu vực học có thể và cần thiết phải đảm bảo nguyên tắc “mở” để tiếp nhận và vận dụng nhiều lý thuyết, hệ thống phương pháp và cách tiếp cận cũng như kỹ thuật nghiên cứu mới. Đây chính là một trong những bí quyết đã dẫn đến thành công của Khu vực học trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới chứng kiến nhiều chuyển biến to lớn và nhanh chóng do tác động của quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ cách mạng công nghệ cao, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... Tất cả những chuyển biến đó đều có tác động đến tất cả các khu vực, các cộng đồng dân cư trên thế giới theo những phương thức và mức độ khác nhau.
Trong bối cảnh mới, một số khuynh hướng của Khu vực học hiện đại như Nghiên cứu toàn cầu (Global Studies), “toàn cầu hóa” (Globalization) được coi như triết lý nền tảng. Bên cạnh đó, việc tích hợp Khu vực học với Nghiên cứu so sánh cũng đang trở thành một khuynh hướng có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là nghiên cứu về các đối thoại liên văn hóa toàn cầu [5, 6].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Basedau, Mathias - Patrick Kollner (2007), “Area studies, comparative studies, and the study of politics: context, substance, and methodological challenges”, Zeitschrift fur Vergleichende Politikwissenschaft, pp. 106-109.
[2] Szanton, L. David (2004), "The origin, nature and challenges of area studies in the united states", The politics of knowledge: Area studies and the disciplines, University of California Press, p.109.
[3] M. Nissani (1995), "Fruits, salads, and smoothies: a working definition of Interdisciplinarity", The Journal of Educational Thought (JET)/Revue de la Pensée Éducative, 29(2), p.122.
[4] Prewitt, Kenneth (2003), “Area studies responding to globalization: redefining international scholarship”, Berliner Osteuropa Info, 18, p.8.
[5] Ludden, David, (2000), “Area studies in the age of globalization”, Interdisciplinary Journal of Study Abroad, pp.1-22;
[6] https://www.chronicle.com/blogs/conversation/2015/02/12/how-to-make-area-studies-relevant-again.