Thứ hai, 21/02/2022 14:09

Một số vấn đề về quyền tác giả và giải pháp hoàn thiện (Kỳ 1)

TS Trần Lê Hồng

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ

Việt Nam hiện nay không còn thuần túy là nước “sử dụng” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, trong đó có quyền tác giả (QTG), đáp ứng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Một số vấn đề pháp lý quan trọng về QTG đã được tác giả lựa chọn để trao đổi phục vụ cho việc tham khảo, đóng góp vào hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT). Cụ thể trong kỳ 1 này, tác giả tập trung phân tích về việc sử dụng thống nhất và chính xác một số thuật ngữ chính liên quan đến QTG.

Chính sách của Việt Nam liên quan đến QTG

QTG là một nhánh của quyền SHTT nên chính sách liên quan của Nhà nước được thể hiện chung đối với quyền SHTT tại Điều 8 Luật SHTT. Điều này là cần nhưng chưa đủ. Thực tế, các nội dung được quy định tại Điều 8 chưa cho thấy rõ trọng tâm chính sách của Việt Nam trong bảo hộ và thúc đẩy khai thác QTG, nhất là gắn với những lĩnh vực mà QTG đóng vai trò then chốt như công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa. Nếu có những chính sách đặc thù về QTG thì việc phát triển hai lĩnh vực này sẽ có thể dễ dàng, thuận lợi và có tính định hướng cao hơn. Cụ thể, với công nghiệp văn hóa, Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/9/2016 về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030 là “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”. Do đó, cần làm rõ chính sách về QTG trong bối cảnh “nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT”1, đặc biệt là: mức độ và cách thức bảo hộ; đảm bảo quyền và lợi ích của cộng đồng (ví dụ như liên quan đến văn hóa truyền thống); đảm bảo khai thác hiệu quả đối tượng QTG tạo ra từ ngân sách... Tương tự như vậy, để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, cũng cần làm rõ chính sách của Việt Nam đối với xu hướng “mở” để “cân bằng lợi ích” giữa “độc quyền của chủ sở hữu QTG” và “quyền tiếp cận của công chúng”, trong đó QTG là một trong những yếu tố quan trọng.

Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về các đối tượng QTG đã được tạo ra trước khi thực hiện chính sách “đổi mới” để việc khai thác chúng được thông thoáng, tránh những tranh chấp không đáng có. Mặt khác, những đối tượng QTG được tạo ra hiện nay từ kinh phí nhà nước theo các nhiệm vụ KH&CN cũng chưa được sử dụng, thương mại hóa hiệu quả. Các quy định tại Điều 37-39 của Luật SHTT về chủ sở hữu QTG khẳng định Nhà nước nắm quyền sở hữu QTG tạo ra từ kinh phí nhà nước. Để thúc đẩy việc thương mại hóa QTG được tạo ra từ kinh phí nhà nước, kinh nghiệm của nhiều nước (trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc) là giao quyền sở hữu các đối tượng này cho tổ chức nghiên cứu. Ví dụ, như trường hợp của Nhật Bản, các đạo luật: Luật Khuyến khích chuyển giao công nghệ (Luật số 52 năm 1998), Luật Đặc biệt hồi sinh công nghiệp (còn được gọi là Luật Bayh-Dole phiên bản Nhật Bản - Luật số 131 năm 1999, các quy định tại Chương 3 từ điều 30 đến 33) và Luật về Tổ chức pháp lý đại học quốc gia (Luật số 112 năm 2003) đã giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho tổ chức nghiên cứu nếu đó là: sáng chế, chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu... Trung Quốc đã thông qua Luật Tiến bộ KH&CN năm 2007 quy định việc giao sở hữu kết quả nghiên cứu tạo ra từ kinh phí nhà nước là: sáng chế, chương trình máy tính...

Việc xây dựng chính sách giao quyền sở hữu QTG đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu nói riêng được tạo ra từ kinh phí nghiên cứu của Nhà nước cho tổ chức trực tiếp thực hiện nghiên cứu được Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định: “Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả”. Theo đó, Luật KH&CN 2013 đã quy định về khả năng giao quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu. Việc giao quyền sở hữu được thực hiện thông qua thủ tục hành chính. Luật KH&CN giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp, trình tự, thủ tục giao toàn bộ, giao một phần quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước. Tuy Chính phủ đã ban hành thủ tục giao quyền sở hữu trong Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/1/2014 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN nhưng trong 5 năm vừa qua không một kết quả nghiên cứu nào (kể cả QTG) mà quyền sở hữu nó được giao. Một bất cập chính ở đây là quy định trong thực hiện thủ tục hành chính về việc tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và quy định về định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 39 và 42 của Nghị định số 08). Việc giao quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu (bao gồm cả QTG đối với một số đối tượng) tạo ra từ kinh phí nhà nước cho tổ chức nghiên cứu, được thực hiện một cách tự động và không bồi hoàn, cần được xem xét trở thành một chính sách mới của Nhà nước nhằm thúc đẩy thương mại hóa và quy định trực tiếp trong Luật SHTT.

Một số thuật ngữ chính trong điều chỉnh pháp luật QTG

Việc sử dụng thống nhất và chính xác các thuật ngữ pháp lý rất quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung điều chỉnh pháp luật. Một số thuật ngữ liên quan đến QTG cần được phân tích sâu hơn, cụ thể dưới đây:

1) Thuật ngữ “sở hữu QTG” và “sở hữu tác phẩm (TP)”

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 sử dụng thuật ngữ “sở hữu TP”. Điều 746 quy định về chủ sở hữu TP (cách tiếp cận như “TP là một tài sản hữu hình”). Cách tiếp cận này thuận lợi khi quy định về nội dung QTG và bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với TP (Điều 750-753). Đồng thời, cách tiếp cận như vậy ở phần QTG thống nhất với phần quyền sở hữu công nghiệp (Điều 794-798). Ngược lại, BLDS năm 2005 chuyển sang dùng thuật ngữ “sở hữu QTG”, trực tiếp quy định về “Chủ sở hữu QTG” tại Điều 740. Như vậy, QTG bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với TP, còn chủ sở hữu QTG sẽ sở hữu quyền tài sản đối với TP. Tuy nhiên, cách tiếp cận của phần quyền sở hữu công nghiệp không thay đổi làm tồn tại song song các thuật ngữ trái ngược nhau, ví dụ như: sở hữu QTG và sở hữu sáng chế. Điều này cho thấy, các thuật ngữ được sử dụng trong BLDS năm 2005 không còn thống nhất và được duy trì trong Luật SHTT năm 2005, kể cả sau sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019.

Thực tế, đây là vấn đề phức tạp của loại tài sản đặc biệt dưới dạng quyền tài sản nói chung, quyền SHTT2 nói riêng. Với các cách tiếp cận khác nhau về mặt khoa học có thể được chấp nhận, còn trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật như Luật SHTT thì không phù hợp, không chỉ là sự mâu thuẫn đơn thuần mà còn có thể làm việc hiểu và áp dụng không đúng bản chất của các đối tượng. Để thống nhất với cách tiếp cận quyền tài sản là một loại tài sản của BLDS, nên thống nhất thuật ngữ trong Luật SHTT theo hướng: quyền SHTT là quyền tài sản và bao gồm các nhánh quyền: QTG, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, chủ sở hữu quyền SHTT nghĩa là có thể sở hữu QTG, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp hay quyền đối với giống cây trồng. QTG nói riêng bao gồm các độc quyền, tức các quyền tài sản đối với TP (cùng với các quyền tinh thần).

2) Thuật ngữ “sử dụng TP” và “khai thác TP”

Luật SHTT sử dụng song song thuật ngữ “sử dụng TP” và “khai thác TP”, ví dụ tại Điều 25.2. và 26. Cụ thể, “Tổ chức, cá nhân sử dụng TP quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường TP...”. Đây thực chất là sử dụng QTG. Thuật ngữ “sử dụng” được chấp nhận vì phù hợp với quyền năng “sử dụng” thuộc quyền sở hữu mà BLDS quy định, cũng như việc Luật SHTT quy định về độc quyền sử dụng: sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 123-125) hay sử dụng độc quyền đối với giống cây trồng (Điều 186).

Để phân định sự khác biệt giữa “sử dụng” và “khai thác”, cần làm rõ sự khác nhau giữa hai thuật ngữ “sử dụng TP” và “sử dụng độc quyền” (tức sử dụng QTG, sử dụng quyền tài sản). Việc phân tích tại mục “a” trên đây về thuật ngữ “sở hữu QTG” cho thấy cách tiếp cận của Luật SHTT, theo đó quy định việc sử dụng hoặc không cho phép người khác sử dụng “quyền tài sản” - độc quyền của chủ sở hữu. Do đó, việc sử dụng TP nên được hiểu là người sử dụng “thưởng thức” TP, lấy được những cái hay, cái đẹp, cái hữu ích từ TP, cụ thể như đọc TP văn học để cảm nhận câu truyện được mô tả trong đó. Việc sử dụng này khác với việc sử dụng QTG để thực hiện sao chép TP, phân phối TP... Dưới góc độ QTG, để tạo sự thống nhất với các quy định về “sở hữu QTG”, Luật SHTT nên sử dụng thuật ngữ “sử dụng QTG” và tương ứng với nó là sử dụng quyền sao chép TP, sử dụng quyền phân phối TP... Một cách tương ứng, sử dụng TP nên được hiểu không liên quan đến thực hiện các độc quyền là quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật SHTT. Hơn nữa, “khai thác” theo Từ điển tiếng Việt là “tiến hành hoạt động để thu lấy những nguồn lợi có sẵn trong thiên nhiên”3. Hoạt động như vậy mang bản chất kinh tế. Do đó, việc khai thác QTG chính là hoạt động thu lợi ích từ QTG, tức từ việc thực hiện các quyền tài sản được quy định tại Điều 20 của Luật SHTT. Khai thác QTG thể hiện bản chất là hoạt động kinh tế “thuần túy” dựa trên sử dụng các quyền tài sản có bản chất pháp lý.

Tóm lại, cần sự thống nhất và rõ ràng trong sử dụng các thuật ngữ “sử dụng TP”, “sử dụng QTG”, “khai thác TP” và “khai thác QTG”, có thể bằng việc bổ sung quy định về thuật ngữ sử dụng tại Điều 4 của Luật SHTT hiện hành.

3) Thuật ngữ “TP kiến trúc” và “bản vẽ liên quan đến kiến trúc”; “bản họa đồ” và “bản vẽ”

Quy định hiện hành của Luật SHTT có thể cần làm rõ hơn đối với thuật ngữ “TP kiến trúc” và “bản vẽ liên quan đến kiến trúc” hay “bản họa đồ” và “bản vẽ”. Trong đời sống, thường hiểu hai thuật ngữ “TP kiến trúc” và “bản vẽ liên quan đến kiến trúc” không tương đồng nhau. Sự khác biệt giữa chúng thể hiện qua việc “bản vẽ liên quan đến kiến trúc” có lẽ không phải chính là TP kiến trúc hay cụ thể hơn nó không phải là một phần của TP kiến trúc. Tương ứng với “sự khác biệt này”, Điều 14 Luật SHTT quy định tương ứng với hai thuật ngữ này như hai loại hình TP được bảo hộ: mục i “TP kiến trúc” và mục k “Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến kiến trúc”. Điều 4 Luật SHTT không giải thích về “TP kiến trúc” nhưng Nghị định số 22/2018/NĐ-CP giải thích “là TP thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm: a) Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh; b) Công trình kiến trúc”4. Tương tự như vậy. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP giải thích “Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 của Luật SHTT bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc” (Điều 16). Cách giải thích này không làm rõ “bản vẽ liên quan đến công trình kiến trúc” là đối tượng gì và mối “liên quan” thể hiện qua yếu tố hay dấu hiệu gì. Do đó, cần có giải thích về thuật ngữ này tại Điều 4 hoặc có quy định cụ thể về loại hình TP đặc biệt này, qua đó phân biệt với “TP kiến trúc”.

Cặp thuật ngữ “bản họa đồ” và “bản vẽ” được sử dụng song song như hai đối tượng khác nhau tại Điều 14.1.k Luật SHTT: “Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học”. Theo Từ điển tiếng Việt, “họa đồ” có hai nghĩa: “1. Bức vẽ cảnh vật, sông núi; 2. Bản đồ hoặc bản vẽ”. Như vậy, thuật ngữ “bản họa đồ” có thể trùng với hai thuật ngữ được sử dụng cùng nhau là “bản đồ” và “bản vẽ”. Nếu thuật ngữ “bản họa đồ” có nội hàm riêng, khác biệt thì cần được quy định trực tiếp tại Điều 4 Luật SHTT hoặc quy định cụ thể về từng loại hình tác phẩm trong số ba loại hình TP được bảo hộ là “bản họa đồ”, “bản đồ” và “bản vẽ”.

4) Thuật ngữ “TP văn học, nghệ thuật dân gian”

TP văn học, nghệ thuật dân gian được liệt kê tại Điều 14 Luật SHTT thực chất là hai loại hình TP được bảo hộ: TP văn học dân gian và TP nghệ thuật dân gian. Theo Từ điển tiếng Việt, văn học được hiểu là “nghệ thuật dùng ngôn ngữ và hình tượng để thể hiện đời sống và xã hội con người”, còn văn học dân gian là “những sáng tác văn học truyền khẩu lưu truyền trong dân gian”. Nghệ thuật được hiểu là “hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm”. Như vậy, một số đối tượng được liệt kê là TP văn học, nghệ thuật dân gian tại Điều 23 Luật SHTT như nghi lễ, trò chơi có thể không thuộc phạm vi của văn học hay nghệ thuật. Đây là các đối tượng trong hoạt động văn hóa cộng đồng hơn là hoạt động văn học hay nghệ thuật. Chính vì vậy, để thể hiện đầy đủ các đối tượng trong đời sống văn hóa truyền thống của cộng đồng cần được bảo hộ và bảo vệ bằng QTG. Trên thế giới phổ biến việc sử dụng thuật ngữ rộng hơn là “sự biểu đạt văn hóa truyền thống” (Traditional cultural expression - TCE). Các biểu đạt văn hóa truyền thống hay còn được gọi là “biểu đạt của văn hóa dân gian”, có thể bao gồm âm nhạc, điệu nhảy, nghệ thuật, thiết kế, tên gọi, dấu hiệu và biểu tượng, biểu diễn, nghi lễ, hình thức kiến trúc, thủ công mỹ nghệ và những câu truyện, hoặc những biểu đạt nghệ thuật hoặc văn hóa khác5.

Với mục tiêu đảm bảo tốt nhất lợi ích cho cộng đồng sáng tạo ra những đối tượng trong đời sống văn hóa dân gian, nên cân nhắc để sử dụng thuật ngữ “biểu đạt văn hóa truyền thống” như cách mà Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) hiện nay đang sử dụng. Các nghiên cứu và hoạt động thực tiễn phong phú về cách tiếp cận, giải pháp bảo hộ được đề xuất đối với TCEs trong khuôn khổ WIPO sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng, phục vụ việc hoàn thiện pháp luật về QTG của Việt Nam liên quan đến biểu đạt văn hóa truyền thống.

5) Thuật ngữ “sưu tập dữ liệu”

Sưu tập dữ liệu có thể được bảo hộ QTG theo quy định tại Điều 14.1.m. Luật SHTT. Luật SHTT không giải thích thuật ngữ “sưu tập dữ liệu” tại Điều 4 mà quy định cụ thể về đối tượng này tại Khoản 2 Điều 22: “Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác”. Quy định này thực tế có thể thu hẹp đối tượng điều chỉnh một cách đáng kể khi gắn sưu tập dữ liệu với “tư liệu” thay vì “dữ liệu” như tên của loại hình TP. Điều này có nghĩa là, nếu tập hợp dữ liệu có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các dữ liệu đó thì cũng không được hiểu là sưu tập dữ liệu theo quy định của Luật SHTT.

Từ điển tiếng Việt giải thích thuật ngữ tư liệu là “tài liệu sử dụng cho việc nghiên cứu”. Như vậy, sưu tập dữ liệu sẽ là tập hợp các tài liệu. Cách hiểu như vậy không phù hợp với thông lệ chung hiện nay, kể cả khoa học pháp lý. Điển hình như việc Hiệp ước Bản quyền của WIPO (WCT) mà Việt Nam chuẩn bị tham gia quy định về bảo hộ “databases” đối với tập hợp dữ liệu hoặc tài liệu khác tại Điều 5. Nếu việc sử dụng thuật ngữ “sưu tập dữ liệu” theo nghĩa là “database” - đối tượng được bảo hộ QTG/bản quyền, ví dụ như WCT, thì có thể không thống nhất với nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam khi sử dụng thuật ngữ “cơ sở dữ liệu”, điển hình là Luật Công nghệ thông tin năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Như vậy, thuật ngữ “sưu tập dữ liệu” nên được cân nhắc thay bằng “cơ sở dữ liệu” và được hiểu gồm cả tập hợp các dữ liệu (chứ không chỉ là tập hợp tư liệu hay tài liệu).

6) Các thuật ngữ “phí bản quyền”, “tiền sử dụng”, “tiền nhuận bút”, “thù lao bản quyền”

Các thuật ngữ “phí bản quyền”, “tiền sử dụng”, “tiền nhuận bút”, “thù lao bản quyền”… được sử dụng phổ biến trong thực tiễn và cả trong các văn bản quy phạm pháp luật khi thể hiện cùng nội dung trả tiền cho việc sử dụng QTG/TP. Thuật ngữ “nhuận bút”, “thù lao”, “tiền nhuận bút”, “tiền thù lao” được sử dụng khá nhiều trong Luật SHTT tại các Điều 20, 21, 25, 26, 28 và 56 nhưng chưa có quy định cụ thể hiểu các thuật ngữ này. Điều 3 của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP đã giải thích hai thuật ngữ “nhuận bút” và “thù lao”. Cụ thể: “nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng TP trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu QTG trong trường hợp chủ sở hữu QTG không đồng thời là tác giả” và “thù lao là khoản tiền do bên sử dụng TP trả cho chủ sở hữu QTG”. Sự khác biệt giữa hai thuật ngữ ở đây có lẽ chỉ ở chỗ: nhuận bút có thể trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu, còn thù lao thì chỉ trả cho chủ sở hữu. Điều quan trọng là bản chất của hai loại tiền này có sự khác biệt nào không lại chưa được làm rõ. Nếu cả hai thuật ngữ đều chỉ việc trả tiền cho sử dụng TP thì chỉ cần thuật ngữ “nhuận bút” là đủ, giống như cách quy định trước đây trong BLDS năm 1995. Theo đó, Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 về Chế độ nhuận bút đã xác định: “Nghị định này quy định và hướng dẫn thi hành chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu TP theo Điều 745, 746 có các loại hình TP được bảo hộ quy định tại Điều 747 BLDS”. Nghị định này có đề cập đến “khoản tiền thù lao” nhưng được phân biệt với nhuận bút, cụ thể: “khoản tiền thù lao cho người thực hiện các công việc có liên quan đến TP”. Quy định tương tự như vậy có trong Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Ngoài ra, việc giải thích thuật ngữ đã xác định đây là “khoản tiền” phải trả thì việc sử dụng chữ “tiền” trong thuật ngữ “tiền nhuận bút” hay “tiền thù lao” là không cần thiết và không hợp lý vì đã được giải thích “nhuận bút là khoản tiền...” và “thù lao là khoản tiền...”. Tóm lại, nếu cần sử dụng cả hai thuật ngữ “nhuận bút” và “thù lao” thì cần làm rõ sự khác biệt về mặt bản chất giữa chúng, tương tự như quy định của BLDS năm 1995 và các văn bản hướng dẫn, đồng thời không nên sử dụng thuật ngữ “tiền nhuận bút” hay “tiền thù lao”.

 

1 Xem: phần b của nhiệm vụ và giải pháp thứ nhất - Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

2 Trần Lê Hồng (2012), “Một số vấn đề về tài sản trí tuệ nhìn từ góc độ khoa học pháp lý và vấn đề hoàn thiện pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, 2, tr.20-24.

3 Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

4 Khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 về QTG, quyền liên quan.

5 https://www.wipo.int/tk/en/folklore/.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)