Thứ tư, 12/01/2022 10:13

Đôi điều suy nghĩ nhân 30 năm ngày ban hành Nghị định 35-HĐBT về mở rộng dân chủ trong hoạt động KH&CN

Vũ Cao Đàm

Cách đây 30 năm, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 35-HĐBT ngày 28/01/1992 về công tác quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó khẳng định quyền của các cá nhân và tổ chức được thực hiện các hoạt động KH&CN và được thành lập các tổ chức KH&CN.

Đó là một bước mở rộng dân chủ trong hoạt động KH&CN, như một luồng gió mới thổi vào hoạt động KH&CN vốn đang bị bó hẹp trong khuôn khổ các tổ chức KH&CN của Nhà nước lúc bấy giờ.

Chỉ không đầy một năm sau, gần 500 tổ chức KH&CN của các tập thể và cá nhân được thành lập trong khuôn khổ các hiệp hội thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Các tổ chức này đã hoạt động có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực KH&CN, có đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân dịp tròn 30 năm ngày ban hành Nghị định quan trọng này, Tạp chí xin giới thiệu bài viết của ông Vũ Cao Đàm, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý KH&CN (nay là Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo) giới thiệu vài nét về Nghị định này.

Dẫn nhập

Ngày 28/01/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ban hành Nghị định 35-HĐBT về công tác quản lý KH&CN. Tuy tên của Nghị định chỉ ghi chung chung là “Công tác quản lý KH&CN”, nhưng trên thực tế, đây là một Nghị định có một ý nghĩa rất mới về cởi mở quyền tự chủ của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động KH&CN.

Sau khi Viện chúng tôi đề xuất và được Lãnh đạo Bộ đồng ý cho thực hiện một chương trình cấp nhà nước về Cải tiến quản lý KH&CN - Chương trình 60-01 (mà khi đó Thứ trưởng Lê Quý An là Chủ nhiệm, tôi là Phó Chủ nhiệm thường trực của Chương trình), chúng tôi đã phân công các nghiên cứu viên đi khảo sát, thu thập các thông tin cần thiết, sau đó tổ chức một hội thảo với các viện trưởng trong phạm vi hoạt động của đề tài hạch toán kinh tế của các viện trong khuôn khổ Chương trình. Hội thảo này diễn ra khoảng tháng 11/1991, trong bối cảnh Bộ Cơ Khí và Luyện Kim đưa 12 viện thí điểm hạch toán kinh tế, như ngày nay gọi là tự chủ tài chính. Các viện trưởng nêu ra những khó khăn, cho rằng đưa các viện vào hạch toán kinh tế là làm suy yếu chức năng nghiên cứu khoa học, và chuyển sang đề nghị cần mở rộng tự chủ trong nghiên cứu khoa học. Hội thảo cũng đề xuất một số biện pháp được Chương trình 60-01 ghi nhận và thể hiện một phần trong dự thảo Nghị định 35-HĐBT.

Những nội dung quan trọng của Nghị định

Sau đây xin giới thiệu tóm tắt một số nội dung quan trọng của Nghị định.

Trước hết, Nghị định khẳng định mọi cá nhân và tổ chức đều có Quyền thành lập các tổ chức KH&CN. Lần đầu tiên, một văn bản quy phạm của Chính phủ khẳng định Quyền hoạt động KH&CN, không dùng cách nói truyền thống trong các văn bản, là Nhà nước cho phép các cá nhân và tổ chức. Đây là một thông điệp quan trọng về dân chủ hóa xã hội nói chung và dân chủ hóa khoa học nói riêng.

Thứ hai, Nghị định đưa ra một nguyên tắc thành lập tổ chức rất đơn giản là, chỉ cần đăng ký trước một cơ quan có thẩm quyền, không phải xin phép cơ quan nào cả. Điều này chúng tôi đã rút được một bài học từ việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em của ông Nguyễn Khắc Viện. Ông Viện đến Bộ KH&CN đề xuất với Bộ trưởng Đặng Hữu. Bộ trưởng Đặng Hữu đồng ý và giao cho Viện chúng tôi giúp ông Viện làm việc với các cơ quan có liên quan. Chúng tôi đã cùng ông Viện làm việc với Ban Khoa Giáo Trung ương, Ban Khoa Giáo Trung ương khuyên làm việc với Ban Khoa Giáo Hà Nội, Ban Khoa Giáo Hà Nội khuyên chúng tôi làm việc với Sở KH&CN Hà Nội… Chúng tôi và ông Viện đã đi lòng vòng như thế và đã nhận được cả thảy 8 con dấu và chữ ký, mà không cơ quan nào dám phê vào đơn là “Cho phép” thành lập.

Thứ ba, Nghị định quy định các tổ chức KH&CN của Nhà nước đang theo chế độ biên chế được phép từng bước chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Người làm hợp đồng dài hạn có trách nhiệm và quyền lợi như người trong biên chế, kể cả việc đi nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ hợp tác về KH&CN hoặc để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tham dự các hội nghị khoa học quốc tế.

Thứ tư, tất cả các hợp đồng nghiên cứu khoa học, sản xuất thử đều không phải chịu thuế. Lợi nhuận thu được từ hoạt động dịch vụ KH&CN được hưởng một thuế suất riêng.

Thứ năm, sau Quyết định số 51-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 17/5/1983 về một số vấn đề công tác khoa học và kỹ thuật, trong đó có điều khoản cho phép các viện được sản xuất ở quy mô nhỏ các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, xã hội có nhu cầu, nhưng chưa thể đầu tư sản xuất trên quy mô công nghiệp, lần này, Nghị định 35 lại một lần nữa khẳng định các viện được sản xuất những sản phẩm như thế, và đây là tiền đề để các viện và các trường đại học được thành lập các spin-off. Chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng loạt spin-off được thành lập tại các viện và các trường đại học, trong đó có nhiều spin-off đã trở thành các start-up và thành các doanh nghiệp có tên tuổi như FPT (spin-off của Viện Khoa học Việt Nam), Sơn Kova (spin-off của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh)…, có đóng góp thiết thực vào sự phát triển KH&CN và kinh tế của đất nước.

Đánh giá Nghị định 35-HĐBT

Từ khi ban hành Nghị định đến nay đã tròn 30 năm. Thời gian đủ dài, đủ cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò của Nghị định trong sự phát triển KH&CN của đất nước.

Tuy Nghị định 35 quy định cụ thể như vậy, nhưng trong việc thực thi các nội dung của Nghị định vẫn gặp nhiều vướng mắc. Một số nội dung về tài chính vẫn rất khó khăn trong thực hiện, chẳng hạn việc thỏa thuận hướng dẫn giữa Bộ KH&CN với một số cơ quan có liên quan cho đúng với đường lối KH&CN là quốc sách của đất nước.

Điều khoản về tổ chức sản xuất trong các viện và các trường bị một số cơ quan hiểu đồng nhất với các xí nghiệp cải thiện đời sống của các cơ quan đoàn thể, và bị giải thể theo tinh thần Nghị định 87 vào đầu thập niên 2000. Khoảng 120 spin-off của Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và nhiều spin-off của các trường đại học đã bị giải thể oan uổng như thế (theo một báo cáo của ông Phạm Huy Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam và cộng sự).

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Nghị định 35-HĐBT đã đóng vai trò tích cực trong bước đường cải tiến quản lý KH&CN, mà một mốc son đáng ghi nhận, là sự xác nhận vai trò của tổ chức và hoạt động KH&CN ngoài công lập phù hợp với đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng.

Trên con đường đổi mới kinh tế và xã hội của đất nước, chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng tinh thần của Nghị định 35 sẽ được tiếp tục và góp phần vào việc thực hiện đường lối khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách trong sự phát triển của đất nước.




 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)