Thứ tư, 05/01/2022 15:13

Chuyên gia, trí thức kiều bào chung tay cùng đổi mới sáng tạo quốc gia

Ngô Hướng Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước, đó là quan điểm được được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới, nhấn mạnh nhiệm vụ: “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thực hiện chủ trương này, nhiều hoạt động tăng cường kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với mạng lưới chuyên gia, trí thức kiều bào trên thế giới đã được triển khai.

Dấu ấn năm 2021

Năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là cản trở việc di chuyển trong và ngoài nước, khiến việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đầu tư, kinh doanh… của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại cũng như hoạt động hợp tác với trong nước gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phát huy vai trò kết nối, vận động các hội chuyên gia trí thức kiều bào cũng như các cá nhân tiêu biểu, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác, tham gia hỗ trợ các hoạt động KH&CN trong nước. Cụ thể, Ủy ban đã đẩy mạnh hợp tác với Bộ KH&CN, thu hút nguồn lực hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngày 16/7/2021, Bộ Ngoại giao đã ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ KH&CN về việc hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm huy động, tập hợp nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành Mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ chuyên gia, trí thức và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng ký Thỏa thuận hợp tác.

Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác, tháng 9/2021, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) tổ chức Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu 2021. Chương trình đã thu hút được hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn, 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn.

Từ thành công bước đầu này, Ủy ban và Bộ KH&CN đã phối hợp tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2021 (Techfest Vietnam 2021) với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”, tiếp tục thu hút các chuyên gia kiều bào tham dự, tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như tham gia vào chuỗi hoạt động của sự kiện.

Trong chuỗi các sự kiện tại Techfest Vietnam 2021, ngày 14/12/2021, Ủy ban và Bộ KH&CN đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”. Đây là năm đầu tiên Techfest vươn ra thế giới, kết nối với mạng lưới chuyên gia, trí thức ở nước ngoài. Tại Hội thảo, Ủy ban cũng đã ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ”, gồm 21 vị chủ tịch các hội trí thức tại 15 quốc gia trên toàn thế giới, cùng đông đảo chuyên gia hoạt động khoa học trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, nông nghiệp, quy hoạch, y sinh, năng lượng, vật liệu, môi trường, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, blockchain... Mạng lưới được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng trí thức kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, giải quyết những bài toán cụ thể của doanh nghiệp và địa phương trong nước.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác với Bộ KH&CN, Ủy ban tiếp tục đồng hành hỗ trợ các hội chuyên gia trí thức kiều bào tham gia các hoạt động KH&CN trong nước. Ủy ban tiếp tục là đơn vị bảo trợ cho Cuộc thi Hack4growth lần thứ 2 với khẩu hiệu “Start Local - Rise Regional - Grow Global” do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) khởi động từ tháng 2/2021, kêu gọi người Việt trên toàn thế giới chung tay tìm phương án giải quyết cho các bài toán ở địa phương. Cuộc thi đã nhận được 59 đề thi từ 27 tỉnh/thành phố trên khắp cả nước và hơn 200 dự án đăng ký tham gia từ người Việt đang sinh sống và làm việc ở 12 quốc gia trên thế giới.

Tháng 11/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy ban đã bảo trợ Hội nghị “One Global Vietnam - Connect4Future” do AVSE Global tổ chức, diễn ra trong hai ngày 4-5/11/2021 với 4 phiên trao đổi tại chỗ và trực tuyến theo các chủ đề: Connect4Future (Kết nối tương lai), Connect Partners (Kết nối đối tác), Connect Innovation (Kết nối đổi mới sáng tạo) và Connect Talents (Kết nối nhân tài). Hội nghị quy tụ sự tham gia của 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam và quốc tế tiêu biểu hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực chiến lược, được lựa chọn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu hàng đầu, các tổ chức trực thuộc chính phủ và tổ chức phi chính phủ uy tín.

Tiềm năng đóng góp của kiều bào cho đổi mới sáng tạo quốc gia

Ước tính, trong khoảng 5,3 triệu NVNONN, có khoảng 600.000 chuyên gia, trí thức có trình độ đại học trở lên; trong đó, khoảng 50% sống tại Hoa Kỳ, 80% ở những nước phát triển, có nền KH&CN tiên tiến hàng đầu như châu Âu, Nhật Bản, Úc...

Số lượng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài không ngừng tăng lên, thế hệ trẻ thứ 2-3 tiếp tục gia tăng về số lượng. Họ trưởng thành, thành đạt và có tiềm lực kinh tế, trí tuệ cao. Theo thống kê có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu ở Úc, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga… Sau khi học xong, một bộ phận ở lại tu nghiệp, tìm việc, được các nước sở tại nhập quốc tịch và bổ sung vào lực lượng chuyên gia, trí thức kiều bào. Cộng đồng này có nhiều liên hệ và thông tin với các trí thức trong và ngoài nước, tiếp tục trở thành cầu nối giúp vận động, thu hút nguồn lực các chuyên gia trí thức xuất sắc. Đồng thời, cộng đồng tiếp tục phát huy truyền thống hướng về quê hương và quan tâm tới tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế, KH&CN trong nước.

Trong 10 năm gần đây đã xuất hiện phong trào hình thành các hội chuyên gia, trí thức người Việt ở các nước và khoảng 3 năm trở lại đây bắt đầu có sự liên kết giữa các hội trí thức xuyên biên giới. Việc hình thành Mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các hội trí thức kiều bào cũng như các chuyên gia trí thức trên toàn thế giới với nhau và với trong nước, đẩy mạnh việc kết nối các hoạt động KH&CN trong và ngoài nước, phục vụ công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức kiều bào

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò của các nguồn lực bên ngoài trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tổng bí thư khẳng định cần phải “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác NVNONN theo đúng tinh thần NVNONN là máu thịt, là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác NVNONN, trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tập trung vào các hoạt động sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các bộ/ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, kết nối, thu hút các chuyên gia trí thức kiều bào tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động đổi mới sáng tạo, khôi phục và phát triển bền vững các lĩnh vực trọng tâm của đất nước như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Ủy ban sẽ tiếp tục áp dụng kỹ thuật số trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để kết nối được đông đảo các chuyên gia, trí thức người Việt trên toàn thế giới.

Thứ hai, trên cơ sở thành công của các chương trình, hoạt động đã diễn ra, Ủy ban sẽ tiếp tục đồng hành với các bộ/ngành, cũng như các hội trí thức kiều bào triển khai hiệu quả những chương trình hợp tác, dự án kết nối. Cụ thể, Ủy ban tiếp tục mở rộng Mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực KH&CN. Bên cạnh việc phối hợp với Bộ KH&CN triển khai các hoạt động kết nối các chuyên gia kiều bào trong Mạng lưới với các dự án phù hợp trong nước, Ủy ban cũng sẽ phối hợp với các địa phương, hội đoàn giới thiệu Mạng lưới tới các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, phát triển.

Thứ ba, cùng với Mạng lưới các hội trí thức kiều bào, Ủy ban tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trí thức, doanh nhân NVNONN. Việc nắm bắt năng lực, khả năng đóng góp của những nhà khoa học kiều bào, nhất là trí thức giỏi, đang nắm giữ những vị trí có tính chất then chốt trong các lĩnh vực KH&CN hoặc đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, công nghệ cao sẽ đem lại cơ hội thành công cao hơn trong việc kết nối cho các cơ quan, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực và đồng lòng của toàn dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên bứt phá, trở thành một trong những điểm sáng về kinh tế, KH&CN của khu vực và toàn cầu.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)