Thứ sáu, 31/12/2021 15:00

Hoàn thành bộ “Quốc sử” Việt Nam đồ sộ nhất

Vũ Minh Giang

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời và vô cùng phong phú. Để tái hiện những trang hào hùng nhưng không kém phần bi thương, từ trước đến nay đã có không ít công trình trong và ngoài nước viết về lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, những bộ sử có quy mô lớn không nhiều. Trước yêu cầu cần có một bộ lịch sử tương xứng với tầm vóc của thời đại Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã thành lập Đề án cấp Nhà nước mang mã số KHXH-LSVN/14-18 làm nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử Việt Nam. Tháng 11/2021, tập cuối cùng của bộ sách đã được nghiệm thu cấp Nhà nước. Bài viết trình bày khái quát về quá trình nghiên cứu, biên soạn; những điểm mới cơ bản, nổi bật của công trình lịch sử Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Một số bộ lịch sử Việt Nam có quy mô lớn đã từng được biên soạn và công bố

Trước hết xin được điểm qua những bộ sách được coi là ““Quốc sử”” và một số công trình có quy mô lớn về lịch sử Việt Nam do các học giả trong và ngoài nước biên soạn trước đây. Trong số các tác phẩm này, sớm nhất phải kể đến sách Đại Việt sử lược. Đây là cuốn sử biên niên được biên soạn vào cuối thời Trần, sau đó bị thất lạc. May sao, trong một cơ hội hết sức đặc biệt, vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Việt Nam được tiếp nhận một bộ sách có tên Việt sử lược (越史略)1. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu thì đây chính là bộ sử đã bị thất lạc vào thế kỷ XV. Một bộ sử khác cũng không còn lại đến ngày nay là Đại Việt sử ký gồm 30 quyển do Lê Văn Hưu biên soạn và hoàn thành năm 1272. Có thể coi đây là bộ “Quốc sử” có quy mô lớn đầu tiên. Tác phẩm này đã được Hoàng đế Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen. Rất có thể bộ “Quốc sử” này đã bị hủy hoại hoặc lấy đi trong thời gian 20 năm Minh thuộc.

Sau thắng lợi của khời nghĩa Lam Sơn, Triều đình nhà Lê rất coi trọng lịch sử. Được sự quan tâm đặc biệt của Hoàng đế Lê Thánh Tông, Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê đã biên soạn thành công bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Năm 1492, bộ sử được trình lên với dung lượng 24 quyển, nhưng sau đó còn được các sử gia hậu thế bổ sung, viết tiếp cho đến tận năm Chính Hòa thứ 18 (1697) mới lần đầu tiên được khắc và in. Cho đến nay, bộ sách này được coi là một trong những tài liệu gốc quan trọng nhất cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Sau bộ sử biên niên này, phải mất hơn một thế kỷ mới có một bộ “Quốc sử” tiếp theo. Đó là sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục gồm 53 quyển, do “Quốc sử” quán triều Nguyễn biên soạn theo lệnh của Hoàng đế Tự Đức. Công trình này đã huy động một lực lượng khá đông các nhà sử học tham gia biên soạn trong thời gian gần 30 năm. Cùng với bộ sử có tính quốc gia viết từ thời dựng nước đến cuối thời Hậu Lê, nhà Nguyễn còn giao cho biên soạn bộ sử của vương triều dưới tên gọi Đại Nam thực lục (tiền biên và chính biên) với dung lượng lên tới 584 quyển. Đây là bộ biên niên sử có quy mô lớn nhất cho đến lúc ấy. Khởi soạn từ năm 1821, nhưng mãi tới năm 1909, dưới thời vua Duy Tân, sách mới được in. Như vậy, cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có nhiều bộ “Quốc sử” được biên soạn và khắc in. Nhưng đến nay chỉ còn lại 3 bộ là: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Bộ Đại Nam thực lục tuy đồ sộ nhưng chỉ là bộ sử tập trung viết về các chúa và vua triều Nguyễn.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc hầu như không có công trình hoàn chỉnh nào ngoại trừ cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim được phát hành vào năm 1920 và sau này được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ theo lối thông sử của một sử gia uyên bác, chuyên nghiệp, dễ đọc, dễ hiểu nên mặc dù còn những hạn chế nhưng được đón nhận khá rộng rãi.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là sau khi miền Bắc được giải phóng vào năm 1954, nền sử học hiện đại Việt Nam được hình thành và phát triển mạnh mẽ, đã đạt được nhiều thành tựu đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Bên cạnh những công trình chuyên khảo, có một số tác phẩm được biên soạn dưới dạng thông sử. Trong số những bộ thông sử này, bộ Lịch sử Việt Nam do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì là bộ sử mang tính quốc gia đầu tiên. Vào thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ Lịch sử Việt Nam được xác định nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, toàn dân. Ban biên soạn làm việc dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm cố vấn. Bộ sử này gồm: tập I (từ nguồn gốc đến năm 1858) xuất bản năm 1971, tập II (năm 1858 đến năm 1945) xuất bản năm 1985, tập III (từ năm 1945 đến năm 1975) mới xong bản thảo, nhưng chưa xuất bản2.

Trong hơn hai thập niên vừa qua, các cơ quan nghiên cứu và đào tạo về lịch sử đã cho ra mắt nhiều ấn phẩm dưới các dạng thức và thể loại khác nhau. Riêng về loại hình thông sử, có thể kể đến bộ sách 3 tập Đại cương lịch sử Việt Nam do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn; Tiến trình lịch sử Việt Nam, bộ 4 tập Lịch sử Việt Nam của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố. Quy mô lớn nhất là bộ 15 tập Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn và công bố. Cùng với thể loại thông sử, các bộ sách lịch sử chuyên đề cũng được tiến hành biên soạn rất bài bản và công phu. Có thể kể ra các công trình về lịch sử Đảng Cộng sản, lịch sử Chính phủ, lịch sử Quốc hội và Lịch sử Quân sự Việt Nam (bao gồm 14 tập lịch sử quân sự và 5 tập lịch sử Tư tưởng quân sự). Có thể coi những bộ sách này là những công trình mang tính tổng kết có giá trị.

Như vậy, sau hơn 7 thập kỷ kể từ Cách mạng tháng Tám thành công, mới chỉ có bộ Lịch sử Việt Nam hai tập được biên soạn và xuất bản như bộ sử mang tính quốc gia, nhưng còn quá sơ lược và mang nặng dấu ấn chính trị phục vụ cuộc chiến đấu dành độc lập thống nhất Tổ quốc. Yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi sớm có một bộ “Quốc sử” mới, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Công tác tổ chức

Để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ, ban chủ nhiệm Đề án3 đã huy động một đội ngũ lên tới hơn 300 nhà sử học trong cả nước và một số cộng tác viên nước ngoài làm việc liên tục trong 5 năm. Trước yêu cầu của một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt như vậy, Ban Chủ nhiệm Đề án đã có quá trình chuẩn bị hết sức công phu với nhiều cuộc làm việc cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó đã hình thành một Hội đồng khoa học gồm 21 nhà khoa học có uy tín và chọn lọc được đội ngũ chuyên gia làm chủ biên các tập. Hội đồng đã xây dựng một Quy chế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức nhân sự và thành phần của Hội đồng.

Đây là một công trình có quy mô lớn với yêu cầu chuẩn mực khắt khe nhưng lại được thực hiện bởi số lượng khá đông đảo chuyên gia có phong cách nghiên cứu, viết công trình rất khác nhau. Do đó, sự thống nhất về quan điểm, phương pháp và thể thức biên soạn là vô cùng quan trọng. Ban Chủ nhiệm đã dày công nghiên cứu xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể, hợp lại thành một cuốn cẩm nang gọi chung là Thể lệ biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.

Để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giữa các chương của một tập và giữa các tập với nhau, ban Chủ nhiệm Đề án đã yêu cầu các tập trước khi triển khai đại trà đều phải viết thử một “chương mẫu” để đem ra thảo luận, rút kinh nghiệm cho việc biên soạn các chương còn lại. Nhờ cách làm này, việc triển khai của các tác giả thuận lợi hơn rất nhiều. Có thể nói, đây là tiền đề để công trình được chuẩn bị và triển khai một cách bài bản, khoa học và hết sức thận trọng.

Cấu trúc của bộ “Quốc sử”

Bộ lịch sử Việt Nam được biên soạn lần này là một nhiệm vụ quốc gia, mang tính chất một bộ ““Quốc sử””, gồm: 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện.

Phần thông sử bao quát toàn bộ tiến trình lịch sử từ thời nguyên thủy đến năm 2015, được phân chia theo khung thời gian cho các tập. Theo đó, toàn bộ thời đại nguyên thủy được trình bày trong tập đầu tiên. Tập II tập trung viết về thời kỳ hình thành và phát triển của nhà nước đầu tiên ở miền Bắc từ thế kỷ VII đến năm 179 trước Công nguyên (TCN), tương đương với thời đại Hùng Vương và An Dương Vương. Tập III trình bày về thời kỳ Bắc thuộc và đấu tranh chống chính quyền đô hộ ở miền Bắc và sự hình thành, phát triển các nhà nước ở miền Trung (Lâm Ấp, Chămpa) và Nam Bộ (Phù Nam, Thủy Chân Lạp) từ năm 179 TCN đến năm 905. Tập IV viết về thời kỳ vô cùng sôi động với các mốc lịch sử quan trọng, đặc biệt là sự kiện chấm dứt ách cai trị hàng nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập của dân tộc. Tập V đề cập đến nền văn minh Đại Việt rực rỡ được khởi tạo bởi vương triều Lý (1009-1226). Tập VI viết về những thành tựu võ công, văn trị dưới thời nhà Trần, nhưng dừng ở giữa thế kỷ XIV, để dành phần cuối cho liền mạch với các cuộc kháng chiến chống Minh được trình bày trong tập VII.

Toàn bộ lịch sử Cổ - Trung đại được trình bày trong 13 tập đầu tiên, kết thúc bằng sự kiện liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. 12 tập tiếp theo viết về các giai đoạn khác nhau của lịch sử Cận - Hiện đại, mở đầu là giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1884. Tiếp đó, mỗi tập là một giai đoạn lịch sử, khởi đầu và kết thúc bằng những sự kiện có tính bước ngoạt. Chẳng hạn, tập XIX khởi đầu từ năm 1939 khi Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyển hướng chiến lược trong lãnh đạo cách mạng để phù hợp với tình hình sau khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ và kết thúc với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tập tiếp theo viết về lịch sử trong khung thời gian từ sau 1945 đến Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva năm 1954...

Là một hợp phần của Đề án, ngoài 25 tập thông sử, các tập biên niên sự kiện như một loại sách công cụ giúp người đọc có thể tra cứu, tìm hiểu, đối chiếu hàng chục nghìn sự kiện của lịch sử Việt Nam. Bộ sách này gồm 5 tập: tập I bao gồm các sự kiện từ thời nguyên thủy đến năm 1400, khi nhà Trần kết thúc; tập II gồm các sự kiện tiếp theo đến năm 1771, khi phong trào Tây Sơn bùng nổ; tập III là biên niên các sự kiện tiếp nối đến khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (1858); tập IV dành toàn bộ để trình bày các sự kiện xảy ra từ năm 1858 đến năm 1945; tập cuối cùng biên niên các sự kiện đã diễn ra từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 2015.

Ngoài 30 tập thông sử và biên niên sự kiện, sản phẩm của Đề án còn có 3 bộ cơ sở dữ liệu lịch sử, bao gồm Tổng thư mục với các nguồn tư liệu phục vụ công việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam và các công trình nghiên cứu ở trong nước và trên thế giới viết về lịch sử Việt Nam; Cơ sở tư liệu về lịch sử Việt Nam được khai thác từ các nguồn ở trong nước và nước ngoài và một bộ Cơ sở dữ liệu được số hóa (có thể cập nhật liên tục) nhằm cung cấp một công cụ tra cứu cho các thư viện và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có liên quan đến lịch sử Việt Nam.

Những điểm mới nổi bật

Điểm mới nổi bật so với tất cả các bộ lịch sử Việt Nam trước đó là quán triệt quan điểm toàn bộ đối với lịch sử dân tộc. Trên tinh thần quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam và vận dụng phương pháp luận nghiên cứu hiện đại, các tập của bộ ““Quốc sử”” vừa mới hoàn thành đều thể hiện rõ quan điểm mới về lịch sử Việt Nam là xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam ngày nay để ngược về quá khứ, bao quát lịch sử của tất cả các cộng đồng cư dân, các tộc người, các vương quốc đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ đó. Quan niệm trước đây coi lịch sử Việt Nam khởi đầu từ các lớp cư dân thời nguyên thủy rồi tiếp theo là thời dựng nước đời Văn Lang, Âu Lạc, qua nước Đại Việt, Việt Nam, Đại Nam cho đến Việt Nam ngày nay. Trên dòng chảy lịch sử đó, về phía Nam, người Việt đến đâu lịch sử Việt Nam tiếp nối đến đấy. Theo quan niệm này, lịch sử miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI, XVII và bỏ trống thời gian lịch sử trước đó. Theo đó, lịch sử Chămpa, Phù Nam bị gạt ra khỏi lịch sử Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời với những nội dung vô cùng phong phú. Trên lãnh thổ hiện tại của nước ta, từ xa xưa đã từng hình thành những trung tâm văn minh gắn với những quốc gia cổ đại có tầm ảnh hưởng lớn trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Các cư dân ở phía Bắc đã từng xây dựng nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ, làm nền tảng vật chất, tinh thần cho sự hình thành và phát triển nhà nước Văn Lang, Âu Lạc; ở ven biển miền Trung, từ nền văn hóa Sa Huỳnh đã dần hình thành nhà nước Lâm Ấp, Chămpa; với văn minh Óc Eo ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, nhà nước Phù Nam đã từng có thời là trung tâm cảng thị liên thế giới. Ba nhà nước trên đây có sự liên hệ nhất định từ thời cổ đại, nhưng là 3 thực thể lịch sử tương đối độc lập. Vì nhiều lý do, trong suốt một thời gian dài trước đây, các bộ lịch sử Việt Nam thường được trình bày theo hướng nhấn mạnh dòng chảy của lịch sử người Việt (Kinh). Theo đó, các nền văn minh và các vương quốc cổ đại phía Nam được thể hiện rất mờ nhạt, thậm chí hoàn toàn thiếu vắng trong các bộ thông sử. Điều này đã dẫn tới tình trạng mà như nhận xét của một số sử gia nước ngoài là: “người Việt đi đến đâu, lịch sử Việt Nam tới đó”. Đây không chỉ là sự khiếm khuyết trong nhận thức khoa học mà nguy hại hơn còn làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhiều cộng đồng cư dân và là kẽ hở cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ và chống phá. Đưa ra “quan điểm toàn bộ” như một nguyên tắc nghiên cứu và biên soạn, toàn bộ nội dung được thể hiện trong bộ Lịch sử Việt Nam đều lấy lãnh thổ Việt Nam hiện tại làm không gian xuất phát. Lịch sử từ thời nguyên thủy đến thời hiện đại trên toàn cõi Việt Nam đều được trình bày đầy đủ, chân thực theo từng thời kỳ tương ứng. Theo đó, các nền văn hóa như Sa Huỳnh, Đồng Nai và các vương quốc Lâm Ấp, Chămpa, Phù Nam, và sau đó là đất Thủy Chân Lạp trong tiến trình lịch sử dân tộc đều được trình bày một cách tương xứng trong bộ ““Quốc sử””.

Điểm mới tiếp theo của bộ ““Quốc sử”” là nêu cao tính toàn diện của lịch sử Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, lịch sử chống ngoại xâm giữ vai trò quyết định sự tồn vong của dân tộc. Do đó, lịch sử chống ngoại xâm cần có vị trí thích đáng và trong nghiên cứu, trình bày cần tôn trọng sự thật khách quan để có thể rút ra nhiều bài học lịch sử quý giá. Đặc biệt, cùng với lịch sử chống ngoại xâm, các tập thông sử đã nghiên cứu và trình bày đầy đủ lịch sử trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến xã hội, văn hóa. Chính vì vậy mà cùng với “toàn bộ”, tính “toàn diện là một quan điểm quan trọng được đặc biệt quán triệt trong nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam lần này. Đây là một quan điểm có tính nguyên tắc nhằm khắc phục một hạn chế của các bộ thông sử đã từng được biên soạn trước đây ở nước ta. Nguyên tắc “toàn diện” đòi hỏi việc nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam phải thể hiện đúng mức mọi chiều cạnh của lịch sử, trong đó kinh tế, xã hội và văn hóa là những lĩnh vực có tính nền tảng và bao trùm; còn chính trị, quân sự là những lĩnh vực có tác động mạnh đến biến cố lịch sử. Do đặc điểm lịch sử Việt Nam bị chi phối thường xuyên bởi yếu tố chiến tranh nên trong thực tế, các bộ sử đã công bố thường tập trung trình bày các sự kiện liên quan đến lĩnh vực chính trị, quân sự nên các lĩnh vực này thường chiếm tỷ trọng cao, trong khi đó hoạt động kinh tế, đời sống xã hội - văn hóa của người dân là những mặt cơ bản của lịch sử lại thường ở những vị trí không tương xứng, thậm chí còn bị lãng quên. Tình trạng này đã dẫn đến những nhận thức lệch lạc về lịch sử và con người Việt Nam. Đã có thời chính người Việt Nam có ý nghĩ cho rằng, người Việt chỉ giỏi tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, còn người nước ngoài thì cho chúng ta là những kẻ hiếu chiến… Những nhận thức phiến diện này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và không thể lý giải khi có người Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi Piano mang tên Chopin danh giá vào năm 1980, hay gần đây vươn lên giành giải Field - một giải thưởng tương đương với Nobel trong trong lĩnh vực toán học…

Dẫn đến tình trạng trên có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng cách viết sử thiếu toàn diện, thiên lệch, nói nhiều về chiến tranh, ca ngợi một chiều chiến thắng quân sự và trình bày chưa đúng tầm mức về kinh tế, xã hội và văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nhận thức sai lầm ấy. Về một phương diện khác, vận dụng quan điểm toàn diện vào nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam còn giúp chúng ta nhìn nhận khách quan, khoa học hơn về lịch sử dân tộc, hiểu đúng hơn về sở trường, sở đoàn của con người Việt Nam để có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa. Hầu hết các tập thông sử đã thể hiện rõ quan điểm này.

Một trong những chuẩn mực khoa học đã đạt được trong việc nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam là cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất cả trong và ngoài nước. Nhiều sự kiện, thời kỳ lịch sử được trình bày theo những kết quả nghiên cứu mới mà giá trị khoa học đã được giới sử học khẳng định. Bộ ““Quốc sử”” còn thể hiện hàng loạt điểm mới trong việc xử lý một cách khoa học các vấn đề lịch sử còn tranh luận hoặc được cho là nhạy cảm. Đây là một cố gắng lớn của tập thể các tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (chủ biên) (2000-2001), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục.

2. Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (chủ biên) (2012), Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục.

3. Trần Đức Cường (tổng chủ biên) (2015-2017), Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội Việt Nam.

4. Viện Lịch sử quân sự (2013-2014), Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.

5. Ban Bí thư (2014), Kết luận số 82-KL/TW tại Phiên họp Ban Bí thư ngày 15/1/2014.

6. Thủ tướng Chính phủ (2015), Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1516/VPCP-KGVX, ngày 4/3/2015.

7. Российская Академия Наук (РАН.2014): Полная академическая история Вьетнама, Издательство Авторская книга.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)