Tiền kỹ thuật số: Ưu, nhược điểm
Tiền kỹ thuật số, tiền điện tử hay tiền mã hóa là đồng tiền số được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở. Trên cơ sở chủ thể phát hành, có thể tạm thời phân loại tiền kỹ thuật số thành 2 loại là tiền kỹ thuật số tư nhân và tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (NHTW). Tiền kỹ thuật số tư nhân hầu hết được phát triển dựa trên công nghệ blockchain với tính năng bảo mật cao. Hiện nay, có hàng nghìn đồng tiền kỹ thuật số tư nhân như Ripple, Ethereum, Litecoin, Monero… Tiền kỹ thuật số NHTW (CBDC) là một loại tài sản nợ của NHTW và được đảm bảo bởi các tài sản của NHTW. Do đó, việc phát hành CBDC có độ tín nhiệm và tính pháp lý do NHTW thừa nhận.
Tiền kỹ thuật số là đồng tiền số được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở.
Ưu điểm: i) hiện đại hóa hệ thống thanh toán: CBDC là công cụ thanh toán kỹ thuật số an toàn và tiêu chuẩn hóa được phát hành và quản lý bởi NHTW; ii) thay thế tiền mặt trong lưu thông: các loại tiền kỹ thuật số do các NHTW phát hành sẽ cung cấp một giải pháp thay thế cho tiền vật chất theo nhiều giai đoạn phát triển như tồn tại song song, là kênh bổ trợ và dần dần thay thế cho tiền mặt; iii) tiết kiệm chi phí in, phát hành và quản lý tiền mặt: phát hành tiền tệ kỹ thuật số sẽ tránh làm tăng chi phí khi phát sinh chênh lệch lượng cung tiền mặt; iv) thúc đẩy tài chính toàn diện: tài khoản tiền an toàn tại các NHTW có thể mang lại một công cụ phổ cập tài chính mạnh mẽ; v) nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ; vi) tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh những ưu điểm, tiền kỹ thuật số cũng có những nhược điểm:
Thứ nhất, rủi ro bảo mật thông tin: tiền kỹ thuật số có thể trở thành nạn nhân của các phi vụ phi pháp và tội phạm mạng. Do vậy, Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS đã kêu gọi các NHTW tiếp tục nghiên cứu các sáng kiến kỹ thuật số và cần cẩn trọng xem xét các tác động của việc phát hành CBDC.
Thứ hai, rủi ro về khủng bố và rửa tiền: NHTW cần đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, cũng như đáp ứng các yêu cầu về thanh tra, giám sát và chính sách thuế.
Thứ ba, rủi ro “đột biến rút tiền gửi ngân hàng”: tiền kỹ thuật số và tiền gửi thanh toán có thể là công cụ thanh toán thay thế tương đối gần gũi cho tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Giải pháp đối với Việt Nam
Theo VEPR, thì Việt Nam cần có một số giải pháp để chủ động phát huy những lợi thế và hạn chế rủi ro của tiền kỹ thuật số. Các giải pháp cơ bản được VEPR khuyến nghị:
Một là, Việt Nam cần chủ động và sớm chuẩn bị các giải pháp thông qua công cụ thuế và khuôn khổ quy định pháp luật. Cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử kỹ thuật số tại Việt Nam. Với sự phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sự lan tỏa nhanh chóng của các đồng tiền điện tử kỹ thuật số ở Việt Nam đã hiện hữu và diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không thực hiện việc kiểm soát hiệu quả đồng tiền này thì không chỉ gây nên những rủi ro đối với các nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ. Thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần có những biện pháp hữu hiệu để hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý đối với tiền điện tử kỹ thuật số.
Hai là, sớm phát hành/cho phép và tạo điều kiện phát triển hình thức tiền kỹ thuật số phù hợp của Việt Nam, trong thời gian chờ nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có thể đẩy mạnh việc phát triển và số hóa các công cụ thanh toán nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát huy các lợi ích, hiện thực hóa tiềm năng của tiền kỹ thuật số; nghiên cứu, rà soát, đánh giá toàn bộ khuôn khổ pháp lý và hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách cho phép khuyến khích phát triển đổi mới sáng tạo dựa trên tiền kỹ thuật số được cấp phép trong nước, trong đó phát huy được vai trò điều phối trung tâm của NHTW và giải quyết được những vấn đề vướng mắc có thể phát sinh, thắt chặt quản lý đối với các loại tiền kỹ thuật số không được quản lý, cấp phép và ngăn chặn những tác động kinh tế - xã hội tiêu cực mà nó mang lại; thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng tiền kỹ thuật số, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu được những tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, hiểu đúng sự khác nhau giữa tiền kỹ thuật số do NHTW và do tư nhân phát hành. Phát triển hệ thống thanh toán quốc gia: nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS), chuẩn bị sẵn phương án tiền số tích hợp một cách hiệu quả nhất vào hệ thống thanh toán quốc gia và phát huy được những lợi ích tiềm năng của tiền kỹ thuật số.
Ba là, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã phát hành tiền số CBDC về kinh nghiệm phát hành CBDC: về lộ trình, cách thức triển khai, nội dung cụ thể, chi tiết về đơn vị đầu mối chính, cơ chế vận hành, thời gian thử nghiệm, chính thức… từ đó có bước đi phù hợp với Việt Nam, vừa đảm bảo tận dụng được các ưu điểm, hạn chế các khuyết điểm, rủi ro của tiền kỹ thuật số.
Bốn là, liên tục theo dõi, đánh giá tình hình triển khai các đồng tiền kỹ thuật số trên thế giới và các tác động đối với Việt Nam liên quan đến: dòng vốn, thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu và du lịch..., từ đó có các biện pháp phù hợp.
Năm là, nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số: i) nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS); ii) nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; (iii) đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý đồng tiền số tư nhân và nhà nước của nước ngoài: i) NHNN chủ động phối hợp với NHTW các quốc gia và các tổ chức quốc tế nghiên cứu, chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số nói chung và tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành nói riêng; (ii) NHNN và các tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số cần phối hợp tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, chống trốn thuế; nghiên cứu cơ chế lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với quy định của Việt Nam và pháp luật quốc tế; và (iii) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập, an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia.
Nguyễn Thị Nhung