Thứ sáu, 24/12/2021 16:38

Thành phố Hồ Chí Minh và sứ mệnh phát triển thời kỳ hậu Covid-19

PGS.TS Vũ Minh Khương

Đại học Quốc gia Singapore

Bước đi khởi đầu của một nỗ lực lớn vô cùng quan trọng, nó không chỉ tạo đà cho bước tiếp theo mà còn là một thông điệp lớn, bắt đầu của một hành trình gian khó nhưng vẻ vang phía trước. Năm 2021, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương bị đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Vậy TP cần ứng phó như thế nào sau khi đại dịch đi qua? Theo PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) thì thông điệp đối với TP Hồ Chí Minh lúc này nên hàm chứa tầm nhìn chiến lược, khả năng kiến tạo, phẩm chất hiến dâng của lãnh đạo TP.

Thách thức và kỳ vọng

Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam trong gần 4 thập kỷ qua với sự đóng góp đặc biệt của TP Hồ Chí Minh đã làm nên những kỳ tích phát triển đáng tự hào. Nền kinh tế đã tích lũy được những tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn cất cánh và Việt Nam đang đứng trước triển vọng tươi sáng để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.

Thế nhưng, kỳ tích phát triển không đến từ nỗ lực thực hiện các quy trình được lập định từ trước mà là sự ứng phó quả cảm, thông tuệ trước những thách thức, có thể là khôn lường và ngày càng khắc nghiệt. Đại dịch Covid-19 là một thách thức khủng khiếp có tính thế kỷ mà cả nhân loại đang phải trải qua. Đại dịch đã gây cho Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng những tổn thất to lớn và để lại hậu quả tàn khốc. Đặc biệt là, trong quý III năm 2021, kinh tế Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đều suy giảm nặng nề (GDP cả nước giảm 6,17% và GRDP TP Hồ Chí Minh giảm 24,39%).

Điều đặc biệt ấn tượng là trong cơn hiểm họa chưa từng có này, Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đã không chỉ đứng vững mà còn cho thấy những nỗ lực bước đầu nhằm đưa công cuộc phát triển tiếp tục đi lên mạnh mẽ trong các năm tới. Theo dự báo mới nhất của EIU (một cơ quan phân tích và dự báo có uy tín hàng đầu thế giới), Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 6-7% trong các năm từ 2022 đến 2026, trong khi con số dự báo này chỉ dao động xung quanh mức 3% cho Thái Lan (bảng 1).

Bảng 1. Dự báo tăng trưởng GDP 2021-2026 (%): Việt Nam và Thái Lan.

Nền kinh tế

2021

2022

2023

2024

2025

2026

Việt Nam

2,2

6,6

6,8

7,2

6,7

6,9

Thái Lan

1,4

2,9

4,6

3,0

2,9

2,6

Nguồn: EIU, báo cáo dự báo tháng 11/2021.

Tuy nhiên, dự báo đáng khích lệ nêu trên mới chỉ là tín hiệu tốt khởi đầu; nó đòi hỏi Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục có những cố gắng cải cách liên tục để gia tăng sức cạnh tranh và đà tăng trưởng đã có trước khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020. Hơn thế nữa, cho dù Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng khích lệ này, mức tăng trưởng GDP bình quân mà Việt Nam đạt được cho giai đoạn 2020-2026 sẽ chỉ ở mức 5,6%, thấp hơn nhiều mức tối thiểu 7%/năm để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Vì vậy, Việt Nam rất cần những cải cách mạnh mẽ chưa từng có và những động lực có sức đột phá lớn, mạnh hơn trong thời kỳ hậu Covid-19. Trước những đòi hỏi này, TP Hồ Chí Minh mang một trọng trách to lớn - là một trung tâm kinh tế - tài chính chủ đạo của nền kinh tế, với xấp xỉ 20% GDP và 10% dân số của cả nước.

TP Hồ Chí Minh có sứ mệnh, tiềm lực và cơ hội to lớn để phất cao ngọn cờ cải cách với ý chí chiến lược hướng về tầm nhìn 2045 và những bước đi đột phá, góp phần đưa đất nước làm nên những bước tiến vượt bậc về tăng trưởng và phát triển bền vững trong các năm tới. Dưới đây là trình bày vắn tắt về 3 đề xuất bước đầu để lãnh đạo và chuyên gia của TP nghiên cứu, xem xét lựa chọn các bước đi cải cách, đột phá.

Ba đề xuất bước đầu

Nâng tầm quản trị với chiến lược nắm bắt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và phát triển bền vững

Sức phát triển của một địa phương cũng như một quốc gia dựa trên 3 động lực trụ cột: xúc cảm, khai sáng và kiến tạo. Xúc cảm là sức mạnh tinh thần tiềm tàng, nó có được từ lo lắng về sự sống còn, từ khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng và từ ý thức trách nhiệm với thế hệ mai sau. Khai sáng là nỗ lực truy tìm và tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại và thời đại. Kiến tạo là khả năng không ngừng xây dựng, nâng cấp nền móng và thực lực phát triển, mạnh lên từ ứng phó với thách thức, đi nhanh hơn từ nhạy bén, nắm bắt cơ hội và xu thế thời đại, hiệu quả và hiệu lực hơn từ gắn kết cộng hưởng.

Nâng tầm quản trị với chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số là bước đi đầu tiên, có tính quyết định để TP gia cường mạnh mẽ và sống động cả ba động lực trụ cột (xúc cảm, khai sáng và kiến tạo). Theo đề xuất này, TP nên bắt đầu bằng các nội dung được triển khai đồng bộ như sau:

Một là, tập hợp chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội để cùng TP hoạch định chiến lược nắm bắt cuộc CMCN 4.0 và phát triển bền vững. Nỗ lực này cần khai thác tối đa sự đóng góp của toàn dân, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu. Lãnh đạo TP nên mời một nhóm cố vấn với thành phần là lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu và chuyên gia chiến lược có uy tín. Nhóm này sẽ giúp lãnh đạo TP không chỉ trong hoạch định chiến lược mà còn giám sát và tư vấn dựa trên các báo cáo định kỳ (có thể là hàng quý) về kết quả triển khai thực hiện. TP cần định vị chiến lược là địa phương đi đầu và sâu rộng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển đô thị bền vững (đặc biệt là nhà ở xã hội, giao thông công cộng, y tế, môi trường và giáo dục).

Hai là, xây dựng mô hình quản trị hiện đại, trong đó cấu trúc tổ chức và vai trò trách nhiệm của cán bộ được phân định rõ. Đặc biệt, cấu trúc phòng vệ 3 lớp (rào giậu kỹ, phát hiện kịp thời và kiểm toán chiến lược) sẽ giúp cán bộ TP có thể toàn tâm, toàn ý dốc lòng cho nhiệm vụ với sự tin tưởng và yểm trợ cao nhất của hệ thống. Mô hình quản lý hiện nay của TP thiếu tầm quản trị hiện đại, khiến cán bộ thụ động, ngại trách nhiệm, thiếu tính chủ động, quả cảm và quyết đoán.

Ba là, trong triển khai thực hiện hành động, TP yêu cầu các cán bộ chủ chốt ở các cấp báo cáo các sáng kiến hành động đã thực hiện trong quý và kế hoạch cho quý tiếp theo. Đồng thời, lãnh đạo có báo cáo thường niên với nhân dân theo phương cách mà các công ty niêm yết hàng đầu báo cáo cho cổ đông.

Bốn là, TP hợp tác mạnh mẽ với các đối tác để tập hợp và chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội, giúp tăng hiệu quả trong quyết định, quyết sách của TP và các doanh nghiệp. Dữ liệu này cũng là cơ sở để TP xây dựng các bộ chỉ số giám sát tiến bộ trong nỗ lực cải cách và phát triển của mình.

Hình thành và thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng TP Hồ Chí Minh+6 (HCMC+6)

TP Hồ Chí Minh sẽ mạnh lên rất nhiều từ sức mạnh cộng hưởng với các tỉnh phụ cận. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, hình thành các khu kinh tế cộng hưởng (ví dụ: vùng Vịnh Quảng Đông - Hồng Kông - Macao; vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc) đem lại 3 lợi ích rất lớn: (i) thúc đẩy sự chuyên sâu và bổ trợ hiệu quả giữa các địa phương trong vùng; (ii) sự dịch chuyển nguồn lực theo vùng cộng hưởng sẽ tạo nên giá trị cao không chỉ về năng suất mà cả nền tảng chiến lược; (iii) giúp cả vùng và mỗi địa phương thuận lợi hơn trong định vị quốc tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng của một nền kinh tế hiện đại, dựa trên hiệu quả, sức sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo hướng này, TP Hồ Chí Minh có thể xin phép Trung ương để xúc tiến bàn với 6 tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh) để hình thành nên một khu kinh tế cộng hưởng, tạm gọi là vùng HCMC+6. Theo bảng 2, vùng kinh tế này với tổng số 20 triệu dân và diện tích 23.000 km2, tạo ra trên 35% GDP của cả nước (100 tỷ USD năm 2019). Nỗ lực đột phá của TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh trong vùng kinh tế cộng hưởng sẽ tạo ra sức mạnh đặt biệt lớn cho cải cách phát triển của Việt Nam trong các năm tới.

Bảng 2. Một số thông tin kinh tế - xã hội của vùng HCMC+6.

Địa phương

GDP

(tỷ USD)

GDP/đầu người (USD)

Dân số

(triệu người)

Diện tích (km2)

Mật độ dân số (ng/km2)

TP Hồ Chí Minh

57,3

6.340

9,039

2.061

4.385

Đồng Nai

13,0

4.189

3,114

5.864

531

Bình Dương

12,3

5.004

2,456

2.695

912

Bà Rịa - Vũng Tàu

6,5

5.638

1,152

1.981

582

Long An

4,5

2.643

1,695

4.495

377

Tiền Giang

3,6

2.032

1,766

2.511

704

Tây Ninh

3,1

2.638

1,172

4.041

290

Vùng HCMC+6

100,3

4.069,14

20,39

23.648

1.111,57

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê (số liệu của năm 2019).

Ghi chú: các tỉnh xếp theo quy mô GDP từ lớn tới nhỏ

Xúc tiến các thử nghiệm để xây dựng Thủ Đức thành đô thị kiểu mẫu của Việt Nam vào năm 2045

TP Thủ Đức mới được thành lập với dân số 1 triệu người và diện tích hơn 200 km2, có những điều kiện rất thuận lợi để trở thành một mô hình thí điểm của TP Hồ Chí Minh và của cả nước về đô thị hóa trong kỷ nguyên số và phát triển bền vững. Thủ Đức cần xác định mục tiêu chiến lược trở thành thành phố kiểu mẫu của Việt Nam vào năm 2045. Để vươn tới tầm nhìn này một cách mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh cần giúp Thủ Đức thể hiện rõ sức đi lên của mình trên các lĩnh vực nền tảng sau:

Thứ nhất, chiến lược và quy hoạch phát triển phải mang tầm thời đại, trong đó phát triển thành phố thông minh, bảo vệ môi trường và chất lượng sống là ưu tiên hàng đầu.

Thứ hai, cấu trúc tổ chức bộ máy cần tham khảo kinh nghiệm hay nhất của thế giới, trong đó khả năng phối hợp sức mạnh tổng lực, trách nhiệm cá nhân và minh bạch về kết quả là các tiêu chí then chốt.

Thứ ba, con người và điều kiện yểm trợ có vai trò quan trọng. Làm sao để cán bộ là hình mẫu tiêu biểu của người Việt Nam ưu tú (năng lực toàn cầu, một lòng vì dân vì nước).

Thứ tư, cần có hệ thống hạ tầng hoàn hảo dựa trên đầu tư từ nguồn tài chính có được từ quỹ đất và nỗ lực phát triển. Tuyệt đối tránh nguy cơ càng phát triển thì càng nghèo vì tiền chênh lệch từ đất rơi gần hết vào túi cá nhân.

Thứ năm, đó là năng lực học hỏi và hợp tác quốc tế. Thủ Đức cần trở thành một đặc khu tri thức; là cột ăng ten thu hút tinh hoa và kiến thức nhân loại; là một nền tảng tương tác (platform) sống động, thu hút chuyên gia Việt Nam, quốc tế chia sẻ tâm huyết, góp sức cho công phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả nước.

*

*       *

Năm 2021, TP Hồ Chí Minh gặp phải khó khăn chưa từng có trong lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lãnh đạo TP, của các cấp, các ngành; sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước; sự đồng lòng vượt qua khó khăn của người dân, TP Hồ Chí Minh đã từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới. Để phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19, TP cần thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược: i) Nâng tầm quản trị với chiến lược nắm bắt cuộc CMCN 4.0 và phát triển bền vững; ii) Hình thành và thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng (HCMC+6); iii) Xúc tiến các thử nghiệm để xây dựng Thủ Đức thành đô thị kiểu mẫu của Việt Nam vào năm 2045. Trước mắt, TP cần lập một tổ công tác với những cán bộ ưu tú để chuẩn bị cho các khâu tổ chức thực hiện; đặc biệt là lắng nghe ý kiến chuyên gia để hình thành ý tưởng cho đề án và xây dựng kế hoạch hành động.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)