Thứ hai, 13/12/2021 15:42

Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực

Mới đây tại Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và nguồn nhân lực. Hội nghị nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam, tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ và đề xuất những giải pháp góp phần phát triển KHCN&ĐMST phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thảo luận các chính sách KH&CN đột phá

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, KHCN&ĐMST là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Ngay trong nhiệm kỳ này, Bộ KH&CN cũng đã đăng ký trình Quốc hội 5 luật, đều là những luật sẽ có tác động lớn đến hoạt động KH&CN như: Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Theo Bộ trưởng, Hội nghị lần này được kỳ vọng là diễn đàn chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; là nơi tập hợp nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để hình thành và giải quyết các bài toán lớn cho đất nước.

Chiến lược Phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ KH&CN lấy ý kiến đã kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể, Chiến lược bổ sung nội hàm về ĐMST là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. KH&CN tạo ra tri thức, còn ĐMST biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống. Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45-50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), đạt tối thiểu 45% tỷ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KHCN&ĐMST tăng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp...

Vai trò dẫn dắt của KHCN&ĐMST

Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam cần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam” mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khẳng định, để ĐMST sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy, cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ. ĐMST có tính liên ngành do đó cần thành lập Hội đồng ĐMST Quốc gia do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng; nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu; cần xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại các Viện nghiên cứu và trường đại học lớn. Đặc biệt, cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn.

Nhằm đề xuất mô hình, tư vấn cơ chế chính sách cho phát triển KHCN&ĐMST, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gợi ý cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm nền tảng, nhân sự - hợp tác - tài chính làm trụ cột và các định hướng đột phá là mũi nhọn, đầu tư tập trung các lĩnh vực có tiềm lực và thế mạnh, tiếp tục đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh/trung tâm xuất sắc nghiên cứu liên ngành làm chủ công nghệ nền, định hướng phát triển liên kết đại học - doanh nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế.

Đồng quan điểm trên, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất hợp tác phát triển KHCN&ĐMST để cùng giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay, cùng thực hiện một nhiệm vụ lớn, tạo sản phẩm quốc gia, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN trong các lĩnh vực, thí điểm các cơ chế chính sách về phát triển hợp tác giữa khối học viện - doanh nghiệp, thí điểm thu hút nhân tài, thí điểm về khoán chi KH&CN đến sản phẩm cuối cùng.

Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Hội nghị là diễn đàn, cơ hội tốt để Vĩnh Phúc có dịp giới thiệu về vùng đất, con người và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đây cũng là dịp để tỉnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển KH&CN, đặc biệt là áp dụng KH&CN trong các vấn đề về phát triển đô thị thông minh, quản lý và xử lý bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giải pháp tăng cường hệ thống ĐMST trong các doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao…

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tham gia chia sẻ, theo đó cần gắn chiến lược phát triển KH&CN với giáo dục đào tạo, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh về nghiên cứu KH&CN công lập và tư nhân, hình thành trung tâm nghiên cứu ĐMST đầy đủ các lực lượng như viện/trường/doanh nghiệp, đo lường hoạt động ĐMST cụ thể để đánh giá toàn diện khía cạnh KH&CN Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: “Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN&ĐMST, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị, cũng như các vấn đề liên quan nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của KHCN&ĐMST phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước”.

Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

Trong khuôn khổ của Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 nhằm gắn kết các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn.

CTV

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)