Thứ ba, 30/11/2021 14:19

Pháp luật cạnh tranh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Một số vấn đề cần quan tâm

TS Bùi Thị Hằng Nga

Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Các đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ có thể khiến cho việc thực thi quyền của chủ sở hữu trên thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh, đặc biệt trong trường hợp chủ thể lạm dụng quyền của mình để chèn ép hoặc loại bỏ đối thủ. Đó là lý do quan trọng để các nhà nghiên cứu khẳng định, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được điều chỉnh bởi cả pháp luật cạnh tranh bên cạnh pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ phải được xem là một quyền tài sản và đương nhiên chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ phải có đầy đủ 3 quyền lực cao nhất đối với tài sản của mình, đó là: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Tuy nhiên, khác với tài sản hữu hình, tài sản sở hữu trí tuệ có các đặc trưng riêng biệt trong đó có quyền độc quyền và khó thay thế. Các đặc trưng này đã khiến cho việc thực thi các quyền của chủ sở hữu trên thực tế có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh, đặc biệt trong trường hợp chủ thể lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để chèn ép hoặc loại bỏ đối thủ. Điều đó đòi hỏi pháp luật cạnh tranh Việt Nam cần có những quy định phù hợp nhằm đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa quyền của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ với môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Xuất phát từ bản chất độc quyền, khó thay thế cũng như lợi thế cạnh tranh mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại cho chủ sở hữu, trong quá trình thực hiện quyền được pháp luật thừa nhận, chủ sở hữu có khuynh hướng lạm dụng cũng như kéo dài độc quyền sở hữu trí tuệ nhằm gia tăng lợi ích cho mình. Do đó, trong mối tương quan với cấu trúc thị trường, tính cạnh tranh của nền kinh tế thì hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bên cạnh tác động tích cực còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh. Sở dĩ có hệ quả này là vì bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là đảm bảo độc quyền của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Do vậy, dù không phải là mục đích của pháp luật sở hữu trí tuệ, nhưng chính hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những khía cạnh nhất định sẽ ảnh hưởng đến sự tự do cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường.

Tác động tiêu cực của quyền sở hữu trí tuệ có thể xuất phát từ chính các quy định của pháp luật liên quan đến việc thừa nhận và bảo vệ sự độc quyền của nó; hoặc có thể gây ra bởi hành vi lạm dụng của chủ sở hữu. Cụ thể, pháp luật đã giúp cho chủ sở hữu có được sự độc quyền tuyệt đối trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình khi đã quy định về: (i) cơ chế hết quyền đối với quyền sở hữu trí tuệ; (ii) cơ chế bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến độc quyền về giá; (iii) hạn chế cạnh tranh thông qua việc ngăn cản các nghiên cứu phát triển tiếp theo.

Khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh của quyền sở hữu trí tuệ còn có thể xảy ra bởi mong muốn của chính chủ sở hữu, thông qua các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, khi chủ sở hữu có hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ sẽ dẫn đến nguy cơ hạn chế cạnh tranh thông qua các khía cạnh sau: i) tạo rào cản gia nhập thị trường; ii) ngăn cản quyền tự do giao kết hợp đồng; iii) loại bỏ đối thủ cạnh tranh; iv) gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Xuất phát từ tác động của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh, chúng ta đều thừa nhận rằng: thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu cần phải được đặt trong mối tương quan với pháp luật cạnh tranh. Sự cần thiết đó phát sinh dựa trên các lý do cơ bản sau: i) đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng, minh bạch; ii) bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; iii) nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường; iv) thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong kinh doanh; v) góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Thực tiễn trên thế giới

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới, có lợi cho người tiêu dùng thông qua việc phát triển hàng hóa, dịch vụ mới, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyền sở hữu trí tuệ đem lại cho những người sáng tạo quyền hợp pháp được ngăn chặn (trong một khoảng thời gian giới hạn) việc những người khác được hưởng lợi miễn phí (đặc biệt là vì mục đích thương mại) từ kiến thức mới của họ. Nói một cách khác, người sáng tạo hay chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ được luật pháp cho phép thụ hưởng những đặc quyền nhất định trong một thời hạn cụ thể, nhằm bù đắp lại những chi phí trong quá trình nghiên cứu và đổi mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là pháp luật cho phép chủ sở hữu sử dụng đặc quyền đó để chèn ép đối tác/đối thủ cạnh tranh, bóp méo thị trường. Trên cơ sở đó, các văn bản pháp lý nhằm xác định mối quan hệ giữa chính sách cạnh tranh và sở hữu trí tuệ đã được các quốc gia ban hành và áp dụng.

Cụ thể, vào tháng 2/1989, tại Nhật Bản, Ủy ban Thương mại đã ban hành Hướng dẫn về quy định thực hành thương mại không lành mạnh đối với bằng sáng chế và các thỏa thuận cấp phép. Tại Hoa Kỳ vào tháng 4/1995, cơ quan cạnh tranh của các bang đã ban hành Hướng dẫn chống độc quyền cho việc cấp phép sở hữu trí tuệ. Sự cân bằng giữa cấp phép quyền sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh ở châu Âu được thể hiện ở Quy định số 2349/844 và Quy định số 556/895, sau đó được thay thế bằng Quy định số 240/96 ngày 31/1/1996 với các điều khoản đơn giản hơn. Tháng 5/1996, Chính phủ Canada đồng tài trợ một Hội nghị chuyên đề về chính sách cạnh tranh và sở hữu trí tuệ, là bước đầu tiên trong đánh giá chính sách của Chính phủ về chủ đề này. Tháng 9/1998, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cũng đã công bố một báo cáo đầy đủ liên quan tới cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ1.

Với các quy định chi tiết của những văn bản có liên quan, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh thể hiện nguyên tắc: phủ nhận quan điểm về vị trí thống lĩnh mặc nhiên của người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ, thừa nhận các lợi ích khuyến khích cạnh tranh của chuyển giao công nghệ2. Từ đó khẳng định, việc xem xét, đánh giá các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phải được thực hiện theo nguyên tắc lập luận hợp lý trong mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố liên quan, trong từng vụ việc cụ thể3.

Năm 2016 Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đã ban hành văn bản hướng dẫn các quốc gia thành viên xác định mối tương quan giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh, nhằm xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia mình. Theo đó, các quốc gia đều có những cách thức khác nhau nhằm thừa nhận rằng: trong mối tương quan với pháp luật cạnh tranh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải đưa ra được các hướng dẫn nhằm giải thích và minh họa cho mối tương quan giữa hai vấn đề. Nghĩa là phải đưa ra được các giới hạn giữa quyền thực thi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ với pháp luật về cạnh tranh. Đó cũng chính là căn cứ quan trọng để pháp luật của các quốc gia trên thế giới đã sử dụng pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế.

Thực tế tại Việt Nam

Việc công nhận giá trị của tài sản trí tuệ và quyền của chủ thể với tài sản sở hữu trí tuệ là một việc làm rất quan trọng, nó không chỉ giúp thúc đẩy hoạt động, đầu tư sáng tạo của các chủ thể mà còn hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế quốc gia. Theo đó, các khía cạnh cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, trên thực tế thì giữa hai văn bản pháp luật này chưa có sự kết nối đồng bộ, dẫn đến các quy định dẫn chiếu trở nên dở dang, hiệu quả thực thi không cao. Không chỉ ở khía cạnh cơ quan có thẩm quyền thực thi mà ngay các quy định điều chỉnh cũng còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, theo cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh 2018, thì quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố tạo nên khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của các doanh nghiệp nắm giữ4. Điều đó có nghĩa là việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu sẽ gây ra hành vi hạn chế cạnh tranh khi chủ sở hữu có sức mạnh thị trường đáng kể, hoặc thị phần chiếm 30% trở lên, bất chấp đó là quyền đương nhiên của chủ sở hữu đã được Luật Sở hữu trí tuệ thừa nhận (Điều 20, 123, 143, 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019).

Vì vậy, nếu chỉ dựa vào yếu tố thị phần, hay sức mạnh thị trường để xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận đối với các thỏa thuận/hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (như cách tiếp cận hiện nay của Luật Cạnh tranh 2018) là không hợp lý, mà phải tùy vào từng trường hợp, vụ việc cụ thể với các phân tích, đánh giá tác động của các thỏa thuận đó trong mối quan hệ với lợi ích mà thỏa thuận ấy mang lại, từ đó đưa ra quyết định cho phép hay không cho phép.

Với các phân tích nêu trên có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa tạo được một cách tiếp cận có hệ thống về sự tương quan giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh5. Bởi dưới góc độ thực thi pháp luật cạnh tranh, khía cạnh độc quyền có được từ việc nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ chưa được xem xét và chú trọng. Điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu trong quá trình thực thi, khai thác các sáng chế của mình. Bên cạnh sự thiếu kết nối về nội dung thì hiệu quả thực thi qua lại giữa hai văn bản pháp luật này chưa hiệu quả6, vì hiện nay hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến cạnh tranh đang thuộc về các chủ thể khác nhau, trong khi đó, giữa cơ quan cạnh tranh với cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ lại chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả. Mặc khác, thực tế đã chứng minh rằng, việc sử dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh để đánh giá về hậu quả hạn chế cạnh tranh liên quan đến hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải được xem xét dưới nhiều khía cạnh theo nguyên tắc lập luận hợp lý7. Điều đó đòi hỏi cần có sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi của pháp luật trên thực tế.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ đặt trong tương quan với pháp luật cạnh tranh là vấn đề khá mới mẻ đối với Việt Nam. Liên quan tới sự tương tác giữa hai lĩnh vực này, nếu những người làm chính sách và các cơ quan thực thi Việt Nam có thể xác định được một sự cân bằng hợp lý giữa chúng sẽ thúc đẩy việc thu hút và chuyển giao công nghệ, đồng thời đẩy mạnh quá trình xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh, tăng cường cả phúc lợi cho người tiêu dùng lẫn lợi ích xã hội.

Trong khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 của Việt Nam chỉ đề cập tới vấn đề cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, còn lại dẫn chiếu tất cả các vấn đề hạn chế cạnh tranh tới Luật Cạnh tranh, thì Luật Cạnh tranh lại chưa giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo và phù hợp. Xuất phát từ thực tiễn đó, nhằm đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề nêu trên, đòi hỏi hệ thống pháp luật quốc gia cần có hướng dẫn cụ thể đối với điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Dựa trên thực tế cũng như kinh nghiệm quốc tế, cần xây dựng văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cạnh tranh trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Tại Việt Nam, văn bản này nên được xây dựng dưới hình thức Nghị định kết hợp hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, các hướng dẫn cần tập trung vào những hành vi cụ thể của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ vi phạm pháp luật cạnh tranh, cũng như xây dựng được các nguyên tắc xác định tính vi phạm của các hành vi cụ thể ấy trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, cũng như cân bằng các lợi ích mà pháp luật cần phải bảo vệ. Nói cách khác, văn bản này phải được xây dựng dựa trên giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với quyền sở hữu trí tuệ, thông qua việc tập trung vào các khía cạnh sau đây: đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản hướng dẫn; chủ thể áp dụng của văn bản; hành vi bị xem là hành vi vi phạm; nguyên tắc điều chỉnh của văn bản; giới hạn kiểm soát của pháp luật. Đồng thời, văn bản cũng cần đưa ra các tiêu chí để đánh giá tính hợp pháp của các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh. Cụ thể là các hành vi: định giá bán lại độc quyền, định giá hủy diệt, từ chối chuyển giao, chuyển giao cả gói/ràng buộc bán kèm, yêu cầu chuyển giao ngược.

Cuối cùng, quy định pháp luật dù có phù hợp hay không cũng sẽ không có ý nghĩa nếu cơ quan thực thi không hiệu quả. Hiện nay có phát sinh yêu cầu từ thực tiễn về việc sử dụng pháp luật cạnh tranh kết hợp với pháp luật sở hữu trí tuệ để điều chỉnh các vấn đề hạn chế cạnh tranh, độc quyền hình thành từ tài sản sở hữu trí tuệ. Do đó, yêu cầu cần phải có sự phối hợp để giải quyết giữa các cơ quan có liên quan. Các văn bản pháp luật cần có các quy định thể hiện trách nhiệm liên quan giữa các cơ quan này trong quá trình xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Thêm vào đó, thực tế cho thấy khía cạnh hiệu quả kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá tính cần thiết của một thỏa thuận/hành vi hạn chế cạnh tranh theo nguyên tắc lập luận hợp lý. Điều đó đòi hỏi phải có một chủ thể có chuyên môn để đánh giá về các tác động kinh tế liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi xem xét, xử lý các thỏa thuận đó. Vậy nên, Việt Nam cũng cần tham khảo mô hình của các quốc gia tiên tiến, xây dựng một bộ phận chuyên gia kinh tế tồn tại song song với bộ phận pháp lý để thúc đẩy việc minh bạch hóa các điều tra cũng như làm rõ các yếu tố thực tế trong việc xử lý các vụ việc liên quan tới cạnh tranh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019.
  2. Luật Cạnh tranh 2018.
  3. Nghị định 35/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018.
  4. OECD (1998), Competition Policy and Intellectual Property Rights.
  5. U.S. Department of Justice and the Federal Trade Commission (2017), Antitrust Guidelines for the Licensing of Intellectual Property.
  6. R. Ian McEwin (2011), Intellectual property, Competition Law and Economics in Asias, Published by Hart Publishing.
  7. Nguyễn Thanh Tú (2020), Pháp luật cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPs -  Kinh nghiệm cho Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia.
  8. Wang Xianlin (2017), “Recent Developments in China’s Antimonopoly Regulations on Abuse of Intellectual Property Rights”, The Antitrust Bulletin, 62(4), pp.806-814.
  9. T. Tambunan (2016), “Competition law and SMEs in Indonesia”, Competition law, Regualation and SMEs in the Asia-Pacific: Understanding the Small Buiness Perspective, pp.276-291.
  10.  OECD (2018), Annual Report on Competition Law and Policy in Indonesia - DAF/COMP/AR(2018)28.
  11. UNCTAD (2016), Examining the Interface Between the Objectives of Competition Policy and Intellectual Property.

1OECD (1998), Competition Policy and Intellectual Property Rights, p.4.

2Nguyễn Thanh Tú (2010), Pháp luật cạnh tranh, chuyển giao công nghệ, Hiệp định TRIPs và kinh nghiệm cho Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia tr.329.

3https://www.jurists.co.jp/sites/default/files/tractate_pdf/en/International_IP_Licensing%20Handbook_Japan_chapter.pdf truy cập ngày 23/7/2019.

4Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018.

5R. Ian McEwin (2011), Intellectual Property, Competition Law and Economics in Asia, pp.315-319.

6Cục Quản lý cạnh tranh (2014), Báo cáo Rà soát pháp luật cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành, tr.53.

7Nguyên tắc cân bằng hợp lý (The rule of reason) là học thuyết tư pháp cho rằng một hành vi thương mại vi phạm luật Sherman chỉ khi hành vi thương mại đó là một “rào cản thương mại bất hợp lý”, dựa trên các yếu tố kinh tế cụ thể trong vụ việc được xem xét.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)