Thứ hai, 29/11/2021 11:02

COP26 và đóng góp của Việt Nam cho mục tiêu toàn cầu

GS Trần Thục

Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam

Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) được tổ chức từ ngày 31/10 đến 13/11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh. Tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH đã thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow (Glasgow climate pact) với nhiều cam kết quan trọng. Theo các nhà quan sát và giới chuyên gia, mặc dù Hiệp ước Khí hậu Glasgow chưa hoàn hảo nhưng đã cho thấy sự nhất trí cao trong việc đạt được các thỏa thuận cùng hành động vì khí hậu toàn cầu.

Trong 14 ngày diễn ra, COP26 đã tập trung vào các vấn đề: tài chính dành cho thích ứng với BĐKH; nâng cao kỳ vọng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bao gồm tăng cường đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đến năm 2030 và cập nhật các chiến lược dài hạn; thúc đẩy thích ứng với BĐKH: các mục tiêu thích ứng toàn cầu; phương pháp xác nhận nỗ lực thích ứng; vận hành cơ chế về tổn thất và thiệt hại; Bộ quy tắc thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris về cơ chế thị trường và phi thị trường; minh bạch trong các hành động ứng phó với BĐKH; khung thời gian chung cho NDC và các mẫu báo cáo sẽ được áp dụng chung; khung hành động giảm thiểu rủi ro để giúp các quốc gia xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro do BĐKH.

Các kết quả chính và vấn đề tồn tại của COP26

Quyết định của COP26 đã khẳng định vai trò của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, bao gồm các quy trình và nguyên tắc của Công ước, tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề BĐKH trong bối cảnh phát triển bền vững và nỗ lực xóa đói giảm nghèo; đánh giá cao sự tham gia Hội nghị của các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo thế giới, qua đó các mục tiêu gia tăng đã được công bố và cam kết thúc đẩy hành động vào năm 2030; ghi nhận vai trò quan trọng của người dân, cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm cả thanh niên và trẻ em, trong hợp tác ứng phó với BĐKH. Một số kết quả chính của COP26 có thể được tóm tắt như sau:

Nghiên cứu khoa học: đánh giá cao đóng góp của Nhóm công tác I vào Báo cáo đánh giá lần thứ 6 của Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC), các báo cáo toàn cầu và khu vực về tình trạng khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO); lo ngại vì hoạt động của con người đã làm nhiệt độ trái đất tăng khoảng 1,1°C và các tác động đã được ghi nhận ở mọi khu vực.

Thích ứng với BĐKH: đặt ra việc xác định mục tiêu toàn cầu về thích ứng với BĐKH, cần xây dựng chương trình làm việc hai năm để xác định mục tiêu này. Thỏa thuận Paris có mục tiêu toàn cầu về giảm phát KNK, tuy nhiên chưa có mục tiêu toàn cầu về thích ứng với BĐKH, yêu cầu đặt ra từ lâu của các nước đang phát triển.

Hội nghị kêu gọi các nước phát triển khẩn trương mở rộng quy mô cung cấp tài chính, tăng ít nhất gấp đôi nguồn tài chính cho thích ứng với BĐKH vào năm 2025 so với năm 2019; chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để thích ứng với BĐKH nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển như một phần của nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả việc xây dựng và thực hiện các Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP).

Giảm phát thải KNK: nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động mạnh mẽ hơn trong thập kỷ hiện tại để đạt được mục tiêu giử nhiệt độ trung bình toàn cầu đến năm 2100 không tăng quá 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm tránh những tác động tồi tệ của BĐKH. Mục tiêu được 197 quốc gia thông qua yêu cầu phải cắt giảm đáng kể lượng phát thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với năm 2010 và giảm phát thải ròng về mức “0” vào khoảng năm 2050, đồng thời giảm mạnh phát thải các KNK khác.

Đến cuối năm 2022, các quốc gia phải xem xét và củng cố các mục tiêu giảm phát thải từ năm 2030, đây là một bước tiến mới thay vì đệ trình NDC 5 năm một lần; thiết lập chương trình làm việc để khẩn trương mở rộng quy mô, thực hiện giảm phát thải và kêu gọi triệu tập cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên để thúc đẩy các hành động khí hậu; thống nhất yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2023 để mở rộng quy mô hành động vì khí hậu.

Hiệp ước Khí hậu Glasgow kêu gọi các quốc gia “đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới việc cắt giảm dần điện than và giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”. Đây là lần đầu tiên than và nhiên liệu hóa thạch được đề cập rõ ràng trong quyết định của COP26. Các quốc gia cũng ghi nhận sự cần thiết phải hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này tìm việc làm khác.

Năng lượng gió là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thay thế cho năng lượng hóa thạch.

Tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực: COP26 nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước phát triển trong việc thực hiện các cam kết về tài chính; thúc giục các tổ chức điều hành, các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính tăng quy mô đầu tư cho các hành động liên quan đến khí hậu, bao gồm cả viện trợ không hoàn lại và các nguồn tài chính khác.

Tổn thất và thiệt hại: các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển phải hỗ trợ nhiều hơn để ứng phó với BĐKH, giải quyết những tổn thất và thiệt hại do khí hậu cực đoan và nước biển dâng, trong đó ưu tiên cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển.

Thị trường các-bon: đã đạt được các tiêu chuẩn cơ bản liên quan đến Điều 6 của Thỏa thuận Paris về thị trường các-bon, giúp Thỏa thuận Paris có hiệu lực đầy đủ và sẽ mang lại sự chắc chắn cũng như khả năng dự đoán cho cả cách tiếp cận thị trường và phi thị trường. Cho phép các tín chỉ các-bon theo cơ chế phát triển sạch (CDM) được chuyển sang cơ chế phát triển bền vững (SDM) để đáp ứng mục tiêu NDC đầu tiên nhưng không được sử dụng cho NDC tiếp theo, có nghĩa là nếu một quốc gia muốn mua các khoản tín dụng này để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải thì chỉ có thể được thực hiện đến năm 2025.

Các vấn đề khác: đã có 147 quốc gia (chiếm gần 90% lượng phát thải và trên 90% GDP toàn cầu) cam kết phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ XXI; 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) tham gia Cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia (với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới) tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; gần 50 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi sản xuất điện từ than đá sang điện sạch hơn, các nền kinh tế lớn cam kết sẽ ngừng điện than trong thập kỷ 30, các nước còn lại ngừng điện than vào thập kỷ 40. Có 25 quốc gia và các định chế tài chính quốc tế cam kết ngừng hỗ trợ cho năng lượng hoá thạch từ cuối năm 2022 và hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng sạch. Có thêm 28 quốc gia tham gia Liên minh ngừng sử dụng điện than do Vương quốc Anh và Canada khởi xướng, nâng tổng số thành viên tham gia Liên minh này lên 48 nước. Đặc biệt, Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về BĐKH, hợp tác để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, giải quyết các vấn đề về phát thải mê-tan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải KNK.

Đóng góp của Việt Nam cho mục tiêu toàn cầu

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “… mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải KNK mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch; Ý định thư với Tổ chức Emergent trong khuôn khổ Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế về tăng trưởng ít phát thải, phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Để thực hiện các cam kết và tận dụng các cơ hội, một số khuyến nghị sau đây có thể được tham khảo:

- Nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách tài chính đối với việc chuyển đổi dự án theo CDM sang dự án theo SDM phù hợp với quy định trong Bộ Quy tắc Hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris.

- Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng mới, tái tạo như hydro, sóng biển, địa nhiệt; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế chính sách thúc đẩy, chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.

- Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH; đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng, tài chính trên thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, tri thức, chuyển giao công nghệ ít phát thải, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng sức chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội.

- Nâng cao nhận thức và năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về các cơ chế thị trường và phi thị trường của Thỏa thuận Paris nhằm triển khai thành công thị trường các-bon và thuế các-bon.

- Xây dựng kế hoạch quốc gia giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

- Đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đi đôi với các giải pháp lưu trữ năng lượng và nghiên cứu các biện pháp bù trừ như chôn lấp các-bon.

- Cập nhật NAP phù hợp với cam kết mới về thích ứng với BĐKH của COP26; xây dựng Báo cáo quốc gia về thích ứng với BĐKH để khẳng định các nỗ lực thích ứng, ưu tiên thích ứng và nhu cầu hỗ trợ.

Tài chính cho BĐKH vẫn là một trong những vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam. Để đạt mục tiêu giảm phát thải, sẽ phải đầu tư nhiều tỷ USD từ nay đến 2050, đồng thời áp dụng các công nghệ giảm phát thải và bù trừ các-bon. Đây là các công nghệ mới, chi phí lớn, chỉ có thể áp dụng rộng rãi khi Việt Nam có đủ tiềm lực tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Vi-mot-hanh-tinh-xanh-vi-mot-khong-gian-sinh-ton-ben-vung-va-hanh-phuc-cho-tat-ca-cac-the-he-mai-sau/451646.vgp.

2. Good COP, bad COP: Climate wins and losses from Glasgow (snip.ly).

3. Summary report 31 October - 12 November 2021 (iisd.org).

4. https://baotainguyenmoitruong.vn/hoi-nghi-cop26-nang-tam-vi-the-cua-viet-nam-voi-quoc-te-333266.html.

5. https://baotainguyenmoitruong.vn/tan-dung-thoi-co-tu-cop26-de-viet-nam-phat-trien-kinh-te-ben-vung-333664.html.

6. https://baotainguyenmoitruong.vn/phat-thai-rong-bang-0-muc-tieu-khong-the-tri-hoan-333415.html.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)