Mở đầu
ĐNB và ĐBSCL là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 19% dân số cả nước. Đây là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, ĐBSCL luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (khoảng 7-8 triệu tấn/năm, chiếm 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu) và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước [1].
Trong khi ĐBSCL giữ vị trí đặc biệt quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản, thủy sản, thì ĐNB là khu vực kinh tế trọng điểm của phía Nam. GDP của khu vực này chiếm tới 45% tổng GDP quốc gia; chiếm 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính theo đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân của cả nước (hơn 1,7 lần so với vùng Đồng bằng sông Hồng); tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,3-1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. Đây là nơi tập trung đông đảo lực lượng lao động có trình độ cao; được chọn để thí điểm nhiều cơ chế, chính sách mới về phát triển kinh tế. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, chứng khoán của cả nước [1].
Mặc dù có lợi thế lớn về kinh tế, xong nơi đây cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cả ngắn và dài hạn. Đó là tình trạng hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và những tác động khác của biến đổi khí hậu... và gần đây nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Từ năm 2020, đà tăng trưởng kinh tế của khu vực ĐNB và ĐBSCL bắt đầu chững lại. Tại “Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 của vùng ĐNB và ĐBSCL”, tổ chức vào 15/9/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: tốc độ tăng trưởng bình quân của 2 vùng trong 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước (vùng ĐBSCL đạt 4,5%, vùng ĐNB đạt 4,58%, trong khi mức bình quân cả nước là 5,64%) [2].
Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế bền vững, công nghệ và ĐMST cần được coi là những yếu tố then chốt. Nghiên cứu về mô hình tăng trưởng nội sinh* đã chứng minh: công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sáng tạo, sử dụng và kiểm soát công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để các nền kinh tế đột phá, vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình [2]. Với mục tiêu tìm hiểu thực trạng đầu tư cho KH&CN và ĐMST của doanh nghiệp phía Nam, từ đó đề xuất các mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học…, Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xác định mô hình liên kết ĐMST có hiệu quả tại khu vực ĐNB và ÐBSCL để nhân rộng và đề xuất chính sách”.
Nhìn từ kết quả của cuộc khảo sát
Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm/dịch vụ mới
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, tại khu vực ĐNB và ĐBSCL hoạt động R&D mới chỉ được quan tâm trong khoảng 2 năm trở lại đây. Cụ thể như sau: 12% doanh nghiệp chưa có hoạt động R&D nào, 40% số doanh nghiệp có hoạt động R&D từ 1-2 năm trở lại đây; 25% doanh nghiệp có hoạt động R&D từ 2-3 năm, 8% có hoạt động R&D từ 3-5 năm, 15% có hoạt động R&D từ 5 năm trở lên.
Hoạt động R&D sản phẩm/dịch vụ mới tại doanh nghiệp.
Nhân sự thực hiện hoạt động R&D và nguồn nhân lực hỗ trợ ĐMST
Hầu hết doanh nghiệp ở khu vực ĐNB và ĐBSCL là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên quy mô đầu tư cho hoạt động R&D khá khiêm tốn. Ở nhiều nơi, bộ phận R&D chỉ là kiêm nhiệm thêm. Số liệu cho thấy, 11% doanh nghiệp được khảo sát chưa có nhân sự cho bộ phận R&D; 51% doanh nghiệp có dưới 3 người, 21% có từ 3-5 người, 8% có từ 5-10 người, 9% có trên 10 người.
Nhân sự thực hiện hoạt động R&D tại doanh nghiệp.
Mặc dù mới quan tâm tới hoạt động R&D trong thời gian gần đây và đầu tư cho hoạt động này còn khá khiêm tốn, song tiềm năng về ĐMST nơi đây khá dồi dào. Theo kết quả khảo sát, nguồn nhân lực phục vụ ĐMST của doanh nghiệp có triển vọng sáng tạo chiếm tới 56%, 41% nhân lực sáng tạo, 2% nhân lực rất sáng tạo, và chỉ 1% không phục vụ cho hoạt động ĐMST của doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực phục vụ ĐMST của doanh nghiệp.
Khả năng tiếp cận nguồn lực bên ngoài phục vụ cho ĐMST
Trong quá trình phát triển nói chung cũng như thực hiện hoạt động ĐMST nói riêng, việc có thể tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí để đạt mục tiêu đã đề ra. Hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh với đầy đủ các cấu phần cần thiết hỗ trợ cho hoạt động ĐMST như các tổ chức trung gian, vườn ươm, quỹ ĐMST… Với đặc điểm “nhanh nhạy” của khu vực đầu tàu kinh tế, các doanh nghiệp tại ĐNB và ĐBSCL đã có sự quan tâm, tiếp cận tới các nguồn hỗ trợ này.
Cụ thể, có đến 78% doanh nghiệp biết đến (có thông tin) về các đơn vị/tổ chức hỗ trợ hoạt động ĐMST, trong đó 38% DN biết đến các đơn vị sự nghiệp, tổ chức trung gian tại địa phương; 11% biết đến các trung tâm ươm tạo, vườn ươm khởi nghiệp ĐMST của địa phương, tỷ lệ này đối với các trung tâm ươm tạo, vườn ươm khởi nghiệp ĐMST của trung ương là 5%; đối với quỹ ĐMST của địa phương và trung ương thì tỷ lệ này lần lượt là 12 và 10%. Số DN không biết thông tin đơn vị hỗ trợ nào chiếm 22.
Thống kê tổ chức hỗ trợ ĐMST mà doanh nghiệp tiếp cận.
Mô hình liên kết doanh nghiệp đề xuất
Trong hệ sinh thái ĐMST, Nhà nước có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là việc hoạch định chính sách, tạo lập môi trường, hỗ trợ và thực thi thể chế để thúc đẩy ĐMST. Hiệu quả của hệ thống ĐMST quốc gia được quyết định bởi hai phương diện: định vị chức năng của các yếu tố, thiết chế trong hệ thống có phù hợp hay không; và sự hợp tác, liên kết giữa các yếu tố trong hệ thống có rộng rãi và chặt chẽ hay không. Việc định vị một cách thích đáng chức năng của các yếu tố trong hệ thống sẽ thúc đẩy tính hợp lý và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực cho đổi mới. Việc tăng cường sự liên kết giữa các yếu tố trong hệ thống cần chú ý: 1) Tăng cường sự hợp tác và phối hợp trong thực hiện đổi mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học, công nghệ và trường đại học; 2) Phát huy đầy đủ vai trò cầu nối của các tổ chức trung gian (tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ) để thúc đẩy sự hợp tác giữa các chủ thể đổi mới; 3) Vai trò hướng dẫn, điều tiết của Nhà nước thông qua đầu tư cho đổi mới cũng như chính sách và chiến lược đổi mới. Chính vì vậy, để cung cấp thông tin chính xác, thể hiện được mong muốn thực sự của doanh nghiệp trong việc liên kết thúc đẩy hoạt động ĐMST, chúng tôi đã xây dựng 6 mô hình liên kết sau để doanh nghiệp lựa chọn.
(1) Liên kết đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo, để tiếp cận và lựa chọn công nghệ/giải pháp mới, đồng thời tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST cho doanh nghiệp, sử dụng các dịch vụ KH&CN cần thiết.
(2) Liên kết đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trung ương làm cầu nối với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo để tiếp cận và lựa chọn công nghệ/giải pháp mới, đồng thời tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST của doanh nghiệp, sử dụng các dịch vụ KH&CN cần thiết.
(3) Liên kết trực tiếp với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo để tiếp cận và lựa chọn công nghệ/giải pháp mới, đồng thời tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST của doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ cần thiết.
(4) Liên kết trực tiếp với các đơn vị dịch vụ KH&CN để tiếp cận và lựa chọn công nghệ/giải pháp mới, đồng thời tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST của doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ cần thiết.
(5) Liên kết trực tiếp đồng thời với 2 loại hình đơn vị: i) các đơn vị nghiên cứu và đào tạo (để tiếp cận và lựa chọn công nghệ/giải pháp mới), ii) các đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương/trung ương (để tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST của doanh nghiệp.
(6) Liên kết trực tiếp đồng thời với 3 loại hình tổ chức: i) đơn vị nghiên cứu và đào tạo (để tiếp cận và lựa chọn công nghệ/giải pháp mới); ii) các đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương/trung ương (để tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST); iii) các đơn vị cung cấp dịch vụ KH&CN (để sử dụng các dịch vụ cần thiết).
Tất cả các mô hình đều đi kèm hoạt động truyền thông, quảng bá. Kết quả khảo sát cho thấy, có 29% doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn mô hình liên kết (4), tiếp theo đó là các mô hình (6) và (3) với tỷ lệ lần lượt là 20 và 17%. Các mô hình khác (1), (2), (5) chiếm tỷ lệ lựa chọn 34%.
Đôi điều rút ra
Kết quả khảo sát trên cho thấy, những năm gần đây, hoạt động R&D và ĐMST đã được các doanh nghiệp phía Nam quan tâm, tuy nhiên vẫn còn một số lượng lớn doanh nghiệp hoàn toàn “để trắng” hoạt động này. Trong thời gian tới, khi nguồn tài nguyên đã dần cạn kiệt thì việc phát triển dựa trên ĐMST và công nghệ là xu thế tất yếu. Để tiếp tục đẩy mạnh và phát huy được lợi ích thiết thực từ hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp tại khu vực ĐNB và ĐBSCL, cần quan tâm một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp và tổ chức trung gian tại địa phương. Theo kết quả khảo sát nêu trên, các tổ chức này được doanh nghiệp “biết đến” và tiếp cận nhiều nhất (chiếm 38%) so với các trung tâm hỗ trợ ĐMST hay quỹ ĐMST (chỉ chiếm từ 5-12%).
Thứ hai, trong các mô hình liên kết mong muốn, có 29% số lượng doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn hợp tác trực tiếp với các đơn vị dịch vụ KH&CN để tiếp cận và tìm kiếm công nghệ/giải pháp mới, đồng thời tư vấn vận dụng các cơ chế chính sách trong ĐMST cũng như sử dụng các dịch vụ cần thiết. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới cần có các chính sách khuyến khích phát triển (bằng hành lang pháp lý) cũng như nâng cao năng lực cho loại hình tổ chức này thông qua các hoạt động thiết thực như tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ; các chương trình KH&CN, đổi mới công nghệ cấp địa phương và trung ương…
Thứ ba, cần tăng cường vai trò và sự kết nối của 3 tổ chức: đơn vị nghiên cứu và đào tạo, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan quản lý về KH&CN tại địa phương và các tổ chức dịch vụ KH&CN. Mô hình liên kết (6) được các doanh nghiệp rất quan tâm chỉ sau mô hình (4). Trên thực tế, mối quan hệ trong mô hình liên kết này còn khá lỏng lẻo.
Thứ tư, cần tiếp tục tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của R&D và ĐMST trong phát triển bền vững của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, vẫn còn 12% chưa có hoạt động R&D nào và 22% chưa biết tới các nguồn lực hỗ trợ ĐMST từ bên ngoài để tiếp cận.
Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với các tổ chức KH&CN để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy hoạt động ĐMST, thông qua các chương trình/hoạt động cụ thể như xây dựng các chương trình tư vấn, cung cấp thông tin miễn phí, thường xuyên; mở các khóa đào tạo, tập huấn; tổ chức các giải thưởng về ĐMST…
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện - trường - doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nguồn lực để bứt phá và tăng tốc...
Vùng ĐNB và ĐBSCL là khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu của cả nước, có thể nói nền kinh tế của Việt Nam “yếu” hay “khỏe” phụ thuộc nhiều vào khu vực này. Vì vậy, việc phải tập trung và phát huy sức mạnh công nghệ và ĐMST để lấy lại đà tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cho ĐNB và ĐBSCL trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Trong đó cần hỗ trợ và đáp ứng kịp thời các mô hình liên kết ĐMST mà doanh nghiệp tại khu vực này mong muốn. Chỉ có như vậy các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và thúc đẩy ĐMST của Nhà nước mới nhanh chóng đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả một cách thiết thực và bền vững.
*Nghiên cứu về mô hình tăng trưởng nội sinh của Paul Romer và William Nordhaus đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-huy-tiem-nang-the-manh-vung-dong -nam-bo-va-dong-bang-song-cuu-long-531821.html.
[2] https://www.mpi.gov.vn/pages/tinbai.aspx?idTin=51464&idcm=188