Thứ năm, 02/12/2021 11:12

Nâng cao năng lực tự chủ trong học tập và chọn nghề của học sinh trung học phổ thông

Võ Thị Kim Hòa, Võ Ngọc Thảo Trang

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa

Nâng cao năng lực tự chủ trong học tập và chọn nghề cho học sinh trung học phổ thông (THPT) là một vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa lâu dài, nhất là trong bối cảnh xã hội thay đổi từng ngày, theo cả chiều hướng thuận lợi lẫn thách thức, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19. Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, các tác giả đề xuất một số giải pháp với mong muốn trang bị cho học sinh THPT những hành trang để chiếm lĩnh tri thức, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, vững vàng bước vào cuộc sống luôn nhiều biến động...

Mở đầu

Năng lực tự chủ trong học tập và lựa chọn nghề là một hoạt động phản ánh quá trình con người phát huy nhân tố chủ quan để tiến hành hoạt động nhận thức và định hướng nghề nghiệp. Năng lực tự chủ giúp cho mỗi người biết tự học thường xuyên và suốt đời để chiếm lĩnh kho tàng tri thức của nhân loại... Trong thời đại bùng nổ thông tin và tri thức hiện nay, càng đòi hỏi mỗi người nói chung, học sinh THPT nói riêng phải có năng lực tự chủ trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp để biết cách tự học thường xuyên, liên tục và suốt đời; lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, nhu cầu của xã hội mới thích ứng với sự phát triển của xã hội. 

Trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, năng lực tự chủ, tự định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT là một nội dung quan trọng. Theo đó, phương pháp giáo dục phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm... 

Trong xã hội nhiều biến động hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các trang mạng xã hội..., đặc biệt là hơn 2 năm nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn cầu đã và đang thay đổi cách sống, làm việc, học tập và kết nối của con người trong xã hội, phương thức học thay đổi... Xã hội biến động mạnh đòi hỏi mỗi con người phải trang bị cho bản thân những kỹ năng để thích nghi, ứng biến cho phù hợp với hoàn cảnh, học sinh cũng phải thích ứng với những thay đổi đó để đảm bảo học tập hiệu quả, đặc biệt phải có những ứng biến phù hợp, khôn khéo để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Năng lực tự chủ của học sinh trong học tập và lựa chọn nghề còn nhiều hạn chế

Học sinh THPT là những đoàn viên thanh niên của nước nhà. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của thanh niên, coi thanh niên là “chủ nhân tương lai của đất nước”, “là rường cột của nước nhà”… Người luôn coi thanh niên là mùa xuân, là thế hệ tương lai của dân tộc: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội, là tương lai của đất nước”.

Tuy nhiên, trên thực tế học sinh THPT gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy năng lực tự chủ trong học tập và chọn nghề trước biến động của xã hội. Qua kết quả khảo sát 4.346 người (bảng 1), trong đó có 1.338 phụ huynh và 3.008 học sinh trên 50 tỉnh, thành phố khác nhau cho thấy, học sinh chưa tự tin khi đánh giá năng lực tự chủ của bản thân, có 5,03% cho rằng “không ổn” và chỉ có 3,48% thấy “rất tốt” về năng lực tự chủ của mình (biểu đồ 1). Có thể thấy, năng lực tự chủ của học sinh THPT hiện nay là vấn đề cần phải thay đổi, bởi vì 53,5% học sinh thấy mình “tạm được” về năng lực tự chủ chưa phải là con số tốt trong thời đại công nghệ bùng nổ cũng như nhiều vấn đề biến động không tốt (sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ, dịch bệnh, thiên tai…) mà mỗi con người cần phải tự chủ, tự lập rất tốt mới có thể thích nghi và phát triển.

Bảng 1. Số lượng học sinh và phụ huynh tham gia khảo sát

Đối tượng

tham gia khảo sát

Tổng

Phỏng vấn, hội thảo, giao lưu, tọa đàm… bằng hình thức online

Điền phiếu qua

google form

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Phụ huynh

1.338

325

24,29

1.013

75,71

Học sinh

3.008

534

17,75

2.474

82,24

Tổng cộng

4.346

859

 

3.487

 

Biểu đồ 1. Kết quả khảo sát năng lực tự chủ của học sinh THPT.

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình tự học, các bạn học sinh tham gia khảo sát cho biết, có nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản là chính học sinh thiếu hoặc không có phương pháp tự học đúng đắn và phù hợp. Mặc dù, chủ yếu là học sinh lớp 11 và 12, nhưng khi được hỏi có đến 52,07% trả lời không biết bắt đầu từ đâu, học như thế nào, nguồn học liệu không có và không biết cách tìm kiếm mặc dù học sinh khá rành việc chơi game, sử dụng facebook… Học sinh cũng không biết cách tạo ra cộng đồng tự học như: học nhóm, học ở thư viện, học online… Điều này cho thấy, năng lực tự chủ trong học tập và chọn nghề còn nhiều hạn chế, học sinh dễ bị nản chí khi gặp khó khăn, dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh, thiếu ý chí vươn lên.

Một số giải pháp

Trên cơ sở thực trạng nêu trên, nhằm giúp cho các bạn học sinh THPT nâng cao năng lực tự chủ trong học tập và chọn nghề trước biến động của xã hội, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Đối với cá nhân học sinh

Học sinh cần đầu tư thời gian và xác định mục tiêu học tập, nội dung cần học, lên kế hoạch tự học. Để tự học đạt hiệu quả cao, học sinh cần nắm được phương pháp và kỹ năng tự học thông dụng như: kỹ thuật nghe, cách ghi nhớ thông tin, sử dụng bản đồ tư duy và ứng dụng công nghệ thông tin trong tự học... Bên cạnh đó, học sinh phải củng cố các kỹ năng mềm quan trọng như tư duy, giao tiếp, ứng xử; phải có ý thức cao, trách nhiệm trong mọi công việc, cuộc thi về các kỹ năng hay các hoạt động tình nguyện mang ý nghĩa nhân văn cao cả để rèn luyện nhân cách, phẩm chất, đạo đức, khi đó tính tự chủ trở thành thói quen tốt thường xuyên được áp dụng vào những việc làm cần thiết.

Đối với gia đình

Gia đình là nơi tốt nhất để hỗ trợ con cái trong việc rèn luyện tính tự chủ. Cha mẹ nên để cho con tự chủ trong suy nghĩ và hành động, tự quyết định việc học tập. Đồng thời, cha mẹ cần thấu hiểu về năng lực của con và động viên khích lệ kịp thời. Trong nhiều tình huống, lời động viên khích lệ mang lại hiệu quả to lớn. Bên cạnh đó, gia đình cần rèn luyện tính tự giác cho con em mình, việc hình thành tính tự giác và trách nhiệm là một trong những hành trang quan trọng của mỗi con người khi bước vào đời. Cha mẹ cần tạo cho con thói quen tự giác, tự lập, tự chủ từ khi còn nhỏ sẽ giúp con chủ động trong học tập và cuộc sống khi lớn lên. Ngoài ra, gia đình cần đồng hành cùng con trong hành trình tự học và định hướng nghề nghiệp. Cha mẹ cần đóng vai trò là một người bạn “lớn” đồng hành cùng con trên con đường này. Hãy là những người bạn đồng hành thân thiết, cùng con xây dựng kế hoạch mục tiêu nghề nghiệp và tạo điều kiện cho con trang bị các kiến thức, kỹ năng thiết yếu...

Đối với Nhà trường

Nhà trường là nơi học sinh được tiếp thu kiến thức cho bản thân nhiều nhất, là môi trường nhận được nhiều lòng tin của các bậc cha mẹ. Thầy cô chắp cách cho học sinh về tư duy, sáng tạo và tính tự chủ. Nhà trường cần tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nghề nghiệp cho học sinh từ các thông tin trên internet hay từ báo chí, sách tham khảo về nghề nghiệp... Môn Hướng nghiệp là môn liên quan trực tiếp đến việc cung cấp tri thức hướng nghiệp cho học sinh nên giáo viên cần hướng dẫn học sinh khai thác có hiệu quả mặt tích cực của phương tiện truyền thông như cung cấp cho học sinh địa chỉ những website tin cậy, bổ ích để học sinh có thể tự truy cập, tự tìm hiểu thông tin về nghề và tự đánh giá khả năng nghề nghiệp của mình qua những trắc nghiệm mà các website giới thiệu.

Bên cạnh đó, Nhà trường cần thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền đến giáo viên, học sinh cũng như cha mẹ học sinh tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học, trong đó chú trọng nâng cao năng lực tự học cho học sinh để tạo thành đức tính tự chủ trong học tập cũng như cuộc sống.

Đối với các cơ quan quản lý

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, kết hợp giữa giáo dục và tự giáo dục, học và tự học. Tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển năng lực tự chủ của học sinh. Môi trường lý tưởng cho việc phát triển năng lực tự chủ của học sinh là một môi trường đề cao sự tự giác, tự lập trong quá trình học tập; bình đẳng giữa thầy - trò, bạn bè; khuyến khích tinh thần đồng đội và nâng cao năng suất, kết quả học tập của học sinh. Thực tế cho thấy, những cuộc thi là nơi phát hiện ra những tài năng khoa học về sau sẽ trở thành người tài cho đất nước...

*

*     *

Nâng cao năng lực tự chủ, giúp cho học sinh tự tin, tự lập hoàn toàn trong học tập, định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai là mong muốn của nhóm tác giả. Với những phân tích đề xuất nêu trên, chúng tôi hy vọng đã phần nào khái quát được các vấn đề về thực trạng năng lực tự chủ của mỗi cá nhân, sự quan tâm, giáo dục, định hướng từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đó là một bức tranh tổng thể có chỗ sáng, chỗ tối đang cần những giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy từ cá nhân đến toàn xã hội ý thức một cách sâu sắc về năng lực tự chủ có vai trò quan trọng và ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi người. Từ đó xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, năng động, sáng tạo trên con đường tìm kiếm tri thức, tự thân lập nghiệp một cách hiệu quả nhất, hướng tới một xã hội tri thức, phồn vinh.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)