Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2005 với các mục tiêu: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ...
Đến nay, Chương trình 68 đã triển khai qua 3 giai đoạn (2006-2010, 2011-2015, 2016-2020), góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển TSTT; nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, người dân; nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp; đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh...
Từ những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình 68 của các bộ/ngành, địa phương trong cả nước, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 với mục tiêu: đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội. Để hiểu rõ hơn về những kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn trước và tính cấp bách khi thực hiện một số nội dung quan trọng trong giai đoạn mới, Tạp chí KH&CN Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội”.
Khách mời tham gia buổi giao lưu gồm có:
- Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ
- Ông Mai Văn Dũng - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và hỗ trợ, tư vấn
- Ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương
- Ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ
- Ông Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn SHTT - Khoa Khoa học Quản lý - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội
- Ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ
- Ông Đặng Ngọc Bảo - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí.
13h30: Chương trình giao lưu bắt đầu.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí phát biểu khai mạc
13h45: Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn báo cáo đề dẫn
Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 và Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả triển khai của Chương trình trong giai đoạn này đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, người dân. Cụ thể đã có hàng nghìn số phát sóng chuyên mục về SHTT trên các đài truyền hình trung ương và địa phương, hàng chục nghìn người được tập huấn về SHTT, số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT của Việt Nam tăng khoảng 10%/năm...; phát triển nguồn nhân lực về SHTT cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước (10.000 người được đào tạo cơ bản và 2.500 người được đào tạo chuyên sâu về SHTT); nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm (có hơn 1.100 sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm nông nghiệp đặc thù... đã được Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT); nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động bảo hộ, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh... Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhân rộng ra các địa phương (tất cả 63 địa phương trong cả nước đều ban hành các văn bản quy định về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, làng nghề, hiệp hội, hộ kinh doanh bảo hộ, quản lý và khai thác quyền SHTT trên địa bàn).
Với những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình của các bộ/ngành, địa phương trong cả nước, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030. Trong giai đoạn này, Chương trình sẽ tập trung thực hiện đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm...
Để đạt được các mục tiêu theo Quyết định 2205/QĐ-TTg, Chương trình sẽ tập trung vào tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ TSTT ở trong và ngoài nước. Chương trình sẽ tập trung vào hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT; thúc đẩy, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; thúc đẩy hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội. Chương trình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT; biên soạn, phát hành tài liệu về SHTT; xây dựng và vận hành phần mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử, thiết bị di động để cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn về SHTT. Đồng thời có chính sách vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động SHTT.
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ đổi mới cách tiếp cận, triển khai các giải pháp một cách tổng thể, sáng tạo hơn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội đầu tư cho SHTT nhằm hướng tới mục tiêu đưa SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.
Phần giao lưu, hỏi - đáp của bạn đọc và các chuyên gia.
14h00:
Bạn đọc Hoàng Thị Nhung ở Hòa Bình hỏi: Hiện nay, các nhà sáng chế không chuyên/nhà khoa học không chuyên đã và đang được xã hội nhìn nhận và đề cao, mặc dù họ không được đào tạo bài bản nhưng vẫn có thể sáng chế, chế tạo thành công nhiều sản phẩm có ích cho xã hội. Ý kiến của ông về vấn đề này là gì?
Chuyên gia trả lời: TS Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương
Ở nước ta hiện nay, ngoài lực lượng các nhà khoa học chuyên nghiệp - những người được đào tạo bài bản, hoạt động trong các viện, trường, doanh nghiệp hoặc các tổ chức nghiên cứu có đầy đủ điều kiện bảo đảm cho hoạt động sáng tạo của mình, chúng ta còn có một lực lượng “Nhà sáng chế không chuyên - Nhà khoa học không chuyên”, họ là những người nông dân thuần túy (nhà khoa học chân đất), thợ thủ công… mà ở đó có nhiều người chỉ mới học phổ thông đủ biết đọc, biết viết. Mặc dù vậy, có rất nhiều sáng chế, sáng kiến của họ đã đem lại lợi ích vô cùng to lớn phục vụ cho chính công việc của họ, cho cộng đồng và xã hội ở các địa phương trên khắp cả nước.
Theo số liệu tổng hợp của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 cả nước có 781 sáng kiến, sáng chế được phát hiện và ghi nhận (đã đoạt giải) thông qua các cuộc thi khác nhau từ trung ương đến địa phương, như: Hội thi Sáng tạo kỹ thuật các tỉnh, thành phố; Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc; Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam; Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông; Gặp mặt, vinh danh nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu ở các ngành, địa phương; Hội nghị điển hình tiên tiến; “Đại hội thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành… Nhiều sáng chế, sáng kiến có hiệu quả, khả thi và ứng dụng ngay vào sản xuất để giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nói về phong trào sáng kiến, sáng chế của các nhà khoa học không chuyên thì là câu chuyện rất dài và rất nhiều. Nhưng có một số gương mặt điển hình mà tôi được biết như: ông Phạm Văn Hát (Hải Dương) với “Máy gieo hạt tự động”, máy đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn, thay thế phần việc của 40 người, máy hiện có bán tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và 14 nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…; ông Tạ Đình Huy (Hà Nội) với chiếc “Máy nông nghiệp đa năng”, máy đã tích hợp được 15 chức năng như cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt, tạo luống, tời kéo nông, lâm sản, đảo phân vi sinh, xẻ rãnh thoát nước, đào hố trồng cây, máy phát điện, kéo rơ-moóc trong nhà vườn trang trại, đào bồn cà phê, phun thuốc bảo vệ thực vật, bơm, tưới tiêu. Đến nay, cơ sở của ông Huy đã sản xuất được hơn 1.000 máy và có vị thế ở thị trường trong nước; ông Lê Văn Thành (Bình Định) với sáng chế máy tách hạt bắp gọn nhẹ, phù hợp với địa hình vùng đồi núi, hoạt động bằng máy dầu; ông Lê Hữu Minh (Thừa Thiên - Huế) với chiếc máy ép dầu phụng - dầu mè bằng thủy lực, máy hoạt động với công suất ép 1,5 tấn lạc/ngày với giá thành rẻ, tiết kiệm nhân công; ông Nguyễn Văn Rô (Cà Mau) với máy cày siêu nhẹ, có thể nổi trên mặt nước, dễ dàng di chuyển trong vùng kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã được Cục SHTT cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Nhà sáng chế Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) với chiếc máy nông nghiệp chuyên tuốt hạt vừng, rau đay, rau muống hiện đang bán ở một số tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang Campuchia; Nhà sáng chế Phạm Văn Hùng (Tây Ninh) với giàn máy kết hợp bốn tính năng trong một là rọc rãnh, bỏ hạt, lấp rãnh, bón phân lót và máy hoàn toàn tự động trong quá trình sử dụng, giàn máy giải quyết được khó khăn về nhân công, giảm thiểu tối đa tổn thương hạt giống, đặc biệt đáp ứng nhu cầu cơ giới hoá cho những diện tích gieo trồng lớn…
14h10:
Bạn đọc Nguyễn Hồng Nhung ở TP Hồ Chí Minh hỏi: Để thúc đẩy phát triển các tài sản trí tuệ, chuyên gia đánh giá thế nào về vai trò của các tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ?
Chuyên gia trả lời: TS Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT
Trong thời gian qua, nhìn chung các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), nhãn hiệu tập thể (NHTT) được bảo hộ ngày càng thể hiện giá trị quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và các sản phẩm đặc thù khác của Việt Nam. Vì vậy, việc bảo hộ CDĐL, NHCN, NHTT cho các sản phẩm trong nước nhận được nhiều quan tâm của các Bộ, ngành và địa phương; số lượng sản phẩm mang CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ có xu hướng tăng nhanh, tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương, nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ danh tiếng, uy tín, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ.
Nhiều địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ kiểm soát, quản lý các sản phẩm này như Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Bến Tre... Có thể thấy, nhiều CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ đã bước đầu tác động tích cực đến giá trị của sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, cam Cao Phong, bưởi Phúc Trạch, cà phê Sơn La, rau an toàn Mộc Châu, hạt điều Bình Phước… Theo một nghiên cứu của Cục SHTT, giá bán của các sản phẩm mang CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ đều có xu hướng tăng, cụ thể như: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%, bưởi Luận Văn có giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi mang các “thương hiệu cộng đồng” được bảo hộ... Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu có gắn CDĐL được bảo hộ như vải thiều Lục Ngạn, xoài cát Hòa Lộc, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà… Nhờ cơ chế bảo hộ CDĐL, NHCN, NHTT, trong thời gian qua các địa phương cũng hình thành các tổ chức trung gian tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm mang CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ, chẳng hạn các hội/hiệp hội (như hội nông dân, hiệp hội làng nghề), các hợp tác xã… Các tổ chức trung gian này vừa có vai trò giúp các chủ thể như doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã tổ chức sản xuất, thương mại hóa sản phẩm mang CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ trên thị trường, vừa kết nối các chủ thể này với các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều tổ chức trung gian đã phát huy được vai trò, giá trị của các CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ, quản lý và tổ chức phát triển hiệu quả các “thương hiệu cộng đồng” được bảo hộ để tổ chức sản xuất, thương mại hóa sản phẩm trên thị trường.
14h20:
Bạn Lê Tùng Sơn - Đại học Quốc gia Hà Nội hỏi: Chuyên gia có thể chia sẻ một vài lời tư vấn đối với các bạn trẻ khởi nghiệp về đăng ký sáng chế?
Chuyên gia trả lời: PGS.TS Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn SHTT, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Việc đăng ký để một sáng chế được bảo hộ là cần thiết, vì khi được cấp bằng độc quyền sáng chế thì chủ sở hữu mới có độc quyền sử dụng sáng chế, ngăn cấm/cho phép người khác sử dụng sáng chế vì mục đích thương mại.
Giả sử bạn đầu tư trí tuệ, tài chính để nghiên cứu thành công một giải pháp kỹ thuật, bạn không đăng ký bảo hộ thì có thể xảy ra các khả năng sau:
i) Đối thủ cạnh tranh sử dụng sản phẩm của bạn đưa ra thị trường, dùng phương pháp “giải mã công nghệ” để tìm ra bí quyết kỹ thuật mà bạn đã đầu tư trí tuệ để nghiên cứu, đối thủ cạnh tranh tạo ra sản phẩm giống với sản phẩm mà bạn đã đưa ra thị trường… Bạn tố cáo hành vi của đối thủ, rất tiếc các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để bênh vực bạn.
ii) Bạn khó có thể dùng sáng chế (chưa được bảo hộ) để góp vốn kinh doanh vào một doanh nghiệp, vì chính doanh nghiệp này e ngại xảy ra tranh chấp như vừa đề cập ở khả năng trên, khi đó thiệt hại cho bạn là lẽ đương nhiên và rủi ro cho doanh nghiệp là nhìn thấy.
iii) Giả định không diễn ra khả năng 1, thì việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của bạn vẫn không an toàn, vì có thể có chủ thể khác (không “đánh cắp” bí quyết kỹ thuật của bạn) độc lập nghiên cứu thành công giải pháp kỹ thuật mà trước đó chính bạn đã nghiên cứu thành công, khi đó chủ thể này vẫn được quyền thương mại hóa kết quả nghiên cứu của họ. Thị phần trên thị trường (lẽ ra là của bạn) thì lúc này bị chia sẻ cho chủ thể khác.
Thực tế có những bạn trẻ e ngại thủ tục đăng ký sáng chế. Cần thấy rằng, một sáng chế chỉ được bảo hộ nếu:
- Điều kiện cần: chủ sở hữu có đăng ký bảo hộ;
- Điều kiện đủ: được Cục SHTT cấp bằng độc quyền sáng chế (nếu sáng chế đáp ứng các yêu cầu bảo hộ).
Vậy, hồ sơ đăng ký sáng chế có phức tạp đến mức mà một số bạn e ngại không? Xin trả lời ngay: không đến mức phải e ngại.
Kết quả nghiên cứu là của bạn, bởi vậy bạn hiểu nó hơn ai hết, vấn đề là sắp xếp cho phù hợp với yêu cầu của “Bản mô tả sáng chế”, có các giải pháp đơn giản sau đây:
- Bạn tham khảo “Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế” do Cục SHTT phát hành miễn phí trên website của Cục;
- Hoặc dự một lớp tập huấn ngắn ngày do Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp thuộc Cục SHTT tổ chức, ngay trong thời điểm diễn ra dịch bệnh thì Cục SHTT vẫn tổ chức các lớp tập huấn online. Tùy yêu cầu của bạn, bạn có thể lựa chọn khóa tập huấn cuối tuần, để đáp ứng yêu cầu trên, bạn nên chọn lớp tập huấn “Kỹ năng viết bản mô tả sáng chế”.
Lời tư vấn: thủ tục đăng ký sáng chế rất đơn giản, nếu bạn thấy thủ tục này “không đơn giản” thì hãy dành một weekend để dự lớp tập huấn đã nêu trên.
14h30:
Bạn đọc Nguyễn Thiên Quân ở Bắc Giang hỏi: Giải pháp nào để nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian, các chủ thể quản lý?
Chuyên gia trả lời: TS Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT
Đối với tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm mang CDĐL, NHCN, NHTT được bảo hộ, cần xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động hỗ trợ gắn với tăng cường năng lực thương mại, trong đó cần tập trung hỗ trợ về năng lực tổ chức và phát triển thị trường, khai thác tài sản trí tuệ. Để nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian, cần xây dựng và bổ sung các nội dung đào tạo, tập huấn về quản trị tài sản trí tuệ trong các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho các đối tượng làm công tác quản trị của các hội nghề nghiệp, hợp tác xã, hội làng nghề…, nhất là ở khâu thương mại hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ. Việc nâng cao năng lực cho các chủ thể quản lý cũng cần được triển khai qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ, nhưng với đối tượng này cần tập trung vào khâu tạo dựng, xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ. Trong đó, cần lưu ý vấn đề lựa chọn sản phẩm để đăng ký bảo hộ phải gắn với thực tiễn và yêu cầu sản xuất, kinh doanh ở địa phương cũng như nhu cầu của thị trường, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm gắn với truyền thống, sản phẩm đặc thù hoặc chủ lực của địa phương. Trong công tác tạo dựng và xác lập quyền, cần chú ý nâng cao kỹ năng lựa chọn các tiêu chí đối với sản phẩm được bảo hộ mang CDĐL, NHCN, NHTT gắn với đặc trưng, đặc thù về điều kiện địa lý và đặc tính của sản phẩm, có khả năng kiểm soát về chất lượng một cách trực quan, không phức tạp và không đòi hỏi việc sử dụng phương pháp phân tích bằng kỹ thuật chuyên sâu hay trang thiết bị chuyên biệt; kỹ năng đánh giá quy trình kỹ thuật, phương pháp sản xuất sản phẩm mang yếu tố truyền thống đặc thù, có thể kiểm soát chất lượng, thậm chí đáp ứng các yêu cầu để bảo hộ ở nước ngoài.
14h40:
Bạn đọc Nguyễn Hải Đăng ở TP Hồ Chí Minh hỏi: Để hỗ trợ cho các nhà sáng chế không chuyên, Bộ KH&CN, Nhà nước cần có giải pháp gì nhằm khuyến khích họ?
Chuyên gia trả lời: TS Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương
Nhận thức được ý nghĩa, hiệu quả sáng tạo và lợi ích hiện hữu của “Nhà sáng chế không chuyên” đối với phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&CN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN về hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến. Nhiều địa phương đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng kiến, sáng chế phù hợp với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, so với tiềm năng sáng tạo, khả năng nhân rộng và nhất là việc tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ để các sáng chế, sáng kiến này hoàn thiện được quy trình công nghệ, bảo hộ được tài sản trí tuệ (bản quyền), sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa được sản phẩm ra thị trường… Những cơ chế, chính sách hiện có là chưa đủ, rất cần phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa từ trung ương đến các địa phương.
Trước tiên cần có một số giải pháp, chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm, ví như: giới thiệu tham gia hội chợ, sự kiện KH&CN; hướng dẫn thủ tục, đăng ký bảo hộ sáng chế; tôn vinh trên phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Về lâu dài cần có cơ chế hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước cho các “Nhà sáng chế không chuyên” tiếp tục công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, xây dựng các mô hình nhân rộng, hợp đồng chuyển giao, góp vốn, bảo lãnh bằng chính sáng chế của mình để hợp tác sản xuất, vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất…
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền có sự quan tâm đúng mức, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích được năng lực sáng tạo, lực lượng các “Nhà sáng chế không chuyên” sẽ tiếp tục có những sáng kiến, giải pháp hữu ích góp phần giải phóng mạnh mẽ sức lao động của người dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đóng góp một phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của đất nước.
Hiện nay, để thương mại hóa được một sản phẩm nghiên cứu khoa học vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đối với các nhà sáng chế không chuyên thì chuyện này càng khó khăn hơn. Do vậy, chúng tôi cho rằng, trước tiên các nhà sáng chế phải không ngừng hoàn thiện sản phẩm để làm sao đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất, tiện lợi nhất và rẻ nhất có thể. Tiếp theo đó, họ có thể tìm kiếm, hợp tác với doanh nghiệp để huy động vốn, nguồn lực khác phát triển sản phẩm của mình gắn với thị trường tiêu thụ.
Đối với ngành KH&CN, các nhà sáng chế không chuyên có thể liên hệ với Sở KH&CN hoặc Bộ KH&CN để được tư vấn, hỗ trợ về thông tin, cơ chế chính sách, trình tự thủ tục để có thể tham gia các nhiệm vụ KH&CN các cấp. Ngoài ra, các nhà sáng chế cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hoạt động vay vốn của ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học.
14h50:
Bạn đọc Nguyễn Văn Sơn ở Nghệ An hỏi: Tôi nghe có người nói điều kiện bảo hộ sáng chế rất khắt khe, tỷ lệ số đơn sáng chế bị từ chối bảo hộ là “đáng kể”, vậy làm thế nào để khắc phục điểm này?
Chuyên gia trả lời: PGS.TS Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn SHTT, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Một sáng chế chỉ được bảo hộ nếu đạt đủ 3 điều kiện, gồm: tính mới (trên phạm vi toàn thế giới); trình độ sáng tạo; khả năng áp dụng công nghiệp. Trong đó tính mới là quan trọng nhất. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ là giảng viên các trường đại học, nghiên cứu viên thuộc các viện nghiên cứu… thực hiện đề tài khoa học có kết quả nghiên cứu là giải pháp kỹ thuật là đối tượng của sáng chế và trong thuyết minh đề tài cũng yêu cầu phải đạt đủ 2 mục tiêu: i) Có bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước hoặc nước ngoài; ii) Có sáng chế được bảo hộ.
Bạn dễ dàng đạt mục tiêu 1, nhưng hãy lưu ý có thể bạn không đạt mục tiêu 2, nếu quá 12 tháng (kể từ thời điểm công bố giải pháp kỹ thuật trên tạp chí khoa học) bạn không đăng ký bảo hộ sáng chế, vì sáng chế của bạn bị coi là mất tính mới.
Còn khả năng mất tính mới nữa thường gặp, đó là bạn nghiên cứu lặp lại, tức là bạn nghiên cứu giải pháp kỹ thuật mà trước đó đã có người nghiên cứu. Mặc dù, khi lập thuyết minh nghiên cứu, bạn đã rất cẩn thận phân tích các tác phẩm khoa học trong cùng lĩnh vực đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Có thể cơ quan xét duyệt đề tài cũng không đủ dữ liệu để khẳng định tính mới của đề tài mà bạn nghiên cứu.
Vậy làm thế nào để hạn chế khả năng sáng chế bị mất tính mới?
Ngoài việc bạn cần tra cứu thông tin KH&CN đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, thì một nguồn thông tin nữa bạn không thể bỏ qua, đó là thông tin sáng chế.
Cục SHTT phát hành các website có đăng thông tin sáng chế:
http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn
http://iplib.ipvietnam.gov.vn
http://digipat.ipvietnam.gov.vn
Ngoài ra bạn có thể sử dụng Công báo Sở hữu công nghiệp tập A (đơn đăng ký sáng chế), tập B (sáng chế được cấp bằng độc quyền).
Bạn cần sử dụng thêm nguồn thông tin sáng chế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO, của các quốc gia, trong đó nên sử dụng dữ liệu của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Về kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế: rất đơn giản, nếu bạn thấy nó “không đơn giản” thì bạn nên dành một weekend để tham dự lớp tập huấn do Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp thuộc Cục SHTT tổ chức.
15h00:
Bạn đọc Nguyễn Thu Hằng ở Thanh Hóa hỏi: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được đánh giá đã góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển TSTT, chuyên gia có thể chia sẻ một vài ý kiến về kết quả này?
Chuyên gia trả lời: Mai Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục SHTT
SHTT là lĩnh vực đặc thù và hoạt động SHTT thường phát sinh từ các hoạt động sáng tạo, gắn liền với các kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, hoạt động SHTT hầu như chỉ thực sự sôi động ở các tỉnh/thành phố lớn, các trung tâm KH&CN, công nghiệp và thương mại phát triển.
Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT được triển khai đã mở ra một hướng đi phù hợp, giải quyết được phần nào vướng mắc về phương thức tổ chức hoạt động SHTT tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thông qua các dự án tuyên truyền về SHTT trên đài truyền hình, báo chí, đặc biệt là thông qua các dự án hỗ trợ xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm đặc thù địa phương, có thể thấy, hoạt động SHTT đã và đang có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ địa bàn huyện Trùng Khánh xa xôi của tỉnh Cao Bằng với sản phẩm hạt dẻ; Mường Ảng (Điện Biên) gắn liền với sản phẩm cà phê; huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với sản sinh ra sản phẩm tỏi nổi tiếng; đỉnh Ngọc Linh của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi sản phẩm sâm quý hiếm ẩn mình, hay tận cùng đất mũi Cà Mau với dự án nhãn hiệu chứng nhận cho mặt hàng thủy sản đặc trưng của cư dân miền sông nước…
Bên cạnh đó, Chương trình đã góp phần kích thích sự đầu tư của xã hội và chính quyền các địa phương về hoạt động xác lập, quản lý và phát triển TSTT. Qua báo cáo của các Sở KH&CN, tính đến nay, từ mô hình của Chương trình, hàng chụ tỉnh, thành phố đã phê duyệt và thực hiện các chương trình riêng, sử dụng nguồn kinh phí địa phương và kinh phí tự huy động khác để xây dựng và phát triển TSTT cho các sản phẩm, dịch vụ của mình, như: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
15h10:
Bạn đọc Đinh Văn Quang - Đại học Đà Nẵng hỏi: Theo chuyên gia cần phát triển dịch vụ tư vấn về quản trị TSTT theo hướng nào?
Chuyên gia trả lời: TS Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT
Trước hết, tư vấn về quản trị TSTT gồm việc cung cấp lời khuyên, ý kiến chuyên gia về việc kiểm soát chu trình tài sản trí tuệ, từ khâu tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa đến khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm mục tiêu gia tăng giá trị của TSTT của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Vì vậy, các dịch vụ tư vấn cần được phát triển toàn diện theo nhóm các biện pháp kiểm soát và với mỗi nhóm cần phát triển theo hướng chuyên môn sâu. Các nhóm dịch vụ đó gồm có: tư vấn về tổ chức và nhân sự; tư vấn về chính sách; tư vấn về kinh tế, tài chính; tư vấn về kiểm tra, giám sát. Chẳng hạn, đối với nhóm dịch vụ tư vấn về tổ chức và nhân sự, cần chú trọng tới nội dung về bố trí và phân công nhân lực (người chỉ huy, người thừa hành); thiết lập bộ máy và cơ chế vận hành bộ máy (phòng/tổ/ nhóm/cá nhân chuyên trách về TSTT, quy chế hoạt động, phân công, phân quyền và phân nhiệm, quan hệ phối hợp và kiểm tra với bộ phận, cá nhân khác); bồi dưỡng và đào tạo nhân lực quản trị TSTT.
Bên cạnh đó, nhóm dịch vụ tư vấn về chính sách cần chú trọng việc xây dựng và vận hành các quy định nội bộ liên quan tới TSTT, như quan điểm và nguyên tắc đối xử với TSTT được tạo ra bởi người lao động; vấn đề sở hữu các TSTT được tạo ra bởi ngân sách của tổ chức hoặc do tổ chức nhận từ người khác; vấn đề chia sẻ lợi ích do các TSTT mang lại; nguyên tắc giải quyết các tranh chấp, xung đột trong nội bộ và với người khác; chính sách đầu tư nhằm tạo ra hoặc mua sắm TSTT; vấn đề thông tin và minh bạch hoá việc khai thác, sử dụng các lợi ích từ TSTT; chính sách khuyến khích (khen thưởng, đãi ngộ) liên quan đến TSTT. Với nhóm dịch vụ tư vấn về kinh tế, tài chính, cần phát triển các công cụ theo dõi, đo lường, kế toán giá trị các TSTT, phản ánh giá trị TSTT trong báo cáo tài chính/báo cáo tài sản; đánh giá ảnh hưởng và đóng góp của TSTT vào giá bán sản phẩm và giá trị của tổ chức; tổ chức sản xuất/ứng dụng/quảng cáo/marketing/bán sản phẩm, dịch vụ có liên quan. Nhóm dịch vụ tư vấn về kiểm tra, giám sát cần chú trọng việc thiết lập các tiêu chí đánh giá, đo lường mức độ gia tăng giá trị của TSTT và so sánh giữa dự toán và thực hiện ứng với từng tiêu chí, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp quản trị điều chỉnh phù hợp.
15h20:
Bạn đọc Nguyễn Duy Minh ở Hà Nội hỏi: Xin chuyên gia chia sẻ một số kinh nghiệm trong thương mại hóa tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Chuyên gia trả lời: Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ
Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận quan trọng, chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp cả nước, sử dụng hơn 50% số lượng lao động và đóng góp hơn 40% vào GDP. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2020, Việt Nam có khoảng 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động. Thương mại hóa TSTT là quá trình khai thác các đối tượng quyền SHTT để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu TSTT đặt ra. Việc bảo hộ quyền SHTT cho doanh nghiệp chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền SHTT đó được thương mại hóa, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu.
Thương mại hóa TSTT cần phải được xây dựng thành chiến lược dài hạn và được triển khai theo từng giai đoạn tương ứng với các giai đoạn thị trường. Trong từng thời điểm, DNNVV có thể cân nhắc điều kiện thực tế của mình và tình hình thị trường để ưu tiên lựa chọn hình thức thương mại hóa TSTT phù hợp.
Để tối ưu hóa hoạt động thương mại hóa TSTT, theo tôi các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tìm hiểu và nắm bắt chặt chẽ, đầy đủ các quy định của Luật SHTT về cơ chế, căn cứ xác lập quyền; thực hiện đầy đủ các thủ tục, yêu cầu theo quy định để quản lý quyền SHTT của mình; cần có bộ phận (có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tùy thuộc điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp) để thực hiện chức năng quản lý và tổ chức hoạt động SHTT trong doanh nghiệp mình. Ngoài ra, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ mô hình của các nước phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quán triệt quy trình “Tạo dựng một doanh nghiệp thành công trước rồi sau đó thương mại hóa quyền SHTT khi nền tảng cơ sở đã được xây dựng” để đảm bảo tính an toàn và khả năng phát triển bền vững.
15h30:
Bạn đọc Nguyễn Thị Hiền ở Thái Nguyên hỏi: Chuyên gia có thể chia sẻ một vài thông tin về kế hoạch triển khai của Chương trình trong năm 2022
Chuyên gia trả lời: Mai Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục SHTT
Trong năm 2021, Cục SHTT đã tiếp nhận được 115 đề xuất nhiệm vụ của 72 đơn vị, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ: i) Tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về SHTT; ii) Xây đựng và vận hành tổ chức quản lý hoạt động SHTT cho tổ chức KH&CN; iii) Áp dụng sáng chế; iv) Tăng cường bảo vệ quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; v) Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở kết quả làm việc của các Hội đồng tư vấn, ngày 27/7/2021, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã phê duyệt danh mục (đợt 1) các nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 để tuyển chọn, xét giao trực tiếp, gồm 32 nhiệm vụ liên quan đến: áp dụng sáng chế; tập huấn đào tạo về SHTT cho khối tòa án; tập huấn về bảo hộ, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ; bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương; bảo hộ trong nước, quản lý và phát triển cho các sản phẩm chủ lực địa phương.
Từ các hồ sơ đề xuất nhận thấy, có sự thay đổi, dịch chuyển theo hướng tích cực về quan điểm tiếp cận, nhu cầu về bảo hộ, phát triển TSTT: nếu như giai đoạn 2011-2020, chủ yêu là đề xuất các vấn đề chung, cơ bản về SHTT và nhu cầu bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cụ thể, thì các đề xuất năm nay đã xuất hiện các nhóm vấn đề chuyên môn sâu như: tập huấn, đào tạo về SHTT cho hệ thống tòa án; bảo vệ quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; SHTT gắn với phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng; đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho sản phẩm chủ lực các địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã chủ động trao đổi với Cục SHTT, đề xuất phối hợp, lồng ghép công tác hỗ trợ về SHTT với các hoạt động khác để xây dựng chuỗi các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp: Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Văn phòng Chương trình OCOP (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương).
15h40: Buổi giao lưu kết thúc.