Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH, CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030
Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH, CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của KH&CN, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng KH, CN&ĐMST. Mục tiêu cụ thể đến 2025 và 2030 là: i) góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm (đến 2025), 7,5%/năm (đến năm 2030); ii) góp phần đạt mục tiêu đóng góp của KH&CN thông qua TFP đạt khoảng 45% (năm 2025) và 50% (năm 2030) vào tăng trưởng kinh tế; iii) 12-15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (năm 2025) và 30-35 (năm 2030) hoàn thành việc xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH, CN&ĐMST; 3-5 tập đoàn, tổng công ty (năm 2025) và 5-7 (năm 2030) triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất; iv) tối thiểu 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (năm 2025) và 500 (năm 2030) xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH, CN&ĐMST nâng cao năng suất; v) hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (năm 2025) và 20 (năm 2030), góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp của Kế hoạch.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: 1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng KH, CN&ĐMST; 2) Phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất; 3) Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp; 4) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất; 5) Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Mục tiêu cụ thể: i) số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm (đến 2025) và 20%/năm (đến năm 2030); ii) 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; 3-5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm (năm 2025) và 8-10 (năm 2030) làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; iii) thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần (năm 2025) và 2 lần (năm 2030) so với khi chưa đổi mới công nghệ; iv) khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý (năm 2025) và 10.000 (năm 2030) trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 (năm 2025) và 15 (năm 2030) lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến; v) hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất 1 (năm 2025) và 2 (năm 2030) mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình: 1) Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; 2) Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; 3) Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; 4) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; 5) Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; 6) Tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình; 7) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Chiến lược là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Mục tiêu cụ thể là: Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước (năm 2025), 4 nước (năm 2030) dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước (năm 2025), 50 nước (năm 2030) dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; xây dựng được 5 (năm 2025) và 10 (năm 2030) thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia (năm 2025) và 3 trung tâm quốc gia (năm 2030) về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; hình thành được 2 trung tâm (năm 2025), 3 trung tâm (năm 2030) đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về TTNT và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực TTNT ở Việt Nam; nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về TTNT (năm 2025); xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm về TTNT bao gồm đội ngũ các chuyên gia và các kỹ sư triển khai ứng dụng TTNT, tăng nhanh số lượng các công trình khoa học, đơn đăng ký sáng chế về TTNT của Việt Nam; có ít nhất 1 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về TTNT dẫn đầu trong khu vực ASEAN (năm 2030)...
Đẩy mạnh ứng dụng TTNT, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Định hướng của Chiến lược là: 1) Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến TTNT; 2) Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; 3) Phát triển hệ sinh thái TTNT; 4) Thúc đẩy ứng dụng TTNT; 5) Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. Mục tiêu cụ thể là: i) phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp; ii) gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao; iii) xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình: 1) Hoàn thiện thể chế; 2) Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN; 3) Hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; 4) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; 5) Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Chương trình là: i) nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, phát triển các sản phẩm quốc gia nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc gia tại thị trường trong nước và quốc tế; đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới; ii) tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: 1) Thực hiện lựa chọn sản phẩm quốc gia từ các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực của các ngành, lĩnh vực; 2) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, phục vụ việc hình thành và phát triển các sản phẩm quốc gia; 3) Tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp điển hình sản xuất sản phẩm quốc gia; 4) Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm quốc gia; 5) Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị doanh nghiệp đủ năng lực ứng dụng, làm chủ các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình; 6) Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển, sản xuất sản phẩm quốc gia trong việc nâng cấp, đầu tư mới một số trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động đo kiểm, thử nghiệm sản xuất theo quy định của pháp luật.
Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030
Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Chiến lược là: i) ứng dụng rộng rãi thành tựu của KH&CN vũ trụ; ii) đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng - an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; iii) nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Vệ tinh VINASAT-2 được phóng vào lúc 5 giờ 13 phút (giờ Hà Nội) ngày 16/5/2012 tại bãi phóng Kourou ở Guyana bằng tên lửa Ariane-5 ECA.
Nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là: 1) Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; 2) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 3) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; 4) Phát triển nguồn nhân lực; 5) Phát triển thị trường; 6) Hợp tác quốc tế; 7) Nâng cao nhận thức về KH&CN vũ trụ.
VH