GS Nguyễn Xuân Thính (Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt - Đức - VGI Network): “Chuyển giao công nghệ rất cần nội lực và muốn tăng cường nội lực thì phải tăng đầu tư kinh phí cho nghiên cứu và phát triển”.
GS Nguyễn Xuân Thính hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu Quản lý thông tin không gian và mô hình hóa của Khoa Quy hoạch không gian, Đại học TU Dortmund (CHLB Đức). Từ năm 2008, ông thường xuyên có dự án tham gia giải quyết những vấn đề về quy hoạch đô thị vùng, tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai ở Việt Nam do CHLB Đức tài trợ. Từ 2018 đến nay, ông là Chủ nhiệm một tiểu dự án thuộc Dự án lớn “Các giải pháp tích hợp phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: Đất - Nước - Năng lượng” do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức và Bộ KH&CN Việt Nam phối hợp triển khai. Với sự tham gia của ông, nhiều công nghệ xanh, thông minh đã được chuyển giao từ CHLB Đức về Việt Nam. VGI Network do ông làm Chủ tịch được thành lập ngày 14/9/2019 tại Berlin với mục đích: thúc đẩy đổi mới công nghệ và xã hội của Việt Nam bằng cách kết nối những bộ óc sáng giá về khoa học, công nghệ, kinh doanh, xã hội và là cầu nối, diễn đàn của các chuyên gia 2 nước Đức - Việt.
Tôi tin chủ trương “dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam” sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới sáng tạo ở Việt Nam bởi vì để phát triển kinh tế - xã hội và trước mắt là có thể thoát bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam buộc phải tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức có hệ thống và rất mạnh mẽ việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về quốc gia của họ, ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc và Israel. Về nhân lực, Việt Nam chúng ta cần tận dụng cả hai nguồn: thứ nhất là cộng đồng người Việt và gốc Việt ở nước ngoài; thứ hai là chuyên gia nước ngoài có nhiệt huyết, cảm tình và yêu Việt Nam. Với khoảng 176 nghìn người, cộng đồng Việt là cộng đồng châu Á lớn nhất ở nước Đức, phát triển tốt và đã trở thành một tấm gương tiêu biểu cho sự thành công về hội nhập của cộng đồng người nước ngoài ở quốc gia này. Chúng ta rất tự hào khi thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba có nhiều tài năng và triển vọng lớn là học sinh, sinh viên và người lao động tiêu biểu ở nhiều nơi trên nước Đức. Nhờ được đào tạo rất cơ bản và sự nỗ lực của bản thân, nhiều người Việt hay gốc Việt đang nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, hoặc đang làm việc tại các doanh nghiệp/tập đoàn quốc tế nổi tiếng tại CHLB Đức như SAP, Siemens, BASF, Bosch. Đặc điểm nổi bật của những tập đoàn lớn này là công nghệ, sáng tạo, chất lượng và năng lực xuất khẩu. Tiềm năng của cộng đồng người Việt và gốc Việt ở CHLB Đức cho công cuộc chuyển giao tri thức và công nghệ từ CHLB Đức về Việt Nam là lớn, cần được đánh thức, tổng động viên và khai thác tốt hơn nữa so với hiện nay.
Để tham gia có hiệu quả vào việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ ở Việt Nam, các Hội trí thức kiều bào cần tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về công nghệ mới, hiện đại, thông minh, phù hợp và cần thiết cho mục đích hiện đại hóa và phát triển bền vững ở Việt Nam. Theo tôi, các thành viên của các hội trí thức kiều bào cần nắm vững những vấn đề hay bài toán được đặt ra cụ thể ở Việt Nam và thấm nhuần việc chuyển giao công nghệ thường được thực hiện qua 4 bước: Dự án thí điểm - Dịch vụ và bảo trì - Lắp đặt sản phẩm - Vận hành hay sản xuất. Về phía Việt Nam, cần có sự hỗ trợ chuyên nghiệp theo đúng vấn đề chuyên môn. Sự hiểu biết và kinh nghiệm cộng tác giữa các chuyên gia hai nước trong xây dựng và thực hiện những dự án thí điểm hay dự án lớn là rất cần thiết cho việc chuyển giao công nghệ thành công. Bên cạnh đó, theo tôi Việt Nam cần tiếp tục các cải cách về thủ tục hành chính và đầu tư kinh phí cho KH&CN. Chuyển giao công nghệ rất cần nội lực và muốn tăng cường nội lực thì phải tăng đầu tư kinh phí cho nghiên cứu và phát triển. Theo số liệu của UNESCO, năm 2018 Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển 1,8 tỷ USD, trong khi đó, con số này của Hàn Quốc là 73,2 tỷ, Thái Lan 5,2 tỷ, Malaysia 9,7 tỷ và Singapore 10,1 tỷ. Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi mong họ hãy học tập tinh thần mãi mãi khởi nghiệp và 6 giá trị cốt lõi của Tập đoàn Vingroup “Tín - Tâm - Trí - Tốc - Tinh - Nhân”. Đặt chữ Tín lên hàng đầu và lấy nó làm vũ khí cạnh tranh; đặt chữ Tâm là một trong những nền tảng quan trọng của việc kinh doanh; Trí: coi sáng tạo là sức sống và đòn bẩy phát triển; Tốc: lấy tốc độ, hiệu quả và về đích đúng hẹn làm tôn chỉ; Tinh: góp phần xây dựng một xã hội tinh hoa; Nhân: nêu cao tinh thần nhân văn, coi trọng người lao động như là tài sản quý giá nhất, tạo dựng nhân hòa và đóng góp tích cực vào các hoạt động hướng về cộng đồng.
Về cá nhân tôi, với cương vị là Chủ tịch VGI Network, tôi và Ban điều hành đã và đang ký thỏa thuận hợp tác cụ thể (MoU) với Bộ KH&CN Việt Nam, một số trường đại học và viện nghiên cứu với mục đích thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ CHLB Đức về Việt Nam nhờ các hoạt động như hợp tác nghiên cứu, thực hiện dự án, trao đổi chuyên gia, học giả, trao đổi tài liệu khoa học hay hỗ trợ thâm nhập thị trường.
TS Nguyễn Kim Anh (Chủ tịch Hội chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan - VNEAT): “Doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước cần chủ động đưa ra bài toán, yêu cầu cụ thể và đặt hàng cho các hội chuyên gia người Việt ở nước ngoài”.
TS Nguyễn Kim Anh hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ tại Trung tâm Nghiên cứu không gian viễn thám, Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan. Nghiên cứu của TS Kim Anh tập trung vào việc đánh giá các tổn thương của môi trường sinh thái, tổn thương do thiên tai; nghiên cứu về không gian xanh của đô thị. Từ 2016 đến nay, TS Kim Anh đã công bố 15 bài báo trên các tạp chí uy tín thuộc cơ sở dữ liệu của Web of Science, 13 báo cáo hội thảo quốc tế, 43 báo cáo khoa học tại các hội thảo chuyên ngành uy tín, 4 cuốn sách chuyên khảo. TS Nguyễn Kim Anh cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng khoa học uy tín như Giải thưởng bài báo quốc tế được nhiều người quan tâm nhất năm 2021 do Tạp chí PEPS của Nhật Bản bình chọn. TS Kim Anh rất tích cực trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Đài Loan về Việt Nam như hệ thống quản lý thông minh không gian xanh đô thị, hệ thống quan trắc sạt lở đất, hệ thống máy lọc nước thông minh kiềm tính… VNEAT do TS Kim Anh làm Chủ tịch, thành lập vào 8/2021, được chính quyền Đài Loan phê duyệt với tư cách là hiệp hội phi lợi nhuận đầu tiên dành cho chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan. VNEAT đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Đài Loan và Việt Nam trên nhiều phương diện như khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế, xã hội, văn hóa và dịch vụ. Thành viên của VNEAT là các trí thức, chuyên gia có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn với lực lượng trí thức trẻ ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, tư duy độc lập và sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển bền vững cho nền khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước nhà. Chủ trương “thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam” là đúng đắn, bản thân tôi cũng sẽ dùng hết năng lực của mình để đóng góp vào đẩy mạnh chính sách này. Theo tôi, để mạng lưới các hội trí thức kiều bào hoạt động thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ thì các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước cần chủ động đưa ra bài toán, yêu cầu cụ thể và đặt hàng cho các hội chuyên gia người Việt ở nước ngoài, ví dụ cần đào tạo lĩnh vực gì, đang có nhu cầu về thiết bị công nghệ nào?... chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa để giải quyết các yêu cầu này. Trước mắt, việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi nắm bắt thông tin và đưa ra các gợi ý phù hợp. Bên cạnh đó, để dòng “lưu chuyển” thật sự hiệu quả, theo tôi các bộ/ngành liên quan cần đề cao những chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng. Chính sách này cần đặt trọng tâm vào các vấn đề thiết thực đang tồn tại trong nước, và bài toán đặt ra cần có những giải pháp cụ thể, bền vững, tránh tình trạng chỉ giải quyết tình huống. Việc thu ngắn khoảng cách giữa trí thức, nhà quản lý và người dân cũng cần được chú trọng vì trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân cùng phối hợp thì mới có thể tạo ra được một sự kết hợp nhịp nhàng cho toàn bộ quá trình phát triển, đổi mới sáng tạo.
Về phía VNEAT, chúng tôi đang nỗ lực để có thể hòa nhịp cùng mạng lưới các hội trí thức kiều bào trên thế giới và đi sâu tìm hiểu các công nghệ mạnh của Đài Loan để chia sẻ thông tin và chuyển giao về Việt Nam, hướng tới việc Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ. Ngoài ra, VNEAT sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác, bao gồm tọa đàm chuyên đề về các chủ đề “nóng” trên thế giới hiện nay như xu hướng thiên tai trong kịch bản biến đổi khí hậu, góc nhìn kinh tế nông nghiệp thời đại chuyển đổi số, những thay đổi để chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19, không gian xanh và thành phố thông minh… Bên cạnh đó, Hội cũng thực hiện các chương trình hướng nghiệp, tuyên truyền các ấn phẩm hỗ trợ hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người Việt ở Đài Loan, các chương trình gặp gỡ, trao đổi với chuyên gia đầu ngành tại Đài Loan và các nước khác... VNEAT kỳ vọng sẽ trở thành một điểm kết nối uy tín dành cho những trí thức trẻ Việt Nam đã, đang và sẽ học tập, nghiên cứu và làm việc tại Đài Loan. Qua đó, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh tại Đài Loan, tích cực cống hiến cho đất nước và cho hợp tác kinh tế, khoa học, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan.
GS.TS Lê Bảo Long (Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia công nghệ và phát triển kinh tế Canada - VTEDO): “Việt Nam nhất thiết phải là nơi hội tụ của dòng chảy tri thức và công nghệ, nơi tạo ra và thu hút được nhân tài cả người Việt và toàn cầu”.
GS.TS Lê Bảo Long hiện là GS của Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia (INRS), Đại học Quebec, Canada. Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 200 công trình đăng trên các tạp chí khoa học và hội thảo hàng đầu, 2 đầu sách xuất bản bởi Nhà xuất bản Wiley và Cambridgre University Press. Hướng nghiên cứu của ông tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), bao gồm: công nghệ di động 5G và sau 5G, Internet vạn vật (IoT), ứng dụng trí tuệ nhân tạo và blockchain, công nghệ lõi cho các ứng dụng chuyển đổi số như lưới điện thông minh và hệ thống giao thông thông minh. Các nghiên cứu của ông đã có hơn 10.000 trích dẫn bởi Google Scholar. Cùng với VTEDO, ông đã và đang có nhiều hoạt động và đóng góp về quê hương như tham gia hợp tác với các trường đại học trong nước, thường xuyên góp ý kiến cho các bộ/ngành/địa phương của Việt Nam về các chính sách lớn liên quan tới ICT, đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo và giáo dục, đào tạo.
Để đưa Việt Nam tham gia nhóm các quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, nền kinh tế Việt Nam nhất thiết phải dựa rất nhiều vào KH&CN. Đây là thực tế mà các nước phát triển đã trải qua và Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ. Các nghị quyết và quyết sách của Đảng và Chính phủ về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số là các hướng đi rất đúng đắn. Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam nhất thiết phải là nơi hội tụ của dòng chảy tri thức và công nghệ, nơi tạo ra và thu hút được nhân tài cả người Việt và toàn cầu. Khi nhân tài hội tụ ngày càng nhiều về Việt Nam thì đất nước chúng ta sẽ là nơi sản sinh ra nhiều sáng chế và sản phẩm KH&CN mới, nơi tiên phong trong thử nghiệm và ứng dụng công nghệ và ươm tạo ra các thế hệ chuyên gia, nhà sáng chế công nghệ. Dòng chảy tri thức và công nghệ vào Việt Nam sẽ kéo theo dòng chảy tài chính và thu hút đầu tư công nghệ chất lượng cao, giúp Việt Nam trở thành trung tâm KH&CN của khu vực và thế giới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, sớm gia nhập nhóm các nước thu nhập cao như chúng ta mong đợi. Thế giới ngày càng phẳng, các dòng lưu chuyển thông tin, tri thức, chất xám và đầu tư luôn tự chảy về nơi cần đến. Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi vị thế của mình nếu biết nắm bắt thời cơ và có những quyết sách đúng đắn.
Có nhiều việc phải làm để tạo ra một môi trường tốt nhất cho quá trình phát triển KH&CN. Thứ nhất, cần có các đột phá về chính sách từ Nhà nước giúp hỗ trợ phát triển, thử nghiệm, thương mại hóa và ứng dụng KHCN, đào tạo, thu hút và nuôi dưỡng nhân tài. Việt Nam nhất thiết cần có các khung chính sách đủ thuận lợi và đột phá so với nước khác nếu muốn trở thành trung tâm KH&CN của khu vực và thế giới. Thứ hai là tạo tinh thần khởi nghiệp, dấn thân và đầu tư vào phát triển KH&CN từ nhiều thành phần trong xã hội. Thứ ba, hệ thống giáo dục đại học và sau đại học tại các đại học hàng đầu cần được thiết kế để đào tạo cả kiến thức cơ bản và chuyên ngành với các khóa học và chương trình học liên tục cập nhật với các xu hướng công nghệ của thế giới. Đại học cần khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động khởi nghiệp. Cuối cùng, cần hoàn thiện và phát triển toàn diện hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối với thế giới để tối ưu hóa các cơ hội đầu tư, thu hút nhân lực và tạo thị trường cho các sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp. Hiện tại, tôi rất vui mừng khi chứng kiến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang ngày càng phát triển, thu hút được sự quan tâm và đầu tư ngày càng lớn cả trong và ngoài nước. Chúng ta cũng đã có nhiều câu chuyện thành công từ các startup công nghệ. Trong một thế giới ngày càng phẳng, các bạn trẻ của Việt Nam đang có trong tay nhiều cơ hội để hợp tác với nhau và cùng bạn bè thế giới phát triển các giải pháp công nghệ để giải quyết nhiều thách thức quan trọng mà Việt Nam và thế giới phải đối mặt, như vấn đề biến đổi khí hậu, các vấn đề mới nổi do tác động của Covid-19 về y tế, giáo dục, lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng…. Tôi hy vọng các bạn trẻ đã sẵn sàng và sẽ là những người tiên phong trong việc tìm ra các giải pháp công nghệ có giá trị để giải quyết những thách thức này, qua đó phát triển và tiếp tục kể cho bạn bè năm châu nghe ngày càng nhiều những câu chuyện thành công.
TS Lê Đức Anh (Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản - AVIJ): “Cần sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức Việt Nam, với tầm nhìn là một mạng lưới chung toàn cầu”.
TS Lê Đức Anh hiện là GS trợ lý (Assistant Professor) tại Khoa Điện - Điện tử, Đại học Tokyo. Sau 2 năm đầu học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản (MEXT) để tiếp tục theo học đến hết TS tại Đại học Tokyo. Hướng nghiên cứu của TS Lê Đức Anh tập trung vào vật liệu và thiết bị điện tử ứng dụng công nghệ từ (spintronics). Anh đã có hơn 50 công trình công bố trên các tạp chí hàng đầu như Nature Physics, Nature Communications, Scientific Reports, Physical Review Letters, Physical Review B, Physical Review Applied, Applied Physic Letters…
Năm 2020, VJOIN (Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản) ra đời, là một thành viên chính thức của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Gần đây nhất, VJOIN và Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã cho ra mắt Tuyển tập Khoa học công nghệ Nhật Bản lần 1, phục vụ đông đảo tập thể và cá nhân Việt Nam. Các chủ đề lớn về việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam được VJOIN và VANJ lấy làm trọng tâm trong các Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, tổ chức vào các năm 2019, 2021 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm trí thức trong và ngoài nước. Đây được xem là những bước khởi đầu quan trọng cho các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong tương lai.
Đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung và hệ sinh thái KNĐMST nói riêng, KH&CN đóng vai trò là động lực hết sức quan trọng. Sự phát triển của KH&CN đòi hỏi nhiều nguồn lực về thời gian, vốn và nhân lực. Việt Nam là nước phát triển sau, do đó có thể tận dụng các thành quả và bài học của các nước phát triển đi trước thông qua việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Đặc biệt nguồn lực về vốn, công nghệ và các mối quan hệ của các kiều bào trí thức Việt Nam tại nước ngoài là rất đáng chú ý, sẽ là nguồn lực lớn nếu biết cách khơi gợi và sử dụng hiệu quả.
Chủ trương “thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam” là hoàn toàn đúng đắn, song theo tôi, hiện còn một số rào cản đối với quá trình “lưu chuyển” này. Thứ nhất, chúng ta chưa có mạng lưới kết nối hiệu quả các nguồn lực của người Việt ở nước ngoài gắn với các vấn đề trong nước. Trong những năm qua, đây là vấn đề được Đảng và Chính phủ lưu tâm nhiều, thể hiện qua việc thành lập các mạng lưới và chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia song song với việc thành lập các mạng lưới ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng chồng chéo các mạng lưới trong nước, dẫn đến việc lãng phí nguồn lực. Để thống nhất chỉ đạo, chúng ta cần 1 đầu mối nhất quán cho các mạng lưới. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức Việt Nam, với tầm nhìn là một mạng lưới chung toàn cầu. Hiện các mạng lưới nhỏ đang được xây dựng riêng biệt và khá tự phát, dẫn đến khó khăn về tính tương thích và độ mở trong tương lai. Trong khi đó, các mạng lưới ở nước ngoài vừa mới thành lập, đang trong quá trình xây dựng nội lực nên cần sự hỗ trợ lớn cả về cơ chế hoạt động, nguồn kinh phí, nền tảng số và cả về pháp lý. Thứ hai, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang coi trọng các nguồn lực về KH&CN, nhiều lĩnh vực được coi là tài sản quan trọng, liên quan đến an ninh quốc qua. Chính vì vậy, việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ quan trọng, bị kiểm soát chặt chẽ. Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh đàm phán cấp cao về hành lang pháp lý liên quan tới chuyển giao công nghệ với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song với đó là các giải pháp hỗ trợ cho các tổ chức trí thức Việt Nam ở nước ngoài đối với việc chuyển giao các công nghệ cụ thể. Việc này nên thực hiện một cách đơn giản nhất có thể, thông qua một cửa duy nhất là đầu mối về đổi mới sáng tạo trong nước.
Về phía các hội trí thức Việt Nam tại nước ngoài, mỗi thành viên cần có nhiệm vụ là cầu nối giữa hai bên, mang góc nhìn thấu đáo và đầy đủ về các khả năng liên kết và thách thức của mỗi bên (cộng đồng kiều bào và đơn vị đổi mới sáng tạo trong nước). Do đó, mạng lưới các hội trí thức cần có cách thức để tóm tắt và phổ biến thông tin, các nhu cầu, các bài toán cụ thể trong nước một cách thuận lợi nhất cho tất cả thành viên. Cần lưu ý tính hiệu quả và súc tích của thông tin khi phổ biến cho các hội trí thức nước ngoài, tránh việc mất quá nhiều thời gian tham gia các hội nghị, sự kiện. Theo chiều hướng ngược lại, mạng lưới cần có cơ chế yêu cầu và khuyến khích các hội trí thức chia sẻ một cách thường xuyên hơn thông tin hoạt động của các hội. Trong các hoạt động này, văn phòng mạng lưới cần đóng vai trò là cổng thông tin, và cần ứng dụng các công cụ số một cách hiệu quả.
Minh Nguyệt