Bối cảnh hình thành các Spin-off tại Viện KHVN
Bối cảnh kinh tế - xã hội
Trước thời kỳ “Đổi mới” (1986), nền kinh tế nước ta là kế hoạch hóa với cơ chế tập trung quan liêu, lấy quốc doanh là chủ đạo, ngoài ra chỉ còn kinh tế tập thể, xóa bỏ hoàn toàn kinh tế tư nhân. Trong nền kinh tế quốc doanh, các xí nghiệp được nhà nước giao số lượng sản phẩm theo kế hoạch, để hoàn thành kế hoạch, các xí nghiệp không cần quan tâm đến chất lượng, kiểu dáng sản phẩm cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Giá của sản phẩm dựa trên mệnh lệnh của trung tâm chỉ huy theo nguyên tắc "giá chỉ đạo", không xét đến quan hệ hàng hóa - tiền tệ, không dựa trên giá vật tư, nguyên vật liệu, chi phí trả lương người lao động, giá bán không phản ánh đúng quan hệ cung - cầu và quan hệ giá trị. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu để bộ máy hành chính quyết định các chỉ tiêu cơ bản của xí nghiệp sản xuất và đơn vị kinh tế, nhưng không chịu bất cứ trách nhiệm nào vì không lo phá sản, sản phẩm làm ra đã có tổ chức làm nhiệm vụ phân phối, tiêu thụ, không có ai để cạnh tranh. Cơ chế kinh tế này không có chỗ đứng cho KH&CN.
Kể từ sau năm 1986 cơ chế quản lý kinh tế được thay đổi theo quan điểm mới. Cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu sản xuất, cơ cấu xã hội... từng bước được thay đổi. Từ chỗ chỉ thừa nhận sự tồn tại của kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, chúng ta đã thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, mở rộng hợp tác liên doanh với nước ngoài... bước đầu tạo môi trường kinh tế, xã hội thuận lợi cho hoạt động KH&CN [8].
Hoạt động KH&CN thập niên 90
Sau “Đổi mới” hàng loạt văn bản của Nhà nước được ban hành, tạo cơ sở cho việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, đặc biệt là Nghị định 35/HĐBT ngày 28/01/1992 đã tạo thêm thuận lợi cho các tổ chức khoa học chủ động tạo lập nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả đồng vốn cũng như tiếp cận thị trường. Mặc dù còn chịu ảnh hưởng của cơ chế tập trung, quan liêu nhưng thực tế đã chứng minh có bước ngoặt lớn về nhận thức cũng như quan niệm về hoạt động KH&CN. Nghị định 35/HĐBT được ban hành đã thừa nhận hoạt động KH&CN không còn là độc quyền của Nhà nước, thừa nhận thành phần tư nhân trong hoạt động KH&CN, coi trọng vai trò cá nhân trong hoạt động KH&CN. Điều này đã góp phần động viên nguồn lực KH&CN, hình thành các tổ chức KH&CN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau [9].
Hoạt động KH&CN ở Viện KHVN thập niên 90
Sau 15 năm phát triển (thành lập năm 1975), Viện KHVN đã phát triển khoa học cơ bản tương đối tốt, cùng với các chính sách đổi mới về cơ chế quản lý KH&CN của Nhà nước, Viện đã tiến hành thử nghiệm cơ chế quản lý khoa học mới trong Viện, thử nghiệm các mô hình gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất và đào tạo. Viện đã bỏ bớt đầu mối, phân cấp quản lý, tăng cường trách nhiệm và quyền hạn cho các đơn vị trực thuộc, phân định rõ hơn chức năng quản lý và chức năng tổ chức thực hiện; tạo cơ chế dân chủ hóa hoạt động KH&CN; đề xuất các biện pháp trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo và khuyến khích cán bộ nâng cao trình độ; từng bước xóa bỏ bao cấp tiến tới hạch toán từng phần; mở rộng cửa và đa dạng hóa hợp tác quốc tế; thử nghiệm cơ chế hợp đồng lao động để thu nhận cán bộ mới ra trường.
Mô hình gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất được thử nghiệm trước tiên là chủ trương cho phép các đơn vị nghiên cứu được ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất. Điển hình là mô hình hợp tác giữa Trung tâm Hiển vi điện tử và nhiễu xạ rơn ghen và Đại học Bách khoa Hà Nội [8]. Viện KHVN đã định hướng đầu tư cho khoa học cơ bản, đội ngũ cán bộ nghiên cứu tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Viện đã thành lập 24 Viện và Trung tâm trực thuộc, đặt tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, bao trùm hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thời kỳ này nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng được triển khai theo 9 chương trình khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước [8].
Khi mới thành lập, các viện chuyên ngành thuộc Viện KHVN được xây dựng theo mô hình viện hàn lâm nên tập trung các chuyên môn sâu có liên quan với nhau thành một viện nghiên cứu có quy mô lớn, đông cán bộ (vài trăm người), nhiều phòng thí nghiệm, bộ máy quản lý và phục vụ lớn (hành chính, quản trị, lưu trữ, thư viện, kho, xưởng sửa chữa...). Mô hình này đứng trước tình hình mới đã bộc lộ nhiều nhược điểm như tổ chức cồng kềnh, kém năng động trong tạo nguồn kinh phí, chi phí quản lý tốn kém, cán bộ gián tiếp và người phục vụ chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, Viện KHVN đã thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên ngành để đáp ứng tình hình và nhu cầu phát triển, đồng thời có cơ sở để đề xuất Chính phủ cho phép thành lập các viện cấp quốc gia sau này [10].
Hình thành và phát triển các Spin-off ở Viện KHVN
Giai đoạn khởi đầu (1988-1990)
Do được thành lập theo mô hình viện hàn lâm của các nước xã hội chủ nghĩa nên mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất và đào tạo của Viện KHVN chưa được chú trọng. Sau thời kỳ “Đổi mới”, đứng trước yêu cầu thực tiễn của đất nước, để gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất, Viện đã cho ra đời nhiều doanh nghiệp/tổ chức triển khai kết quả nghiên cứu vào sản xuất và thực hiện dịch vụ khoa học, kỹ thuật. Điều này khẳng định nhu cầu phát triển của các viện chuyên ngành, đáp ứng đòi hỏi thay đổi thể chế sau “Đổi mới”. Quá trình nghiên cứu và nhu cầu triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất là xuất phát điểm để hình thành doanh nghiệp hoặc các tổ chức triển khai ở Viện KHVN thời kỳ này. Đồng thời nền kinh tế mới là yếu tố quan trọng cho việc phát triển của các đơn vị mới thành lập. Ở giai đoạn này, nhiều đơn vị nghiên cứu thuộc Viện KHVN đã chuyển hướng từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu cơ bản định hướng, nghiên cứu công nghệ và triển khai kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Trong giai đoạn 1998-1990, Viện đã thành lập 60 doanh nghiệp và các tổ chức triển khai; đến năm 1993 thu gọn còn 15 doanh nghiệp nhà nước, 20 "đơn vị 35", 5 doanh nghiệp được tư nhân hóa, một số chuyển sang đơn vị khác; năm 1998 thành lập 2 trung tâm theo Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các đơn vị triển khai kết quả nghiên cứu vào sản xuất, sử dụng các kết quả nghiên cứu có khả năng triển khai vào sản xuất, cũng như trang thiết bị nghiên cứu, đội ngũ cán bộ khoa học của các viện chuyên ngành để thực hiện các hợp đồng kinh tế. Các tổ chức này hoạt động trên nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm, bảo đảm lấy thu bù chi, không được Nhà nước cấp vốn. Sau một thời gian hoạt động, các tổ chức này được tách khỏi các đơn vị nghiên cứu, một bộ phận các nhà khoa học chuyển sang làm nghiên cứu triển khai, tổ chức sản xuất, kinh doanh không nhận lương bao cấp, thu nhập hàng tháng thông qua thực hiện các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dịch vụ KH&CN, kinh doanh các sản phẩm do đơn vị sản xuất.
Trong các đơn vị nêu trên có thể kể đến Trung tâm Vật lý ứng dụng (thành lập ngày 8/3/1989), được tách ra từ Viện Vật lý, làm nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng triển khai, đưa vào sản xuất một số thành tựu của vật lý ứng dụng hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam. Vào những năm 1990, Trung tâm có nhiều công bố quốc tế đáng chú ý về năng lượng tái tạo, quang điện hóa, kỹ thuật nano ôxít titan (TiO2) quang xúc tác… và nhiều công trình khác, được mời tham gia các hội nghị quốc tế và có điều kiện cập nhật nhiều thông tin công nghệ hiện đại, mở rộng liên kết hợp tác với các tổ chức nghiên cứu nước ngoài. Nhờ đó, số tiền do quốc tế tài trợ của Trung tâm cũng khá lớn. Trung tâm đã đưa các kết quả nghiên cứu “chào hàng” ở nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn, đó đều là những sản phẩm công nghệ như kính hiển vi quét đầu dò (SPM), màng Ti02 quang xúc tác, vật liệu từ Ferrit… chất lượng cao nhưng giá rẻ vì làm từ nguyên vật liệu trong nước. Có thời gian vật liệu từ Ferrit của Trung tâm chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam, được ứng dụng để sản xuất nam châm trong đồng hồ đo điện của Nhà máy Điện cơ Hà Nội, sản xuất loa loa và các dụng cụ dạy học, rơ le sản xuất nồi cơm điện … Trung tâm còn phối hợp với các cơ sở sản xuất đúc hàng trăm tấn bi hợp kim cứng nghiền xi măng chất lượng cao cho nhà máy Xi măng Bỉm Sơn.
Giai đoạn định hình và phát triển (1990-2000)
Năm 1990, Chính phủ đã ban hành Quyết định 268-CT cho phép các viện tổ chức các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hoạt động theo mô hình viện hàn lâm. Tuy nhiên Viện hoạt động không hiệu quả, vì vậy Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/CP ngày 22/5/1993 tái cấu trúc lại Viện KHVN đổi tên thành Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (gọi tắt là Trung tâm). Từ 60 viện, phân viện, trung tâm nghiên cứu thuộc Viện KHVN được sắp xếp lại thành 17 viện và 9 phân viện. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm gồm 3 khối: các viện nghiên cứu; các đơn vị chức năng; các doanh nghiệp Nhà nước. So với 5 viện nghiên cứu khi mới thành lập Viện KHVN, cơ cấu tổ chức của Trung tâm có thay đổi lớn về số lượng viện nghiên cứu, đặc biệt có thêm khối các doanh nghiệp Nhà nước, đây chính là các Spin-off trực thuộc Trung tâm [10].
Thực hiện Quyết định 196-CT ngày 5/6/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1993 Trung tâm đã sắp xếp các đơn vị hoạt động triển khai sản xuất chuyển sang các loại hình doanh nghiệp mới phù hợp với hệ thống luật pháp, gồm 4 nhóm sau: Nhóm 1: 15 đơn vị chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Trung tâm; Nhóm 2: 5 đơn vị tư nhân hóa, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn; Nhóm 3: 20 đơn vị chuyển đổi thành các liên hiệp khoa học sản xuất trực thuộc các viện chuyên ngành; Nhóm 4: một số đơn vị chuyển sang các đơn vị khác.
Các doanh nghiệp nhà nước (nhóm 1) và các đơn vị 35 (nhóm 3) trực thuộc Trung tâm (sau đây gọi chung là Spin-off) hoạt động triển khai các tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ, làm dịch vụ khoa học kỹ thuật hoạt động theo nguyên tắc tự chủ - tự chịu trách nhiệm. Các Spin-off có vốn hoạt động hầu hết là nguồn vốn tự bổ sung, tự tích lũy, tự huy động, không được Nhà nước và Trung tâm cấp vốn. Các Spin-off đều có bộ máy hành chính gọn nhẹ, số người quản lý gián tiếp rất ít, phần lớn cán bộ, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh. Hoạt động của các Spin-off chủ yếu tận dụng các các thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm và năng lực cán bộ nghiên cứu để triển khai ngay các kết quả nghiên cứu của viện vào sản xuất, làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tạo nguồn thu ngoài ngân sách để bổ sung kinh phí, phục vụ việc mua sắm trang, thiết bị. Nhờ có Spin-off, một số các nhà khoa học của viện đã chuyển sang làm công tác triển khai, tổ chức sản xuất kinh doanh, không nhận lương bao cấp mà hưởng thu nhập thông qua các hợp đồng kinh tế, bán các sản phẩm KH&CN, hợp đồng dịch vụ KH&CN. Trong số các Spin-off này điển hình là Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ phần mềm (CSE) và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học (DONA-TECHNO).
Theo nguồn gốc và mục đích thành lập có thể phân loại Spin-off ở Viện KHVN thành 5 nhóm: 1) Nhóm doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu; 2) Nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp do thu hút các nhà khoa học có đầu óc kinh thương từ các bộ, ngành, địa phương về lập nghiệp ở viện ( điển hình là DONA-TECHNO; Công ty cổ phần Hỗ trợ phát triển công nghệ (DETECH); Công ty Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ (InvestConsult Group); 3) Nhóm doanh nghiệp KH&CN do tái cấu trúc và tinh giản biên chế: đầu thập kỷ 90, Nhà nước yêu cầu Trung tâm cắt giảm 600 biên chế trên tổng số 3.000 biên chế của Trung tâm. Quyết định 268-CT ngày 30/7/1990 đã cho phép thành lập các doanh nghiệp nhà nước để giải quyết việc làm cho những lao động dôi dư, đây là một giải pháp tình thế trong giai đoạn này; 4) Nhóm các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, dịch vụ: nhóm này chủ yếu là các doanh nghiệp điều tra cơ bản, làm dịch vụ khoa học kỹ thuật như xuất nhập khẩu, tư vấn khoa học kỹ thuật...; 5) Nhóm các viện và trung tâm tự chủ - tự chịu trách nhiệm: các đơn vị này hiện nay đã quay trở lại thành các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bao gồm: Trung tâm Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học (hiện nay đã sáp nhập vào Viện Vật lý); Trung tâm Nghiên cứu năng lượng đã được chuyển đổi thành Viện Khoa học năng lượng.
Giai đoạn xắp xếp lại các Spin-off
Sau năm 2000, lãnh đạo Trung tâm đã cổ phần hóa các doanh nghiệp Spin-off, giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động và tách các đơn vị này ra khỏi Trung tâm. Nghị định số 27/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 đổi tên Trung tâm thành Viện KH&CN Việt Nam, trong cơ cấu tổ chức của Viện KH&CN Việt Nam đã không nhắc đến khối doanh nghiệp Spin-off.
Sau khi tách khỏi viện, ngoài một số đơn vị giải thể, các Spin-off khác vẫn phát triển tốt như: DONA - TECHNO; Công ty Tinh dầu và các sản phẩm tự nhiên; DETECH... Đặc biệt một số đơn vị tách ra sớm đã trở thành những tập đoàn lớn, có tên tuổi như Investconsult Group; Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI; Công ty cổ phần FPT.
Qua sự trưởng thành và phát triển của những Spin-off nêu trên đã thấy được chủ trương thành lập các Spin-off trong giai đoạn những năm 90 của Viện KHVN là đúng hướng, phù hợp với yêu cầu gắn kết khoa học và sản xuất, đẩy nhanh tiến bộ KH&CN vào thực tiễn đời sống, góp phần thương mại hóa những kết quả nghiên cứu.
* Nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Tài liệu trích dẫn
[1] Bùi Văn Long (1996), “Vấn đề phát triển và quản lý các tổ chức KH&CN trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ,
[2] Vũ Cao Đàm (2017), “Đánh giá kết quả và đề xuất giải pháp tăng cường triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN”, Báo cáo Đề tài cấp Nhà nước.
[3] Phạm Thị Bích Ngọc (2018), “Tính tất yếu về đa dạng hóa chức năng và cơ cấu tổ chức nghiên cứu và triển khai trong thiết chế tự chủ của khoa học”, Luận án Tiến sỹ, 184 trang.