Lãnh đạo Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì Hội nghị.
KHCN&ĐMST đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Nhưng, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, người dân nên kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, GDP năm 2021 tăng 2,58%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục (668,5 tỷ USD), trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%, tăng 22,6% so với năm 2020 và trở thành một trong 20 nước đứng đầu thế giới về thương mại. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%.
Trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, so với thứ hạng 42 năm 2020 (mặc dù giảm 2 bậc nhưng theo cập nhật và tính toán mới của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO thì GII 2021 của Việt Nam tăng khoảng 36% so với năm 2020). Việt Nam giữ vị trí xếp hạng về đầu ra ĐMST là 38 và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020. KT-XH của các địa phương trong cả nước có sự phục hồi, phát triển, từng bước vượt qua đại dịch.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị.
“Trong kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN ở các địa phương nói riêng. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KHCNĐMST; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, đã và đang khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực, hiệu quả và rất rõ nét cho các mục tiêu phát triển KT-XH” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị của Ban tổ chức cho biết, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ 311 nhiệm vụ (trong đó có 179 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước và 130 nhiệm vụ mở mới) thuộc các chương trình KH&CN quốc gia: Nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gen, Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ... Năm 2021, các địa phương đã triển khai 2.104 nhiệm vụ KH&CN (trong đó có 597 nhiệm vụ chuyển tiếp). Các nhiệm vụ tập trung ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giải quyết nhiều vấn đề “mới” về môi trường, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…
Kết quả của lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã có sự đóng góp lớn đối với ngành nông nghiệp thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao; cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 47 tỷ USD. Theo số liệu báo cáo của địa phương năm 2021, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Cộng hòa Czech, Australia, Mỹ, Đức... cao nhất từ trước đến nay; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của Na Chi Lăng (Lạng Sơn) với tổng diện tích trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mang lại tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 275 triệu đồng/ha…
Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, các địa phương đã tập trung vào điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học quan trọng của thực tiễn điều kiện tự nhiên, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học, khí hậu - thủy văn làm căn cứ hoạch định định hướng phát triển. Tiêu biểu như: điều tra đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống tỉnh Nghệ An đã đề xuất giải pháp bảo vệ nhằm phục vụ công tác khai thác và phát triển nhanh các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, tập trung khai thác các nguồn gen có đặc điểm quý, giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, tạo ra một số sản phẩm đặc thù, chủ lực của từng địa phương phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; đánh giá hiện trạng thoái hóa đất sản xuất rau, hoa tại thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận là tài liệu tham khảo cần thiết đối với những nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực môi trường đất, thoái hóa đất từ thực trạng canh tác nông nghiệp đối với vùng chuyên canh rau hoa nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và cây trồng nói chung…
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, các địa phương đã tập trung nghiên cứu hoàn thiện và phát triển các sản phẩm mới, có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, trong đó, chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như: công nghệ thiết kế, chế tạo bộ đèn LED và giải pháp quản lý chiếu sáng thông minh đồng bộ; máy đọc mã vạch cầm tay/di động/cố định; các thiết bị điện tử, chíp điện tử, các model mới cho ti vi, máy giặt, máy hút bụi tự động; Các thiết bị đo đạc EMC và EMI... (TP Hồ Chí Minh); sản xuất thử nghiệm thành công và hoàn thiện công nghệ sản xuất hợp kim thiếc hàn không chì sử dụng trong lĩnh vực điện tử (Thái Nguyên)…
Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được được triển khai khá toàn diện trên các mặt đời sống, xã hội, con người nhằm cung cấp các luận chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho phát triển KT-XH, ổn định an ninh, quốc phòng. Các nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về KHCN&ĐMST nhằm thực hiện các Nghị quyết của tỉnh về phát triển KT-XH của địa phương giai đoạn 2021-2025.
Hoạt động KH&CN phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19: trải qua 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH của đất nước, KH&CN đã thể hiện rõ vai trò và đóng góp hiệu quả trong phòng, chống dịch. Một số hoạt động KH&CN nổi bật như: xây dựng, triển khai Bản đồ số tổng hợp số liệu về dịch Covid-19, phục vụ công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; chuyển giao ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) sử dụng; xây dựng giải pháp tổng thể và thiết bị cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh...
Tồn tại, hạn chế và kinh nghiệm của các địa phương
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa để KHCN&ĐMST thực sự có những đóng góp trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương. Cụ thể là:
Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay còn chưa thực sự phù hợp với thực tế ở địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Đặc biệt là công tác xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP...
Thứ hai, nguồn kinh phí chi cho KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước song đang thiếu so với nhu cầu. Nguồn xã hội hóa khác còn thấp. Chưa có những cơ chế đột phá trong việc khơi thông và huy động các nguồn lực khác (ngoài nhà nước) đầu tư cho KHCN&ĐMST.
Thứ ba, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp KH&CN.
Thứ tư, nguồn nhân lực KH&CN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của KHCN&ĐMST nói riêng cũng như sự phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh nói chung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hoạt động KH&CN giữa các địa phương chưa đồng đều; kết quả đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Thứ năm, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN tuy đã tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, song việc tổ chức triển khai vẫn còn dàn trải, manh mún, chưa tạo được các đột phá lớn. Chưa gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp. Chưa có nhiều nhiệm vụ KH&CN có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng. Doanh nghiệp chưa thực sự được xác định là trung tâm, đóng vai trò quyết định trong hoạt động KHCN&ĐMST.
Thứ sáu, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong sản xuất, nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, hình thành doanh nghiệp KH&CN.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận về: triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch KHCN&ĐMST năm 2023; triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia giai đoạn 2021-2030 và những nội dung chính sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sẽ báo cáo thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa 14; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST tại các địa phương hướng tới chuyển đổi số; hoạt động KHCN&ĐMST thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn một số tỉnh… Đồng thời trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai hiệu quả hoạt động KHCN&ĐMST trong kế hoạch năm 2022 và định hướng cho những năm tiếp theo.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho biết: Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang luôn chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống mới, bao bì, tem nhãn, đóng gói sản phẩm, đăng ký thương hiệu, tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đã được bảo hộ đến thị trường trong và ngoài nước; phối hợp với UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, bố trí nhân lực, kinh phí hỗ trợ để tổ chức thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ về kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm tại Hội nghị.
Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong phát triển KH&CN từ thực tiễn của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KH&CN như hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN; lấy doanh nghiệp là trọng tâm để xây dựng các chính sách, trong đó có chính sách KHCN&ĐMST; phát triển tiềm lực KH&CN theo định hướng cụ thể (hỗ trợ cho Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, xây dựng Viện Công nghệ sinh học trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học cấp Quốc gia, xây dựng dự án Khu Công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế)… Góp ý về các chương trình KH&CN quốc gia, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, các chương trình này có ý nghĩa thiết thực trong phát triển KT-XH tại các địa phương, vì vậy Bộ KH&CN cần quan tâm để tiếp tục duy trì, phát triển các chương trình này trong giai đoạn tiếp theo.
Định hướng, nhiệm vụ trọng tâm ngành KH&CN năm 2022
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực mà toàn ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2021 vừa qua. Bộ trưởng chỉ đạo, đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến Bộ KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương đã tổng hợp, các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã tiếp thu, xử lý bằng văn bản trong tài liệu và phát biểu trao đổi tại hội nghị. Tuy nhiên, tại hội nghị này, Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ. Bộ trưởng đã lưu ý một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức triển khai trong năm 2022:
Một là, năm 2022 ngành KH&CN sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật nữa (Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử). Do đó lãnh đạo các Sở KH&CN cần quan tâm, chỉ đạo việc tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai các luật trên, cũng như đề xuất, kiến nghị các quy định cần đưa vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho hoạt động KHCN&ĐMST trong nhiều năm tới.
Hai là, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét và sẽ sớm được ban hành. Vì vậy, cần quan tâm tổ chức triển khai ngay trong năm 2022 thông qua các kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Học viện KHCN&ĐMST cũng cần quan tâm, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai; thường xuyên tổng hợp việc tổ chức thực hiện.
Ba là, các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm tới đang được gấp rút triển khai. Cơ bản đã hoàn thành việc phê duyệt các ban chủ nhiệm; đang gấp rút xây dựng khung chương trình. Các thông tư quản lý, thông tư tài chính cũng đang được xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tin học hóa việc quản lý chương trình… Các đơn vị liên quan của Bộ cần thường xuyên cập nhật tình hình đến các Sở KH&CN để cùng tham gia phổ biến các chương trình này đến đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN; đồng thời, tổ chức đề xuất các nhiệm vụ để phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị.
Bốn là, tháng 4/2022, Bộ KH&CN sẽ báo cáo Bộ Chính trị Đề án phát triển công nghệ sinh học cho giai đoạn tới. Dự kiến Trung ương sẽ ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này. Đây là một trong những chủ trương lớn của Trung ương trong lĩnh vực KH&CN. Do đó, sở KH&CN cần tham mưu cho các tỉnh, thành ủy tổ chức triển khai nghị quyết này sau khi được ban hành. Các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ có nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.
Năm là, đầu năm nay, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN tổ chức thí điểm việc tính Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Dự kiến sẽ thí điểm tính chỉ số này ở một số tỉnh có tính đại diện cho cả 7 vùng kinh tế của cả nước. Việc tính toán không chỉ là việc xếp hạng giữa các tỉnh, thành phố, mà còn là công cụ để mỗi tỉnh biết được điểm mạnh, điểm yếu về KHCN&ĐMST của từng tỉnh để có căn cứ cải thiện các hoạt động KHCN&ĐMST nhằm phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Sáu là, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn năm 2022 là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì phát triển bền vững. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì tổ chức Ngày hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4 hằng năm). Đề nghị các các Sở quan tâm đến 2 sự kiện này để chủ trì tổ chức ở các địa phương sao cho hiệu quả, tiết kiệm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KHCN&ĐMST.
Vũ Hưng