Thứ năm, 24/03/2022 10:31

Sở hữu trí tuệ góp phần gia tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm

Ngày 17/3/2022, tại TP Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2022 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về SHTT năm 2021 và thảo luận những định hướng lớn trong năm 2022. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cùng đại biểu đến từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và 62 sở KH&CN trong cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 nhưng hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Một số kết quả nổi bật về hoạt động SHTT trong năm qua có thể kể đến như sau:

Công tác xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản pháp luật về SHTT

Năm 2021, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT tập trung vào việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Theo đó, dự thảo này đã được trình xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 6/2022.  Bên cạnh đó, Cục SHTT đã tham gia góp ý kiến cho dự thảo của 35 văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến SHTT. Công tác hướng dẫn thi hành và giải đáp các vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật về SHTT cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện thường xuyên khi có yêu cầu.

Ở phương diện quốc tế, trong năm 2021, Việt Nam đã tích cực tham gia công tác đàm phán, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: FTA Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, FTA Việt Nam - Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu... Đặc biệt, Cục SHTT tham gia Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 trong khuôn khổ WTO; tham gia trả lời câu hỏi và góp ý kiến nội dung về SHTT để chuẩn bị cho Phiên họp Ủy ban các Hiệp định thương mại khu vực của WTO; thực hiện thông báo cho Ban Thư ký WTO về các quy định pháp luật SHTT mới theo quy định của Hiệp định TRIPS.

Công tác tiếp nhận, xử lý các loại đơn sở hữu công nghiệp (SHCN)

Năm 2021, Cục SHTT đã tiếp nhận hơn 131.000 đơn các loại (tăng 4,6% so với năm 2020). Trong đó, Cục đã xử lý được hơn 121.400 đơn (gần 74.600 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, tăng 3,8% so với năm 2020; hơn 46.800 đơn/yêu cầu khác tăng 12,5% so với năm 2020). Kết quả giải quyết đơn khiếu nại về SHCN và các yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng lần lượt hơn 29 và 15%. Để có được kết quả trên, Cục đã xây dựng và phê duyệt “Giải pháp giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu” nhằm tập trung nâng cao năng suất trong công đoạn tra cứu phục vụ thẩm định nội dung (tách công việc này thành một công đoạn độc lập); tuyển dụng và đào tạo các tra cứu viên để thực hiện công đoạn tra cứu, đồng thời tận dụng kinh nghiệm của các thẩm định viên để tập trung thực hiện đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu dựa trên kết quả tra cứu có sẵn.

Công tác thực thi quyền  SHCN

Năm 2021, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHCN nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN. Hoạt động hỗ trợ thực thi quyền SHTT cũng đã được Cục SHTT quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc cung cấp 230 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền (tăng 25% so với năm 2020); tham gia 5 vụ kiện tại tòa án... Trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền SHTT càng trở nên cấp bách. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ở cả trung ương và địa phương.

Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT

Trong năm 2021, các hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được triển khai thông qua các diễn đàn đa phương về SHTT tại WTO, APEC và ASEAN. Cụ thể, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã tham dự các cuộc họp lần thứ 63, 64 và 65 của Nhóm công tác về hợp tác SHTT các nước ASEAN (AWGIPC); phối hợp với các nước ASEAN triển khai Chương trình hành động ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025 (phiên bản 2.0); triển khai các hoạt động hợp tác về SHTT giữa ASEAN và các đối tác (WIPO, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản…)... Trong khuôn khổ APEC, Việt Nam đã tham dự Cuộc họp lần thứ 52 và 53 Nhóm chuyên gia APEC về SHTT (IPEG); triển khai các hoạt động SHTT thuộc Kế hoạch hành động tập thể của APEC; xây dựng Kế hoạch về SHTT triển khai tầm nhìn APEC tới năm 2040. Bên cạnh đó, Cục SHTT đã tham gia xử lý các vấn đề liên quan đến quyền SHTT trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 thuộc khuôn khổ WTO, APEC và ASEAN.

Công tác phát triển hoạt động sáng kiến, sáng tạo

Công tác quản lý nhà nước ở Trung ương đối với các hoạt động sáng kiến, sáng tạo được thực hiện thông qua việc góp ý kiến, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương; tham gia các lớp tập huấn về sáng kiến do các bộ, ngành, địa phương tổ chức. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ 4 vào năm 2022. Hoạt động thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo cũng được triển khai ở hầu hết các địa phương, chủ yếu dưới hình thức tổ chức các hội thi, trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Trong năm 2021, đã có 19 Hội thi sáng tạo kỹ thuật, 17 Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và 7 cuộc thi sáng tạo khác được các địa phương tổ chức.

Cả nước đã có hơn 45.000 sáng kiến được công nhận, trong đó có 1.470 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, tổng số tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến đạt hơn  47,4 tỷ đồng. Có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động sáng kiến trong cả nước đã thành một phong trào rộng khắp, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ của người lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy, SHTT tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới như hiện nay. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ. Bộ trưởng kỳ vọng với những thành tựu đã đạt được, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc thiết lập những cơ chế, chính sách có liên quan đến lĩnh vực SHTT sẽ tạo ra bước phát triển mới, có tính đột phá, nhằm thực hiện tốt Chiến lược SHTT quốc gia, góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm giai đoạn 2021-2025 được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu tham quan sản phẩm được trưng bày tại Hội nghị.

Từ thực tiễn tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho biết, trong thời gian qua, hoạt động SHTT đóng vai trò rất tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Đặc biệt, trong nông nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng được một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên… Đến nay, Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm được bảo hộ thành công tại Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Phó Chủ tịch Lê Ô Pích nhấn mạnh, không thể có các sản phẩm công nghệ cao được làm ra tại Bắc Giang hoặc mang thương hiệu Bắc Giang nếu tỉnh không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các hoạt động SHTT. Việc tôn trọng quyền SHTT hay nói cách khác là tôn trọng chất xám, tôn trọng kết tinh lao động, tôn trọng sự sáng tạo của người lao động trong và ngoài tỉnh chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của Bắc Giang.

Về định hướng hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua trong năm nay; tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030. Đồng thời triển khai có hiệu quả các kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong lĩnh vực SHCN; xây dựng và đưa vào hoạt động bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định đơn SHCN; vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN và nhu cầu tra cứu thông tin của xã hội...

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)