Thứ tư, 23/03/2022 15:58

Đẩy mạnh vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Phạm Thanh Nga

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành và phát triển ở Việt Nam. Trong hệ sinh thái đó, trường đại học là một thành phần không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng đến sự vận hành của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Thông qua việc phân tích vai trò của trường đại học trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tác giả đưa ra những khuyến nghị để các trường đại học tại Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò của mình trong lĩnh vực này.

Trường đại học: chiến nôi đào tạo tư duy khởi nghiệp sáng tạo

Để xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, điều kiện tiên quyết là phải hình thành nên một thế hệ doanh nhân khởi nghiệp có năng lực sáng tạo ra và cung cấp các giá trị thực cho xã hội. Thế hệ doanh nhân khởi nghiệp này chỉ có thể hình thành và phát triển trong một môi trường có tư duy khởi nghiệp. Do vậy, dù không phải sinh viên đại học nào cũng có thiên hướng khởi nghiệp nhưng việc đào tạo tư duy khởi nghiệp là cần thiết cho tất cả các sinh viên. Hiện nay, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều đã thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đào tạo về khởi nghiệp cũng như đưa các nội dung về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên. Có thể điểm qua một số điển hình như sau:

Không gian sáng tạo BKHUB (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) - mô hình hợp tác giữa BK-Holdings (Hệ thống doanh nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Công ty Up (UP Coworking Space). Mục tiêu của BK-hub là trở thành điểm trung tâm, nơi các nhóm nghiên cứu trẻ, nhà sáng chế, nhà đầu tư, các tổ chức doanh nghiệp có thể làm việc, gặp gỡ, kết nối, cùng nhau khơi nguồn sáng tạo và phát triển. Không gian sáng tạo BKHUB gồm hệ thống phòng họp, hội thảo, khu làm việc chung hiện đại phục vụ 24/7, với hạ tầng công nghệ thông tin tiêu chuẩn, không gian làm việc sáng tạo, tiện nghi, yên tĩnh và thoải mái... sẽ là tâm điểm kết nối các start-up với những cá nhân làm việc độc lập, lập trình viên, nhà thiết kế, giới đầu tư... Đây cũng là nơi diễn ra hàng loạt sự kiện quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Trung tâm sáng tạo và ươm tạo FTU (FIIS), Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng là một mô hình thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo trong trường đại học, với tầm nhìn trở thành một vườn ươm khởi nghiệp toàn cầu, nuôi dưỡng các doanh nhân có tinh thần đổi mới sáng tạo và phụng sự cộng đồng. FIIS đã xây dựng cho mình chiến lược hoạt động để phát triển bao gồm: đào tạo tinh thần khởi nghiệp mang tính thực tiễn; ươm tạo khởi nghiệp mang tính toàn cầu; nghiên cứu và phát triển; xây dựng mô hình phát triển tự chủ và bền vững với nhiều hoạt động như xây dựng cộng đồng, đào tạo, thực tập đổi mới sáng tạo, ươm tạo, nghiên cứu phát triển.

Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thuộc Đại học Huế cũng là điểm sáng về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong trường đại học. Trung tâm thường xuyên tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, startup, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nơi ươm tạo cho các ý tưởng, dự án thông qua các chương trình gọi vốn, thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp. Lãnh đạo và đội ngũ chuyên viên ở Trung tâm làm việc chuyên nghiệp và tận tâm. Trung tâm định hướng sẽ trở thành địa chỉ hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu khu vực miền Trung, góp phần cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cuộc thi Hueui Business Innovation Hackathon 2022 do Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế tổ chức.

Ở phía nam có thể nhắc Khu công nghệ phần mềm (ITP) của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Nơi đây tập trung khoảng 100 doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động trí thức. Mỗi năm ITP đón trên 2.000 sinh viên đến thực tập. Hệ sinh thái khởi nghiệp ITP là nền tảng quan trọng hỗ trợ triển khai các hoạt động nhằm phát hiện và bồi dưỡng một thế hệ doanh nhân mới thông qua phương pháp học tập trải nghiệm. Quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ITP được thực hiện theo hướng dẫn của bộ khung với 4 nguyên tắc được tổng kết bởi Brad Feld1, bao gồm: (i) Doanh nhân là người lãnh đạo cộng đồng khởi nghiệp; (ii) Người lãnh đạo phải có cam kết dài hạn; (iii) Cộng đồng khởi nghiệp phải liên tục có hoạt động kích hoạt toàn bộ cộng đồng khởi nghiệp; (iv) Cộng đồng khởi nghiệp phải chấp nhận bất kỳ ai muốn tham gia.

Như vậy có thể thấy rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã bước đầu được quan tâm tại nhiều trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt là những cơ sở đào tạo lớn của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi trường đại học tùy vào đặc thù đào tạo của mình đã xây dựng một mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp, có đặc trưng riêng nhưng đều chú trọng xây dựng kết nối sinh viên tham gia các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đó.

Vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Thực tế cho thấy, trường đại học và viện nghiên cứu là các mắt xích quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó nhiệm vụ chính của đại học là đào tạo và phát triển nhân tài. Bên trong các trường đại học có thể có các vườn ươm, nhưng mục đích chính của nó là tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên, giúp sinh viên tích lũy kiến thức, kỹ năng về quản trị dự án khởi nghiệp. Hơn nữa, mục tiêu của đại học không phải là phát triển doanh nghiệp. Thực tế, hoạt động khởi nghiệp không phải dành cho mọi sinh viên đại học. Theo thống kê, chỉ có khoảng 2-3% sinh viên có mong muốn khởi nghiệp. Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp thể hiện ở những nhiệm vụ chính sau:

Một là, đào tạo và phát triển nhân tài, tức là tạo ra một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là đào tạo nên các doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý doanh nghiệp và các chuyên gia có chuyên môn trong kinh doanh/doanh nghiệp. Theo một số nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, việc kinh doanh và quản trị kinh doanh là hoàn toàn có thể đào tạo được, không nhất thiết dựa vào yếu tố gen di truyền hay tố chất, bản năng vốn có của sinh viên. Trên thế giới có rất nhiều đại học nổi tiếng về đào tạo doanh nhân, cái nôi sản sinh của những doanh nhân, tỷ phú thành đạt như Đại học Harvard của Mỹ, Đại học Cambridge của Anh hay Đại học Quản lý Singapore (SMU). Đại học là nơi cung cấp những kiến thức nền tảng một cách khoa học và chính thức đầu tiên cho sinh viên về kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Từ đó, các em sẽ tự hình thành và phát triển thêm những kỹ năng và kiến thức mới về doanh nghiệp và doanh nhân để khởi nghiệp thành công, trở thành những doanh nhân thành đạt trong tương lai.

Hai là, cung cấp điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp. Trước khi tiến hành thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ để kinh doanh trên thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn phải tiến hành những bước thử nghiệm để đánh giá sản phẩm, làm các sản phẩm mẫu. Chính các trường đại học, với những phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất của mình là nơi lý tưởng để tiến hành những hoạt động đó, với trình độ chuyên môn cao và chi phí hợp lý.

Ba là, cung cấp công nghệ (được bảo hộ và không được bảo hộ) - nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh. Các trường đại học là môi trường và là cái nôi sản sinh ra những công trình nghiên cứu khoa học, sáng chế... Đó là những sản phẩm trí tuệ có ý nghĩa rất lớn để hình thành nên những ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp cho doanh nhân. Chính vì vậy, nhà trường cần phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp, kết hợp với doanh nghiệp lớn, các startup để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững và hiệu quả.

Một số vấn đề đặt ra

Thực tế cho thấy, trong hai hoạt động “sáng tạo” và “khởi nghiệp”, không ít trường đại học còn tách rời hai nội dung và mới chỉ quan tâm tới hoạt động “sáng tạo” (dưới khái niệm “sinh viên nghiên cứu khoa học”) mà chưa thực sự gắn kết cả hai hoạt động “sáng tạo” và “khởi nghiệp”. Để khởi nghiệp thành công, chúng ta không thể nhắc tới một yếu tố quan trọng, đó chính là tinh thần khởi nghiệp, còn được gọi là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp. Theo các nhà nghiên cứu, những doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải là những con người mà bản thân họ có hoài bão, khát vọng, biết vượt lên số phận, chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới và sáng tạo. Vì thế, để giúp sinh viên có tinh thần khởi nghiệp tốt, các trường đại học cần phải tạo ra một môi trường tổng thể với các hoạt động xuyên suốt, từ nâng cao nhận thức, năng lực, và sự trải nghiệm.

Trong đó, đại học phải thực hiện đúng chức năng là: đào tạo và phát triển nhân tài là những sinh viên có thể trở thành doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý và các nhà chuyên môn trong tương lai. Ngoài ra, đại học còn là nơi có thể cung cấp điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp; cung cấp công nghệ để tạo đà cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những quốc gia khởi nghiệp thành công, như: Mỹ, Israel, Singapore… đều có một điểm chung là môn học khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy rất sớm trong các nhà trường, thậm chí là từ bậc phổ thông. Các đại học của Việt Nam cũng nên tham khảo và đưa môn học này vào giảng dạy cho sinh viên. Có thể cho đó là một học phần của Môn học Kinh tế học đại cương thay vì chỉ đào tạo môn Kinh tế chính trị Mac-Lenin như hiện nay. Khi nghiên cứu xây dựng môn học về khởi nghiệp trong đại học, cần tham khảo chương trình của các quốc gia tiên tiến và đã thành công. Nội dung kiến thức khởi nghiệp cần cập nhật nhất với xu thế phát triển chung của thế giới nhưng phải tính đến sự phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tránh tình trạng dập khuôn máy móc. Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị đào tạo, tập huấn để có một đội ngũ giảng viên đủ kỹ năng và kiến thức để giảng dạy môn học này.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia sự kiện Young Leader Forum với chủ đề: Giải pháp đổi mới sáng tạo cho tổ chức thanh niên trong thời đại 4.0.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần xây dựng một mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có thể tìm được các nguồn hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời cũng là đối tác chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ từ “ươm tạo” vào thực tế sản xuất. Gần đây, nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, hội trợ triển lãm trong khuôn khổ hội nghị, hội thảo chủ đề khởi nghiệp do các trường đại học tổ chức đã có sự hiện diện của các doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp có mặt để tham gia giao lưu, chia sẻ và ký kết những chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, lao động, trao học bổng cho sinh viên... Điển hình là mô hình hợp tác giữa Đại học ngoại thương Hà Nội với Tập đoàn Viettel trong việc xây dựng trung tâm triển lãm kỹ thuật số, hay với Công ty Rạng Đông trong việc xây dựng trung tâm thương mại điện tử và mở cửa hàng trưng bày sản phẩm mới ngay trong khuôn viên của trường. Những mô hình như vậy cần được phát huy và nhân rộng hơn nữa.

Cuối cùng, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, trường đại học cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, có cơ chế phù hợp để huy động các giảng viên thành những cố vấn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Thực tế cho thấy, vì không có cơ chế phù hợp nên các giảng viên cũng không mặn mà với việc cùng sinh viên theo đuổi các dự án khởi nghiệp cho đến khi thành công. Vì vậy, cần có những chính sách và định hướng phù hợp cho vấn đề này để huy động được đội ngũ giảng viên thực sự có tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm làm việc cố vấn cho các dự án khởi nghiệp. Tạo điều kiện để họ có thể cùng các sinh viên tiến hành những dự án khởi nghiệp thành công, và được chia sẻ lợi nhuận từ chính những dự án đó.

 

1Một trong những doanh nhân và nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố Boulder thuộc bang Colorado (Hoa Kỳ) - một trong 5 hệ sinh thái năng động nhất của Hoa Kỳ.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2017). Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Thủ tướng chính phủ (2017), Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".

3. Bill Aulet (2016), Kinh điển về khởi nghiệp (Entrepreneurship Disciplines), NXB Lao Động.

4. http://itp.vn

5. http://dean844.most.gov.vn

6. Bùi Anh Tuấn, Lê Thị Thu Hà (2020), Thúc đẩy vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học.

7. Trilok Kumar Jain (2019), “Understanding the right ecosystem for startups”, SSRN Electronic Journal  Follow journal, DOI: 10.2139/ssrn.3350526.

8. Dariia Podolian (2020), “Rationale and implementation of startups in  universities”, Problems of Systemic Approach in the Economy, (3(77), DOI: 10.32782/2520-2200/2020-3-2.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)