Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam có diện tích đất tự nhiên khoảng 5.800 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 81.600 ha (chiếm 13,91%), diện tích đất lâm nghiệp 446.600 ha (chiếm 76,12%). Khí hậu của Tuyên Quang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với điều kiện đất đai màu mỡ là điều kiện phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi và có khả năng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mía, lạc, đậu tương, cây ăn quả, trâu, bò, gà, lợn, cá... Bên cạnh đó, với điều kiện địa lý thuận lợi (cách thủ đô Hà Nội khoảng 130 km, giáp ranh các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Cao Bằng), Tuyên Quang có nhiều lợi thế trong việc giao thương với các tỉnh lân cận.
Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 22 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, 275 trang trại chăn nuôi, 22 hợp tác xã chăn nuôi, 1 hội trang trại. Hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, hội trang trại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, tạo việc làm cho người dân nơi đây. Trâu bản địa ở Tuyên Quang là trâu ngố (là một trong 2 nhóm thuộc loài trâu đầm lầy ở Việt Nam), có tầm vóc cao, to. Theo khảo sát nguồn gen mới hàng năm của Đề án Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi của Viện Chăn nuôi, hiện trâu bản địa được chia thành 4 nguồn gen trâu chính: 1) Trâu Bảo Yên (Lào Cai, Lai Châu), 2) Trâu Chiêm Hóa (Tuyên Quang), 3) Trâu Thanh Chương (Nghệ An) và 4) Trâu Langbiang (Lâm Đồng).
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 100.000 con trâu, tổng đàn trâu của tỉnh xếp thứ 6 trong số các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và xếp thứ 8 so với đàn trâu của toàn quốc. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 2,7 nghìn tấn, sản phẩm trâu thịt đã được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và một số nước khác. Toàn tỉnh hiện có 6 huyện và thành phố Tuyên Quang chăn nuôi trâu, trong đó huyện Chiêm Hóa đứng đầu với khoảng 25.000 con; tiếp theo là Sơn Dương với 20.000 con; các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình có trên 13.000 con và thành phố Tuyên Quang nuôi trên 3.000 con.
Tỉnh Tuyên Quang có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển chăn nuôi trâu, tuy nhiên, quá trình thương mại hóa sản phẩm thịt trâu hiện nay vẫn còn gặp một số hạn chế và khó khăn như: người tiêu dùng khó nhận biết sản phẩm vì chưa có hệ thống nhận diện hoàn chỉnh; khó khăn trong liên kết, phát triển phát triển chăn nuôi, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị; khó khăn trong tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm; khó khăn trong bảo vệ danh tiếng, uy tín chất lượng sản phẩm.
Từ thực tiễn nêu trên, bảo hộ CDĐL cho sản phẩm thịt trâu của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là việc làm cần thiết, là hướng đi bền vững để phát huy thế mạnh của con trâu gắn với khai thác tiềm năng du lịch, tạo thêm nhiều sinh kế cho đồng bào các dân tộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. So với mặt bằng chung của cả nước, ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang còn khiêm tốn. Thế nhưng, sự tăng trưởng về tổng đàn, về số lượng trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là đáng ghi nhận. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang tăng bình quân 6,4%/năm. Dự án bảo hộ, quản lý và phát triển CDĐL cho thịt trâu Chiêm Hóa sẽ giúp chuẩn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm thịt trâu của huyện theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.
Thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không kém thịt bò, cụ thể, thịt trâu có hàm lượng nước là 76,6%, protein 19%, tro 1%. Thịt trâu có màu đỏ hơn thịt bò vì chứa nhiều sắc chất hơn, nhưng mỡ thì trắng và có ít trong thịt (mỡ giắt trong thịt trâu là 2-3%, trong khi ở thịt bò là 3-4%). Đặc biệt, thịt trâu do ít mỡ nên lượng calo chỉ bằng 70% so với thịt bò, hàm lượng cholesterol cũng thấp hơn (82/87g tính theo 100g), nhưng sắt giàu hơn 15-20%, vitamin B12 cao hơn 8-14% so với thịt bò. Ngoài ra, thịt trâu có khá nhiều acid béo omega-3 như EPA (Eicosapentoenoic Acid, C20:53) và DHA (Docosahexaenoic Acid, C22:63), các acid béo này chữa được nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, các sản phẩm khác từ trâu như: da, sừng, móng, xương... đều là những nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm gia dụng.
Việc triển khai thành công dự án còn có thể kéo theo việc phát triển các ngành nghề khác như: ngành chế biến thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Từ đó, góp phần vào quá trình sản xuất hàng hóa và phân công lao động trong nông thôn theo cung đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm nông sản; đào tạo một hệ thống những người sản xuất, quản lý kinh doanh chuyên nghiệp về chăn nuôi trâu với kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức trong phát triển chăn nuôi đảm bảo tính bền vững. Nói cách khác, bảo hộ và phát triển CDĐL “Chiêm Hóa” cho sản phẩm thịt trâu sẽ góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn theo chiều sâu, nâng cao vai trò và tính chủ động của người dân từ làm thuê, bị động đến chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường, làm chủ doanh nghiệp, từ đó huy động được các nguồn lực đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi, từ chăn nuôi không kỹ thuật, chăn nuôi ít kiểm soát sang chăn nuôi có kiểm soát. Hình thức này cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ vững cảnh quan môi trường. Bảo hộ CDĐL “Chiêm Hóa” cho sản phẩm thịt trâu còn là giải pháp để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương.
Sự thành công của dự án sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm trâu Chiêm Hóa về độ đồng đều, mẫu mã cũng như quản lý được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Tăng cường liên kết chuỗi, tổ chức kênh phân phối liên kết trực tiếp gữa tổ chức nông dân sản xuất với các chủ buôn giảm chi phí trung gian, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, các chi hội/hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, chế biến, đồng thời xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng của tổ chức nông dân, cũng như quản lý chất lượng của nhà nước trong giai đoạn quản lý và phát triển CDĐL, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chăn nuôi, kinh doanh và người tiêu dùng.
Xuân Bình