Chủ nhật, 05/12/2021 10:52
Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hưng Yên cho sản phầm nhãn lồng
Nhãn lồng từ lâu đã được biết đến là một sản vật nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân Hưng Yên. Nằm trải dọc con sông Hồng, nhãn lồng Hưng Yên đã xuất hiện gần 300 năm gắn liền với lịch sử phố Hiến, quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, đường kính quả 25,61-29,36 mm, chiều cao quả từ 23,98-27,61 mm, trọng lượng quả 9,35-13,28 g/quả. Bên cạnh hương vị ngọt dịu, giá trị dinh dưỡng trong nhãn lồng Hưng Yên vô cùng phong phú: hàm lượng vitamin C từ 45,12 đến 59,32 mg/100g; tổng axit hữu cơ 0,04 đến 0,17%; hàm lượng đường từ 13,89 đến 17,37%; hàm lượng chất rắn hòa tan từ 17,63 đến 20,88 độ Brix; hàm lượng nước từ 18,38 đến 22,09.
Với những ưu điểm trên, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2017. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hưng Yên là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Nhãn lồng Hưng Yên đặc sản tiến vua.
Được đánh giá là một sản phẩm nổi trội ở thị trường trong nước, tuy nhiên nhãn lồng Hưng Yên vẫn còn những điểm hạn chế trong việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nhằm hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong và ngoài nước cho các sản phẩm chủ lực đặc thù của địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022, với mục tiêu: i) xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; ii) thiết lập mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với mã số vùng trồng và xuất khẩu; iii) nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nhiệm vụ được kỳ vọng mang lại những ý nghĩa thiết thực: Một là, xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm phục vụ việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Hai là, hoàn thiện hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được bảo hộ, đồng thời phát triển hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ba là, nâng cao nhận thức, năng lực cho chủ thể về chỉ dẫn địa lý, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 00055. Bốn là, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu vùng trồng, công cụ quản lý truy xuất sản phẩm và xuất khẩu (sang tối thiểu 2 thị trường quốc tế), nâng cao năng lực cạnh trạnh của sản phẩm góp phần quan trọng phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đoàn Khải