Thứ sáu, 03/12/2021 10:57

Sóc Trăng thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu, từ sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh…

Ngày 13/7/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về thực hiện Chiến lược SHTT và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo Kế hoạch này, đến năm 2025, tỉnh sẽ có 100% cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về SHTT tại các cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đào tạo cơ bản về SHTT; 50% cán bộ các cơ quan có liên quan đến công tác thực thi quyền SHTT trên địa bàn tỉnh được đào tạo nội dung liên quan đến SHTT; 50% cán bộ có hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển ở các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được đào tạo cơ bản về SHTT; tối thiểu 250 đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cán bộ được tập huấn, đào tạo các nội dung có liên quan đến SHTT. Đến năm 2030, số đơn đăng ký mới về SHTT của tỉnh tăng trung bình 10-12%/năm; trong đó, số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, quyền tác giả được công nhận tăng lên; có 1-2 sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ trong giai đoạn 2021-2025 được hỗ trợ khai thác, thương mại hóa; tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Với sự quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác hỗ trợ, phát triển SHTT đã từng bước gặt hái được những kết quả mong đợi. Trong đó, công tác hỗ trợ các chủ thể tạo lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ được ngành khoa học và công nghệ thúc đẩy thực hiện. Các sản phẩm như bưởi Năm roi, bưởi da xanh Kế Thành, cam sành Ba Trinh, vú sữa tím Trinh Phú, cam xoàn Phương An, hành tím Vĩnh Châu, Artemia (trứng sinh khối) Vĩnh Châu đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng cũng đã thực hiện nhiều hình thức truyền tải những chính sách hỗ trợ về hoạt động SHTT đến các chủ thể được kịp thời. Công tác tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức cho các chủ thể được thực hiện định kỳ; hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp được tăng cường...

Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể trong tỉnh về lĩnh vực SHTT, mức độ quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp dần thay đổi cách nhìn nhận về tài sản trí tuệ. Qua đó cho thấy được hiệu quả bước đầu của các chính sách cũng như hiệu quả của các hoạt động về hỗ trợ doanh nghiệp đã triển khai trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đặc biệt, để tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 20230 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020, tỉnh sẽ tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho 2 sản phẩm hành tím và Artemia đã được Cục Sở hữu tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Theo bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, cụ thể như: triển khai thực hiện chính sách, phát luật về SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác, thương mại hóa và phát triển tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; hình thành văn hóa SHTT trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT.

PV

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)