Thứ ba, 30/11/2021 14:36

Sơn La: KH&CN góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn

TS Nguyễn Minh Đức

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La

Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm nông - lâm - thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến. Đồng thời, với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc, Sơn La cũng luôn nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trong cả nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đã tạo được nhiều đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói riêng.

Ngành nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch có nhiều khởi sắc

Chè Shan tuyết Mộc Châu - sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và châu Âu.

Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bức tranh kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Sơn La nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng đã có những khởi sắc mới. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN, Sơn La đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay: năng suất lúa trong toàn tỉnh tăng gần gấp 1,4 lần, sản lượng lúa tăng thêm 37.114 tấn (từ 161.850 tấn lên 198.964 tấn). Theo số liệu của của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh có 5.686 ha chè, đạt sản lượng búp tươi 48.630 tấn; cà phê 17.804 ha, sản lượng cà phê nhân 27.642 tấn; cao su 5.879 ha, sản lượng mủ là 3.383 tấn; dược liệu 1.560 ha, sản lượng 4.210 tấn. Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra 78.850 ha (trong đó, xoài 18.918 ha, chuối 5.350 ha, na 352 ha, chanh leo 1.894 ha, bơ 1.254 ha, cây ăn quả có múi 4.962 ha, nhãn 18.702 ha, sơn tra 12.460 ha, cây ăn quả khác 14.958 ha). Riêng về cây ăn quả, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất so với các tỉnh, thành phố phía Bắc nước ta.

Trong 5 năm trở lại đây, Sơn La đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm nông sản (Nhà máy Chế biến hoa quả và dược liệu của Tập đoàn TH; Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy Chế biến, bảo quản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La; Nhà máy Chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty cổ phần Phúc Sinh; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn của Công ty BHL...). Toàn tỉnh hiện có 614 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ duy trì, phát triển 196 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Nhiều mô hình doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả.

KH&CN góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La

Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp

Theo Báo cáo của Sở KH&CN Sơn La, giai đoạn 2008-2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện gần 130 nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Một số kết quả nổi bật gồm:

Về trồng trọt: thông qua hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu của tỉnh như: áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất rau, hoa trái vụ; sản xuất giống cà chua ghép; ứng dụng công nghệ thâm canh rau trái vụ; nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng nhân giống các giống bơ, cam quýt, nhãn chín sớm, chín muộn, hồng giòn, mận hậu; nghiên cứu duy trì và phát triển các giống lúa nếp tan Mường Và, nếp tan Ngọc Chiến, lúa tẻ Dao, giống xoài Yên Châu; nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại như hiện tượng chùn ngọn cà phê, sâu đục quả xoài…

Trong chăn nuôi, đã ứng dụng thành công kỹ thuật cấy chuyển phôi bò sữa thuần chủng tại Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; nghiên cứu nguồn thức ăn và cách điều trị một số bệnh cho bò sữa, bò thịt. Bình tuyển, chọn lọc, lai cải tạo các giống gia súc, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện giống lợn, bò địa phương; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, phát triển các mô hình nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học; thử nghiệm nuôi thương phẩm các giống vật nuôi quý hiếm như lợn rừng, cầy hương, gà đen H’ Mông...

Về thủy sản, tập trung nghiên cứu phát triển các giống thủy sản đặc sản có giá trị cao như cá lăng chấm, cá tầm, cá hồi, giống ba ba gai..., tạo nguồn giống để phát triển sản phẩm sạch, đặc sản, nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Về lâm nghiệp, đã triển khai các đề tài nghiên cứu như: điều tra đánh giá đa dạng sinh học các hệ sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha; nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc cây sơn tra; triển khai dự án thử nghiệm trồng tre điền trúc lấy măng; nghiên cứu, chọn lọc nhân giống và xây dựng mô hình trồng song, mây thương phẩm; nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài Thông 5 lá. Việc triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần quan trọng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng, tăng thu nhập cho người nông dân trong khu vực.

Trong chế biến và bảo quản các sản phẩm nông, lâm nghiệp sau thu hoạch, tỉnh đã triển khai các dự án thử nghiệm như: sản xuất rượu vang từ quả sơn tra; sản xuất rượu chuối và chuối sấy Yên Châu; sản xuất rượu mận và mứt mận Mộc Châu; hạ thủy phần mật ong Sơn La; sản xuất thử nghiệm nước mắm Quỳnh Nhai từ nguồn thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La…

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn, ứng dụng công nghệ mới để xử lý chất thải trong sinh hoạt và công nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ vi sinh để làm phân bón từ các phụ phẩm nông nghiệp (như thân cây ngô, vỏ cà phê...); thử nghiệm ứng dụng băng thu nước ngầm để tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước trong tỉnh…

Về xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp

Tính đến tháng 5/20212021, đã có 24 sản phẩm nông sản chủ lực mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu và cà phê Sơn La), 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận (chè Ô Long Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, na dai Mai Sơn, sơn tra Sơn La, bơ Mộc Châu, chè Phổng Lái Thuận Châu, nếp Mường Và - Sốp Cộp, cá tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La, chuối Yên Châu, mận Sơn La, chanh leo Sơn La, rau an toàn Sơn La) và 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (khoai sọ Thuận Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La). Riêng sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017; đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại nước ngoài. Đến nay, tỉnh Sơn La có 2 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo cam kết tại Hiệp định EVFTA là “chè Shan tuyết Mộc Châu” và “quả xoài tròn Yên Châu".

Quả xoài tròn Yên Châu - sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và châu Âu.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngoài hiệu quả làm tăng giá trị sản phẩm (giá bán cao hơn so với khi chưa có thương hiệu), hoạt động xây dựng thương hiệu còn góp phần thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lạc hậu sang sản xuất hàng hóa hướng vào xuất khẩu; hỗ trợ, hình thành và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, HTX gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Định hướng và giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt đã được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nhờ vào KH&CN; việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đặt biệt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có những định hướng phù hợp với yêu cầu mới. Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về phát triển KH&CN trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, tổng kết đánh giá kết quả sau 10 năm Sơn La triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thứ tư, tổ chức quản lý và khai thác tốt các sản phẩm đã có thương hiệu; tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước và các sản phẩm xuất khẩu. Từng bước phát triển thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ năm, tập trung xây dựng và phát triển thị trường KH&CN, trong đó tập trung hỗ trợ các tổ chức triển khai các hoạt động dịch vụ khai thác cung cấp thông tin công nghệ, đánh giá, thẩm định công nghệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ, tiếp cận thông tin công nghệ mới.

Thứ sáu, tiếp tục hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp công nghệ thông tin; hỗ trợ đổi mới công nghệ để nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)