Sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn rất đặc thù: hàm lượng tinh dầu cao (trung bình trên 11%), hàm lượng trans-anethol cao (trung bình trên 90%), trong tinh dầu không có độc tố. Mặc dù gọi là “hoa hồi” nhưng đây thực chất là quả hồi. Do có hình dạng bông hoa nên người dân quen gọi như vậy. Ngoài ra, hoa hồi còn được gọi bằng những cái tên khác như: đại hồi, tai vị, quả hồi, bát giác hồi hương. Khi non hoa hồi có màu xanh lục, khi về già đài hoa sẽ khô lại và có màu nâu sẫm quen thuộc. Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3 đến tháng 5, đến khoảng tháng 7, tháng 9, hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên đây được xem là mặt hàng thuộc dạng “quý hiếm”. Hoa hồi từ lâu đã là loại gia vị quan trọng giúp tạo hương vị đặc trưng, kích thích vị giác, được ứng dụng phong phú trong nhiều lĩnh vực như y dược, ẩm thực...
Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng hồi lớn nhất cả nước với hơn 35.000 ha, chiếm 70% nguồn cung ứng hồi cho chế biến các sản phẩm gia vị. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho Hoa hồi Lạng Sơn. Ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thực thi, trong đó, hoa hồi Lạng Sơn nằm trong danh mục 39 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Tiểu mục 3 (Chỉ dẫn địa lý) Chương 12, được EU công nhận theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 của Hiệp định TRIPS. Để vào được thị trường EU, sản phẩm hồi của Lạng Sơn phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, những quy định kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như phải vượt qua các rào cản về kỹ thuật trong thương mại và đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của EU. Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe này, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã từng bước điều chỉnh hệ thống quản lý và vận hành chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn phù hợp với cơ chế quản lý chỉ dẫn địa lý của EU. Đặc biệt, tập trung làm tốt việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi gắn chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo chất lượng Hoa hồi, tinh dầu Hồi Lạng Sơn luôn đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế theo quy định. Song song với việc quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn cũng tích cực triển khai các chương trình đào tạo, hướng dẫn nhân dân trong vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn thực hiện kỹ thuật trồng, cải tạo rừng Hồi, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình canh tác, chế biến sản phẩm Hồi theo tiêu chuẩn sạch, an toàn; tuyên tuyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng. Song bù lại, tại thị trường này, rất nhiều sản phẩm được chế biến có sử dụng hồi như bánh kẹo, rượu, nước hoa... nên cánh cửa mở ra cho sản phẩm hồi của Lạng Sơn là rất lớn. Thực tế đã cho thấy, từ khi Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ tại EU, thị trường hoa hồi của tỉnh Lạng Sơn ngày một khởi sắc, khẳng định được danh tiếng, uy tín trên các thị trường trong nước và quốc tế, giá trị hàng hoá của sản phẩm cũng ngày càng tăng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất và kinh doanh hồi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Để tiếp tục giúp sản phẩm hồi Lạng Sơn mở rộng ở những thị trường giàu tiềm năng khác, năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã có kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn tại thị trường khó tính Nhật Bản. Theo ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại quốc gia này. Với sự hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ, cùng với Thanh long Bình Thuận, Vải thiều Bắc Giang… tin tưởng rằng chỉ dẫn địa lý hoa hồi Lạng Sơn sẽ sớm được công nhận tại Nhật Bản để hương hồi xứ Lạng ngày càng “bay xa” hơn nữa.
MN