Trong năm 2022, Chương trình sẽ hỗ trợ cho các nông sản: 1) hoa hồi Lạng Sơn và xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) tại Nhật Bản; 2) vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, hạt điều Bình Phước tại thị trường Trung Quốc; 3) gạo An Giang tại Mỹ, Đức, Trung Quốc; xoài An Giang tại Mỹ, Úc, Trung Quốc; cá tra An Giang tại Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến 31/12/2020 Việt Nam đã bảo hộ 101 chỉ dẫn địa lý (CDĐL, trong đó 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài và 95 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Số lượng CDĐL được bảo hộ tăng nhanh, năm 2007 chỉ có 10 CDĐL, đến năm 2020 con số này là 101 (tăng gấp 10 lần). Tính đến nay, đã có 49 tỉnh/thành phố có CDĐL được bảo hộ, trong đó có 26 tỉnh/thành phố đã có từ 2 CDĐL trở lên như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận và Bạc Liêu. Đặc biệt, một số địa phương như Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang có từ 5 đến 7 CDĐL...
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Khi đã được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc mới đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng để được phân phối vào thị trường này với tên gọi “Phú Quốc”. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng, chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tại thị trường EU. Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ CDĐL, lượng nước mắm xuất khẩu vào thị trường này đã tăng đáng kể, giá bán của sản phẩm cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại. Bên cạnh đó, không chỉ xuất khẩu vào riêng EU mà nước mắm Phú Quốc còn được xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Canada… Chính vì vậy, việc hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài đối với các nông sản chủ lực đang được Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, đẩy mạnh, với mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% số lượng sản phẩm chủ lực đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam được bảo hộ tại nước ngoài.
MN