Chủ nhật, 05/12/2021 11:00

Bí xanh thơm Bắc Kạn: phát triển bền vững dựa vào KH&CN

Những năm gần đây sản phẩm bí xanh thơm của Bắc Kạn ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều. Từ chỗ là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, bí xanh thơm đã trở thành cây trồng chủ lực, đặc sản, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ, bí xanh thơm Bắc Kạn đang được tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý. Đây là nền tảng để sản phẩm tiếp tục vươn xa và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Đặc điểm quý của bí xanh thơm là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Quả bí khi chế biến vẫn giữ được mùi thơm và có độ dẻo, vị đậm, ngậy béo. Đặc biệt vỏ bí cứng, dày nên có thể bảo quản được lâu, đặc biệt hữu ích trong những thời điểm rau trái vụ. Ngoài việc dùng như rau xanh, loại quả này còn được dùng làm mứt, nước ép, nước đóng lon, phơi khô để pha nước… đều rất ngon miệng và bổ dưỡng. Thấy giống bí xanh thơm khác hẳn các loại bí thông thường, nhiều người đã lấy giống mang về các nơi khác trồng nhưng đều không thành công vì khi bí xanh ra trái thì mùi không có mùi thơm như trồng ở đất Ba Bể.

Bí xanh thơm ban đầu chỉ được trồng chủ yếu ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể. Tuy nhiên, do mùi vị thơm ngon nên người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, do đó huyện Ba Bể đã lựa chọn giống, mở rộng trồng thử nghiệm tại một số xã lân cận có thổ nhưỡng và khí hậu tương tự như Địa Linh và cho kết quả tốt. Cây dễ trồng, ngắn ngày, đặc biệt thích hợp trên đất ruộng 1 vụ, đất bãi; chỉ 2-3 tháng là có thể thu hoạch; chi phí ban đầu thấp; ít bệnh; trọng lượng quả 1,5-3 kg/quả, năng suất cao gấp 3 lần so với trồng lúa và ngô; 1 ha có thể cho thu hoạch 18-20 tấn. Đến nay, bí xanh thơm đã được phát triển mạnh tại huyện Ba Bể, đặc biệt là tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương, Chu Hương, Thượng Giáo, Hà Hiệu. Năm 2020 toàn huyện trồng được 76 ha, năm 2021 trồng khoảng 122 ha.

Năm 2019, Sở KH&CN Bắc Kạn đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và huyện Ba Bể triển khai thực hiện Đề tài “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”, tập trung điều tra, đánh giá tình hình sản xuất và nghiên cứu phục tráng giống bí, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để cải tạo giống bí đang có nguy cơ thoái hóa về đặc tính. Theo kết quả phục tráng vụ thứ 3, đã chọn sơ bộ được 2 dòng bí có kiểu hình đặc trưng là bí phủ phấn trắng, hình trụ, trọng lượng bình quân 1,8-2 kg, chất lượng thơm ngon hơn hẳn. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, nhóm hộ trồng bí xanh theo hướng nông sản sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia liên kết với các hộ dân trồng và bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm, góp phần tạo đầu ra ổn định, giúp cây bí xanh phát triển bền vững.

Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cây bí xanh cũng đã được triển khai, như hỗ trợ canh tác bí xanh thơm theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch. Qua đó, giúp các hộ trồng bí xanh thơm từng bước nâng cao trình độ canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu bí xanh an toàn. Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm bí xanh thơm của Hợp tác xã Thanh Đức (xã Địa Linh). Hợp tác xã này đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm bí xanh cho Siêu thị Big C (Hà Nội) với sản lượng 70 tấn/năm. Nhiều hợp tác xã khác trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức liên kết, cung ứng sản phẩm bí xanh cho các siêu thị lớn và các điểm giới thiệu nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, Tuần lễ giới thiệu bí xanh thơm, gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn đã được tổ chức tại Siêu thị VinMart Trung Hòa và Siêu thị VinMart Times City (Hà Nội). Tại sự kiện, trên 2 tấn bí xanh thơm đã được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao về chất lượng. 

Xác định bí xanh thơm có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nông sản đặc sản, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đã lựa chọn bí xanh thơm Bắc Kạn là một trong những sản phẩm được hỗ trợ xây dựng, phát triển và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cùng với những giải pháp hỗ trợ đồng bộ về khoa học và công nghệ, lợi thế về điều kiện thiên nhiên, con người và nguồn giống tốt, chắc chắc sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn sẽ phát triển mạnh và bền vững trong thời gian tới.

MN

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)