Thứ hai, 06/12/2021 10:55

Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định

Nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định” là một nhiệm vụ đang được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bình Định trình Bộ KH&CN phê duyệt thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Có thể nói, nếu thực hiện nhiệm vụ này thành công sẽ giúp sản phẩm mai vàng Bình Định có giá trị và được bảo vệ tốt hơn khi đưa ra thị trường, đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Địa bàn tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, diện tích tự nhiên là 6.071,3  km², diện tích vùng lãnh hải là 36.000 km². Khí hậu tỉnh Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa, thích hợp cho cây trồng nhiệt đới nói chung và cho cây mai vàng nói riêng. Từ xa xưa, mai vàng của tỉnh Bình Định sinh trưởng và nở hoa trên địa hình núi cao, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của dải đất miền Nam Trung bộ, đã tạo nên những quần thể rừng mai vàng.

Mai vàng là loại cây rụng lá hàng năm. Thân có chiều cao trung bình 2-7 m, đường kính thân 10-25 cm. Cành thưa và có màu xám nâu. Lá mai vàng có màu xanh, lá đơn, mọc cách, mặt trên thường bóng. Kích thước lá 7-19 x 3-5,5 cm. Hoa màu vàng, có mùi thơm. Đường kính hoa trung bình 3-4 cm. Hoa có từ 5-7 cánh hình ô van, cánh hoa dài 1,3-2 cm, chiều rộng 1-1,4 cm. Hoa mai vàng có nhiều nhị, số lượng thay đổi, có chiều cao 0,9-1,2 cm. Nhụy thường cao hơn nhị, trung bình 1-1,4 cm. Đài hoa màu xanh, số lượng thay đổi 4-6 chiếc, kích thước lá dài 10-12 x 6-7 mm. Cây mai vàng thích hợp trồng ở độ cao 300-1.400 m so với mực nước biển

Theo nhận định của nhiều người chơi mai vàng từ các địa phương khác, mai vàng truyền thống của Bình Định rất khó sống ở các vùng đất khác, mai được trồng bằng hột, bền vững. Khi cây được một năm tuổi sẽ được bứng để vào chậy, tiếp tục chăm sóc, 4 năm sau cây mới thành phẩm. Việc trồng mai của tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn nên rất nhiều nhà vườn ở các địa phương khác từ chối nhận mai Bình Định về chăm sóc vì chăm sóc cây mai vàng của tỉnh Bình Định rất tốn công sức để thuần hóa. Có lẽ lý do là các cây mai này đã quen với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Ngoài ra, các yếu tố như chăm sóc, cắt tỉa, canh hoa ra đúng tết để trưng bày cũng khác biệt so với mai từ các vùng khác. Chính sự khác biệt này đã tạo nên giá trị cao cho mai vàng của tỉnh Bình Định.

Các giống mai vàng của tỉnh Bình Định đã thể hiện được tính chất riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực sản xuất. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ đẫn địa lý cho mai vàng của tỉnh Bình Định. Để giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm. Việc tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định” là hoàn toàn phù hợp và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay,

Hy vọng, khi thực hiện dự án thành công, sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý “Bình Định” sẽ phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc thù của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất mai vàng của tỉnh Bình Định phát triển bền vững.

Mai vàng Bình Địnnh bung nở, nhuộm vàng mỗi khi xuân về.

Về hiệu quả kinh tế, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Bình Định sẽ góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các hộ sản xuất, kinh doanh mai vàng trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng và các cơ sở kinh doanh mai vàng của tỉnh Bình Định ở các địa phương khác nói chung. Các sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn sản phẩm; sản phẩm sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai, có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường; củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với mai vàng của tỉnh Bình Định từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường trong nước và xuất khẩu.  

Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Bình Định cũng sẽ mang lại tác động tích cực đối với người dân địa phương như: giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm các làng nghề trồng mai vàng của tỉnh Bình Định; tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là đối tượng lao động dễ bị tổn thương (lao động nữ và lao động trên 45 tuổi), ước tính sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị cho nghề trồng mai vàng của tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, nhiệm vụ này còn góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới người dân tại các vùng trồng trồng mai vàng nói chung và địa phương nói riêng trong tỉnh (dự kiến sẽ có khoảng gần 1.000 người được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực trong việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp,... thông qua việc tham gia các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn thuộc khuôn khổ của nhiệm vụ).

Việc thực hiên nhiệm vụ “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định” tạo điều kiện cho sản phẩm được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý và đi vào vận hành, qua đó khẳng định được giá trị kinhh tế và vai trò của một loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Việc xây dựng, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần tăng thêm nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị thương hiệu sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định mang nét đặc trưng của tỉnh nhà trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay.

Đoàn Khải

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)