Thứ hai, 15/11/2021 10:49

Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, điện đại hóa

Đây là chủ đề của Hội thảo chuyên đề số 2 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hội tự động hóa Việt Nam đồng tổ chức diễn ra ngày 9/11/2021 tại Hà Nội.

Sản xuất thông minh - xu thế tất yếu của doanh nghiệp thời hội nhập

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là yêu cầu và thách thức mà Việt Nam cần nhanh chóng vượt qua để tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng này đem lại. Nhưng sản xuất thông minh là một hành trình dài và cần có chiến lược khoa học, đòi hỏi bước đi cụ thể của từng doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) cho biết, để đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát và thấy rằng, phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu phát triển nhà máy thông minh, trong đó chiến lược - tổ chức và sản phẩm thông minh là những trụ cột có mức độ sẵn sàng thấp nhất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang có mức độ sẵn sàng thấp hơn so với doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, phần lớn các công nghệ chủ yếu của CMCN 4.0 chưa được các doanh nghiệp áp dụng (mới chỉ có một tỷ lệ rất hạn chế 2-3%), mức độ dự kiến đầu tư, áp dụng các công nghệ này trong thời gian tới cũng rất khiêm tốn. 70% doanh nghiệp không thể kiểm soát thiết bị công nghệ thông tin và 52% doanh nghiệp cho biết không thể nâng cấp thiết bị vì đã quá cũ, chưa kể mức độ đáp ứng yêu cầu tích hợp, kết hợp với các hệ thống, thiết bị với nhau trong nhà máy còn thấp. Thậm chí, thông tin được thu thập chủ yếu bằng phương pháp thủ công, tỷ lệ thu thập trực tuyến còn rất hạn chế.

Cần một giải pháp đồng bộ

Khẳng định sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng, tất yếu trong quá trình sản xuất, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, sự phát triển của KH&CN đã và đang tạo ra một làn sóng cải cách đáng kể trong mọi khía cạnh của cuộc sống, thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hướng thông minh hơn. Thời gian vừa qua, Tổng cục đã tiến hành đánh giá khảo sát tại doanh nghiệp về sản xuất thông minh, theo đó nhu cầu về đào tạo, tư vấn chuyển đổi sang tiếp cận sản xuất thông minh đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều các doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn đối với sản xuất thông minh, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, sẽ đẩy mạnh mảng đạo tạo tư vấn và xây dựng lộ trình tiếp cận sản xuất thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đào Trọng Cường cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh bằng cách: cung cấp thông tin, kết nối doanh nghiệp trong nước với quốc tế; ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất thông minh; kết nối với các đơn vị nước ngoài để hỗ trợ đánh giá mức độ sẵn sàng cũng như xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Hiện Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030, với quan điểm lấy doanh nghiệp là trung tâm. Đề án tập trung giải quyết các thách thức cơ bản mà doanh nghiệp phải đối mặt khi ứng dụng công nghệ mới, triển khai sản xuất thông minh (từ góc độ thể chế và quy định quản lý, phương pháp và công nghệ; con người và tài nguyên số, đặc biệt nhấn mạnh phát triển hệ sinh thái chuyển dổi số). Qua đó, 2 nhóm vấn đề mà đề án sẽ thực hiện bao gồm, đầu tiên là thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho hoạt động ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo cho DN, thông qua ưu đãi có tính đặc thù, đột phá thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và hình thành liên minh công nghiệp, công nghệ số. Nhóm vấn đề lớn tiếp theo là hỗ trợ phát triển năng lực toàn diện cho doanh nghiệp bằng cách phát triển nguồn nhân lực số, hình thành các tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, cũng như phát triển các nền tảng, công cụ cho doanh nghiệp để đặt nền móng hình thành văn hoá đổi mới sáng tạo, dẫn dắt phong trào chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo.

Để làm được điều đó, ông Đào Trọng Cường cho rằng, thứ nhất, phải thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, đồng thời có chính sách ưu tiên mang tính đặc thù cũng như là đột phá về hoạt động KH&CN, chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng và hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số, qua đó liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi. Hai là, hỗ trợ và phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển nguồn lực số và hình thành các nguồn tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, đầu tư phát triển hạ tầng và công cụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp. Triển khai một số dự án chuyển đổi số có tính đại diện để đảm bảo tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình đã triển khai, gia tăng hiệu quả thực tiễn.

Nguyễn Thúy Hà

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)