Thứ năm, 04/11/2021 17:44

Hiệp định EVFTA: Nhìn lại một năm thực hiện

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết trên tinh thần hợp tác toàn diện, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại - đầu tư đầy tiềm năng với một trong những đối tác lớn và quan trọng nhất của Việt Nam. Nhằm đánh giá một năm thực hiện hiệp định này, ngày 3/11/2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự hỗ trợ của Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo đánh giá một năm thực hiện EVFTA: Tác động đến kinh tế Việt Nam và sự thay đổi chính sách.

Kết quả đạt được sau một năm thực hiện EVFTA

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, Chính phủ Việt Nam cùng với các bộ, ngành liên quan đã ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện EVFTA. Đến nay, đã có 19 bộ, ngành và 57 tỉnh/thành phố trên cả nước ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA. Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu của EVFTA, nhưng vẫn còn một số bất cập liên quan đến các luật chuyên ngành và đặc biệt là những lưu ý liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật.

Báo cáo của VEPR cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi trị giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU như điện thoại - linh kiện, hàng dệt may đều giảm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,75 tỷ USD. Mức tăng trưởng này nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế EU trong quý II/2021. Đồng thời, tác động của việc giảm thuế quan đối với các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường EU giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng được hưởng lợi từ EVFTA. Một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt - thép và các sản phẩm từ nhựa hoặc cao su. Riêng đối với mặt hàng sắt thép, ngoài việc hưởng lợi từ giảm thuế suất với việc giá sắt nguyên liệu tăng đã khiến cho giá thép thành phẩm tăng gần gấp đôi trong năm vừa qua cũng khiến cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ Ailen (chủ yếu là máy vi tính và sản phẩm điện tử).

Về đầu tư, Báo cáo cũng cho thấy lũy kế đến hết tháng 9/2021, các nước EU đầu tư sang Việt Nam 2.249 dự án (chiếm tỷ trọng 6,59%) với tổng số vốn đăng ký đạt 22,27 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 5,52%). Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực cho đến ngày 1/8/2021, dưới tác động của dịch Covid-19, việc di chuyển qua lại giữa hai bên bị gián đoạn đã khiến cho việc đầu tư bị tổn thất nặng. Trong đó, tổng số dự án cấp mới của các quốc gia thuộc EU chỉ đạt 151 dự án kể từ khi EVFTA có hiệu lực, giảm 21,35% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký mới đạt 423 triệu USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Với dòng vốn góp mua cổ phần, số lượt góp vốn đạt 316 lượt với tổng giá trị góp vốn là 428 triệu USD, giảm đến 45,8% đối với số lượt góp vốn và giảm 31,5% đối với giá trị góp vốn. Tổng vốn đăng ký FDI từ các nước EU đạt hơn 1 tỷ USD trong thời gian từ tháng 8/2020 đến 8/2021 (giảm hơn 38,2% so với cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh những kết quả đạt được sau một năm EVFTA có hiệu lực, các chuyên gia của VEPR cũng đã chỉ ra những khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt như: chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN; các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài… Hiện EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Indonesia. Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để duy trì và phát huy lợi thế sẵn có trong quan hệ thương mại với EU so với các khu vực.

Khuyến nghị chính sách

Ngoài việc đánh giá những kết quả, khó khăn, thách thức sau một năm thực hiện EVFTA, nhóm nghiên cứu của VEPR cũng đã nêu lên một số khuyến nghị cụ thể:

Tiếp tục tạo lập, sửa đổi để tạo hành lang pháp lý phù hợp

Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP liên quan đến nội dung quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiêu chí, điều kiện được hưởng cơ chế ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan và việc áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại trong kiểm tra thực tế hàng hóa để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Bộ Công thương cần bổ sung quy định về hàng tân trang vào Thông tư hướng dẫn, cụ thể là Thông tư số 11/2020/TT-BCT để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý Đấu thầu) cần sớm hoàn thiện để trình Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các nội dung về Mua sắm công nhằm đáp ứng các yêu cầu từ EVFTA như đã thực hiện đối với CPTTP.

Bộ Giao thông Vận tải cần sớm ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA và hoàn tất các thủ tục tham gia Hiệp định UNECE để giúp các doanh nghiệp kinh doanh phương tiện cơ giới và phụ tùng thiết bị của xe cơ giới tham gia thị trường dễ dàng hơn và tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định.

Đối với các điều khoản về sở hữu trí tuệ (SHTT), cần sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật SHTT 2019 để phù hợp với Hiệp định như: Sửa đổi Điều 130 về việc giới hạn chủ thể hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh; sửa đổi các Điều 20 (về quyền tác giả), Điều 29 (quyền của người biểu diễn), Điều 30 (quyền của nhà sản xuất) và Điều 31 (quyền hưởng thù lao) trong Luật SHTT 2019 theo hướng chi tiết hơn giống như cam kết trong Hiệp định; sửa đổi, bổ sung vào các điều 28.14 và 37.5 Luật SHTT 2019 các hành vi xâm phạm quyền SHTT theo hướng rộng hơn giống như cam kết trong Hiệp định; bổ sung quy định về bảo hộ thông tin quản lý quyền đối với bản sao vào Điều 28...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh chi phí thương mại của Việt Nam đang cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

Đẩy mạnh công tác truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp trong nước nhằm hiểu rõ các quy định trong EVFTA và tận dụng triệt để các lợi ích thương mại từ Hiệp định.

Dù các biện pháp SPS được Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vực Việt Nam điều phối và giám sát kể từ năm 2005 theo Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg, nhưng các vụ việc hàng hoá nông và thủy sản vi phạm các quy định về SPS của các nước xuất khẩu vẫn tăng dần trong thời gian qua. Do đó cần cải tổ và tăng năng lực điều hành cũng như giám sát đối với SPS Việt Nam nhằm hạn chế các vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các nước nhập khẩu.

Một số khuyến nghị khác

Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động viễn thông, cần tách bạch vai trò quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.

Liên quan đến các quyền của người lao động, Việt Nam cần sớm thực hiện Công ước số 87 về quyền tự do liên kết (công đoàn) và Công ước số 98 về quyền được công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể của người lao động. Đây là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại/tái cấu trúc hệ thống công đoàn, đưa công đoàn thực sự trở thành tổ chức của người lao động, phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường hiện đại.

Khu vực doanh nghiệp trong nước cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu bởi cho dù có hay không có FTA thì xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực và chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu.

Phạm Nhung

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)