Chủ nhật, 31/10/2021 18:01

Tái chế nhựa tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

“Nghiên cứu cho thị trường Việt Nam: Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” là báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) được công bố mới đây cho thấy, kể từ những năm 1950, việc sử dụng các sản phẩm nhựa đã tăng gấp 20 lần do nhựa có giá thành rẻ, bền và có nhiều ứng dụng. Nhựa được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may, và nông nghiệp. Năm 2019, ngành nhựa Việt Nam sản xuất 8,89 triệu tấn sản phẩm và có đóng góp ước tính 17,5 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia (tương đương với 6,7% GDP). Tuy nhiên, tình trạng quản lý chất thải nhựa không phù hợp gây ra những hậu quả ngày càng lớn về kinh tế, môi trường và xã hội. Báo cáo của WB đã nhấn mạnh thực trạng tuần hoàn nhựa của Việt Nam và đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng tỷ lệ tái chế nhựa tại Việt Nam.

Ảnh bìa của báo cáo “Nghiên cứu cho thị trường Việt Nam: Cơ hội và rào cả đối với tuần hoàn nhựa”.

Thực trạng

Báo cáo của WB cho thấy, mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế. Bao bì PET có tỷ lệ thu gom, tái chế (CFR) cao nhất trong số tất cả các loại nhựa chủ yếu, ở mức 50%, vì: (i) số lượng ứng dụng cuối cùng của bao bì PET còn hạn chế so với các loại nhựa khác, nhờ đó đơn giản hóa quá trình thu gom và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom dữ liệu cụ thể cho bao bì PET; (ii) công nghệ tái chế hiện có và công suất xử lý bao bì PET tương đối cao giúp loại nhựa này “khởi đầu thuận lợi” so với các loại nhựa khác; và (iii) tính theo hạng mục riêng, bao bì PET có mức tiêu thụ thấp hơn nhiều so với các loại nhựa khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế đối với từng loại nhựa/định dạng bao bì lại rất khác nhau, tùy thuộc vào giá nhựa nguyên sinh, mục đích sử dụng cuối cùng của nhựa tái chế và các yếu tố thị trường khác.

Các chuyên gia của WB cho rằng, nếu tất cả các loại nhựa PET, HDPE, LDPE, và PP sử dụng ở Việt Nam được thu gom và tái chế thành các sản phẩm tái chế có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm. Hiện mới có 25% tổng giá trị vật liệu nhựa, tương đương 872 triệu USD, được giải phóng hàng năm, tính theo tỷ lệ tái chế 33% và thu hồi được 77% giá trị từ tái chế nhựa. Tình trạng này gây thiệt hại 2,2-2,9 tỷ USD giá trị vật liệu tiềm tàng từ tái chế mỗi năm. Có thể tận dụng được cơ hội thị trường tiềm năng này nhờ các khoản đầu tư lớn của khu vực nhà nước và tư nhân để cải thiện việc thu gom/phân loại chất thải, tạo lập môi trường thuận lợi để cải thiện hiệu quả kinh tế của tái chế và các giải pháp can thiệp khác mang tính hệ thống để giải quyết các thất bại của thị trường.

Mỗi năm, tổn thất về giá trị vật liệu lên tới 2,2-2,9 tỷ USD là do nhiều thách thức có tác động đến tỷ lệ CFR và hiệu suất thu hồi giá trị. Những thất bại của thị trường bao gồm tình trạng tăng giá mạnh của giá hạt nhựa nguyên sinh và hạt nhựa tái chế, thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương, khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nguồn cung không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa, không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế và hệ thống quản lý chất thải ưu tiên thu gom và xử lý hơn so với tái chế. Những thách thức này đã xuất hiện và càng trở nên nghiêm trọng cùng với đại dịch COVID-19, vì nguồn cung cho ngành công nghiệp tái chế sụt giảm do thay đổi về hành vi tiêu dùng và sụt giảm đáng kể nhu cầu đối với các sản phẩm tái chế do giá dầu thấp và suy thoái kinh tế.

Giải pháp

Báo cáo của WB đã đưa ra các giải pháp can thiệp và các hành động để Việt Nam có thể giải phóng thêm đáng kể giá trị vật liệu thông qua tái chế nhựa. Mỗi giải pháp can thiệp có khả năng giải phóng giá trị vật liệu 0,8-1,8 tỷ USD mỗi năm. Các giải pháp can thiệp cả trong ngắn hạn và dài hạn có thể củng cố môi trường thuận lợi, cải thiện nhu cầu nhựa tái chế tại địa phương và giúp mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế trong nước nhờ tạo ra cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân.

Thúc đẩy tuần hoàn nhựa thông qua việc kịp thời hoàn thiện các nghị định và thông tư chính hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (BVMT)

Luật BVMT sửa đổi mới nhất năm 2020 là khung pháp lý chung áp dụng đối với tất cả các ngành, các loại chất thải. Các điều khoản có liên quan nhất đến tuần hoàn nhựa trong Luật BVMT hiện hành là điểm cải tiến so với Luật BVMT 2014. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nghị định và thông tư được xây dựng cho Luật BVMT mới phải có khả năng thực hiện và thực thi với các mục tiêu thực tế. Cần phân giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan, cần có lộ trình để đạt được các mục tiêu một cách thành công, cung cấp nguồn lực, hướng dẫn, và nâng cao năng lực để các cơ quan, ban, ngành có thể thực hiện nhiệm vụ. Tham vấn chi tiết với các chuyên gia và với ngành cũng có ý nghĩa quan trọng. Những nội dung quan trọng cần cân nhắc đưa vào các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật BVMT bao gồm: i) Chính sách nhằm giảm tiêu thụ nhựa; ii) Các mục tiêu bắt buộc về thu gom tái chế phải được điều chỉnh phù hợp dựa trên mức độ có thể tái chế của các loại nhựa và sản phẩm, phù hợp với cơ sở hạ tầng tái chế của địa phương; iii) Mức phí có điều chỉnh cho các loại bao bì nhựa khác nhau dựa trên khả năng tái chế với mức phí cao hơn cho bao bì có giá trị tái chế thấp hơn và không tái chế được; iv) Các mục tiêu bắt buộc về hàm lượng tái chế vì Việt Nam đã có đủ năng lực tái chế để đạt được tối thiểu 20% hàm lượng tái chế cho bao bì PET, PP, HDPE và LDPE/ LLDPE vào năm 2030.

Tăng hiệu quả thu gom và phân loại chất thải nhựa

Hoạt động thu gom của khu vực phi chính thức không hiệu quả và do đó có chi phí đắt hơn so với phế liệu nhựa nhập khẩu, gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả kinh tế của tái chế. Điều này, cùng với rò rỉ do phạm vi thu gom chất thải rắn đô thị (CTRĐT) chính thức chưa đủ, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có một hệ thống quản lý chất thải rắn (QLCTR) tổng hợp và hiệu quả hơn, bao gồm cải thiện phạm vi thu gom, phân loại tại nguồn và thu gom riêng, có lộ trình tái chế, và địa điểm xử lý an toàn. Do đó, để cải thiện hiệu quả kinh tế của tái chế, cần phải tăng hiệu quả thu gom và phân loại chính thức trên toàn bộ chuỗi giá trị ngành nhựa hậu tiêu dùng, bao gồm các giai đoạn xử lý chất thải tiêu dùng, thu gom, vận chuyển và phân loại riêng vật liệu từ các nguồn hỗn hợp.

Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực

Các ngân hàng trong nước nên giải quyết tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu tài chính của các đơn vị tái chế nhựa là DNVVN và các sản phẩm tài chính xanh hiện hành với việc xây dựng các quy định tài trợ đơn giản hơn. Cần xây dựng năng lực đánh giá tác động kinh tế và xã hội của các ngân hàng trong nước để các ngân hàng có thể thực hiện tốt hơn việc đánh giá các dự án tái chế nhựa khả thi và có khả năng cấp vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các bên liên quan cũng cần khuyến khích các ngân hàng trong nước xây dựng các sản phẩm tài chính xanh được thiết kế cụ thể để quản lý rủi ro liên quan đến tái chế và các dự án khác về tuần hoàn nhựa. Ngoài ra, còn có cơ hội cải thiện tài trợ xanh thông qua các khoản vay nhanh và có quy mô nhỏ hơn cho các đơn vị tái chế là DNVVN và nâng cao nhận thức về các phương án và quy trình hiện tại.

Khuyến khích sử dụng hàm lượng tái chế trên tất cả các ứng dụng cuối cùng quan trọng

Ước tính chỉ khoảng 33% trong số 3,9 triệu tấn hạt nhựa tiêu thụ được tái chế hàng năm, Việt Nam thiếu một thị trường thứ cấp mạnh mẽ cho nhựa tái chế. Việc Việt Nam phải phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu khiến ngành công nghiệp tái chế phải chịu toàn bộ gánh nặng biến động giá toàn cầu tiềm ẩn trong lĩnh vực tái chế. Do đó, cần khuyến khích sử dụng hàm lượng tái chế, bắt đầu với các chính sách ưu đãi, sau đó là chỉ tiêu/tiêu chuẩn về hàm lượng tái chế cho các ngành sử dụng nhựa lớn nhất. Chính phủ có thể đóng vai trò chủ đạo bằng cách thực hiện mua sắm công xanh (GPP) và dán nhãn các sản phẩm nhựa tái chế. Mục tiêu hàm lượng tái chế trước tiên nên tập trung vào PET cấp thực phẩm và không thuộc cấp thực phẩm vì loại nhựa này dễ tái chế hơn, sau đó là các ứng dụng không thuộc cấp thực phẩm cho HDPE, LDPE và PP.

Quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế để tái chế đối với tất cả các loại nhựa, đặc biệt là bao bì

Bao bì chiếm khoảng 35% doanh thu của tất cả các loại nhựa tiêu thụ tại Việt Nam. Nếu không thiết kế lại và đổi mới một cách nền tảng, khoảng 30% bao bì nhựa sẽ không bao giờ được tái sử dụng hoặc tái chế. Do đó, Bộ Công Thương nên tham vấn ý kiến các bên liên quan thuộc khu vực nhà nước và tư nhân để phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế và bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn này.

Cải thiện sự minh bạch về dữ liệu trên thị trường nhựa

Không có sẵn dữ liệu liên quan và cập nhật về quy mô thị trường tái chế địa phương đối với các loại nhựa khác nhau, bao gồm cả nhập /xuất khẩu và xu hướng giá cả cho khu vực tư nhân tiếp cận để tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sẽ rất hữu ích nếu Tổng cục Hải quan thiết lập cơ sở dữ liệu chính thức về nhập/xuất khẩu nhựa để có thể truy cập rộng rãi, cải thiện mức độ chính xác của nhập liệu, và Bộ Công Thương xây dựng danh mục toàn diện các đơn vị tái chế trong nước. Ngoài ra, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia chia sẻ dữ liệu hơn nữa để thiết lập cơ sở dữ liệu về nhựa nguyên sinh/nhựa tái chế và xây dựng báo cáo thị trường.

Tăng khả năng tái chế cơ học, hóa học và không khuyến khích thải bỏ nhựa

Chênh lệch giữa tổng lượng nhựa tiêu thụ và năng lực chính thức hiện có ước tính để tái chế lượng nhựa này tương đương với 2,67 triệu tấn/năm hay 68% tổng lượng nhựa tiêu thụ. Chính phủ nên xem xét đưa ra các chính sách ưu đãi để khuyến khich tăng năng lực tái chế PP, PE và phát triển PET tái chế chất lượng cao cho các ứng dụng tiếp xúc với thực phẩm. Mục tiêu là đẩy nhanh đổi mới sáng tạo trên một thị trường còn non trẻ. Một khi thị trường đã được thiết lập và vật liệu tái chế có thể cạnh tranh trên cơ sở chi phí với vật liệu nguyên sinh, có thể giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các chính sách ưu đãi. Cần phân tích chi tiết hơn về hiệu lực, hiệu quả, và tác động của các chính sách ưu đãi tiềm năng trước khi đưa ra các khuyến nghị cụ thể. Cần tăng phí thu gom bãi chôn lấp để hạn chế việc vứt bỏ rác thải nhựa.

Thiết lập yêu cầu cụ thể theo ngành để giúp tăng tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải nhựa

Việc thiếu các yêu cầu thu gom/thu hồi cụ thể theo ngành đối với ngành bao bì nhựa sử dụng cuối cùng dẫn đến việc thu gom nhựa được giao hoàn toàn cho lực lượng thị trường với tỷ lệ thu gom thấp. Điều này đặc biệt đúng đối với các sản phẩm hậu tiêu dùng không dễ thu gom và có giá trị thị trường thấp. Cần quy định các mục tiêu thu gom có tính bắt buộc cho ngành bao bì sau khi tham vấn ý kiến trong ngành. Việc thiết kế và triển khai các mô hình kinh tế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và xác định các mục tiêu thu gom bắt buộc không nên mang tính mệnh lệnh mà nên dựa trên tham vấn với ngành bao bì và xem xét các điều kiện của địa phương. Điều này đảm bảo các khoản tiền thu được từ ngành vẫn thuộc quyền sử dụng của ngành này để thực hiện các can thiệp cần thiết. Ngoài ra, các mục tiêu phải khuyến khích khả năng tái chế để được giảm phí trong mô hình kinh tế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để đẩy nhanh tiến độ.

Vũ Văn Hưng

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)