Tiếp nối các thành công từ những kỳ CIGOS
Từ năm 2010, với những thành công của 5 kỳ Hội thảo quốc tế liên tiếp, CIGOS đã tạo dựng được uy tín khoa học trên trường quốc tế. CIGOS được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng, có khả năng thúc đẩy những trao đổi chất lượng về phát triển mô hình lý thuyết và về ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực liên quan đến địa kỹ thuật, công trình và kết cấu xây dựng.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được thành lập cách đây hơn 70 năm, Trường có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải của đất nước. Cùng với hoạt động đào tạo, Nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh chuyên sâu, liên ngành với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước; tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế… Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự nghiệp “đi trước mở đường” của ngành và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với chủ đề “Các công nghệ và ứng dụng mới nổi cho cơ sở hạ tầng xanh”, CIGOS-2021 sẽ tiếp tục thành công từ những kỳ hội nghị trước để hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của sự phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các công nghệ mới trong việc lập kế hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Đây là một chủ đề có tầm chiến lược cho tất cả cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong nước và trên thế giới. CIGOS-2021 sẽ cung cấp một nền tảng quốc tế nơi các nhà nghiên cứu, học viên, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân có thể trình bày những đổi mới sáng tạo gần đây cũng như trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề khác nhau nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế có lợi, chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp cũng như phát triển hợp tác thể chế về nghiên cứu và giáo dục đại học.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực hạ tầng xanh
Theo ý kiến của các chuyên gia, hạ tầng xanh là mạng lưới các không gian xanh, mặt nước và cơ sở hạ tầng được kết nối để thực hiện chức năng như một hệ sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích cho con người. Ðây cũng là giải pháp hiệu quả về chi phí, có tính phục hồi cao trước ảnh hưởng của thời tiết và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Các giải pháp hạ tầng xanh đã được đề xuất và triển khai thành công ở nhiều nơi trên thế giới nhằm bổ trợ cho các công trình hạ tầng cứng, góp phần tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng ngập úng, đặc biệt do mưa. Lợi thế của các giải pháp hạ tầng xanh là tính linh hoạt, có thể dễ dàng điều chỉnh quy mô, thiết kế. Ðồng thời, có thể áp dụng ở nhiều cấp độ từ cộng đồng, hộ gia đình đến quy mô toàn thành phố. Bên cạnh đó, hạ tầng xanh còn tạo ra các giá trị cảnh quan, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, tạo đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội.
Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp (chiếm 18,38% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hàng năm). Trong đó, dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như quy hoạch giao thông gắn với phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi sử dụng năng lượng điện và khí nén tự nhiên, ứng dụng vật liệu mới trong kết cấu công trình… Tuy nhiên, phát triển giao thông xanh đang gặp phải những thách thức không nhỏ, liên quan tới các yếu tố đặc trưng của Việt Nam như nhu cầu đi lại đặc biệt lớn, thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục cần nguồn vốn lớn, mô hình đầu tư kết hợp nhà nước và tư nhân (PPP) còn nhiều vấn đề pháp lý cần tiếp tục được tháo gỡ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tuy đã có nhiều bước tiến nhưng thực tế còn cần tập trung nguồn lực hơn nữa.
Do đó, phát triển giao thông xanh là mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát triển giao thông xanh được định hướng vào các nhóm yếu tố: phát triển giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới, sử dụng năng lượng xanh cho phương tiện và sử dụng vật liệu xanh, công nghệ xanh cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển giao thông xanh và xem đó là một trong lĩnh vực chủ đạo trong phát triển bền vững. Ví dụ, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xe máy, người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng là chính... Nhiều thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuê với giá rẻ, tiện lợi. Nhiều nước phát triển đang dần thay thế ô tô sử dụng xăng bằng ô tô điện, hoặc sử dụng pin mặt trời… Gần đây nhất, thành phố Leeds, nằm ở phía Bắc nước Anh đã thử nghiệm miễn phí sử dụng xe đạp điện cho người tham gia giao thông nhằm khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân gây tổn hại môi trường sang sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Nhiều thành phố khác như Paris (Pháp) không dừng ở phát triển những hệ thống xe đạp điện tiên tiến mà còn thực hiện chương trình kích cầu sử dụng phương tiện công cộng, thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân…
GS Adnan Ibrahimbegovic - Trường Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp) cho rằng, phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững còn tương đối mới đối với Việt Nam, do đó cần có những nghiên cứu, tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của các quốc gia, chính quyền đô thị, các cơ quan, tổ chức trên thế giới để có thể triển khai, áp dụng tại Việt Nam, cả dưới góc độ chính sách, quy hoạch, kinh nghiệm quản lý đến khoa học và công nghệ, tài chính, con người…
Đồng tình với quan điểm trên, TS Tăng Anh Minh - AVSE Global nhấn mạnh, không gian xanh rất quan trọng đối với các hành động vì khí hậu, sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế và bình đẳng xã hội. Cả không gian xanh và giao thông xanh, an toàn có thể giúp các thành phố, các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, không gian xanh nên ở gần và có khả năng tiếp cận an toàn để bảo đảm chúng được sử dụng và xem xét một cách tích cực. An toàn giao thông cần được ưu tiên tích hợp vào quá trình lập kế hoạch và thiết kế của bất kỳ dự án phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng nào. Các công cụ toàn diện có thể được sử dụng để phát triển không gian xanh…
Phong Vũ