Thứ ba, 26/10/2021 10:30

Đào tạo nguồn nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL


PGS.TS Từ Diệp Công Thành

Trường Đại học Bạc Liêu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển nông nghiệp, song tác động từ BĐKH đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực này. Bài viết phân tích những ảnh hưởng của BĐKH tới sản xuất nông nghiệp cũng như đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Tác động của ĐBKH tới sản xuất nông nghiệp

BÐKH là vấn đề toàn cầu, không một vùng đất nào không bị tổn thương và cũng không một quốc gia nào đứng ngoài cuộc. Do điều kiện tự nhiên, Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH. Trong đó, lũ lụt và nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển, nhiệt độ tăng cao, hạn hán nghiêm trọng ở một số khu vực,… là những yếu tố tác động của BĐKH đến kinh tế nông nghiệp Việt Nam nói chung, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nói riêng.

Với diện tích khoảng 4 triệu ha, nằm ở hạ lưu sông Mekong, ĐBSCL là vựa lúa lớn, có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Trong những năm qua, khu vực này chịu tác động mạnh mẽ từ BĐKH khi thường xuyên bị sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; triều cường và bão mạnh ngày càng bất thường. Đặc biệt, dòng sông, con nước không được các quốc gia thượng nguồn sông Mekong chia sẻ một cách công bằng. Thực tế này đòi hỏi người dân của vùng đất Chín Rồng phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất để thích ứng. Đặc biệt, để hạn chế những tác động không mong muốn của BĐKH đến kinh tế nông nghiệp, cần nhận diện các yếu tố sau:

Một là, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL không còn khả năng canh tác.

Hai là, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì khu vực này thấp hơn so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm.

Ba là, nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, làm giảm năng suất của cây nông nghiệp.

Bốn là, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản. Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là những sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, nhưng ĐBSCL là một trong những khu vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn    thương nhất trước tác động của BĐKH. môi trường đất và nguồn nước

Năm là, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và hệ sinh thái. Do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái (đặc biệt là hệ sinh thái rừng) bị suy thoái nghiêm trọng. Quá trình xâm nhập mặn làm thay đổi môi trường đất và nguồn nước. Xâm nhập mặn ở mức độ cao có thể hủy diệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL. Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài, ảnh hưởng tới khả

 năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật…

Ngoài ra, nhiều ảnh hưởng gián tiếp từ BĐKH đã gây nên những tác động xấu, nhiều mặt, lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia và đến từng địa phương, đặc biệt là vùng ĐBSCL. 

Giải pháp thích ứng với BĐKH - Nhìn từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực

Có thể nói, nguồn nhân lực là lực lượng quan trọng của mỗi quốc gia, đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội... Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì ưu tiên hàng đầu là công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo bậc đại học và sau đại học. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ, biết vận dụng sáng tạo những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả nhất. Chính vì thế, trong các chủ trương, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, Đảng và Nhà nước đã xác định một trong những vấn đề mang tính chất quyết định là nguồn nhân lực. Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã yêu cầu ĐBSCL cần “đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.

Hiện nay, ở ĐBSCL đã hình thành nhiều trường đại học lớn như: Cần Thơ, Nam Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang... Đây là những cơ sở có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị cho quá trình phát triển khu vực. Ví dụ, chỉ riêng TP Cần Thơ đã có hệ thống đa dạng các trường đại học, viện nghiên cứu với trên 70 đơn vị và khoảng gần 8000 người tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL… Trong số đó, Trường Đại học Cần Thơ là cơ sở đào tạo trọng điểm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là nhân lực cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo còn ít, lại có khuynh hướng di cư về các địa phương ngoài vùng như miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh - nơi có cơ hội việc làm và thăng tiến cao hơn. Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL, nhiều địa phương trong khu vực đã xác định đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương cũng như toàn khu vực là một trong những chương trình trọng tâm giai đoạn 2020-2025.

Ðể phát triển bền vững ÐBSCL không thể thiếu những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực: Khoa học, tài chính, ngân hàng, xã hội và nhân văn, nông lâm - thủy sản... Thế mạnh của ÐBSCL là có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng điểm yếu là phần lớn chưa được đào tạo bài bản nên không phát huy được tiềm năng thế mạnh của vùng. Việc chưa giải quyết một cách khoa học và hợp lý vấn đề đào tạo nhân lực dẫn đến chưa phát huy được tiềm năng kinh tế của “vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây” lớn nhất cả nước. Vì vậy, nhằm đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, BĐKH nói riêng, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, phát triển năng lực tự đào tạo: Đối với các hoạt động phát triển nguồn nhân lực dài hạn, ĐBSCL nên tự có nguồn giảng viên, chuyên gia có khả năng giúp phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Việc tự đào tạo sẽ giúp tiết giảm chi phí và nhân rộng quy mô triển khai tại các tỉnh/thành phố trong khu vực. Đặc biệt, ĐBSCL cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngắn và dài hạn gắn với các mục tiêu liên quan đến BĐKH; tăng cường đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất cho giáo dục. Các cấp lãnh đạo cần quy hoạch các trung tâm đào tạo trọng điểm (Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Đại học Đồng Tháp…). Trên cơ sở đó đầu tư xứng tầm, liên tục theo định hướng, tiêu chuẩn bằng hoặc hơn các trung tâm đào tạo lớn của đất nước và khu vực.

Hai là, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nguồn nhân lực chất lượng cao ở ĐBSCL có điều kiện triển khai các hoạt động nghiên cứu - ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về BĐKH vào thực tế sản xuất.

Ba là, khuyến khích liên kết đào tạo: Cần khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, học thuật, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ đào tạo tiên tiến liên quan đến BĐKH với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước nhằm rút ngắn khoảng cách và chất lượng đào tạo. Đồng thời, tăng cường mô hình giáo dục và đào tạo giữa 3 bên (viện nghiên cứu - trường đại học - doanh nghiệp) theo đơn đặt hàng từ đơn vị sử dụng lao động. Các trường cần đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế lao động tại địa phương và hội nhập quốc tế.


*

*                *

Tóm lại, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như cả nước. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là bối cảnh của BĐKH, ĐBSCL phải phát huy mọi tiềm năng vốn có, không để tụt hậu trong thời kỳ hội nhập. Để làm được điều đó, ĐBSCL phải cùng lúc tiến hành nhiều nhiệm vụ khác nhau trong tổng thể các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách, phải bắt đầu từ phát triển nguồn nhân lực - chiến lược phát triển con người, đáp ứng yêu cầu thích ứng, ứng phó với BĐKH, hội nhập và phát triển. Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)